Cơn đau bất chợt – Truyện ngắn Hồ Xuân Đà

749

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Chị Ngọc đang sốt, bắt đầu từng cơn nóng lạnh, từ hai bàn chân rồi tỏa dần ra khắp cả người. Chị cố gắng bước từng bước xuống chiếc thang gác trọ, vốn mỏng manh, rẻ tiền của loại phòng cho thuê bình dân. Chị đã làm quen với khu phòng trọ ẩm ương nơi đây đã hơn ba năm rồi, một nơi lý tưởng cho người có thu thập thấp tá túc qua ngày mưa nắng, giá nhu yếu phẩm, điện nước, sinh hoạt hàng ngày ở khu vực này cũng cực kỳ khiêm tốn. Tạm ổn cho hoàn cảnh của chị. Sau rất nhiều lần so đo, cân nhắc, tính toán thiệt hơn tìm hiểu các dịch vụ cho thuê nhà trọ. Nơi đây, mùa mưa nước ngập tới cửa, ngày nắng thì như muốn xé toang chiếc áo vốn mát rượi đang che chở cho người phụ nữ tuổi bốn mươi.

Chị dè dặt những bước chân thật nhẹ của mình cho vững vàng và yên lặng, vì không muốn làm xáo trộn giấc ngủ trưa của hai con. Hai đứa con, vẫn vô tư, đang say nồng giấc ngủ muộn. Chị không muốn cho các con lo sợ, vì bọn trẻ còn quá nhỏ để ý thức sự sinh tồn của một người mẹ quan trọng đối với chúng nó như thế nào. Chị lặng lẽ tìm vĩ thuốc paracetamol, uống một viên nhằm giảm cơn đau để gắng gượng lo buổi cơm chiều cho con. Chị thấy mệt lắm. Mệt rã người. Chỉ muốn nằm, ngủ vùi một giấc. Mà sao nhìn bọn trẻ, chị không cầm lòng, thầm nhủ: “Mình phải cố gắng, phải mạnh mẽ hơn”.

Quả vậy, tình yêu của người mẹ bao la như đại dương, bất chấp tất cả để được gần con. Ngày chị quyết định xa chồng, chia tay cái bi kịch của đời mình, rời xa người đàn ông vốn chỉ thích hưởng thụ, cung phụng, và đốt mình trong làn khói trắng ma mị, u tối. Cái làn khói mà ngay từ đầu một tình yêu chưa bao giờ chị nghĩ đến. Cho tới khi một hôm, chị phát hiện anh sốc thuốc trong phòng riêng, khi chị và các con vắng nhà.

Chị ngã rạp xuống sàn nhà, như một nụ mầm gặp bão.

2. Chia tay mái ấm gia đình đã mười năm gắn bó, là một nỗi đau lớn trong cuộc đời. Chị quên đi tất cả các lần anh vòi tiền cho bằng được, mặc kệ học phí con đến kỳ, mặc kệ các hóa đơn điện nước tới tấp ngập mặt ngập mày. Các lần con ốm đau, chị một mình cô đơn trong bệnh viện. Số lần khó nhọc ấy điên đão đời chị, nhìn về phía trước màu đen u tối bao trùm lên con đường không riêng gì mỗi mình chị.

Chị mong sau cuộc ly hôn, tất cả sẽ qua đi. Thời gian sẽ giúp chị quên đi những ngày tháng với gam màu xám xịt, chỉ với mong cầu được gần gũi hai đứa con, do mình tạo ra, với mơ ước những ngày hoài thai ấy, con mình sẽ lớn lên, trưởng thành trong bầu trời hy vọng, khát khao vươn lên trong cuộc đời. Chị không thể giao con cho một người chồng vốn không còn thiết tha với đời, không biết tự thương bản thân mình. Người mà không có trách nhiệm với đời mình, thì làm sao có thể chịu trách nhiệm cho ai. Chị hoàn toàn không tin chồng chị. Chị gửi đơn ly hôn, và ra đi cùng với hai đứa con mà chị đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, góp gom từng ngày mong muốn có một gia đình hạnh phúc bình yên như bao người. Khát khao có một hạnh phúc, khát khao được bình yên tưởng chừng như rất nhỏ bé với đa số người, nhưng với chị, sao mà nó nhỏ nhoi, sao mà không thể với tới. Chị bắt đầu tin vào số phận. Khi đổ lỗi cho số phận, hình như người ta bắt đầu một đời cam chịu, chấp nhận, mà không còn ca thán. Chị cũng vậy, âm thầm bước đi, mà quên đi mình cũng là một người đàn bà, cần lắm sự quan tâm, chở che.

Cuộc sống mưu sinh của ba mẹ con chị, dựa vào đồng lương một nhân viên bán hàng siêu thị, may mắn là gần nơi trọ, sau bao ngày đắn đo tìm việc, kiếm chổ ở cho phù hợp. Chị biết mình sẽ gặp rất nhiều thử thách, những điều mà người đàn bà đơn thân phải trải qua. Chị nuốt nước mắt mà nghe mặn chát, lòng chị đôi khi giật mình tê tái cho cơn cuộc phiêu lưu sóng đời. Đó là những khi con chị đứa ốm đau, đứa cần phải lo học hành. Cố chu toàn những gì vốn dĩ được cho hạnh phúc của người mẹ. Mà sao chị thấy hiu quạnh lẻ loi quá. Đi tìm tự do, thoát khỏi những ngày tháng đen tối, bị tra tấn bởi sự ảm đạm, mù tịt khi sống cùng một con nghiện. Thoát khỏi điều ấy, với chị là một kỳ tích.

Bây giờ, chị có côi cút, có cô đơn một chút trong căn gác nóng hầm hập, thiếu thốn đủ bề, chị cũng cảm thấy không sao, nhè nhẹ trong người, an yên hơn rất nhiều. Nhờ đức tính kiên nhẫn, chịu thương, chịu khó trong công việc, dè xẻn chi tiêu, tính toán từng mức thu nhập phù hợp. Căn phòng trọ của chị dần khá lên với những bữa cơm ngon. Vài món đồ gia dụng cần thiết, đủ để cho các con của chị giải trí. Chúng cũng dần dần lớn khôn và hiểu biết hoàn cảnh của mẹ hơn đôi chút. Nghĩ lại, khoảng thời gian đã trải qua, chị tự hào với chính mình.

Cây sào đứng mãi cũng oằn, tấm thân mảnh mai và trái tim vốn rất dễ tổn thương của một người phụ nữ, hôm nay nó ngang ngạnh làm khó chị. Chị chỉ ước, có một người đàn ông bên cạnh cho chị tựa bờ vai một chút. Cái khát khao muốn sống một cuộc đời, có chút tình yêu, có người thương mến bỏng rát trong tâm hồn lẫn thể xác, những lúc cô đơn đau ốm. Đó là ngày hôm nay, một ngày thứ sáu cuối tuần, chị nhận ra mình đang vào cơn sốt, bắt đầu biết mình thực sự khó lo cho bản thân, khi mọi khớp tay chân, run lên từng hồi ớn lạnh.


Minh họa (Ảnh: Internet)

3. Chị bắt đầu thấy nhớ da diết đến người đàn ông ấy. Đã hơn một năm rồi, biết nhau từ lần đầu gặp ở siêu thị, nơi chị bán hàng. Anh hàng ngày đi chợ, chị giúp anh chọn những món hàng anh cần, đôi câu chuyện trò như hiểu lòng nhau. Qua những câu chuyện gia đình, công việc mà anh thường kể cho chị qua tin nhắn. Chị rất xúc động và cảm mến tác phong chừng mực đỉnh đạt, anh luôn giữ một khoảng cách cần thiết vừa đủ, để cho chị cảm nhận và hiểu rằng, anh rất mến chị. Từ hôm ấy, rồi thời gian dày thêm, tình cảm của anh cũng được nhân lên và xích gần thêm. Anh cũng thường tâm sự với chị, cởi mở thân mật hơn, anh kể cho chị ngthe về gia cảnh của mình. Một người chồng cưu mang luôn trách nhiệm gia trưởng, một người người đàn ông gà trống nuôi con, có tới ba đứa con tới tuổi trưởng thành, luôn cần anh chuyện trò. Bởi anh luôn là người lấy cương lĩnh tinh thần trách nhiệm làm phương châm cho cuộc sống. Một người đàn ông như vậy, phụ nữ nào không muốn chiếm đoạt làm của riêng chứ. Nhưng Ngọc thì khác- chị luôn làm khó anh, luôn cộc cằn, nói lời như đẩy anh ra xa.

Có lẽ vì hiện giờ với từng cơn đau như rã rời thân xác, chị bỗng thấy mình quá cô đơn, nỗi cô đơn như cứa đứt mọi nghị lực, bào mòn thân xác chị. Như muốn xé vỡ tan hoang những rào cản. Chị không muốn các con anh nghĩ rằng chị muốn thay thế người mẹ quá cố của chúng. Mà sao lúc này đây, toàn thân bủn rủn theo từng cơn đau, chị bỗng yếu đi không còn định hướng, và bỗng vô cùng nhớ đến anh:

– Anh ơi. Em đang bệnh!

– Em thế nào rồi?

Anh trả lời ngay, như đang trực đợi tin nhắn của chị.

– Em sốt…

– Em ổn không? -Bọn trẻ thế nào?- Anh có thể đến giúp gì cho em được chứ?

– Xa xôi quá mà anh!

– Em vẫn cứ vậy. Nhưng hôm nay thì khác. Vì em đang ốm. Đúng không?

Chị không nói gì, cứ lặng lẽ nằm im trên gác, bọn trẻ vừa thức giấc sau cơn ngủ muộn và đang bận rộn với cái ti vi, chiếc máy điện thoại. Chị nghe hơi thở nặng nhọc của mình theo từng cơn nóng lạnh. Từ sâu thăm của tâm hồn, chị biết mình rất thương mến anh, cũng đã nhiều lần chị ước mong anh được sự cảm thông của con cái, của họ hàng để về cùng chị góp gạo nấu cơm chung. Nhưng rồi cũng đã bao nhiêu lần điều người ta nói làm chị xốn xang, tự hành hạ tra vấn với chính mình. Chị không đủ bản lĩnh để có thể đi xa hơn thêm một bước. Nhiều khi gặp nhau, chị buộc lòng phải nói ra những lời nói hoàn toàn xa lạ với suy nghĩ của con người chị. Khi anh quay đi về, cũng là lúc mà dòng nước mắt của chị chảy dài, đau xót. Những lúc như vậy, chị muốn xé nát mình, chị muốn đập vỡ tan hoang mọi rào cản, để chạy đến bên anh và thản thốt kêu lên:“Đó không phải là suy nghĩ của em”…

4. Có tiếng gõ cửa thật nhẹ nhưng rất gấp, chắc là anh đã đến. Bọn trẻ ra mở cửa và tỏ vẻ vui mừng.

Một bức tường nào đó cao vời vợi chia đôi anh và chị như hai thái cực, hai đường thẳng song song, không bao giờ có điểm nối. Hàng đêm cho dù, anh có nhắn trăm ngàn tin nhắn đang lạnh lẽo, đang gồng mình với sự đòi hỏi của bản năng, thiếu hơi ấm của một người đàn bà, anh cô đơn trong chính căn nhà, mà người đời vẫn cho rằng đang thật hoàn hảo. Bao trăn trở nội tâm, lý trí, bản năng sinh tồn của một người đàn ông, anh tâm sự lúc đêm khuya hay bình minh hừng sáng. Nhưng chị vẫn lờ đi, gạt đi những điều ấy bằng những câu nói vô tình, chà xát muối lên vết thương đoạn trường của một người đàn ông. Anh vẫn chịu được, vì anh không thôi ám ảnh người phụ nữ phúc hậu, quán xuyến, luôn nghĩ cho người khác. Khuôn mặt chị đủ để dễ nhìn, nụ cười chỉ đủ để thôi miên anh. Anh khắc ghi chị trong tim. Có những đêm anh ngủ mơ thấy chị, hiền hòa bên anh.

Người vợ của anh, thời gian trước khi gặp chị, đã lớn tuổi, không còn chút hứng thú với anh. Về sau phát hiện trong người có căn bệnh nan y, nên lại rất cần đến anh mỗi ngày giúp đỡ, lo thuốc men. Những lần của những lần, khi trái gió nghịch mùa, anh luôn là một trụ cột của gia đình. Là chổ dựa cho vợ. Nghĩa vợ chồng là vậy. Anh phải chu toàn trách nhiệm. Nhưng ngặt thay, sự đốn mạt trong anh trỗi dậy. Đó là điều- Anh muốn ly hôn. Nhưng bao lần chị Ngọc cứ khuyên anh, không nên bỏ vợ con gia đình lúc họan nạn đau yếu. Như vậy, ích kỷ lắm, độc ác lắm.

Anh lại mũi lòng nghe lời khuyên của chị. Dẫu rằng điều ấy buộc phải nghe. Chị phân tích cho anh nghe thật sâu sát, chí lý, chí tình, thuyết phục cái tâm tư vốn đang bức rức, khó chịu trong tâm trí anh. Và những năm tháng đi qua đời nhau ấy, anh và chị sống bằng những dòng tin nhắn những đêm trằn trọc, trở mình không thể ru mình vào giấc ngủ.

Rất may, điều anh muốn nói ấy, anh chưa bao giờ nói ra, nếu đã nói ra rồi, chắc rằng đời này, kiếp này, anh không phải là một thành đàn ông. Người đời sẽ nguyền rủa anh. Chắc chắn thế!…

Rồi vợ anh, không vượt qua nổi căn bện nan y. Anh thành kẻ mồ côi vợ, dẫu từ ngày trên đầu anh quấn khăn tang, anh và chị Ngọc chưa hề một dòng tin nhắn, cuộc gọi hỏi thăm.

5. Ba năm sau, cuộc gọi đầu tiên chị gọi cho anh, anh vẫn nhận ra giọng nói của chị. Lúc cơ thể con người yếu đi, chị chỉ muốn khóc. Chị lại trở thành một đứa trẻ con. Thấy anh, cảm nhận được bàn tay anh trên trán, chị khóc:

– Em sốt cao quá, để anh đưa em đi viện.

– Em không sao đâu, em biết do mình bị ảnh hưởng viêm xoang, cộng với viêm họng nên sốt vậy thôi. Anh ra tiệm thuốc mua giúp em vài liều thuốc là ổn thôi.

– Nếu không hết, phải đi viện đó nha!.

– Em biết mà!

Đêm ấy, anh ở lại, lo cho chị uống thuốc, nấu cháo, pha nước cam, nấu nồi nước lá xông cho chị, cơn đau cũng giảm dần. Mưa vẫn đều đều rơi trên gác. Cái nóng hầm của trời vào hạ, dần tan, thay vào là nỗi se se lạnh, của trời gần về sáng. Anh ghé sát vào người chị, kéo chị vào lòng và hôn lên trán chị. Chị lại đẩy anh ra, quay mặt vào tường. Cứ như vậy, cả anh và chị không biết ngoài kia trời đã bắt đầu hừng đông, vài tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới đang lên. Vài tiếng máy xe bắt đầu đề ga cho một ngày đến công xưởng sớm để kịp giờ vào ca. Chị vẫn vẹn tròn vòng tay đang ôm anh mà miệng thì thầm.

– Thôi! Anh về sớm đi, hàng xóm nhìn thấy thì mệt.

– Anh biết rồi. Em lúc nào cũng chỉ nhìn ánh mắt người ta mà sống!

Ngoài kia, tia nắng mặt trời đã len lỏi vào căn gác trọ. Anh cẩn thận choàng chiếc khăn quanh cổ chị. Dặn dò chị uống thuốc đúng giờ. Mặt kệ vài người xung quanh dãy trọ hơi tò mò. Anh hiểu – chị hiểu và có một vài điều anh chị cần phải chu toàn. Sau đó, là những bậc thang để mỗi bước đi của cuộc đời về sau, không còn những hố sâu sợ hãi của chính mình đào ra, hay những lý lẽ đáng sợ của xã hội loài người ca ngợi những bông hoa vùi mình dưới mưa rào, rồi gắng dậy thơm hương, sợi dây vô hình bó buộc định kiến khắt khe với con người đến nghẹt thở, bứt tử những tâm hồn đang khát khao đi tìm sự sống.

Mặt trời bắt đầu hửng nắng, anh chị cũng theo bóng ngày rẽ đi hai lối đi, mà sao trái tim đập cùng nhịp đập. Cơn đau ngày hôm qua của chị, như muốn mách bảo chị quên đi những thị phi. Chị đã có một đêm nồng ấm, bên anh, anh thì như được cứu rỗi.

Vòng xe lăn bánh đưa anh trở về với ngôi nhà, mang đầy trách nhiệm, tình yêu thương, lời hứa với vợ. Anh thường tự hỏi, có bao giờ các con của anh thử một lần đặt mình vào vị trí của anh không? Câu hỏi ấy, sẽ chẳng bao giờ có đáp án.

Mà thôi, mặc kệ, đêm qua anh đã thật sự biết yêu một người.

Còn chị, chắc rằng đêm qua, một đêm với cơn đau bất chợt, sau bao nhiêu năm trầm mình trong vai trò cả đàn ông lẫn đàn bà, chị được thực sự trở thành đàn bà. Thực sự như thế nào, ấy chính là hạnh phúc mà những ai từng là đàn bà đã biết.

H.X.Đ