Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng của Lê Thiếu Nhơn

619

Thiên Anh

Sau gần một thế kỷ, hậu duệ của Xuân Tóc Đỏ, Nghị Hách, Bá Kiến… lại nảy nòi, len lỏi ở thì hiện tại rồi tụ vào cuốn sách Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng của Lê Thiếu Nhơn…

Nhà thơ – nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn là một gương mặt quen thuộc trong đời sống văn học TP.HCM và cả nước. Anh đã có nhiều cuốn sách được giải thưởng thơ và giải thưởng phê bình văn học như “Trong bóng người xưa”, “Bản tường trình giấc mơ đi vắng”, “Hoa rơi hữu ý”…

Mới đây, NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành tập truyện trào phúng Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng của Lê Thiếu Nhơn, mang đến cho độc giả nhiều điều ngạc nhiên, thú vị.

“Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng” gồm 67 truyện khá ngắn, mỗi truyện đều gói gọn trong 1.000 chữ nhưng sự hài hước vẫn để lại dư âm trong lòng người đọc. Những truyện như “Hội thi tuyển thánh”, “Kỹ nghệ cầu tài lộc”, “Công nghệ thu đúng thu đủ” hoặc “Lời thú tội của tên trộm siêu đẳng” vừa vui nhộn lại vừa đắng đót, đúng nghĩa cười ra nước mắt.

Mỗi truyện trào phúng của Lê Thiếu Nhơn nếu đặt trong bối cảnh thời sự, thì càng thấy thấm thía. Tác giả không nhằm kể chuyện tiếu lâm, mà dùng cách tiếu lâm để mổ xẻ những sự đê hèn, những sự xảo trá, những sự ô trọc đang tồn tại xung quanh chúng ta.

Trong truyện “Cảm ơn thượng đế sáng suốt”, Xuân Tóc Đen theo hầu hạ Nghị Hách để được truyền bí kíp thành đạt: “Xưa nay quyền lực luôn được trao theo hướng từ trên xuống dưới. Cái đầu truyền cho cái vai, cái vai truyền cho cái tay, cái tay truyền cho cái mình, cái mình truyền cho cái chân, cái chân truyền cho cái đuôi…”. Xuân Tóc Đen mừng rỡ “Ôi, tuyệt vời, Nghị Hách có trình độ lớp 3, còn Xuân Tóc Đen có trình độ lớp 1. Không truyền y bát cho Xuân Tóc Đen, thì Nghị Hách còn biết truyền cho ai trong thế hệ kế cận nữa…”. Và khi đã có được mọi thứ, Xuân Tóc Đen hoan hỉ loan báo: “Có thể ngái ngủ ở đâu đó, nhưng thượng đế luôn sáng suốt ở xứ sở này. Thượng đế rất công bằng khi ban phát, người nhiều chữ thì ít tiền và ngược lại, người ít năng lực thì nhiều quyền hạn và ngược lại! Thượng đế muôn năm!”.

Văn học trào phúng là một thể loại không dễ viết. Để mỗi truyện không chỉ dừng ở mức độ tấu hài, thì mỗi chi tiết và mỗi nhân vật đều phải có tính khái quát. “Sếp có bí quyết trẻ lâu” nhờ gian lận chỉnh sửa ngày tháng năm sinh trong lý lịch cán bộ. Bà mẹ già trở thành “Tỷ phú ngơ ngác” vì không thể biết mấy đứa con mình lấy đâu ra tiền để xây biệt phủ và sắm siêu xe. Thèm khát sự nổi tiếng “Lừng lẫy danh gia vọng tộc” với thiên hạ, đành đăng ký kỷ lục “gia đình xài hàng giả giỏi nhất vũ trụ”. Khi ra nước ngoài ăn cắp bị bắt thì “Phải theo kiều nữ việc này mới xong” bằng cách trưng ra cái giấy chứng nhận bệnh tâm thần…

Nhiều, rất nhiều truyện trong “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng” đọc xong rồi cười, cười xong rồi nghĩ, nghĩ xong rồi lại… cười cho nhân tình thế thái éo le.

Tác giả Lê Thiếu Nhơn tâm sự: “Xã hội bây giờ có nhiều chuyện thật cứ như đùa, mà có lên án gay gắt cũng không giải quyết được gì. Tôi chọn cách dùng tiếng cười để hóa giải mâu thuẫn một cách nhẹ nhàng!”.

Dí dỏm mà sâu cay, đó là ưu điểm dễ nhận thấy ở tập truyện “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan nhận xét: “Với bút lực thâm hậu cộng với cái nhìn sắc sảo và tinh tế, Lê Thiếu Nhơn đã mã hóa được hầu hết mọi hạng người nhí nhố quanh ta hàng ngày, những khuôn mặt đen, mặt mốc… rồi bắt chúng hiển thị trong những tấn tuồng bi hài. Ngôn ngữ trào phúng của Lê Thiếu Nhơn có độ quái, độ nóng phù hợp với bạn đọc trẻ thời hội nhập”.

Không thể phủ nhận, tập truyện “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng” đã góp thêm một tiếng cười vào đời sống văn học trào phúng hôm nay.

(Theo BLO)