Cỏ tương tư – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

508

Anh về đốt hết tương tư thảo
Mà bóng người đi vẫn biệt tăm

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thu uể oải trên đường về nhà sau một ngày ròng rã ngồi ô tô hơn mấy mươi cây số, từ một huyện xa trở lại thành phố. Bóng hoàng hôn bãng lãng giăng phủ cả một không gian vùng sông nước. Nhìn từ xa, ngoại ô buồn với từng dãy nhà cửa san sát chen nhau bị che khuất bởi gốc cây sao già cằn cỗi, lấp lánh lóe sáng lên ánh huỳnh quang nhợt nhạt như ngọn đèn ma những đêm mưa nghĩa địa. Những mắt đèn thức giấc nơi đỉnh đầu cột điện chênh vênh xếp thẳng hàng bên bên lề phố như những anh lính nghiêm trang đứng gác giặc: “Thành phố buồn nhớ không em/ Nơi chúng mình tìm phút êm đềm…”

Tâm trí chợt thấy buồn, Thu nghe xa xa tiếng bom rơi đì đùng vọng lên từ rừng U Minh Thượng. Những quán xá ngột ngạt nực nồng hơi rượu của những anh lính viễn chinh và chiến sĩ cộng hoà mặc quân phục còn mờ phủ lớp khói bụi chiến trường vừa về từ những chiến trận miền xa. Những tiệm cà phê chật chội đắm chìm trong khói thuốc lá vẩn đục, lung linh huyễn hoặc trong sóng nhạc trữ tình du dương. Vũ trường Minh Tân ở bờ sông Cần Thơ, sàn nhảy thoát y dã chiến tại sân bay Trà Nóc. Những quán cà phê văn nghệ Thằng Cuội đường Pasteur, cà phê Sống ở đường Cống Quỳnh bên bờ sông Cái Khế là nơi hội tụ của thanh niên chưa tìm được lý tưởng và trí thức mẫn thế ưu thời. Trong thoáng chốc, sự đốt cháy thời gian trong sóng khói thuốc lá mịt mùng và không khí ăn chơi trác táng nơi quán khách khiến Tâm cảm thấy bàng hoàng nhớ lại bao kỷ niệm của những ngày ký vãng không xa.

Ngày ấy tốt nghiệp sư phạm, thương người bạn quê ở miền Trung có mẹ già, Thu đổi chỗ với nó về dạy trường trung học huyện Long Mỹ được ba năm. Trên chuyến xe đò chạy sớm chạy từ Tây Đô về Long Mỹ, Thu tình cờ gặp Hồng Hạnh – cô gái thợ may quê ở Cờ Đỏ. Thành phố Cầm Thi cách thị trấn Trà Ban – Long Mỹ chỉ hơn năm mươi cây số, nhưng cách trở truân chuyên như đường vào đất Thục. Lần nào lên gồi đợi chuyến nơi đường cây Bã Đậu, dù không nghiện, Thu cũng đốt thời gian gần hết nửa gói thuốc lá Salem mà nhiều người gọi vui từ các chữ gốc là “Sao anh lừa em mãi”. Thông lệ, khoảng năm giờ sáng, xe chạy qua Cái Tắc, Vĩnh Tường đến xế chiều cùng đường mới tới nhiệm sở. Ngồi gần nhau cùng băng trên ô tô với Hạnh, để quên đi quãng đường xa, Tâm tìm cách gợi chuyện :

– Cô đi Long Mỹ chắc có việc, nhà cô cách đây không xa chứ?

Cô gái tuổi đôi mươi, ăn mặc đàng hoàng, khuôn mặt sáng sủa dễ gần, vui vẻ trả lời Thu:

– Em là thợ may tên Hạnh, nhà ở Cờ Đỏ. Hôm nay em đi giao đồ may cho khách hàng. Còn anh là…?

– Dạ tôi là Thu, thầy giáo. Nhà tôi ở Cần Thơ, hôm nay đầu tháng, tôi xuống Long Mỹ dạy học tới cuối tháng thì về nhà.

Nhìn thẳng vào đôi mắt bồ câu của cô gái, Thu lịch sự trả lời. Qua chuyện trò, Thu mới biết ra Hạnh là em gái Cao Khắc Vĩnh, người bạn thân của anh hồi cả hai còn học Trung học Đệ Nhị cấp ở trường Phan Thanh Giản, Tây Đô.

Mòn mỏi vượt hơn năm mươi cây số trên con đường dài khúc khuỷu chông chênh, chiếc xe đò cà tàng đời cũ Lưu Thông khục khục lên mấy tiếng nghẹn rồi dừng hẳn, bỏ lại phía sau từng vệt khói mù xám xịt tan dần trong khoảng không gian miền quê.

– Tới Long Mỹ cùng đường rồi đó thầy giáo.

Chị hành khách bạn hàng trẻ tuổi ngồi băng sau, vui tính nói chuyện suốt trên xe, biết Tâm là thầy giáo đã mỉm cười nhắc khi anh đang nói chuyện với Hạnh.

Long Mỹ là một quận lẻ heo hút, buồn tênh lần đầu tiên trong đời Phong mới đặt chân đến. Còn gọi là Trà Ban Lớn, huyện Long Mỹ dạo ấy nối mạch giao thông với Cần Thơ bằng một hương lộ nhỏ, lởm chởm đá núi và lục cục đất nung. Người từ các nơi khác đến đây luôn có cảm giác gian nan như đường vào đất Thục.

Tại bến xe ọp ẹp, trông sang thị trấn quận lỵ, hành khách nhìn thấy nhà lồng chợ tiêu điều, nằm chênh vênh giữa mấy căn nhà tôn cũ, mái nhà thấp lè tè như ngủ yên trong không gian. Trung tâm thị xã gối đầu trên doi đất giao thoa mỗi năm giữa hai mùa nước lợ của dòng kênh Trà Ban thẳng tắp và con sông Cái Lớn hiền hòa từ biển Kiên Giang
chảy về. Mùa nước nổi dâng ngập bờ sông, tôm cá dập dềnh, theo dòng nước nườm nượp về trên sông. Sáng sớm chiều muộn, những đám rong rêu hồ hải xanh rờn và những giề lục bình lãng tử với sắc hoa cà tím lạt trôi lềnh bềnh trên mặt sông quê.
Về đất Long Mỹ làm nghề gõ đầu trẻ, Thu phụ trách môn Việt văn và Mỹ thuật. Không như vài thằng bạn hay nói vui:

– Mày theo ngành văn chương, làm thơ, viết văn là để cua gái.

Với Thu, yêu văn chương nghệ thuật là yêu quê hương. Thu quan niệm dạy văn là dạy tiếng mẹ, tiếng nói của quê hương, chứa đựng tình tự muôn đời của dân tộc. Dạy Mỹ thuật là hướng dẫn cho học sinh biết vẽ lên đường nét, sắc màu thắm tươi diễm lệ của non sông hoa gấm. Dạy Văn là dạy cho học trò những bài học về đạo lý làm người vì “Văn học là nhân học”. Là người của công việc, ngoài đứng lớp dạy văn chương và mỹ thuật, Tâm biên tập tờ báo Niềm tin in ronéo, thành một lập ban Văn nghệ học đường, đồng thời mở một lớp Võ thuật cho học sinh của trường theo đề nghị của Hiệu trưởng.

Hơn ba năm đứng lớp, miệt mài cầm phấn gắn bó với học trò,quan hệ tốt với đồng nghiệp ở một vùng sâu, Thu cảm nhận ra thêm lòng yêu tha thiết tuổi trẻ, yêu nghề ở một người gieo chữ được lòng cảm mến yêu thương của tất cả học sinh và phụ huynh. Trừ lớp võ thuật phải tạm ngưng vì có các anh công an cộng hòa gần trường bất ngờ xin vào học, công tác giảng dạy chuyên môn ở trường và các hoạt động văn nghệ báo chí Tâm đã hoàn thành tốt đẹp tại một thị trấn không đèn heo hút cách xa thành phố. Một hôm, vào đầu hè gần ngày kết thúc năm học, bỗng nhiên như đất bằng dậy sóng, Phong nghe tin có lệnh gọi trình diện đi học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức. Thu ăn ngủ không yên chỉ làm bạn ngày đêm với thuốc lá mà một nhà thơ đã ví von gọi nó là cỏ tương tư: “Anh về đốt hết tương tư thảo/ Mà bóng người đi vẫn biệt tăm”… Rồi không kèn không trống, trốn học sinh bè bạn, Thu âm thầm lánh mặt về thành phố. Trở lại Tây Đô, sống lầm lũi, Thu xa lánh bè bạn, người thân trong mặc cảm một thầy giáo dạy tư ở tình trạng bất phục tùng vì sợ họ bị liên lụy. Sau những bận rộn lo dạy thêm để trang trải về kinh tế, muốn vươn lên từ nghiệt ngã, Thu tranh thủ vào giảng đường Đại học Văn khoa, ngồi cặm cụi ghi bài học với các bạn sinh viên nhỏ tuổi hơn mình.

Sau gần mười năm sống nơm nớp lo sợ cảnh sát, vừa khỏi qua tuổi động viên, Thu làm đơn, viết thư xin với Nha Trung học ở Sài Gòn để được tiếp tục đi dạy học lại. Giám đốc Nha Trung học, thầy Đàm Xuân Thiều, nguyên là giáo sư của Thu ở trường Chu Văn An Sài Gòn còn nhớ anh là học trò giỏi môn Sử của mình đã cấp quyết định cho Thu về dạy giờ lại tại Trung học Cờ Đỏ. Vui mừng gặp lại người xưa tại thị trấn Thới Đông, Thu còn cảm thấy tâm hồn càng nồng ấm thăng hoa khiến Thu nhớ lại một thời hoạt động gan góc trong lòng địch của các nhà cách mạng Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Huỳnh Phan Hộ… với chi bộ đầu tiên tại đồn điền Cờ Đỏ trong thời chống Pháp.

Thị trấn Thới Đông ngày ấy gọi là Thuận Trung (Cần Thơ) – khu chợ huyện nằm cheo leo trên doi đất giữa ngả ba sông Cờ Đỏ và con Kinh Đứng thẳng tắp, nơi giao thoa của hai dòng nước sắc màu dị biệt. Đứng một mình trên chiếc cầu gỗ cũ bắc chênh vênh qua hai bờ sông nhà cửa san sát bên mé chợ, rít sâu một hơi thuốc lá, Thu lơ đễnh nhìn dòng nước sông mùa hạ trong vắt như ánh mắt long lanh của cô thôn nữ dậy thì đang vo gạo trên bến sông. Xa hơn chút là chiếc thuyền chài: Bến nước em ngồi đan bạch ngọc/ Vương vương mười ngón vạt tơ đầy/ Cho mây hồ hải quên trăng gió/ Ngư phư chùng dây lỡ nhịp chài.

Con sông quê êm đềm cắt một vạch dài thẳng tắp như lưỡi kiếm sắc hướng về xóm lưới Ba Vàm. Tả ngạn sông là khu hành chánh huyện uy nghi chễm chệ đối diện với dãy trường trung học hiền lành nằm bên hữu ngạn trông về Bảy Núi. Xa dần khỏi chợ quận trù mật là thành Miên và dấu ấn ngạo nghễ của lẫm lúa Cờ Đỏ như mồ ma thằng thực dân Pháp với cột khói xi măng cũ cao nghệu lỗ chỗ vết thời gian chọc thẳng lên trời xanh mà có lần Thu đã mỉa mai ví von nó là biểu tượng của tháp Chàm ở miền Trung.
Giữa biển lúa mênh mông, đêm Thới Đông buồn vạn cổ với tiếng nhạc ngũ âm dìu dặt từ thành Miên mang mang vọng về gác trọ. Ngồi một mình bên của sổ lầu cao, Thu cảm thấy chạnh lòng trong không giai lập lòe chói mắt ánh sáng hỏa châu tiếng bom đì đùng vọng lại từ Tịnh Biên, núi Cấm. Đã không ít lần trong cuộc đời, Thu vẫn biết
thuốc lá là mầm mống dễ gây ra bệnh ác, nhưng mỗi lần có tâm sự, anh vẫn ngồi đốt thuốc lá hết gói này qua gói nọ. Đã có không ít văn nghệ sĩ nghiện phong cách hay hay giàu tính lãng mạn vốn được xem là biểu tượng của tư duy này nhất là được ngồi phun khói bên tách cà phê, ly bia nơi quán rượu: Cầm cọ, pha sơn những quét sầu/ Gam buồn phủ lạnh áng tranh nâu/ Thuốc tàn, rược cạn, cà phê hết/ Nét vẽ chưa nên, màu nhạt màu…/ Sưởi lòng không thuốc, cà phê đắng/ Vọng mỹ nhân hề, thiên nhất phương (Ngũ Lang).

Với Thu, thực tế, anh chỉ cầm điếu thuốc ở tay đôi khi khá lâu rồi đưa vào môi mấp máp qua loa để cho anh suy nghĩ. Nhiều người bạn thân biết rõ Thu hút thuốc lá như để làm dáng, một cái cớ giúp kéo dài thời gian tư duy sáng tác khi thấy anh ngồi một mình bên giá vẽ hay trước laptop nên không ngại lên tiếng:

– Mày chỉ đốt tiền. Sao không hít sâu cho đã!

Thu không cãi lại do biết bạn yêu mình nói lẫy. Tự thân Thu dứt khoát bỏ hẳn thuốc lá. Trong thâm tâm, Thu còn muốn tìm cách khuyên bạn tránh xa dần chất độc âm thầm làm chết người này. Xa rời hẳn một thói quen có hại là phì phà thuốc lá. Loại cỏ tương tư này được coi như một bệ phóng dọn đường dần đưa bạn vào không gian bốn bức tường đỗ, một mầm mống của bệnh ung thư còn nguy hiểm hơn dịch bệnh Covid-19 đã làm điêu đứng cả loài người trên thế giới từ hơn nửa năm qua.

N.T