Có một vùng nông thôn cổ tích

637

Nguyễn Đăng Hà

(Đọc Nhà văn về làng – Tập truyện ngắn của Lê Lâm – Nxb Quân đội nhân dân – 2018)

(Vanchuongphuongnam.vn)16 truyện ngắn trong tập Nhà văn về làng – Nxb Quân đội nhân dân – 2018, tác giả ít viết chuyện hậu chiến mà kể chuyện ngày hôm nay, ngay bên ngoài cửa sổ một vùng quê nào đó mà nhà văn đang dừng chân, cũng phải thôi, đã xa rồi những năm chiến tranh. Tất nhiên với tên gọi như vậy, có nhiều chuyện về làng quê, một làng quê đã thay đổi, đâu đó có khi còn phảng phất “cái đêm hôm ấy đêm gì” nếu không kịp thời ngăn chặn.

Nhà văn Lê Lâm

Nhà thơ Lê Lâm vốn quen biết qua những bài thơ viết trong chiến tranh, hình ảnh rừng khộp trong thơ anh làm nhớ một thời chiến trận đầy hào hùng và lãng mạn, đọc “Cơn mưa bất chợt” lại nghĩ về đồng đội của anh, những sinh viên mặc áo lính ra chiến trường. Lê Lâm còn viết bộ tiểu thuyết năm tập về thời hậu chiến.

Lần này anh cho ra mắt 16 truyện ngắn trong tập Nhà văn về làng – Nxb Quân đội nhân dân – 2018.  Trong sách tác giả ít viết chuyện hậu chiến mà kể chuyện ngày hôm nay, ngay bên ngoài cửa sổ một vùng quê nào đó mà nhà văn đang dừng chân, cũng phải thôi, đã xa rồi những năm chiến tranh. Tất nhiên với tên gọi như vậy, có nhiều chuyện về làng quê, một làng quê đã thay đổi, đâu đó có khi còn phảng phất “cái đêm hôm ấy đêm gì” nếu không kịp thời ngăn chặn.

Cuốn sách còn có những đề tài khác, nội dung khác, vượt ra ngoài cái cổng làng (đáng lẽ phải “lũy tre làng” nhưng còn đâu hình ảnh đó), tất thảy là những câu chuyện hấp dẫn người đọc, tôi đã đọc mà không rời ra được.

Trong 16 truyện ngắn của Lê Lâm chỉ có một truyện xảy ra ở thành phố, bối cảnh và nhân vật câu chuyện đó như tiếp nối mấy cuốn tiểu thuyết đã xuất bản nói trên. Chuyện xảy ra ở một cơ quan quản người theo kiểu “tám giờ vàng ngọc”. Nhân vật chính làm công việc trình bày sách, vẽ minh họa cho các phụ bản và làm bìa. Anh có một thói quen làm việc buổi trưa ở một trạm xe buýt gần cơ quan. Nhưng mối quan hệ công việc giữa anh với giám đốc không hề cởi mở. Ngay chuyện buổi trưa của anh,  “Tuyên đã vào trong trí nhớ của những người tài xế, không phải ngẫu nhiên. Chính “nhà xe” phát hiện ra anh chàng đội mũ nan này là người không phải chờ xe tuyến của họ cũng chẳng phải chờ xe của ai cả”. Điều “bí mật” buổi trưa được viết trong truyện Khách không rời bến là một truyện được viết gọn, súc tích.

Những truyện còn lại trong cuốn sách đều đề cập tới nông thôn, hoặc chỉ xuất phát từ nông thôn hoặc ở ngay chính những vùng “nông thôn mới” nhưng không phải đã hoàn hảo nếu không nói còn nhiều chuyện phải bàn.

Cũng có hai truyện liên quan đến các thầy giáo: Thầy giáo dạy sử và Đối sách. Trong truyện Thầy giáo dạy sử, tác giả nêu lên vấn đề thời sự hiện nay, đó là tại sao học sinh ít ham thích học môn Lịch sử. Truyện đã cho ta một câu trả lời, chính những người thầy, cuộc đời những người thầy và cách truyền đạt kiến thức quyết định sự ham thích cho học sinh, trong trường hợp này là môn Lịch sử.

Người thầy trong truyện “có một kho chuyện tưởng như vô tận”, “Có lẽ thầy thật sự đã thành một pho tư liệu sống, những người như Nam luôn háo hức muốn nghe. Nhiều thứ chưa sách vở nào ghi chép cả”. Về cách học môn Lịch sử, “thầy bảo về đọc kỹ trong sách, cần ghi lại những điều cốt yếu và phải nhớ sự kiện. Học sử không nhớ được sự kiện cũng có thể coi như chưa học”.

Nhân vật chính trong Đối sách là một tổng biên tập (tên là Lũy), vốn trước đây là một học trò lười nhác. Người thầy dạy năm xưa nhận xét về anh với một đồng nghiệp cùng cơ quan anh: “Chính Lũy là người luôn độc đoán bất chấp luật lệ, lại nhẫn tâm trong đối xử với người khác trong đó có Tính. Ông thầy giáo già cũng nhận ra lỗi của mình trong việc giáo dục đã không kịp thời, như người ta nói khi măng không uốn để tre cho già là thế đấy! Ông cũng dành cho Tính những lời như với người học trò cũ của mình:

– Cuộc đời nó công bằng lắm anh ạ. Người biết ăn ở thì lại gặp những người biết ăn ở thôi. Vấn đề là con người ta sống phải theo đạo nghĩa và phải biết đối sách anh ạ!”.

Tuy bối cảnh trong cuốn sách chủ yếu ở vùng quê hiện tại nhưng phảng phất cuộc chiến tranh vẫn còn trong vài truyện. Đó là,  Chiến tranh đã qua rồi. Bắt gặp nơi đây câu chuyện cảm động về hai ngôi mộ của hai người yêu nhau. Những bí ẩn được giải đáp bằng cuốn nhật ký của một trong hai người, may mắn dược tìm đọc.

Truyện Rồi anh sẽ trở về là câu chuyện hoàn toàn thời chiến. Một tình huống éo le khó xử lý, cô gái chủ nhà muốn có một đứa con với người lính sắp ra mặt trận. Người lính lại coi đó là một sự tàn nhẫn với phụ nữ? Sau chiến tranh anh trở lại tìm người phụ nữ đó nhưng cuộc đời thật trớ trêu, “Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương”. Truyện gần giống như Màu tím hoa sim bằng văn xuôi vậy.

Chưa kịp yêu cũng về đề tài chiến tranh. Chúng ta được đưa trở lại những năm thời chiến, lúc đó sinh viên cũng đặt ra kỷ luật không được yêu đương trong thời gian học tập. Do vậy người lính sinh viên khi ngã xuống nơi chiến trường vẫn “chưa kịp yêu”. Những người làm nhiệm vụ đó (kiểm soát việc “yêu đương”) nghĩ lại cảm thấy như có lỗi, nhưng tự an ủi, kẻ đáng trách là chiến tranh!

Còn truyện Hoa mưng vẫn đỏ nói về mối tình của Hoan và Lạc, một mối tình nảy nở từ tuổi thơ, cây mưng chứng kiến mọi thăng trầm của cuộc đời họ. Không những vậy trước đó nhiều năm, ông nội của Lạc đã đem cây mưng từ Bắc vào trồng ở quê anh ở miền Trung…

Chuyện tham nhũng không chỉ ở những người quyền cao mà ở địa phương, người được giao “phụ trách cái gì về nông thôn mới của xã” cũng dính vào. Rồi cuộc đời anh ta tuột dốc, dù có người cha khuyên bảo, có người vợ luôn thương yêu chồng. Cuối cùng chỉ vì chữ OK! trên tin nhắn của cha mình, với anh ta chữ đó chỉ có nghĩa là bao cao su, nên đã có hành động gây án…

Hoàn lương là một câu chuyện về một cô gái sau mười năm ở tù được trở về với gia đình. Truyện cũng lý giải sự “hợp lý” để dẫn một cô gái xinh đẹp vướng vào vòng lao lý. Truyện Vòng tay bốc lửa dẫn ra một trường hợp không phải hiếm gặp, một nhà báo nữ mở một câu lạc bộ, “phòng văn” với nhiều mục đích, vừa tăng thu nhập, vừa là nơi giao lưu giữa những người thích văn chương. Nhưng kết cục của nó không như người chủ mong đợi.

Truyện Chạy thi chỉ là chuyện đùa nghịch của hai anh em nhưng đúng là “cái sảy nảy cái ung”, từ chuyện trong gia đình lại làm ảnh hưởng kết quả thi đấu của lớp học.

Có vẻ như ba truyện Nhà văn về làng, Về quê, Lại về quê cũ được tác giả viết về cùng một vùng quê nào đó ở miền Trung?

Truyện Nhà văn về làng mô tả thực trạng nông thôn qua câu chuyện của ông Vượng, về quê sinh sống quanh bà con thân thuộc. Ấy vậy mà trồng cây xoan cũng bị nhổ đi, cây lớn thì bị đào cả gốc, muốn trồng rau cũng không được ủng hộ… Đúng là nông thôn ngày hôm nay không còn yên ả nữa…

Sau hơn sáu năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vùng quê trong truyện Về quê thực sự có nhiều thay đổi. Người ta nhắc lại chuyện không xưa lắm, và so sánh hơn thiệt “Chỉ riêng chuyện nông thôn không còn ngày ba tháng tám như hồi xưa nữa đã là tiến bộ rồi. Trong trí nhớ của ông, làng này có năm đến chín mươi phần trăm không có gạo ăn Tết”. Tuy nhiên thời nào cũng vậy, vì người ta bạc bẽo với đất, nên đất cũng không thể nồng hậu với người ngay trên vùng đất xưa cũ này. Và điều này còn nguy hại hơn, chính vì bạc với đất mà người ta vô tình bạc bẽo với nhau! Nết ăn nết ở nông thôn bây giờ không còn dấu vết thời các cụ để lại nữa. Cách xử sự ở nông thôn bây giờ cũng hoàn toàn khác hẳn.

Tuy vậy nông thôn có phải là nơi “đáng sống” hay không lại còn phụ thuộc từng hoàn cảnh. Truyện Lại về quê cũ có thể là bài học cho những người đã nghỉ hưu tham khảo. Một người sống ở thành phố 40, 50 năm, nghỉ hưu định về quê sinh sống. Ông đưa ra lý do “người già như người ta nói, cáo chết là quay đầu về núi”. Nhưng thực tại không như ông nghĩ, “Bước ra ngoài trời được một lúc, ông lại quay vào, tắt điện định đi ngủ, mà nằm xuống nào có ngủ nổi đâu, dù bữa ăn đầu tiên do ông tự chế biến, đúng giờ, lại theo đúng khẩu vị. Lúc này ông mới thấy cái câu nói của thằng cháu sao mà đi trước thời gian đến thế. Nó chẳng đã từng khuyên ông là phải có bàn tay phụ nữ chăm chút cho ông mới có thể sống ở quê được…”. Truyện còn đưa ra tình huống trớ trêu khác mà ông muốn tránh cũng không thể tránh…

Có thể nói Truyện Xe ôm đường núi là một truyện hay nhất của cuốn sách. Truyện kể về một trường hợp ít gặp trong cuộc đời, một người làm công việc biên tập trong chuyến công tác ở tỉnh biên giới đã di chuyển bằng xe ôm do một cô gái người dân tộc điều khiển. Cô vốn là một cô giáo chỉ chạy xe phụ kiếm tiền chi phí cho gia đình. Một câu chuyện thú vị giũa một cô gái khỏe mạnh, bạo dạn và một người đàn ông có phần rụt rè. Tôi chắc đọc truyện này, đàn ông sẽ hỏi địa chỉ và tìm đến vùng xa xôi để đi xe ôm của cô ấy…

Truyện Phó cối lại đưa ta trở lại một kỷ niệm xa cũ, như đưa trở lại vùng quê cổ tích. Chuyện kể về nghề đóng cối xay lúa, mà người làm nghề này trong truyện được kính nể, thậm chí có người tìm đến “làm vợ”, đúng với triết lý “một nghề cho chín hơn chín mười nghề”. Tôi muốn thêm vào đầu truyện này mấy chữ “Ngày xửa ngày xưa”.

Làm thơ – xây dụng tiểu thuyết – viết truyện ngắn, dường như Lê Lâm đã làm một hành trình ngược? Nhưng như một họa sĩ sơn dầu vẽ ký họa vậy, họ vẫn có thể trình làng những bức tranh thật sống động. Lê Lâm cũng vậy, nông thôn trong truyện của anh có những nét xưa cũ, có nhũng nét hiện đại của thời bây giờ. Ai muốn tìm hiểu về nông thôn ngày nay có thể tìm thấy trong cuốn sách này những khuôn mặt tiêu biểu, những tình huống tiêu biểu của một vùng quê đã thay đổi. Qua cuốn sách cũng tìm lại được một nông thôn cổ tích, khi đọc truyện đó chắc ai cũng muốn  thêm vào “Ngày xửa ngày xưa…”.

                                                                                          N.Đ.H