Cơn bão lòng…

675

Võ Văn Thọ

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tháng Mười đến, tháng Chín đi, quy luật của thiên nhiên là vậy. Mùa thu sắp khép lại, nhường chỗ cho mùa đông đến. Năm nào cũng vậy. Nhưng năm nay, có biết bao nhiêu số phận con người phải hứng chịu những những mảnh đời đau xé tâm can do dịch bệnh Covid -19 và tiếp đến là bão lụt gây ra cho miền Trung. Những cơn bão lòng ấy như cứa thêm những nhát dao vào thịt da, con người phải chịu đựng và gắng gượng vượt lên nỗi đau để tồn tại.

Năm 2021 đã đi qua được hơn 3/4 của năm, mỗi chúng ta phải chấp nhận với những con số không mong muốn vì người nhiễm bệnh, người ra đi vội vã vì cơn lốc dịch bệnh. Có lẽ là mùa thu buồn, ảm đạm nhất trong 50 năm, nửa đời người của tôi chứng kiến có biết bao cảnh thương tâm, đau xé tim mình.

Mùa thu năm nay, ai trong mỗi chúng ta cũng chạnh lòng chứng kiến cảnh di dân có lẽ đi vào lịch sử. Thành phố Hồ Chí Minh – Sài Gòn hoa lệ, “Hòn Ngọc Viễn Đông” đã không còn an toàn, cưu mang bao số phận con người mưu sinh, nên dòng người đành phải hối hả gồng gánh, bồng bế nhau về quê sau gần 4 tháng trời chống chọi với dịch bệnh, đến kiệt sức. Phải chăng cuộc ra đi lần này không ai có thể tưởng tượng ra dù là trong suy nghĩ. Nhưng sự thật là như vậy.


Sài Gòn những ngày bị “bệnh”. (Ảnh Internet)

Cuộc ra đi, bỏ phố về nguồn không hẹn ngày quay lại chăng!? Đã làm cho Sài Gòn rưng rưng mắt lệ! Phố không còn là bùa mê? Những ánh đèn màu không còn niềm mơ ước của bao con người, bao số phận đã gắn bó, mà không dễ dứt lòng đoạn tuyệt!?…

Mùa thu năm nay, tôi đã nhận được những tin dữ từ người thân, anh chị em thúc bá, Thầy giáo cũ… của mình bị nhiễm Covid, có người ra đi vội vã, có người đang trong cơn nguy kịch, khi mạng sống chỉ còn cầu mong vào số mệnh!… Dẫu biết rằng sinh, tử của đời người ai rồi cũng phải đối diện với quy luật tất yếu ấy. Cuộc người sống trên trần gian chỉ là cõi tạm, về với thế giới bên kia mới là vĩnh hằng. Nhưng sao như quặn thắt, đau xé tâm can…

Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã không còn an toàn nếu như vẫn còn dịch bệnh hoành hành. Tôi nhớ Nhà thơ Nguyễn Phong Việt đã viết:

Mình sẽ đi cuối đất cùng trời/Tiếc một quãng đường đời để về sau vỡ nát/Hay buông tay cho mình khóc ngất/Rồi tự đứng lên“.

Nhưng những số phận ra đi vì dịch bệnh có lẽ tất tưởi, không kịp đi đến cuối đất cùng trời, không còn cơ hội để khóc cho chính mình, không còn cơ hội để rồi tự đứng lên. Nó nghiệt ngã là vậy!

Có lẽ, chỉ có trời, đất mới chứng kiến được cuộc ra đi hay đúng hơn cuộc hướng về cội bất đắc, chóng vánh. Chạnh nhớ câu thơ của Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn“? Phải chăng nỗi niềm, sự rung cảm của phố phường nhộn nhịp, nay chứng kiến từng đoàn người bỏ phố ra đi?… Biết khi nào phố xá trở lại được như thời điểm chưa bùng phát đại dịch. Rồi sau dịch, các xí nghiệp, nhà máy lấy ai để bù lấp vào khoảng trống, khi những dây chuyền sản xuất phục hồi trở lại. Bài toán nan giải ấy vẫn còn đang thách thức chính quyền và những con người quản lý đất nước ở tầm vĩ mô chăng!?…

Người đời thường nói, sau cơn mưa trời sẽ tạnh, sau tất cả những tang tóc đau thương, con người sẽ mạnh mẽ hơn, nắm tay nhau, cùng cảm thông chia sẻ, yêu thương nhau hơn, bỏ qua những khúc mắc, ganh ghét, tự ti, nhỏ nhen, để hướng đến những điều thánh thiện và tốt đẹp nhất. Bởi có ai đem được tiền tài, danh vọng về bên kia thế giới đâu mà cố tình tranh giành, ích kỷ.

Hãy sống cho nhau, cảm thông và san sẻ yêu thương, cùng vượt qua những khó khăn, bi ai trên quãng đường đời; để mùa Đông chớm quay về tràn ngập màu của cánh hoa hồng, ngọn lửa hồng ấm áp yêu thương, sưởi ấm trái tim, tâm hồn và niềm tin hy vọng về tương lai, ngày mới…

Tháng 10/2021

V.V.T