Khi tôi nhắc đến tên anh: N D N có lẽ nhiều thầy cô giáo đã từng về giảng dạy vùng biển Vinh Hiền thời hậu chiến sẽ không thể quên anh. Đó là “người nông dân“ (theo cách nói về mình của anh) sản xuất ở địa phương. Anh luôn đón tiếp giáo viên đến vùng này công tác với một tấm lòng mến khách, cũng như những người dân địa phương nơi đây luôn quý trọng bởi họ tâm niệm: Thầy cô giáo là những người góp phần khai trí cho con em mình có được nền tảng kiến thức những năm phổ thông để vào đời hay bước tiếp các bậc học cao hơn.
Mỗi đợt đón giáo viên mới, các thầy cô chân ướt, chân ráo tới địa phương, trước tiên được anh đón tiếp. Nhà anh ở gần trường. Về nhà vợ anh, chị H nấu những bữa cơm thân mật đón tiếp thầy cô. Thông qua đó, họ có dịp tìm hiểu tình hình đặc điểm địa bàn, dân cư sinh sống và các học trò của mình để từ đó chuẩn bị tâm thế cho việc dạy học, hòa nhập và sinh sống ở nơi đây. Thời gian công tác dài ngắn tùy sự phân công công tác của tổ chức cũng như sự yêu nghề gắn bó với vùng đất này.
Nhà văn Hoàng Thị Bích Hà
Trở lại với “người nông dân”. Anh là bạn học thời Quốc học với chồng tôi. Đối với bạn bè anh luôn chân tình cởi mở. Bạn bè dẫu mỗi người mỗi tính nhưng với ai anh cũng dung hòa chơi được hết! Anh có gương mặt phúc hậu, tính tình điềm đạm nho nhã và có nụ cười rất hiền. Anh xuất thân con nhà khá giả. Từ thời ông nội của anh là ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Cơ man nào là ruộng, năm 1975 sung vào công quỹ để chia đều lại cho dân. Gia đình ông nội của anh chỉ giữ lại mảnh vườn cuối cùng khoảng 6 sào tương đương với 3000m2 (theo cách tính của Trung bộ). Khi lập gia đình, anh đã từng dựng lại nhà trên nền đó, nhưng rồi với những nhu cầu mưu sinh anh phải đứt ruột bán đi với giá chỉ 1,3 cây vàng thời đó.
Anh học xong Quốc học, phải lòng cô gái cùng quê, Chị H nhỏ hơn anh vài tuổi. Đám cưới được cử hành. Cô dâu 19 tuổi hạnh phúc bên chồng. Đó là một mối tình thật đẹp, hiếm thấy. Anh chị yêu thương nhau một khối tình phải nói là bất biến. Hơn 40 năm chung sống, vẫn mãi là một tình yêu chung thủy và mặn nồng như buổi đầu gặp gỡ. Tôi đã từng nghe đâu đó người ta nói rằng: “Không thể có tình yêu vĩnh cửu mà chỉ có những giây phút vĩnh cữu của tình yêu”. Tôi nửa tin nửa ngờ. Điều đó có thể chưa hoàn toàn đúng nhưng có lẽ cũng không sai cho đến lúc gặp anh chị, có dịp giao lưu chuyện trò, về thăm gia đình anh chị thì tôi mới ngỡ ra rằng câu nói đó chưa hoàn toàn chính xác. Có đúng chăng thì chỉ với một số người hay đó chỉ là những lời biện hộ cho những mối tình chóng vánh hay những người tham đó bỏ đăng, đứng núi này trông núi nọ.
Câu chuyện của anh, tôi ngưỡng mộ vì hai điều: Một là tình yêu vĩnh cửu với người vợ tào khang. Từ thuở đôi mươi đến nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, vài năm nữa là bước vào tuổi thất thập rồi! Hai mái đầu bạc phơ vẫn yêu thương nhau – một tình yêu không hề suy giảm. Bên chị anh vẫn nói những lời ấm áp ngọt ngào. Anh vẫn dành cho vợ sự chăm sóc đặc biệt. Chị là một người vợ hiền đúng nghĩa. Anh chị có tất cả sáu đứa con: hai trai, bốn gái. Khi thấy tình hình ở quê nhà những năm hậu chiến, (thời bao cấp) làm ăn có vẻ khó khăn- con đông, gánh nặng áo cơm đòi hỏi người cha như anh phải dấn thân tha phương mưu sinh khi tuổi đời không còn trẻ nữa. Tôi đặc biệt nể anh trước một quyết định thay đổi lớn. Bản thân chúng tôi khi son trẻ, chứ lúc đã tay bồng tay bế thì việc tha phương là điều không dám mạo hiểm. Lúc đó anh chị đã có năm đứa con. Anh một mình vào Sài Gòn học nghề, lúc đầu anh học nghề may mặc, may gia công, sau đó cắt may hàng đồng phục mẫu giáo và hàng thể thao cho các trường ngoại tỉnh. Vẽ nghệ thuật áo dài. Anh tâm niệm muốn phát triển sự nghiệp, làm chủ một cơ sở gì đó mình phải rành, phải giỏi về chuyên môn mới có thể đứng ra làm chủ một xưởng sản xuất chẳng hạn.
Thế rồi đến năm 1994 anh ra Huế đem cả gia thê gồm vợ với 5 đứa con dắt díu nhau vào Sài Gòn làm ăn. Những năm đầu còn ở nhà thuê. Dành dụm được bao nhiêu anh đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị phục vụ cho công việc của mình và thợ thầy. Vào đây anh chị sinh thêm được bé út, vậy là cả thảy sáu đứa. Con đông quá, nên người Sài Gòn vùng anh ở quen đặt cho biệt danh là “Ông đông con”. Khi anh đem vợ con vào sống ở Sài Gòn, năm đứa con thì đứa nhỏ nhất mới hai tuổi. Các cháu thích nghi tốt. Bây giờ ra ngoài học hành hay công chuyện thì các cháu nói giọng Nam, còn về nhà nói chuyện với ba mẹ và bà con bạn bè của gia đình thì nói giọng Huế. Chỉ có cháu út sinh ra ở Sài Gòn thì cháu chỉ nói một giọng duy nhất là giọng Sài Gòn thôi. Khi theo cha mẹ vào nam hai cháu lớn mới học xong cấp 2 phải nghỉ học để làm phụ ba mẹ nuôi em ăn học. Ba đứa vào đại học và cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp đứa thì làm cho công ty Nhật, đứa thì làm ngân hàng, đứa mở công ty kinh doanh và sản xuất giày dép, tuyển thêm thợ từ quê nhà, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Có đứa buôn bán cũng giỏi. Anh chị em dìu dắt nhau để làm ăn. Bây giờ tất cả các con đều vững vàng, có nhà cửa, công ăn viêc làm ổn định và nuôi dạy các cháu thế hệ thứ ba rất tốt. Trên hết vì các cháu đã được đào tạo từ một nền tảng gia đình rất căn bản. Vì vậy dù làm nhân viên văn phòng, công ty nước ngoài hay tự kinh doanh các cháu đều thành công mỹ mãn. Sáu đứa con anh, đứa nào cũng mặt mũi khôi ngô tuấn tú và ngoan, dâu rể đàng hoàng, các cháu nội ngoại sum vầy. Đó là niềm hạnh phúc không gì bằng của các bậc làm cha làm mẹ.
Đầu tháng 4/2022 vợ chồng tôi về thăm gia đình anh chị vào dịp sinh nhật lần thứ 66 của anh. Chúng tôi có buổi họp mặt hàn huyên vui vẻ, ấm cúng bên nhau. Anh chị đối với nhau “tương kính như tân” quả là tình yêu không có tuổi. Tuổi hai mươi hay khi đầu đã bạc có khác gì nhau khi họ sống vì nhau thì tình ấy bất biến cùng năm tháng.
Các con của anh chị đều rất ngoan và hiếu thảo. Tôi chưa có dịp gặp đủ hết các cháu nhưng qua câu chuyện của anh chị thì tôi đã hình dung được sự thành công trong nuôi dạy con cái của anh. Và anh chị quả thực là những người làm cha làm mẹ tuyệt vời, hạnh phúc!
Anh chị kể: “Mấy cháu bảo ba mẹ cứ đi chơi vui vẻ đi đâu được thì cứ đi. Chứ đến khi già yếu có muốn đi cũng không được”! Và dĩ nhiên là các cháu luôn tạo điều kiện để ba mẹ sống vui và có ý nghĩa. Sau những năm tháng làm ăn anh tạo dựng được căn nhà mặt tiền ở quận Bình Tân rộng rãi, thoáng mát. Có đủ công năng sử dụng. Tôi thích nhất là cái sân thượng chỉ với khoảng 16 m2 nhưng xinh xắn của gia đình anh. Ở đây anh có một bộ bàn ghế ngồi uống trà mỗi sáng, tiếp bạn bè ở đây. Nhìn khoảng sân thượng của anh tôi như thấy một vòm trời Huế thu nhỏ. Cách bày trí mang đậm phong cách Huế. Bàn thờ ông bà tổ tiên ở phòng thờ nhìn ra sân thượng cũng được anh bày biện trang trí theo cách truyền thống của bất kỳ một gia đình người Huế nào. Với tủ thờ chạm khắc tinh xảo. Các bộ lư hương đồng đặt trước các bức ảnh ông bà lồng vào khung một cách trang nghiêm kính cẩn, ấm áp nhang đèn. Những cây cối anh mang từ Huế vào như cây mai vàng, cây khế ngọt, cây đinh lăng, cây hoa lài, những cây rau quen thuộc như rau ngót, rau lốt, các loại rau thơm, ngò gai, môn ngọt, lá dứa, v.v.. Những cây rau và gia vị trong chế biến món ăn hàng ngày không thể thiếu của người Huế. Tôi thích ngồi ở sân thượng ngắm các loại cây hoa và rau trái. Cảm giác yên bình thư thái như được trở về một góc Huế thân quen ở ngay tại Sài Gòn. Ở tầng trệt, anh để dành một diện tích khá lớn để mở một quán cho vợ chồng con trai cả bán bún Huế buổi sáng. Quán rất đông khách. Có lẽ trước hết vì tay nghề nấu ngon, lại có vị trí thuận lợi mặt tiền đường số 4, rất đắc địa. Khu dân cư sầm uất và đặc biệt là gần hai trường học. Đó là trường Phổ thông trung học Bình Hưng Hòa và trường tiểu học Lê Trọng tấn. Vì vậy Khách ghé ăn điểm tâm ở quán bún của gia đình anh ngày nào cũng đông. Các con anh được mẹ truyền dạy nấu bún bò Huế nêm nếm theo phong vị Huế thấm tháp. Buôn bán có tâm, kiểu chỉ lấy công làm lời. Trong lúc các quán bún Huế khác mỗi tô 40.000đ thì ở quán nhà anh mỗi tô chỉ 30.000đ (thời điểm tháng 4/2022). Chính vì thế mới 9 giờ sáng khi chúng tôi tới nơi đã thấy quán đã bán hết, các cháu đã dọn dẹp sạch sẽ quán xá đâu vào đấy.
Tôi nói:
– Các con buôn bán giỏi, mới 9 h mà hết hàng rồi!
Cháu trả lời:
– Dạ vì hôm qua mùng1, hôm nay mùng 2 đầu tháng nên họ ăn nhiều, còn bình thường có thể là thêm nửa tiếng nữa, khoảng 9h30 mới hết.
Tôi bảo cháu:
– Có lượng khách nhiều vậy, lần sau cứ sau rằm, mùng 1 các con làm thêm nhiều nhiều chút để phục vụ hết khách kẻo uổng.
Cháu nói:
-Dạ buổi sáng bán bún, chiều có công việc khác.
Mở quán mà có lượng khách ổn định là điều đáng mơ ước của những người kinh doanh mặt hàng ăn uống. Thành công đó có lẽ trước hết vì chất lượng và thái độ phục vụ, sau đó mới nghĩ đến có chút may mắn chăng!
Trưa hôm đó, cháu cả (con trai đầu của anh) chở chúng tôi ra nhà hàng Đồng Quê. Đó là một nhà hàng sang trọng tọa lạc trên mặt tiền đường Lê Trọng Tấn, quận Bình Tân. Mặt bằng rộng. Lượng khách buổi sáng không nhiều nhưng anh kể ban chiều và về đêm là đông nghịt. Nhìn bàn ghế sắp dọn nhiều và lượng nhân mặc đồng phục đông như vậy tôi hiểu ngay là phục vụ lượng khách mỗi ngày không hề nhỏ. Các nhân viên mặc đồng phục sơ mi trắng, váy đen bó sát người, sang trọng và lịch sự. Chúng tôi ngồi phòng Vip vừa đủ để nói chuyện. Trong phòng bố trí một nhân viên trẻ phục vụ cho việc rót bia và chêm đá. Món ăn ngon, nêm nấu thấm thía. Chúng tôi có cảm giác nấu nướng cứ như phong vị Huế vậy. Anh mới hỏi cô nhân viên:
-Chủ nhà hàng người Huế hay người Sài Gòn vậy?
Em nói:
-Ông chủ người sài Gòn.
À ra thế! Chủ người Sài Gòn nhưng khi tiếp khách Huế thì họ (nhanh nhạy khi nhìn thực khách) nêm nấu cho hợp vị. Câu chuyện hàn huyên lâu lâu nhân ngày sinh nhật anh N D N diễn ra vui vẻ, ấm cúng. Đó là một kỷ niệm đẹp của chúng tôi. Anh và chồng tôi là những người bạn học thời phổ thông. Tình bạn ấy vui buồn có nhau. Các anh trân trọng, gìn giữ từ tuổi thiếu niên cho đến nay khi những mái đầu đã bạc ngồi bên nhau không hề thay đổi.
Anh nói:
-Tụi mình gặp nhau được là cứ vui chưa biết ngày mai sẽ ra sao. Không có điều gì là nói trước được. Nên cứ có dịp hội ngộ là cứ vui cái đã, đời còn mấy dịp vui là điều không ai đoán trước được!
Câu nói của anh làm tôi nhớ lại mấy câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương:
“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/Lợi danh như áng mây chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời…”
Sài Gòn, ngày 03/4/2022
Hoàng Thị Bích Hà