Còn đây tiếng vọng quê nhà…

300

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Trương Văn Dân sinh năm 1953 tại Tây Sơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài năm 1971, ông du học ở Ý và trở thành chuyên gia hóa dược. Sau gần nửa thế kỷ sống và làm việc ở nước ngoài, gần đây ông cùng vợ là nhà văn, tiến sĩ ngôn ngữ học Elena Pucillo về Việt Nam, sống tại TP Hồ Chí Minh. Ông giảng dạy bậc đại học, và viết văn.

Nhà văn Trương Văn Dân

Dù đi đâu, ông vẫn hoài vọng về quê nhà, luôn dành những hồi ức ấm áp về quê hương nơi góc nhỏ tim mình. Những ngày cuối năm 2021, chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng ông, lắng nghe ông sẻ chia về sáng tác và những thân thương dành cho xứ Nẫu.

  • Thưa nhà văn, dường như gần đây ông đang khá bận rộn với những tác phẩm của mình?

– Ngoài các tác phẩm mình in trước đây như tập Hành trang ngày trở lại (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2007), tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa (2011), Milano – Sài Gòn đang về hay sang (2018) và một số sách dịch, gần đây, sau chuyến bay về tâm dịch Ý đầu năm 2020 thì tháng 6.2020 tôi ra mắt tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần. Đến tháng 10.2020, tôi đứng tên chung cùng nhiều bạn viết trong cuốn Cùng… bay về tâm dịch.

Tôi cũng vừa gửi cho một nhà xuất bản bản thảo 2 tập truyện ngắn, có lẽ sách sẽ in trong năm 2022.

  • Ông có thể chia sẻ đôi điều về 2 tập bản thảo vừa rồi?

– Hạt bụi lênh đênh và Nỗi đau ngọt ngào là tên hai tập bản thảo sắp in. Trong đó, Hạt bụi lênh đênh là tập truyện dịch của “con dâu Tây Sơn” – Elena Pucillo Truong. Các truyện được chọn lọc về các chủ đề v ề Phật giáo dưới góc nhìn của một người Ý sống ở Việt Nam. Ngoài ra còn có các truyện ngắn chọn lọc khác và các bài vi ết về Leonardo da Vinci, viết về Hà Nội, những suy nghĩ trong đại dịch Covid-19, các cuộc gặp bạn văn, chuyến đi làm từ thiện ở quê nhà Tây Sơn…

Về cuốn Nỗi đau ngọt ngào tản văn mà hai vợ chồng tôi in chung. Các truyện ngắn phần lớn đều có chủ đề về gia đình. Nỗi đau ngọt ngào vì gia đình là nơi êm ấm nhất nhưng nếu thiếu “tình”, thiếu sự đồng cảm san sớt, thì cũng sẽ mang lại cho ta nhiều đau khổ.

  • Tôi nghe tin ông cũng vừa hoàn thành hai bản thảo tiểu thuyết?

– Đúng vậy! Tôi vừa hoàn thành bản thảo 2 tiểu thuyết trong mùa dịch Covid: Cử chỉ cuối cùng và Lỗi định mệnh. Khác với hai tiểu thuyết đã xuất bản là Bàn tay nhỏ dưới mưa Trò chuyện với thiên thần dự báo tai họa của thế giới và đề cập đến vấn đề xã hội và toàn cầu hóa, hai tiểu thuyết mới này được viết theo lối truyền thống, nói về tình yêu nhưng tiếp cận qua các góc nhìn rất khác nhau.

Với Cử chỉ cuối cùng, câu chuyện bắt đầu từ một tình cờ của lịch sử xảy ra 8 thế kỷ trước khi 2 thanh niên đến từ 2 châu lục khác gặp nhau ở một thành phố biển tại Ý, bối cảnh là TP Milano. Tình yêu của họ là một sự hòa hợp vẹn toàn, hạnh phúc ngập tràn nhưng khổ đau cũng lắm khi chạm trán vô thường. Tiểu thuyết có nhiều đối thoại triết lý về tình yêu, về lẽ tử sinh… và đoạn kết là một tiếng sét bất ngờ, gây tranh luận và làm chấn động dư luận Ý, đến những vấn đề lớn của thời đại mà hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn còn đang tranh cãi.

Lỗi định mệnh lấy bối cảnh ở Bãi Mơ – một làng chài cách thành phố biển Quy Nhơn không xa. Đây là một chuyện tình muộn màng, dù “một đời chưa đủ để yêu nhau” nhưng nhờ sự đồng cảm và yêu thương, chung thủy, hai người đã dành tình yêu sâu nặng cho đ ến cuối đời. Tình yêu ấy làm cho bất kỳ ai cũng đều mơ ước.

  • Bình Định xuất hiện thường xuyên trong sáng tác của ông?

– Bình Định như mạch ngầm chảy mát hồn tôi. Nơi ấy có những bè bạn ấu thơ, có ký ức một thời nghèo khó nhưng ấm cúng. Đây cũng là nơi giàu trầm tích văn hóa, con người đôn hậu nhiệt thành. Mọi thứ quện quyện trong ký ức, trong hôi hổi những hạnh ngộ hôm nay, là nguồn chất liệu dồi dào trong nhiều trang văn của tôi.

Năm 1996 tôi có viết 1 truyện ngắn Hành trang ngày trở lại. Truyện ngắn lấy bối cảnh là TP Quy Nhơn. Sau được in và làm tựa đề cho một tập truyện cùng tên. Rải rác trong các trang viết tôi có nhắc về Tây Sơn, về Bình Định. Đặc biệt là trong tiểu thuyết sắp xuất bản – Lỗi định mệnh thì có nói nhiều về lịch sử Bình Định, biển Quy Nhơn, về Gò Lăng, Phú Lạc, các món ăn đặc sản ở Phú Phong…

– Là người hoài niệm, xa nơi chôn nhau cắt rốn hẳn ông còn lưu giữ nhiều ký ức quê nhà?

– Tây Sơn ắp đầy nơi tôi nhiều kỷ niệm. Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên, tuổi mới lớn, biết yêu, biết làm thơ… trở thành những ký ức sâu đậm trong những ngày xa xứ. Sau này vì hoàn cảnh, tôi ít về quê hương. Còn các bạn cũ thất lạc nhiều. Tuy vậy, hơn 10 năm nay, năm nào tôi cũng cố gắng thu xếp về, vui gặp bạn cũ. Tôi thường về vào tháng 7, vì lễ Vu Lan năm nào cũng tháp tùng gia đình đi làm từ thiện.

Lúc còn ở Ý, vợ chồng tôi có tham gia hoạt động trong QTT – Quỹ tương trợ người Việt tại Ý – thành lập 2002 bởi sự gợi ý của 6 sáng lập viên nhằm quy tụ người Việt định cư tại đây với mục đích hướng về quê hương Việt Nam. QTT hoạt động chủ yếu tại 3 lãnh vực: Từ thiện, văn hóa, xã hội. Tính đến 2010 thì QTT đã cấp khoảng 1.000 học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo ở Việt Nam, đã xây dựng lại trường Tây Thuận (Tây Sơn, Bình Định) bị đổ nát vì bão lũ, đóng góp hơn 300 triệu đồng cho các công tác từ thiện khác (cứu trợ bão lụt, giúp trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật…). Tôi có về Việt Nam thì vẫn còn nhiều bạn khác tiếp tục duy trì hoạt động của QTT. Tôi mong quỹ sẽ còn hoạt động dài lâu đểhỗ trợ phần nào đó cho những người, những nơi cần sự giúp đỡ.

  • Những ngày cuối năm, ai xa xứ hầu như đều chung tâm trạng bùi ngùi nhớ tết quê?

– Tôi cũng không ngoại lệ. Xa quê từ năm 1971, mãi đến năm 2009 tôi mới về lại Việt Nam. Cũng ngót nghét 40 năm mới lại đón cái tết truyền thống quê hương, không khí tết, cách đón tết, phong tục… mọi thứ đều đã ít nhiều khác xưa. Nhưng tết đến luôn làm mình xúc động dù thời đại đã khác. Sau năm 2009, thì tôi về nhiều lần. Lần nào về, cũng nôn nao. Dù đã có nhiều thay đổi, nhưng tết quê người Việt chúng ta vẫn mang những đầm ấm sum vầy.

Điều may mắn là vợ tôi cũng rất thích về Việt Nam, phải nói là vợ tôi rất yêu mến Việt Nam. Cô ấy đã tổ chức nhiều hội thảo ở Ý về Việt Nam. Đặc biệt, còn tham gia tổ chức cả hội thảo “Tết Việt Nam, phong tục và truyền thống”. Ở Ý, những người Việt xa quê như chúng tôi vẫn đón tết cổ truyền hằng năm. Như Tết 2020, chúng tôi tổ chức tại Milano vào trưa Chủ nhật với sự hiện diện của gần 400 bạn bè Việt – Ý, các hội đoàn, thân hữu. Buổi họp mặt ngoài chương trình đoàn tụ còn có các tiết mục biểu diễn võ thuật, ca nhạc, trình diễn áo dài, giới thiệu sách, múa lân… rất ấm áp, hoành tráng.

Bản thân tôi, vẫn luôn mong được đón tết cổ truyền trên chính quê nhà. Đi là đểtrở về, chúng tôi cũng luôn mong muốn có dịp về thăm lại Tây Sơn, các nơi ở Bình Định. Chính vì vậy, hai vợ chồng tôi cố gắng chủ động sắp xếp đểcó thểtrở về.

* Cám ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này. Mong yêu thương từ quê nhà sẽ luôn được ủ ấm mặc cho bao khoảng cách về địa lý. Kính chúc ông và gia đình thật nhiều sức khỏe và bình an, đón một cái tết đầm ấm, nhiều niềm vui.

 

VÂN PHI (Thực hiện)