Cô giáo Quảng Trị truyền lửa trên đất Huế

1351

Thanh Túy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cái tin cô giáo Kim Hoa đã nghỉ hưu khiến tôi bàng hoàng suốt mấy tháng qua. Cái cảm giác hụt hẫng, hoang mang cứ bủa vây tâm trí tôi. Nghĩ đến chuyện mấy em nhỏ không còn cơ hội nghe cô giảng bài, tôi lại thấy xót xa, tiếc nuối. Mãi đến tận giây phút này trong tôi vẫn luôn day dứt: “Tại sao một cô giáo yêu nghề, hết lòng với nghề như cô giáo lại không ở lại với bục giảng, không tiếp tục truyền lửa cho lớp lớp trẻ nhỏ Hương Hồ chúng tôi?”. Nhưng trong phạm vi bài viết này tôi không bàn đến chuyện đó, điều tôi muốn là mời các bạn ngược dòng thời gian cùng tôi tìm hiểu về cô giáo đặc biệt này nhé!

Cô giáo của tôi tên đầy đủ là Phan Thị Kim Hoa. Cô sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị, miền quê của gió Lào cát trắng, của những con người bản lĩnh không chịu khuất phục trước gian nan, thử thách. Theo tôi được biết, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô giáo vào Huế theo học ngành Sư phạm Ngữ văn. Sau bốn năm đèn sách miệt mài, cô ra trường và ở lại Huế công tác. Cái duyên với Huế của người con gái Quảng Trị ấy thật mặn mà. Tình yêu mãnh liệt với người con trai đất Huế đã níu giữ cô trở thành cô giáo xứ Huế mộng mơ. Cô đã quyết định chọn Huế làm quê hương thứ hai của đời mình.


Ảnh minh họa.

Tính đến nay tôi biết cô cũng ngót gần mười năm. Mười năm, một con số không dài nhưng cũng đủ để tôi hiểu rõ về một con người. Nhớ lần đầu gặp cô, tôi còn là cậu bé ương bướng, khó dạy. Đó là năm tôi lên lớp Tám. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm giác mới mẻ, lạ lùng khi học tiết Văn đầu tiên do cô phụ trách. Trước đó, tôi là đứa rất ghét Văn. Giờ Ngữ văn với tôi nhạt nhẽo, buồn tẻ đến “chết” đi được. Lúc nào, tôi cũng đội tên trong giờ Sinh hoạt chỉ vì một lí do: “Bạn Trường là chuyên gia ngủ gật và không chép bài trong tiết Ngữ văn”. Vậy mà, tiết Văn đầu tiên do cô giáo Kim Hoa giảng đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Ngay từ phần giới thiệu bài, cô đã cuốn tôi tập trung vào bài học. Đến khi nghe cô đọc văn bản Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh, tôi càng thán phục hơn. Chất giọng cô khá đặc biệt: rắn mà vẫn nhẹ, cứng mà vẫn ấm. Cái chất giọng ấy cộng với chất văn thấm đẫm trữ tình của Thanh Tịnh đã đưa tôi trở về với những cảm xúc của ngày đầu tiên đến trường. Tôi như sống lại cái cảm giác hồi hộp, lo sợ đến phát khóc khi mẹ dẫn tôi vào lớp Một ngày nào. Cái cảm giác rát họng vì khóc nhiều khi xa mẹ tự dưng hiện về rõ ràng trong tôi lúc đó. Tôi tự hỏi: “Sao cô tài tình đến vậy? Sao chỉ bằng việc đọc vài dòng văn rồi phân tích vài điều về nó mà làm cho trái tim vốn khô khan, ương bướng của một thằng con trai lớn cũng chưa lớn, nhỏ cũng không còn nhỏ mềm nhũn hẳn ra?”. Tôi say sưa nghe cô phân tích bài văn. Tôi không còn thấy mí mắt sụp xuống như những tiết Văn trước đó… Rồi những giờ học kế tiếp, tôi chăm viết bài hơn. Thỉnh thoảng, tôi còn xung phong phát biểu ý kiến. Vở ghi bài của tôi không còn trống giấy nữa. Mấy đứa bạn trố mắt ngạc nhiên trước sự thay đổi của tôi. Trong giờ Sinh hoạt lớp, cô giáo chủ nhiệm khen tôi nức nở. Tôi thấy yêu đời kì lạ, thấy mỗi ngày đến trường quả là một ngày vui.

Cứ thế, một tuần, hai tuần,… và nhiều tuần kế tiếp, tôi trở thành trò ngoan trong mắt thầy cô giáo. Tôi chăm học hẳn ra, tôi nhận ra trong lòng tôi có chút gì thay đổi: tôi có cảm giác mong ngóng đến giờ Ngữ văn. Dần dần, tôi hiểu ý nghĩa của việc học Văn. Từ cách truyền đạt của cô giáo, tôi hiểu học Văn là học làm người; học Văn không chỉ tiếp nhận kiến thức để bổ sung sự hiểu biết mà học Văn còn để biết sống đúng, sống phải. Từng nhân vật trong mỗi tác phẩm văn học là một định hướng cho tôi biết mình nên sống thế nào. Đặc biệt với kiểu văn nghị luận trong phân môn tập làm văn, cô giáo đã cho tôi thấy, tuy nghị luận khô khan nhưng nó rất hữu ích nếu kĩ năng lập luận tốt sẽ giúp ta biết cách thuyết phục người nghe để đạt hiệu quả trong công việc. Hồi đó, tôi cũng chưa hiểu nhiều về những tác dụng của nghị luận nhưng tôi tin tưởng tuyệt đối lời cô bởi một điều đơn giản là hễ cô giáo nói ra điều gì thì không ai chối cãi được. Và bằng chứng rõ ràng nhất chính là tôi từ một đứa bướng bỉnh, nhát học, tôi đã thành “người” trước tài “nói” của cô.

Đúng vậy các bạn ạ! Từ khi được học với cô Kim Hoa, tôi không còn áp lực trong việc học hành. Tôi hiểu học không phải cho thầy cô, ba mẹ mà là cho bản thân mình. Tôi cũng không còn nặng nề khi nhận điểm kém nếu tôi đã cố gắng hết mình. Tôi cũng không còn ỷ lại, dựa dẫm trong những giờ kiểm tra. Thậm chí trong mọi sinh hoạt ở nhà, mẹ tôi không cần gọi tôi dậy mỗi sáng, ba tôi không cần giục tôi học bài mỗi tối… Tôi nhận ra mình cần có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh. Tất cả những thay đổi đó là nhờ vào sự hướng dẫn, dạy bảo của cô giáo. Điều tôi thích nhất ở cô là sau mỗi bài học, cô luôn liên hệ đến nhiều vấn đề khác liên quan trong cuộc sống mà điều đặc biệt là chúng phù hợp với tâm sinh lí của chúng tôi. Đó là lí do khiến tôi, từ một đứa ghét Văn thành kẻ yêu Văn. Tôi chờ đợi tiết Văn mỗi tuần để được nghe giọng nói nghiêm nghị mà ấm áp của cô, để được ngắm đôi bàn tay thoăn thoắt của cô lướt trên nền xanh của mặt bảng. Từng nét chữ của cô làm chiếc bảng trở nên đẹp hơn, có hồn hơn và làm tôi chăm chỉ viết bài hơn.

Cứ thế thời gian trôi qua, tôi trở nên nhu mì, dễ thương hơn trong mắt bạn bè. Mọi người yêu quý tôi. Giáo viên chủ nhiệm không còn lo lắng về tôi nữa. Đến đầu năm sau, tôi đầu quân trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 9 của trường THCS Hương Hồ (nay là trường THCS Huỳnh Đình Túc, phường Hương Hồ, thành phố Huế). Đội bồi dưỡng năm ấy gồm tám bạn, trong đó chỉ duy nhất tôi là con trai. Những giờ học bồi dưỡng tuy vất vả nhưng chúng giúp cô trò tôi hiểu nhau nhiều hơn. Những câu chuyện nhỏ trong các giờ giải lao cho tôi hiểu thêm về đời sống cá nhân của cô giáo. Nhà cô chỉ có hai mẹ con. Con gái độc nhất của cô giáo vừa xinh vừa chăm học. Năm tôi lớp Chín thì chị đã học Đại học năm thứ nhất khoa Pháp văn. Biết vậy, tôi càng khâm phục cô hơn. Một mình cô bươn chải, lo toan cuộc sống. Vừa là cô giáo dạy giỏi ở trường vừa là bà mẹ đảm đang ở nhà. Đó không phải là điều dễ dàng. Vô tình trong nhiều cuộc trò chuyện, tôi nhận ra, để có những bài dạy chu đáo, những lời nhận xét tỉ mỉ, kĩ càng trong những bài kiểm tra của chúng tôi mà không ảnh hưởng đến việc lo cho con gái, thì ngày nào cô giáo cũng dậy từ ba giờ sáng. Cô từng kể: “Lúc đầu chưa quen cô rất mệt, nhất là vào những sáng mùa đông giá rét. Cảm giác cứ muốn trùm chăn ôm con gái ngủ vùi nhưng nghĩ đến việc bao nhiêu bài dạy còn trăn trở, cô không tự cho phép mình nuông chiều bản thân. Thế nên, sáng nào cô cũng để chuông báo thức điểm ba giờ. Dần dần việc dậy sớm cũng trở thành thói quen. Nó không làm cô mệt mỏi nữa.” Hèn gì, những bài dạy trên lớp, những bài dạy bồi dưỡng và cả những bài dạy luyện thi vào lớp Mười luôn được cô chuẩn bị chu đáo, kĩ càng. Điều đó khiến tôi hiểu tại sao cô giáo lại nhớ giỏi, nói hay đến vậy. Mỗi ngày gặp cô, tôi biết thêm một điều mới mẻ. Chưa bao giờ, cô để lại trong tôi cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt.

Tôi cho rằng đó là lí do khiến chất lượng giảng dạy của cô giáo luôn đứng top đầu trường tôi. Năm đó, đội tuyển chúng tôi tham gia dự thi tám bạn thì cả tám đều có giải cấp Thị xã, nhỏ Vy đạt giải Nhì. Tôi cùng với nhỏ Linh và nhỏ Oanh đạt giải Ba. Còn lại bốn bạn: Duyên, Lành, Phương và Tuyền đều tiếc nuối ôm giải Khuyến khích về trình làng. Hình như cả trường đều ngưỡng mộ đội tuyển chúng tôi. Trong năm học 2013 – 2014, chúng tôi trở thành “những người có tiếng tăm” trong Phòng giáo dục Thị xã Hương Trà. Không tiếng tăm sao được các bạn nhỉ? Khi mà tám chiến binh ra trận đều oai hùng mang thành tích về cả tám. Sau đó trừ bốn bạn đạt giải Khuyến khích ở nhà, bốn chiến binh còn lại tiếp tục cuộc thi cấp Tỉnh (tất nhiên là có mặt tôi). Đội chúng tôi lại tiếp tục mang vinh dự về cho nhà trường: hai giải Ba cấp Tỉnh, là những hào quang lấp lánh động viên cho những ngày dài miệt mài viết lách của cô trò chúng tôi. Tuy chỉ có Vy và Oanh có giải nhưng tôi không bao giờ quên cái cảm giác sung sướng của cô trò khi hay tin hai bạn ấy ôm trọn giải Ba Ngữ văn của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2013 – 2014. Thật sự đó không phải là chuyện dễ dàng. Cô giáo chúng tôi thật cừ. Nhờ sự hướng dẫn của cô, chúng tôi được nếm trải hương vị của sự thành công…

Thời gian trôi qua, chúng tôi ra trường. Số lần gặp cô mỗi ngày ít đi nhưng năm nào, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, bọn chúng tôi đều kéo nhau đến nhà thăm cô giáo cùng ôn lại cái thời mộng mơ với những ước mơ cao đẹp. Một năm, hai năm, ba năm… Rồi chúng tôi lên Đại học, mỗi đứa mỗi trường, mỗi nghề, mỗi nghiệp, thời gian gặp nhau thật sự là khó. Có đôi lúc nhớ đến quay quắt cái thời áo trắng, cái thời vui buồn chợt đến chợt đi như nắng mưa mùa hạ, muốn tụ tập để lại được hồn nhiên bên bạn bè, được nũng nịu bên cô giáo nhưng thật sự chúng tôi không thể làm được. Và đột ngột thay, những ngày qua, tôi lại hay tin cô giáo của chúng tôi không còn đến lớp nữa. Cô giáo đã nghỉ hưu, nghỉ sớm trước năm năm. Một người tận tụy hết lòng vì học sinh, một người đam mê với nghề đến cháy bỏng, một người có thể thổi hồn vào những đứa vốn ghét văn chương như tôi, có thể truyền niềm đam mê văn chương cho một đứa như tôi, một người đã đưa biết bao chuyến đò chạm vào những cánh cổng trường danh giá trong tỉnh Thừa Thiên lại không còn tiếp tục đứng trên bục giảng nữa. Tôi nghe mà nhói cả tim mình. Tôi tiếc cho một tài năng, tiếc cho một tấm lòng. Tôi tiếc cho thế hệ trẻ Hương Hồ bỏ lỡ những năm năm…

“Cô giáo của em ơi! Nhất định sẽ có một ngày em trở về thăm cô, lắng lòng nghe lại giọng nói đặc biệt của cô, nghe những lời dạy dỗ thấm đầy triết lí nhân văn. Đặc biệt em muốn trực tiếp nghe cô giải bày câu hỏi: “Tại sao…?”

Huế, ngày 15 tháng 11năm 2021

T.T