Con gái ông Hương Quản – Truyện ngắn của Chinh Văn

170

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông Sáu Thế mang cái tên Hương quản Thế đến suốt cuộc đời dù ông đã “thôi chức” từ thời Việt Minh nổi dậy. Các cụ trong làng gọi ông với tên như vậy nên thế hệ sau cứ nghe đó gọi theo.

Ảnh minh họa

Hiện tại, ông sống cuộc sống của một nông dân thực thụ với bao vất vả nhọc nhằn và cái tính tằn tiện nổi tiếng vùng này. Dấu ấn thời ông làm Hương quản bây giờ còn lại là căn nhà ngói âm dương mục nát. Thế nhưng trong đó chứa những tủ bàn vô cùng quý giá. Nghe các cụ nói, lúc đương chức ông chỉ là Hương quản “khờ” so với Hương quản các làng bên. Ông không ác độc, cũng chẳng tham lam vơ vét. Của cải ông có được cũng nhờ vào mấy mẫu ruộng và tính tằn tiện mà nên.

Lúc này, cứ mỗi sáng người ta thấy ông vác cuốc ra đồng với tấm lưng trần đen cháy, trên đầu thì may mắn hơn có chiếc nón đan bằng lá dừa nước hình chóp nhọn như nón của lính thú ngày xưa. Dân ở đây gọi đó là “nón nhọt”. Trên cán cuốc thì lủng lẳng chai nước và lẽo đẽo theo sau ông là cô Hai Thức, người con cầu tự bị khờ nay tuổi xấp xỉ ba mươi. Bà sáu mất sớm, cha con ông nương tựa vào nhau. Sở dĩ gọi cô là con cầu tự vì ông bà xưa kia hiếm muộn. Xin người con trai là Hai Tất về nuôi rồi mới sinh được ra cô Thức.

– Ăn đi cậu (dân ở đây có người gọi cha bằng cậu), cá rô nướng dằm nước

mắm chấm với đậu rồng luộc nhà mình ngon lắm.

Những người làm ruộng bên cạnh lúc nghỉ trưa ăn cơm gần như thuộc lòng câu nói đó của cô hai Thức. Bữa ăn trưa ngay trên bờ ruộng của cha con cô hầu như ngày nào cũng là món đó. Cô không khôn, không đẹp nhưng chăm sóc cha bằng tất cả sự hiếu thảo mà cô có được.

Từ ngày ông bà Sáu Thế sinh được cô Thức thì tình cảm dành cho Hai Tất cũng ít đi. Dù vậy, ông bà vẫn cưới vợ cho đứa con nuôi và cho hẳn hai mẫu ruộng. Cuộc sống mọi người cứ bình lặng trôi đi. Cô con gái cưng lớn dần theo thời gian nhưng khốn thay có lớn mà chẳng có khôn. Cũng da trắng tóc dài nhưng mặt mũi thì cứ nghệch ra. Ông bà sáu buồn lắm.

– Cậu má già rồi, con Thức thì không khôn lanh như người ta, thôi thì giấy tờ ruộng đất con chuyển qua tên con để sau này con tiện bề lo cho em nó – Có lần Hai Tất nói với cha mẹ nuôi như vậy và được ông bà đồng ý.

Cái chết của ông Sáu Thế không làm làng xóm ngạc nhiên, bởi tuổi ông quá cao, đau không tiền chạy chữa, ăn uống thì chẳng có gì và được chăm sóc bởi đứa con gái nửa khùng nửa tỉnh. Trong đám ma ông, những người phụ nữ lớn tuổi xì xầm với nhau:

          – Hình như con Thức có bầu.

Hàng xóm đến chia buồn nhưng chia buồn với ai? Có ai buồn đâu? Bởi thế nên cứ túm tụm nhau xì xầm.  Ông Hai Tất làm đám ma cho cha nuôi sơ sài quá và không hề có chút thành tâm. Mỗi người bình phẩm một câu:

          – Ông Hương quản chết thì yên thân rồi, chỉ tội cho con Hai Thức.

          – Ông ấy chết còn khỏe hơn sống, thằng con nuôi sau khi tước đoạt hết tài sản, có đoái hoài gì tới ông đâu?

Cô Hai Thức ngồi dựa cột, đưa ánh mắt thất thần nhìn lên bàn vong cha. Bốn chữ nho “Tang chí kỳ ai”  trong tấm di môn cũng cảm thấy hổ ngươi vì đám tang này không một chút tiếc thương của ông Hai Tất. Rồi thì quan tài cũng được đưa ra đồng. Xóm giềng cũng rưng rưng nhưng không phải vì thương người chết mà là xót xa khi nhìn thấy đứa con gái khờ liêu xiêu đi theo quan tài cứ khóc kể chỉ bằng một tiếng nghe như không tròn:

– Cậu ơi!, cậu ơi!…

          Cúng bốn mươi chín ngày cho ông Hương quản thì cũng có vài người lân cận được Hai Tất mời sang. Đã từ lâu mọi người không còn nghi ngờ nữa: Hai Thức có bầu thật sự. Nhưng ai là cha đứa bé? Người đàn bà khờ không biết thì chỉ có quỷ thần mới biết. Các bà gặng hỏi thì cô ấy chỉ đáp gọn lỏn trong tiếng cười vô hồn:

          – Không biết, của trời cho.

Người lắm chuyện thì tha hồ suy đoán, người ôn hòa hơn thì giải thích:

          – Có khi con Hai Thức nói đúng đó, trời cho nó đứa bé này để nó nương tựa tuổi già. Nó bây giờ trơ trọi, trông mong được gì ở người anh nuôi “khác máu tanh lòng”.

          Mới đó mà đã sáu năm. Thằng Muộn, thằng con hoang của cô Hai Thức bây giờ trông thật sáng sủa, khôi ngô. Nó đã vào lớp một. Ai cũng khen nó dễ thương lễ phép. Đúng như câu nói của dân quê: “ Canh tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn”. Nó đã biết cùng mẹ ra vườn hái rau và vào bếp rửa chén. Mẹ con quấn quít vui cười khiến xóm giềng cũng thấy mừng cho gia đình nhỏ. Giờ chỉ gọi là “gia đình nhỏ” theo nghĩa đen của nó, bởi Hai Tất đã công khai thâu tóm của cải, vườn đất. Hình như điều này không làm mẹ con thằng Muộn quan tâm.

          – Nhà cậu bây giờ dột quá rồi, tủ bàn ghế anh mang sang nhà anh để thờ cúng cậu má luôn nhé. Bây chỉ hai mẹ con, ăn nhiều chứ ở bao nhiêu.

          Nghe anh nuôi nói vậy, cô hai cho là phải. Hay nói đúng hơn, cô không tỉnh táo khôn ngoan để toan tính. Vậy là đồ đạc cứ di chuyển dần sang nhà Hai Tất kế bên. Ngôi nhà ông Hương quản bây giờ không còn hình thù gì nữa. Sập tới đâu thì tháo giở tới đó. Cuối cùng chỉ là căn chòi nhỏ được Hai Tất che bằng những tấm tole, gọi là lo cho em gái. Mẹ con cô hai vẫn vui và thằng Muộn cứ lớn lên như cỏ dại.

          – Bà con ơi, cứu con tôi! Trời ơi con bị sao vậy?

          Tiếng la thất thanh của cô Hai Thức giữa buổi trưa thanh vắng làm hàng xóm hốt hoảng. Khi mọi người chạy đến thì thấy thằng Muộn nằm bất động bên giàn củ sắn. Mắt nó trợn ngược, tay chân co giật và nước dãi trào ra miệng. Các bà cuống quít xoa dầu, cạo gió. Cô Hai Thức thì đứng giậm chân gào khóc. Đám đông cùng dạt ra khi có người đàn ông bế thốc thằng bé lên và bảo con mình về nhà lấy xe máy chở thằng bé đi cấp cứu. Ông cho rằng nó đã ăn trái của dây củ sắn và ngộ độc. Cô hai chạy theo xe nhưng chạy làm sao kịp. Con đường làng đất đỏ gồ ghề khiến cô vấp ngã mấy lần. Tóc tai rũ rượi và mặt thì bê bết máu. Mọi người dìu cô vào gốc dừa ngồi tránh nắng và lấy nón lá vừa quạt vừa an ủi. Rồi thì họ bế cô vào nhà vì cô đã xỉu. Tỉnh dậy, cô nài nỉ mọi người đưa đi theo con. Biết là cô không giải quyết được gì và con gây thêm vướng víu nên xóm giềng giữ cô lại bằng câu an ủi:

          – Không sao đâu, nó say nắng thôi mà!

          Hơn một tiếng sau thì thằng Muộn được chở về nhưng quấn kín trong chiếc áo của người đàn ông bế nó đi lúc nãy. Nó không qua khỏi…

          Khoảng hơn một tuần sau thì cô Hai Thức trở thành người đàn bà điên thật sự. Trước đó, chiều nào cô cũng một mình tay cầm con cúi mà cô tỉ mỉ quấn hàng giờ mang vào nghĩa địa để sưởi ấm cho con. Tối nay, sau khi ra nghĩa địa thăm con, cô về căn chòi nhỏ của mình, trên tay bế chú heo con còn đỏ hỏn. Cô nựng nịu, nói cười với nó cứ xưng hô mẹ mẹ, con con. Xóm giềng thấy vậy thì cay cay sống mũi. Cũng không ai ngạc nhiên về lai lịch con heo bởi dân quê vùng này có tục cứ heo nhà đẻ ra heo con năm móng thì cho là điềm gở. Không ai dám nuôi cũng không ai dám giết. Cứ mang nó vào nghĩa địa. Sống chết là do nó.

          Những tàu lá chuối khô được cô Hai Thức buộc lại thành chùm cho con heo chui vào tránh muỗi. Sáng nay, người phát hiện ra cô nằm cong cứng trong đó cùng chú heo con là ông Hai Tất.

C.V