Cỏ xanh – Hồn các anh xanh  

512

Lê Xuân

Nhân kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sĩ – 27/7

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày thương binh, liệt sĩ lại đến, tôi nghĩ về biết bao chiến sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do mà nay vẫn còn nằm lại với cỏ cây rừng già nơi chiến trường năm xưa dãi dầu mưa nắng. Hình như có một nhịp cầu linh cảm của tôi với các anh khi bắt gặp bài thơ “Lời ru ngọn cỏ” của nhà thơ quân đội – đại tá Bùi Văn Bồng. Và, tôi muốn mượn bài thơ này làm một nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Ảnh minh họa – Nguồn internet 

Cùng với Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Trịnh Anh Đạt… Bùi Văn Bồng là một trong những người con của xứ Thanh viết lục bát nhuần nhụy và tự nhiên như hương đồng gió nội. Là một người lính đã từng gắn bó nhiều với rừng với cỏ, nên hình tượng “cỏ” cứ ám ảnh, cứ trăn trở ở nhiều bài thơ của anh. Nào là “Cỏ tràn xanh thương nhớ với đời”, “Cỏ níu lại ấm nồng giọt nắng”, “Cỏ xanh da diết chiều mây trắng”, “Hoa cỏ ánh lên bảy sắc cầu vồng” (Bảy sắc cầu vồng). Nào là “Lòng nhớ quê rối bời rau cỏ” (Hoa muống làng quê), “Khói hương trong gió cỏ rưng rưng” (Thiếu phụ ngõ vắng), hay “Bâng khuâng đồi cỏ héo hon” (Cánh rừng năm ấy đâu rồi). Nhưng hồn cỏ lung linh nhất, máu thịt nhất, vẫy gọi và hát ca nồng thắm nhất kết tinh lại ở Lời ru ngọn cỏ – một bài thơ có tứ độc đáo. Cỏ được nhân hóa làm lời ru vỗ yên giấc ngủ ngàn năm của người lính dưới mộ:

Cỏ xanh bên mộ khẽ ru

Rừng xa biên giới chiều thu nắng vàng

Dấu chân quy tập muộn màng

Mộ còn nằm với cỏ hoang rừng già.

Hai câu lục bát mở đầu được ngắt theo nhịp 4/2, 4/4 như lời thầm thì, khe khẽ của cỏ theo bước chân nhẹ nhàng của những động đội đi tìm mộ các anh. Không gian mở ra ở cánh rừng già biên giới, thời gian khép lại trong ánh chiều thu gợi buồn. “cỏ hoang” và “rừng già” đã bao năm chở che anh trong lòng đất Mẹ. Cỏ đã hát lời ru:

Nơi đây nhiều cỏ ít hoa

Hãy say giấc ngủ như là tuổi xanh

Bao năm vững bước quân hành

Lá rừng vẫy gió rung cành ngụy trang

Giờ đây giữa cánh rừng hoang

Hồn thiêng khao khát khói nhang trong chiều.

Lời ru làm hiện lên hình ảnh người chiến sĩ năm nào xuyên rừng lội suối, reo vui với mỗi bước quân hành. Ở nơi nhiều cỏ ít hoa này, hồn thiêng tử sĩ vẫn khát khao hơi ấm của đồng đội, khát khao khói nhang giữa rừng già hoang vắng. Ta như thấy đâu đây các anh vẫn đang đi “rung lá ngụy trang” với gió đèo. Các anh vẫn nằm ngủ giữa bạt ngàn rừng xanh Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hay bên kia biên giới nước bạn Lào, Campuchia? Tác giả đã tạo được mối giao cảm giữa những người đang sống và hồn các anh đã khuất trong cảnh chiều thu:

Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu

Để cho lá cỏ xanh theo hồn người.

Các từ láy “xiên xiên”, “xiêu xiêu” làm cho câu thơ nên họa, nên nhạc và mang được điểm sáng thẩm mỹ của cả bài, làm thấp thoáng trước mắt ta hồn thiêng các chiến sĩ đang phiêu diêu nơi trần thế. Cái ánh vàng “xiên xiên” khi chiều sắp tắt và ngọn gió “xiêu xiêu” mở ra một cõi mộng giữa cõi thực, như có sự thần giao cách cảm giữa hai cõi âm dương. Dưới cảm quan nghệ thuật của nhà thơ, cỏ vẫn xanh theo hồn người, chứ không “Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” như cỏ trên mộ Đạm Tiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cỏ xanh, hồn các anh xanh? Đó là sự bất tử. Màu xanh của cỏ làm ta gợi nhớ đến màu xanh áo lính, một màu xanh chắc khỏe, bền đẹp. Trong nắng chiều sắp tắt, sương đang rơi, nhưng người đọc lại cảm thấy ánh lên sự kỳ diệu của con tim phát sáng :

Đọng ngưng từng hạt sương rơi

Là khi lá cỏ gọi đời lên xanh

Người hy sinh đất hồi sinh

Trái tim hóa ngọc lung linh đất trời.

Lối tiểu đối bằng lặp từ “người hy sinh/ đất hồi sinh” một lần nữa khẳng định sự bất tử của hồn thiêng người lính. Sự hy sinh của các anh là một sự bồi đắp, hồi sinh cho dân tộc. Chất ngọc đáng quý được kết tinh từ máu của người chiến sĩ như ánh sáng mặt trời, như trăng sao không bao giờ tắt. Nhà thơ Bùi Văn Bồng cùng “đồng điệu” với nhà thơ Tố Hữu khi viết về sự bất tử của con người qua hình ảnh “trái tim”. Trong bài “Mẹ Tơm”, Tố Hữu viết: “Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”.

Lời ru là nắng ấm, là tiếng lòng thương yêu, thổn thức, ngậm ngùi đến muôn đời của những người đang sống. Câu lục được ngắt làm hai theo nhịp 4/2 và xuống dòng, như một tiếng nấc nghẹn:

Lời ru ấm nắng.

Người ơi!

Dù là ngọn cỏ tận nơi cuối trời

Thương đau ru đến muôn đời

Và xanh, xanh mãi để lời ru êm.

Kết thúc bài thơ là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu sắc đối với những ai chưa làm tròn bổn phận đối với các liệt sĩ:

Cho dù ai đó lãng quên

Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người.

Ngọn cỏ làng quê ngày đêm ru hồn các liệt sĩ trong các cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Bài thơ gợi trong ta một nỗi buồn man mát nhưng không bi lụy. Hồn thơ đi vào lòng người, làm toát lên niềm thương cảm và biết ơn của mỗi chúng ta với các liệt sĩ. Âm hưởng lạc quan và bi tráng là nét nhạc chủ đạo toát lên ở mỗi vần thơ của anh. Cỏ trong thơ Bùi Văn Bồng là màu xanh bất tận, là sự chở che, là tiếng ru vỗ về các liệt sĩ, là màu xanh bất tử của Việt Nam “Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/ xanh trời, xanh cả những ước mơ” (Tố Hữu). Cỏ xanh – hồn các anh xanh, đang bừng lên màu xanh của sự sống mãnh liệt trên đất nước ta .

L.X

LỜI RU NGỌN CỎ

              Bùi Văn Bồng

Cỏ xanh bên mộ khẽ ru
À ơi! Rừng đã vào thu lá vàng
Dấu chân quy tập muộn màng
Mộ còn nằm với cỏ hoang rừng già.

Nơi đây nhiều cỏ ít hoa
Hãy say giấc ngủ như là tuổi xanh 
Bao năm vững bước quân hành
Lá rừng vẫy gió rung cành ngụy trang

Giờ đây giữa cánh rừng hoang
Hồn thiêng khao khát khói nhang trong chiều
Nắng xiên xiên, gió xiêu xiêu
Để cho lá cỏ xanh theo hồn người 

Mùa thu đầy lá vàng rơi
Mùa đông trắng xóa chân trời sương giăng
Hồn thiêng gọi lá thắm rừng
Giọt sương mai cũng đọng ngưng nỗi niềm

Dấu chân đã trải bao miền
Về đây với đất vùng biên nghĩa tình
Người hy sinh, đất hồi sinh
Trái tim hoá ngọc lung linh đất trời 

Lời ru ấm nắng
Người ơi!
Dù là ngọn cỏ tận nơi cuối trời
Thương đau ru đến muôn đời
Và xanh, xanh mãi để lời ru êm.

Cho dù ai đó lãng quên
Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người.