Cô Hai Mỹ

797

Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thời khắc lịch sử Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975 có nhiều tấm ảnh có giá trị, lưu giữ tại các bảo tàng, phòng truyền thống, sách vở, phim ảnh và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Tấm ảnh cô Nhíp ngồi trên xe tăng dẫn đường cho bộ đội ta tiến vào Sài Gòn là một ví dụ.

Đó là tảng băng nổi giữa đại dương bao la. Còn nhiều tảng băng chìm như trầm tích ẩn sâu trong lòng đại dương, phủ đầy bụi thời gian ít ai biết đến, đã góp phần không nhỏ vào chiến công chung của toàn dân tộc trong Mùa Xuân đại thắng, mang đến hoà bình thống nhất cho dải đất hình chữ S thân thương này. Câu chuyện về cô Hai Mỹ ở Lái Thiêu (TP Thuận An tỉnh Bình Dương) là một ví dụ.


Cô Hai Mỹ đội nón tai bèo ngồi trên xe tăng hướng dẫn bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

Tôi gặp cô Hai Mỹ những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30 tháng 4 năm 1975). Lúc đó Hai Mỹ làm Bí thư Đảng uỷ xã Phú Long thị trấn Lái Thiêu tỉnh Sông Bé. Hỏi về kỷ niệm chiến tranh, Hai Mỹ cho tôi xem tấm ảnh. Đó là một cô gái có khuôn mặt rất Tây, mũi dọc dừa, mắt nâu, ngồi trên xe thiết giáp dẫn đầu đoàn xe bộ binh cơ giới tiến vào Sài Gòn.

Hỏi ra mới biết đó là Hai Mỹ, ngày 30 tháng 4 năm 1975 dẫn đường cho Trung đoàn Triệu Hải do đồng chí Nguyễn Huy Hiệu làm Trung đoàn trưởng tiến quân vào giải phóng Sài Gòn. Tôi reo lên:

– Sao bức ảnh này giống bức ảnh cô Nhíp đến thế?

Bí thư xã Phú Long cười hiền khô:

– Có gì đâu anh. Gặp tình huống ấy, ai cũng phải làm như thế thôi.

Ít lâu sau, tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Huy Hiệu, Tư lệnh Quân đoàn 1. Anh Hiệu cho tôi xem những bức ảnh lịch sử vào cuối chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có bức ảnh anh được bà Sáu Ngẫu (Huỳnh Thị Sáu) trao tấm bản đồ căn cứ địch ở Lái Thiêu và cả bức ảnh cô du kích ngồi trên xe dẫn đường cho đơn vị anh tiến vào Sài Gòn. Tướng Nguyễn Huy Hiệu xác nhận cô du kích ấy là Hai Mỹ.

Từ đó, mấy chục năm, từ lúc “bà má tham mưu“ Sáu Ngẫu của Trung đoàn 27 còn sống, mỗi lần Nguyễn Huy Hiệu vào công tác phía Nam, tôi đều có dịp đi cùng anh thăm lại chiến trường xưa.

Quen biết từ trước nên tình cảm giữa Hai Mỹ với chúng tôi càng thêm gắn bó, gần gũi. Mấy chục năm, không chờ anh Hiệu vào, có dịp chúng tôi lại kéo nhau lên Lái Thiêu thăm Hai Mỹ.

Cũng như số phận của những người lính sau chiến tranh, cuộc sống Hai Mỹ thăng trầm như cánh lục bình trên dòng Sông Bé quê hương của chị. Thôi không làm Bí thư xã, Hai Mỹ được điều động về làm giám đốc công ty lương thực huyện. Rồi khi đất nước đổi mới, mở cửa kinh tế, chị được phân công làm lãnh đạo công ty Du lịch của địa phương. Nết na, duyên dáng, trọng tình nghĩa, thâm niên công tác, nhưng bản tính ngay thẳng quá, đôi lúc công việc của Hai Mỹ không thuận buồm, xuôi gió. Tuy vậy chị vẫn kiên trì, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Điều mọi người ngạc nhiên là duyên dáng như thế, đảm đang như thế, bạn bè đông vui như thế, nhưng Hai Mỹ vẫn như “cây trúc xinh“ bên đình.

Có lúc tôi trộm nghĩ hay là Hai Mỹ “phải lòng”, hẹn non thề biển với ai đó chăng? Người ấy có phải là một trong những chiến sĩ của Trung đoàn Triệu Hải trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975?

Thời gian như dòng sông cuộn chảy. Người Trung đoàn trưởng trẻ tuổi năm xưa đã thành Sư đoàn trưởng, Quân đoàn trưởng, Phó Tổng Tham mưu trưởng rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiều chàng trai trẻ của Trung đoàn 27 ngày ấy cũng thế. Mỗi người một hoàn cảnh, làm ăn, lấy vợ sinh con… Chỉ có Hai Mỹ vẫn như xưa, đơn chiếc, lặng lẽ âm thầm nơi mảnh đất Lái Thiêu, chiến trường xưa của Trung đoàn Triệu Hải.

Cuối tháng 4 năm 2021, nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Liên lạc Truyền thống Trung đoàn 27 tại TP HCM và Miền Đông Nam Bộ phối hợp cùng địa phương khánh thành tượng “bà má tham mưu Trung đoàn“ (bà Huỳnh Thị Sáu) người cùng tổ công tác thời khắc lịch sử ấy với Hai Mỹ. Rợp trời cờ hoa với những bài ca cách mạng truyền thống. Người ta nói nhiều đến bà má tham mưu, nói đến cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Triệu Hải… Nhưng ít ai biết đến cô du kích Lái Thiêu xinh đẹp một thời đã dẫn đường cho bộ đội vào đánh chiếm cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn.

Âm thầm, lặng lẽ như đã từng như thế, trong ngày lễ này, Hai Mỹ đảm nhiệm vai hậu cần. Bà chỉ dạy các con làm đồ ăn thật ngon, thật sạch để đãi khách. Tôi kéo Hai Mỹ ra chụp ảnh lưu niệm trước tượng bà Sáu Ngẫu. Dưới bóng cây Bồ Đề sum suê do Thượng tướng Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu tặng, tôi thấy Hai Mỹ cười mà như sắp khóc. Khóc vì nhớ kỷ niệm một thời hay khóc vì hạnh phúc của ngày gặp lại?!


Hai Mỹ cùng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.


Hai Mỹ và nhà văn Trần Thế Tuyển.

Lái Thiêu, trưa 29/4/2021
T.T.T