Có phải nhà văn Hemingway chết vì hoang tưởng?

652

Khi đại văn hào Mỹ Ernest Hemingway quyên sinh vào năm 1961, cả thế giới “sốc nặng”! Suốt hàng thập kỷ đã có khá nhiều giả thuyết xoay quanh những lý do thực sự phía sau việc này.


Văn hào Mỹ Ernest Hemingway

Một số người cho rằng nhà văn lâm vào túng bấn tiền bạc, số người khác lại nói rằng ông gặp trắc trở về hôn nhân, và cũng có những ý kiến bóng gió cho rằng ông có thể đã mắc bệnh ung thư.

Vào năm 2011, ông Aaron Edward Hotchner, người viết tiểu sử của nhà văn và cũng là bạn tri kỷ của Hemingway đã đưa ra lời giải thích nghe có vẻ khả thi nhất cho đến thời điểm này.

Theo ông Hotchner, văn hào Hemingway đã đối mặt với 2 thử thách lớn lúc cuối đời. Đầu tiên là có lời bàn ra tán vào rằng những năm tháng huy hoàng trong sự nghiệp văn chương của Hemingway đang sắp biến mất, và văn hào sẽ khó mà có thể “sản sinh” ra những tác phẩm văn học lừng lẫy như “Chuông nguyện hồn ai” (“For Whom The Bell Tolls”) hoặc “Mặt trời vẫn mọc” (“The Sun Also Rises”).

Hemingway từng có lúc thừa nhận với ông Hotchner rằng “tôi không thể hoàn thành sứ mạng cuối cùng với tư cách một nhà văn”, Hemingway cũng không quan tâm đến khái niệm “hưu trí”, văn hào cho rằng hưu trí là “vô bổ” đối với một nhà văn.

Thử thách thứ hai đã khiến Hemingway đi đến quyết định tước đoạt mạng sống mình, chính là ông luôn lo sợ bị FBI truy đuổi. Ông Hotchner nhớ lại có những lần do hoang tưởng bị FBI mò đến, nên Hemingway đã xách súng bắn vu vơ trong những năm cuối đời lúc ông sống ở khu resort biệt lập ở Ketchum (tiểu bang Idaho, Mỹ).

Ngay từ đầu năm 1959, dường như Hemingway luôn sống trong tâm trạng phập phồng lo lắng bởi ám ảnh rằng ông bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bám đuôi dựa trên căn cứ có ai đó đã làm hỏng ngôi nhà và xe hơi của nhà văn.

Trong lần trả lời phỏng vấn trên tờ The New York Times, ông Hotchner nhớ lại tình huống oái oăm khi ông đến thăm Hemingway ở Idaho cùng với Forrest “Duke” MacMullen (người bạn đi săn cũ của Hemingway). Đó là tháng 11 năm 1959, và ba người lên kế hoạch đi săn gà lôi. Lúc 2 người đến nhà Hemingway, họ thấy bộ dạng của “một lão già động rồ” kiểu như “bị ma ám” ở đó.

“Lão già điên” (Hemingway) có vẻ tức khí chửi đổng: “Chúng (ám chỉ FBI) nghe lén mọi thứ. Chưa hết, trong bữa ăn tối chung với hai vợ chồng nhà văn Hemingway, khi gần ăn xong thì văn hào nháy mắt bảo hai người bạn nhanh chóng đi sớm vì theo ông có 2 gã lạ hoắc đang ngồi ở bàn gần đó, họ là điệp viên liên bang”.

Tình hình khi đó rất căng thẳng và ảm đạm. Một tháng sau đó, văn hào Hemingway phải đi điều trị tâm thần tại Bệnh viện St.Mary’s ở Rochester (thuộc tiểu bang Minnesota), nhà văn phải dùng tên giả để tránh sự chú ý của công luận. Ở St.Mary’s, Hemingway đã trải qua 11 lần áp dụng liệu pháp điều trị sốc điện, thời đó nền y học tin rằng liệu pháp sốc điện có thể giúp chữa lành các bệnh nhân tâm thần. Dĩ nhiên điều trị như thế chỉ khiến cho bệnh tình trở nặng thêm.

Không đầy 2 năm sau đó, Hemingway đã kê khẩu súng vào đầu để kết thúc cuộc đời tươi đẹp nhưng bên trong lại chứa đầy sự hỗn loạn. Nhưng sau rốt đó có phải trọn vẹn mọi lý thuyết âm mưu phát xuất từ trí tưởng tượng của một nhà văn cao tuổi không? Liệu FBI có từng theo dõi Hemingway?

Hồi tháng Giêng năm 1983, một giáo sư tiếng Anh tại Đại học Colorado, ông Jeffrey Meyers, đã sử dụng Đạo luật tự do thông tin (FIA) để lấy được một tệp tài liệu dày 124 trang do FBI lưu giữ. GS Jeffrey Meyers đã khám phá một số điều về quá khứ của văn hào Hemingway rằng nhà văn đã giữ kín những bí mật ngay cả đối với các bạn bè thân thiết của mình. Là một người chống phát xít, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ II Hemingway đã thành lập một đơn vị tình báo nghiệp dư mà nhà văn gọi nó là “Nhà máy The Crook” với một mạng lưới các điệp viên trung thành với Hemingway, họ làm việc suốt ngày đêm, che giấu hành tung và mục tiêu và ngăn ngừa những kiều dân Tây Ban Nha thực hiện những ý đồ xa hơn.

Tham gia vào tổ chức tình báo này và đổi lại văn hào Hemingway nhận được mức lương hàng tháng là 1.000 USD và một số lượng lớn xăng (xăng dầu là mặt hàng khá khan hiếm vào thời chiến). Tuy nhiên, trong khi đại sứ quán Mỹ ở Cuba đang ủng hộ mạnh mẽ cho Hemingway vì những đóng góp của ông cho cuộc đấu tranh; thì một số nhân vật cốt cán trong FBI lại xem Hemingway là một thành phần thân cộng sản và vì thế đã bí mật lấy các báo cáo của nhà văn.

Vả lại, trong khoảng thời gian đó, Hemingway cũng bắt đầu phát triển chứng ác cảm đối với giới chức FBI (họ được giao nhiệm vụ giám sát các hoạt động của ông) khi văn hào gọi FBI là “Lực lượng kỵ binh sắt của Franco” và “hạng Đức Quốc xã tầm thường”. Sau khi Hemingway báo cáo về việc đã nhìn thấy tàu ngầm kẻ địch ở vùng biển Cuba, thì thông tin này lại không thể được xác nhận bởi các kênh chính thức, hoạt động tình báo của nhà văn bị đình chỉ, còn FBI tăng cường theo dõi Hemingway cùng những liên lạc của nhà văn với các cựu thành viên đảng Cộng hòa Tây Ban Nha.

Ngay cả J. Edgar Hoover (ông trùm FBI khi đó) cũng rất quan tâm đến nơi ở của Hemingway và tìm cách nhận diện nơi nào nhà văn hay ở trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II. Vì thế, các tập tài liệu về Hemingway đã được FBI giữ kín lúc nhà văn còn sống, và công bố ngày hôm nay cho công chúng xem. Có sự làm chứng cho rằng điện thoại của Hemingway bị nghe lén, còn các thông tin trong điện thoại đã bị giám sát. Bằng chứng chỉ ra rằng ngay cả điện thoại tại bệnh viện St. Mary’s cũng bị FBI giám sát nốt.

Theo Nguyễn Thanh Hải/Vanvn.vn