Có một thế hệ mới của văn chương Bình Định

1183

Lê Hoài Lương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hãy hình dung, trên cánh đồng văn chương Bình Định, không chỉ trung tâm Quy Nhơn mà mùa màng nở rộ, đều khắp, thậm chí núi rừng Kà Bưng, Canh Liên huyện Vân Canh cũng lằng lặng góp đóa hoa lạ với sắc thái riêng, độc đáo.

Nhà văn Lê Hoài Lương

1. Tháng 9. 2016, tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ chín ở Hà Nội, Bình Định có hai đại biểu được mời tham dự: Trương Công Tưởng và Lê Văn Đồng. Đáng chú ý là lần này, Ban sáng tác trẻ của Hội Nhà văn mời trực tiếp các đại biểu chứ không do Hội địa phương cử như các lần trước. Tức là những sáng tác, lan tỏa của các cây bút trẻ phạm vi toàn quốc tự giới thiệu họ. Nếu theo độ tuổi quy định không quá 35, thời điểm này Bình Định có đến gần chục cây bút trẻ đủ điều kiện tham dự Hội nghị văn trẻ 5 năm một lần này. Kể vậy để gợi lại 2 lần hội nghị toàn quốc trước đó, chúng ta chỉ cử được cây bút Đào Thị Quý Thanh trong độ tuổi: văn chương Bình Định đã “già đi” đến sốt ruột.

Vậy thế hệ trẻ tài năng, tràn đầy sức sáng tạo mấy năm qua ở đâu ra? Họ đến từ mọi vùng miền trong tỉnh. Có thể kể: Khổng Vĩnh An Vi, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Trần Văn Thiên, Phong Linh, Lê Văn Linh, Nguyễn Lê Thu An… (Quy Nhơn), Mỹ Tiên (Tuy Phước), Vân Phi (An Nhơn), Phạm Quyên Chi, Nguyễn Văn Bút, Trần Thị Tuyết Mai, Trần Thị Hân (Phù Cát), Lê Văn Đồng (Phù Mỹ), Trương Công Tưởng (Hoài Ân), Nguyễn Anh Nhật (An Lão), Vân Canh có cây bút nữ người Ba Na: Thiên Nga Sô Zuôn… Hãy hình dung, trên cánh đồng văn chương Bình Định, không chỉ trung tâm Quy Nhơn mà mùa màng nở rộ, đều khắp, thậm chí núi rừng Kà Bưng, Canh Liên huyện Vân Canh cũng lằng lặng góp đóa hoa lạ với sắc thái riêng, độc đáo.

Và, về căn bản, họ góp mặt vào văn chương Bình Định bằng con đường không thể bài bản hơn: từ những trại sáng tác trẻ hàng năm. Đúng là hàng năm, từ 2014 đến nay, 2018, đã là lần thứ 5 Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định mở đều đặn các Trại sáng tác Văn học nghệ thuật trẻ vào mùa hè. Cái mùa học sinh, sinh viên nghỉ học. Trại sáng tác trẻ cũng một số tỉnh thành tổ chức, nhưng duy trì đều đặn hàng năm như Bình Định thì rất hiếm.

Từ náo nức lần đầu túi xách về dự trại, được sự đọc góp ý, động viên khuyến khích của các cây bút có nhiều thành tựu sáng tác, đến tự tin mạnh dạn thể hiện những cá tính, tìm tòi mới, các cây bút trẻ đã có tiến bộ vượt bậc. Tạp chí Văn nghệ Bình Định duy trì thường xuyên mục “Sáng tác trẻ”, các báo, tạp chí khác cũng đăng tải nhiều: một không khí quá thuận lợi cho việc thể hiện đam mê và sáng tác văn học. Gần chục cây bút trẻ đã được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Và nhiều hội viên trẻ được tham dự các trại sáng tác dài hơi hơn ở Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đà Lạt. Thậm chí các hội viên: Trương Công Tưởng, Lê Văn Đồng còn được mời tham dự Trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Vài năm nay, nhiều tác giả trẻ xuất hiện khá thường xuyên trên các diễn đàn văn chương lớn cả nước như Văn Nghệ, Văn nghệ quân đội: Trương Công Tưởng, Vân Phi, Lê Văn Đồng, Mỹ Tiên, Trần Văn Thiên, Trần Thị Tuyết Mai… Chưa kể những báo, tạp chí có uy tín văn học khác như Tiền Phong chủ nhật, Sông Hương…

 

Các bạn trẻ chụp hình lưu niệm tại Trại sáng tác trẻ Bình Định năm 2017

2. Thế hệ mới của văn chương Bình Định mà chúng tôi giới thiệu trong tập sách này thuộc lứa tuổi đang học phổ thông, đại học và vừa xong đại học, có việc làm hoặc còn thất nghiệp. Vài người còn học phổ thông: Trần Thị Hân khi dự trại viết học lớp 8, in các truyện ngắn ấn tượng lúc đang học cấp 2; Lê Văn Đồng, Trần Thị Tuyết Mai, Nguyễn Văn Bút, Nguyễn Anh Nhật, Trần Văn Thiên… có những chùm thơ, truyện khá ấn tượng khi đang học lớp 11. Ưu thế lớn nhất những người trẻ này là họ thật nhiều điều kiện, cơ hội để đọc. Những kiệt tác văn chương thế giới, những trào lưu, sáng tác mới, hiện đại, không chỉ sách in, còn mênh mang trên các trang văn chương mạng. Kiến thức giúp họ tự tin, khơi gợi trong họ những tư duy nghệ thuật mới.

Điều đáng mừng ở những cây bút trẻ là, mỗi người mỗi vẻ, họ bộc lộ năng lực sáng tác của mình khá phong phú, từ đề tài đến phong cách, nghệ thuật.

Trương Công Tưởng với hồn làng và những người thân đã dựng lên một miền nhân sinh nhiều khát khao, quẫy cựa, một bức bối vượt thoát trĩu nặng thân phận, không cam chịu và… bất lực. Nhưng độ nén của câu chữ, ý tưởng luôn chấp chới một hy vọng. Cho đời, cho thơ. Vân Phi dung dị những tự sự, những quan sát cuộc sống nhiều tinh tế, nhân hậu, sẻ chia. Có lúc tựa vào văn hóa quê hương, có khi bắt chợp những khoảnh khắc trong muôn màu người và việc, Vân Phi luôn trải lòng bằng chất thơ nồng nhiệt. Những vấn đề, những câu chuyện, sự và đời ào đến với bạn đọc, hăm hở, tinh khôi.

Trần Văn Thiên khá đặc sắc ở ngôn ngữ, hình ảnh thơ có khả năng ảo hóa, chuyển dịch mỹ cảm bất ngờ, khơi gợi vẻ đẹp thơ trong tiếp nhận. Một phần siêu thực, một ít duy mỹ, đôi khi tư biện, thoảng vị triết lý, Trần Văn Thiên gây bất ngờ từ những bài thơ đầu tay. Cây bút trẻ mới vào đại học này còn tiến xa với độ trải nghiệm và tài hoa câu chữ, diễn đạt.

Nguyễn Văn Bút lạ với những suy tưởng và ngôn ngữ thơ giàu sức biểu cảm, trường liên tưởng rộng. Lê Văn Linh ngọt và đằm những xúc cảm trữ tình khơi vơi, đôi khi nhuốm chất ngang tàng, lữ thứ. Khổng Vĩnh An Vi ổn định mảng thơ tình nhẹ nhàng, vận dụng cách cảm, cách nghĩ dân dã khá nhuần nhuyễn, đọng lại bởi nét duyên riêng.

Phạm Quyên Chi ào ạt, mãnh liệt với một năng lượng dường như vô tận. Cây bút thơ nữ này nhanh chóng tạo dấu ấn với phong cách thơ hiện đại và ngồn ngộn chất liệu đời sống nối tiếp nhau tràn ngập mạch thơ, nhiều khi dữ dội, bạo liệt, xô lệch, phá vỡ cả tứ thơ ảo, mỏng mảnh ban đầu. Lối diễn đạt với liên tưởng táo bạo tạo xúc cảm mạnh về ngổn ngang những khám phá, cả khám phá chính mình. Không cần nhắc tới mảng thơ tân hình thức hàng chục bài in đó đây, Phạm Quyên Chi là cây bút đầy bản lĩnh, đang khẳng định mình mạnh mẽ.
Lê Văn Đồng chắc nghề, kiến văn rộng, vượt trội ở những tìm tòi về đề tài, tư duy nghệ thuật; tứ thơ vững chãi, sâu sắc những suy nghiệm. Cây bút này đã thực sự trưởng thành, và là nguồn lực của văn chương tỉnh nhà.

Ở mảng văn xuôi, Nguyễn Đặng Thùy Trang khởi phát từ những truyện ngắn không mấy chú tâm đến cốt truyện nhưng lung linh những khám phá mỗi tối sáng hồn người. Những phân thân, nhòa nhập vai các nhân vật, xóa mờ lằn ranh không gian, thời gian đôi khi khó tiếp nhận nếu quen đọc lối truyền thống, nhưng bù lại, từng lát cắt đời sống khá tinh tế, sắc nét, đọng lại như những vẻ đẹp của văn chương. Cây bút này vẫn không ngừng tìm tòi về tứ truyện, xây dựng kết cấu mới trên nền tảng ổn định văn phong hiện đại.

Nguyễn Thị Mỹ Tiên khá gần với Nguyễn Đặng Thùy Trang những mảng văn đẹp, tinh tế nhưng tuyến truyện mạch lạc hơn. Sự mạch lạc này cũng không hẳn ưu thế nếu diễn biến truyện rề rà, lan man, tham lam những cảm, tả. Truyện ngắn có tứ truyện tốt, kết cấu chặt, Mỹ Tiên viết khá thành công. Cả 2 cây bút nữ này còn hạn chế giống nhau ở vốn sống. Ở mảng thơ, Mỹ Tiên mạnh về cảm xúc. Cuộc đùa đẩy miên man ngôn từ và hình ảnh thơ bật ra những đoạn, câu hay, ấn tượng. Nếu điềm tĩnh đọc lại và tiết chế những phần chưa đắt, thơ Mỹ Tiên còn hay hơn.

Nguyễn Anh Nhật là cây bút văn xuôi già dặn bất ngờ khi viết những truyện ngắn “Chạy duyên”, “Nhà xác” lúc đang học lớp 11. Truyện hiện đại từ kết cấu đến văn phong. Cây bút trẻ này đọc nhiều, nhất là mảng văn học hiện đại phương Tây, nên văn tinh và hoạt, biến hóa, lời thoại khá hay. Còn rất trẻ nhưng Nguyễn Anh Nhật đã rất vững nghề và chắc chắn còn đi xa trong làng văn.

Trần Thị Tuyết Mai viết chưa nhiều nhưng ngay từ những truyện ngắn đầu tay lúc đang học THPT đã rất ấn tượng về tứ truyện, hành văn, tâm lý nhân vật. Kỹ thuật kết cấu đồng hiện phá vỡ lối cũ tuyến tính cũng được vận dụng nhuần nhuyễn. Nếu cây bút nữ này tiếp tục cầm bút hẳn sẽ là một gương mặt văn xuôi đáng hy vọng.
Em gái Tuyết Mai, Trần Thị Hân dự Trại sáng tác khi đang học lớp 8. Và thật ngạc nhiên, chỉ với 2 truyện ngắn được in Biển ơi và Quyên, Hân đã rất chững chạc một cây bút văn xuôi từ nội dụng đến cách hành văn, kết cấu, lời thoại, tâm lý nhân vật. Thử đọc một đoạn trong Biển ơi: “Trời nóng hầm hập, tiếng muỗi vo ve trong góc tối và tiếng mèo kêu. Não nề quá thể. Chị vẫn vậy, mỗi chiều rảnh rỗi, kể chuyện cho chúng tôi nghe. Những câu chuyện quá đỗi quen thuộc, tôi cũng đã nghe quen, những câu chuyện ngắt quãng, những câu chuyện cũ xì và bám bụi. Những câu chuyện ấy, chị lấy về từ lòng biển, bâng quơ thương nhớ. Những câu chuyện ấy, rứt ra từ cái tuổi thơ trầy trật, bầy hầy của chị. Tuổi thơ đen ngấy. Tuổi thơ chẳng khác mấy tôi”. Tâm trạng, tâm lý nhân vật như vậy được viết bởi cô học sinh chưa hết cấp 2 quả là bất ngờ. Bạn đọc hãy đọc lại truyện ngắn của cây bút mới sinh năm 2003 sẽ thấy khá hoàn hảo.

Với 2 chị em gái người Cát Hiệp, Phù Cát này, mọi thứ chỉ là khởi đầu. Nhưng tố chất văn chương đã hiển lộ. Rất đáng chờ xem.
Đáng chú ý nữa là Thiên Nga Sô Zuôn, cây bút người Ba Na. Học hành dang dở chưa hết cấp 2, lại ở tít tận làng Kà Bưng, Canh Liên, Vân Canh, không có sách báo, hàng ngày chỉ sinh hoạt kiếm sống như người làng, cây bút nữ là một phát hiện của Văn nghệ Bình Định. Thiên Nga làm thơ, viết truyện. Những truyện ngắn khai thác mảng tập tục người miền núi, những hủ tục và nhận thức tăm tối nhiều khi thành tội ác. Cả những đổi thay thời “kinh tế thị trường” len đến tận làng với bao hệ lụy. Cây bút nữ đặc biệt này đang nỗ lực tự vượt và góp một sắc thái riêng đáng quý.

Góp mặt vào những trang văn trẻ chung mấy năm qua còn có Phong Linh, Nguyễn Lê Thu An, Phạm Ngọc Yến Anh… bước đầu đã bộc lộ năng khiếu sáng tác. Trần Thị Hồng Xuân, Nguyễn Thị Bích Phượng, Nguyễn Vũ Hồng Khương, Lê Thị Cẩm Tú, Lê Hứa Huyền Trân… đang thử sức với văn chương. Niềm yêu thích thực sự, tài năng và độ trường lực còn chờ họ khẳng định thời gian tới.

3. Mỗi thời một khác không so sánh được. Nhưng chắc chắn điều vui: Bình Định đang có một thế hệ tài năng mới, trẻ trung, tràn đầy năng lượng. Nguồn mạch chưa bao giờ cạn kiệt của truyền thống văn chương đáng tự hào của tỉnh nhà gặp tâm huyết và cách đầu tư đúng hướng của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định mấy năm qua, đã cho kết quả trông thấy.

Còn nhiều thử thách dành cho các bạn trẻ trên con đường văn chương trước mắt. Rồi sẽ có sự sàng lọc khắc nghiệt của công chúng, thời gian. Đi xa tới đâu là ý chí, tài năng của từng người.

Trước mắt, xin được trân trọng chào mừng các bạn, những người xứng đáng sắp tới đây xìa vai gánh tiếp gánh văn chương nhọc nhằn và vinh quang, không chỉ riêng Bình Định.