Có một Vĩnh Long trọn vẹn những chân thành

681

03.7.2017-23:30

NVTPHCM- Trương Mỹ Ngọc là cây bút sinh viên trong vòng nửa năm qua đã hai lần được tham gia cùng đoàn của Hội Nhà văn TP.HCM về giao lưu với đơn vị kết nghĩa là Trường Đại học Cửu Long ở Vĩnh Long. Với tư cách đại biểu chính thức Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ IV, sau chuyến giao lưu tại Vĩnh Long mới đây Trương Mỹ Ngọc đã ghi lại cảm xúc của mình… 

 

 

Mọi vùng đất, mọi cuộc hành trình đều sẽ đi qua vì chúng ta luôn nhìn bằng mắt. Duy chỉ có cuộc hành trình lưu giữ bằng trái tim là vẫn luôn ở lại cùng ta.

 

Tôi là một người con của vùng đất miền Tây, vùng đất ngọt ngào quanh năm bồi đắp phù sa trù phú. Thế nên, lúc nhận được lời mời đi Vĩnh Long từ Hội Nhà văn TP.HCM, thú thật là tôi đã không cảm thấy quá hào hứng như một số bạn khác, bởi lẽ Vĩnh Long là một nơi không lạ, là một nơi gắn liền với những chuyến đi suốt thời thơ ấu của tôi. Nhưng rồi, khi xe vừa lăn bánh đến khuôn viên Trường Đại học Cửu Long, tôi biết mình đã lầm.

 

Tôi lầm vì đã không háo hức, không nôn nao khi đón tiếp tôi là một đoàn người đứng trước dãy nhà khách, trên gương mặt đong đầy những niềm thương, nỗi chờ mong và hết thảy những chân thành in hằn lên từng ánh mắt. Tôi lầm vì cứ ngỡ đây chỉ là những chuyến hành trình được đo bằng những nẻo đường dài ngắn, bằng những vòng xe lăn bánh nhịp nhàng, bằng mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe để chờ đến đích…

 

Cả hai lần tôi đến với Trường Đại học Cửu Long ở Vĩnh Long thì trọn vẹn cảm xúc của tôi đều là những tha thiết, thân thương không vơi cạn bao giờ!

 Vũ điệu dân tộc của du học sinh Lào tại Đại học Cửu Long

 Vở múa tự biên tự diễn của sinh viên Đại học Cửu Long

Tấn Phước – sinh viên ĐH Cửu Long đọc thơ

 

Những ngày tôi ở Vĩnh Long, được quý thầy cô trong Đại học Cửu Long tiếp đãi nồng hậu, làm cho trang nhật ký tuổi trẻ tôi thêm đầy ắp kỷ niệm không thể nào phai nhạt. Đó là những ngày quý thầy cô và các cô chú anh chị trong Hội Nhà văn TP.HCM ân cần hỏi thăm tình hình học tập của chúng tôi, lắng nghe từng vần thơ vụng về mà tôi viết, đồng thời tạo điều kiện thuật lợi nhất, khuyến khích chúng tôi sáng tạo, làm thơ và sống trọn với những đam mê của chính mình.

 

Còn hơn cả cuộc hành trình, cả hai chuyến đi đến Đại học Cửu Long – Vĩnh Long thật đặc biệt khi mỗi người đến đó đều thu nhận vào hành trang của mình bao nhiêu là thứ, bao nhiêu là tin yêu trĩu nặng ngọt ngào. Tôi vẫn nhớ những giây phút được ngồi ở hội trường, nghe các bạn sinh viên và thầy cô của Đại học Cửu Long đọc những vần thơ chất phác, chân thành nhất. Có lẽ hiệu trưởng nhà trường là một nhà thơ nên đã khơi dậy nguồn cảm hứng thi ca, vẻ đẹp nhân văn cho ngôi trường bề thế này của miền Tây sông nước.

 

Tôi vẫn nhớ những ngày được tâm sự, được sẻ chia với mọi người về mơ ước của riêng mình, mơ ước của một người trẻ chuẩn bị bước vào đời với đầy khát khao sáng tạo và cống hiến. Và tôi vẫn nhớ lúc cả đoàn rời Vĩnh Long sang Cần Thơ để cùng lênh đênh chợ nổi Phong Điền trên con thuyền chất đầy yêu thương nhìn ra là mênh mông sông nước và bao la mây trời. Mà trời thì chưa bao giờ xanh như vậy, như những ngày tôi đã ở đây…

Trương Mỹ Ngọc đọc thơ Phương Huyền và Trương Trọng Nghĩa cùng giao lưu

 

Hai chuyến giao lưu ở Đại học Cửu Long, nhất là chuyến đi mới đây trong chương trình Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ IV, đã làm cho quyển nhật ký tuổi trẻ tôi dày thêm, và nặng thêm bởi vì có rất nhiều nỗi nhớ niềm thương đã đọng lại đâu đó giữa bộn bề xuôi ngược. Để sau này, trên chặng đường cầm bút dọc ngang của mình, tôi vẫn luôn nhớ rằng đã có một Vĩnh Long chân thành và nồng hậu nhất trú ngụ hoài trong trái tim mình.

 

Cảm ơn Đại học Cửu Long – Vĩnh Long, cảm ơn những điều tuyệt vời nhất, những điều đầu tiên, những điều duy nhất đã ở lại cùng tôi đẹp như những giấc mơ…

 

TRƯƠNG MỸ NGỌC

 

>> Chùm thơ Trương Mỹ Ngọc

>> Vì sao tôi chọn thơ và sứ mệnh của thơ

 

>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…