Cối đá…

422

Trần Thị Bảo Thư

(Vanchuongphuongnam.vn) – “… Bà tôi nhuộm vải ngày xưa / Giấc mơ màu sắc như vừa quanh đây / Vải phơi trong gió, là mây / Ru tôi trọn những tháng ngày ấu thơ…” (Nhớ quê)


Nhà thơ Trần Thị Bảo Thư.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với chiếc cối đá nhà ông bà nội. Nó có tự bao giờ tôi cũng không biết nữa, từ khi tôi có trí nhớ đã thấy nó. Hình ảnh bà tôi bên chiếc cối đá theo tôi đến tận bây giờ, khi ông bà đã khuất núi mấy chục năm. Thế mà tôi vẫn cảm thấy như mùi vừng mùi lạc thơm từng giấc ngủ, nhịp chày gỗ giã đều, tiếng va vào thành cối như tiếng vọng thâm sơn.

Ông bà nội tôi sáng nào cũng dậy sớm, lịch kịch sắp sửa đồ ăn để bà mang đi làm. Nhà tôi có nghề nhuộm vải. Ông chuyên nhuộm quần áo phông màn cho đoàn cải lương, đoàn múa rối của địa phương, và của khách hàng quen giao cho ông tại nhà.

Còn bà tôi làm trong hợp tác xã nhuộm, cửa hàng của bà cách nhà 3 km. Hàng ngày bà đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, mỗi tuần được nghỉ một ngày. Ngày nào bà ở nhà là ngày đó tôi phải quanh quẩn bên bà, không được ra cổng nhìn người và xe qua lại, cảm giác đôi chân rất khó chịu vì bà tôi nghiêm khắc lắm. Lúc nào cũng sợ cháu lêu lổng không thành người…

Đúng là “Ruộng tứ bề, không bằng nghề trong tay’’. Nhờ nghề nhuộm mà ông bà có của ăn, của để, nuôi được cha chú tôi học hành khôn lớn. Thời gian sơ tán máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, ông bà đưa tôi về vùng nông thôn ở nhờ người bác nuôi của tôi, là con nuôi của ông bà. Dù ở vùng thôn quê nhưng vẫn có nhiều người nhuộm quần áo, bếp đỏ lửa là nhà tôi có gạo ăn.

Ở nơi sơ tán một năm, gia đình tôi phải tạm xa cối đá. Ngừng bắn phá, ông bà đưa tôi trở về nhà. Nhà cửa đổ nát, chỉ còn cối đá vẫn nằm nguyên vẹn dưới đống gạch vỡ. Tôi nhớ mãi hình ảnh ông tôi gạt những mảnh xi- măng, gạch vỡ lổn nhổn, để vần chiếc cối ra ngoài, múc từng gầu nước giếng dội rửa sạch sẽ. Bà tôi vừa thu dọn lại sân ngõ, vừa nói với ông, nhưng cũng là tự an ủi mình, ’’thôi, còn người còn của…giời cho mạnh khỏe là mừng rồi ông ạ!’’.

Cái cối đá sù sì nằm góc sân, nó không loăng quăng như tôi, nó ở đúng chỗ được đặt từ khi tôi còn rất nhỏ. Ngày ấy đại gia đình bên nội quây quần, nhà sát nhau trên một mảnh đất lớn của ông bà. Có ông bà nội, bố tôi, bác và chú tôi, cùng sinh hoạt chung bếp chung sân, và chung cả cối đá.

Từng tí gừng, giềng cho đến vừng lạc, cả bột gạo nuôi trẻ đều phải giã, làm gì có các loại máy xay như bây giờ. Tôi được nuôi bằng những mẻ bột gạo mà ông bà nội giã từ cối đá, để lớn lên trải nghiệm bao điều, đi tới bao miền đất, để thấy mình luôn bình yên trước bộn bề cuộc sống, cuộc sống có trở ngại, có sóng gió mà cũng tràn đầy thương yêu tôi mang nặng trong lòng.

Nhớ ông bà, nhớ tuổi thơ, nhớ cả tiếng gà gáy, chó sủa, mà nhớ nhất là cái cối đá rộn ràng mỗi chiều hai chín tết, ông tôi giã đỗ xanh gói bánh chưng và chuẩn bị măng miến, dưa hành ăn tết…

Mùa xuân về vạn vật thêm tuổi mới, cành hải đường với những nụ hoa đỏ thẫm không thể thiếu được ở bàn thờ tổ tiên, cùng với cành đào tươi thắm ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách. Nhưng cối đá ngày tết cũng như ngày dưng luôn ở chỗ của nó. Không ai để ý đến nó trừ khi dùng tới, như một điều dĩ nhiên trong cuộc đời, như trời và đất vậy. Người ta có thể mượn vay nhiều thứ, người ta có thể cầm cố, mua bán nhiều thứ, nhưng cối đá thì không, không cả bị trộm cắp xin xỏ…

Bây giờ công nghệ phát triển, các loại công cụ, máy móc chế biến thực phẩm sử dụng điện năng, rất nhanh và tiện lợi. Hình thức dịch vụ cũng nhiều, nên người ta không dùng cối đá và đồ dùng thủ công khác nữa. Nhất là những thế hệ sau, thời đại 4.0, người ta hỏi thăm nhau qua mạng, giúp đỡ gửi quà chuyển khoản cực nhanh, hiếm khi có thời gian tới nhà nhau, ngồi bên nhau lắng nghe cho trọn vẹn một câu chuyện. Họ chỉ tới với nhau khi có dịp được mời, trong những buổi lễ mang tính chất sự kiện, đầy hình thức, sang chảnh, lịch lãm, nói cười như được bật công tắc, chỉ mong bế mạc mau mau để còn chạy sang đám khác, việc khác. Những cái bắt tay, vỗ vai, không một chút dấu ấn…

Đời người như một giấc mơ dài, khi thức dậy không thể nào mơ lại nữa, có những điều rất đỗi bình thường mà mất đi rồi người ta lại mong đổi tất cả mọi thứ vật chất đáng giá để có được. Như những buổi chiều tà, buồn chưa kịp thấm, ánh hoàng hôn đã tắt.

Nhà ông bà tôi bây giờ đã thuộc về chủ khác, thành phố thay đổi nhiều, khiến tôi không còn nhận được ra chỗ nào là nhà cũ. Chiều nay về thăm lại sau bao năm tháng xa quê, tôi lững thững thả bộ trên vỉa hè lót gạch mới tinh. Hàng cây bằng lăng tím mướt, thay thế những cây phượng già cỗi in dấu tuổi thơ tôi… Những gương mặt khẩu trang bịt kín, vội vã, ngược xuôi, những ngôi nhà tầng cao vút, những hàng quán sầm uất cửa kính, máy lạnh…tất cả như cuốn vào một guồng quay khổng lồ, hiện đại. Chỉ có tôi như từ thế giới khác lạc vừa tới, ngược dòng thời gian tìm tuổi thơ, tìm một tiếng nô đùa trẻ phố…

Bỗng dưng trời lác đác mấy hạt mưa, rồi mưa mau hơn, mưa sầm sập…Tôi vội nép vào một mái hiên gần nhất. Phải rồi, chỉ mưa nắng là không thay đổi, cơn mưa tuổi thơ đây rồi. Đưa tay hứng dòng nước chảy xuống từ lối thoát trên mái, nước bắn tung tóe, cảm giác mát rượi và thích thú của đứa trẻ trong tôi ào về…

Chợt nghe như tiếng lanh canh, lịch kịch, tiếng chày va vào thành cối đá đây rồi, đều đều, trầm buồn, lẫn với tiếng mưa. Nước trên mặt đường cuộn chảy, mới đó đã như dòng sông dọc phố. Tạnh mưa, chợt tỉnh giấc mơ, tôi thầm hỏi: Cối đá ngày xưa bây giờ nơi đâu?

T.T.B.T