Con ma nhà bà Ái – Truyện ngắn của Chinh Văn

299

(Vanchuongphuongnam.vn) – Không ngờ căn bệnh quái ác đã tàn phá con người nhanh đến thế. Ái, một hoa khôi của một trường trung học ngày nào giờ chỉ còn là bộ xương trần. Nhà lại quá nghèo, ít ai nghĩ rằng cô sống nổi qua năm học lớp 11.

Ảnh minh họa

Đó là vào những tháng cuối năm 1971, những nam sinh bắt đầu hoang mang vì tuổi quân dịch chỉ còn đếm từng ngày. Họ bỏ bê việc học để lao vào ăn chơi thỏa thích trước khi bị ném ra trận. Trong khi đó, sự sống của Ái cũng giống như chỉ mành treo chuông nặng. Rồi có một lần, ai đó trong bọn như chợt tỉnh ra và đề nghị:

– Tao nghĩ lại rồi, tiền đi ăn chơi của bọn mình nên bớt ra một phần để giúp Ái. Hy vọng bạn ấy qua cơn hiểm nghèo. Biết đâu may mắn hơn, bạn ấy sẽ được cứu sống.

Mãi tới sau nầy Ái mới biết được người đưa ra ý kiến đó và giúp nhiều tiền nhất chính là Tính. Lúc đó thì Tính đã ra đi biền biệt. Là con trai nhà giàu lại thầm yêu Ái nên trước khi đi lính, anh đã để lại một số tiền khá lớn nhờ người ngấm ngầm giúp Ái.

Rồi thì Ái được chữa khỏi, nhan sắc lại được phục hồi. Cái trắng da dài tóc ngày nào giờ càng rạng ngời hơn. Quanh cô lúc nầy có rất nhiều chàng trai săn đón. Cô đã loại ra tất cả, chỉ cập kè với một gã sĩ quan của quân đội Cộng hòa. Cái gì đến đã đến, lúc gã nầy thuyên chuyển ra khỏi quận cũng là lúc cái thai trong bụng cô đủ lớn để không còn phá bỏ đi được. Ái đành bỏ dở việc học hành để chuẩn bị làm mẹ.

Sau 1975, mọi việc đã đâu vào đấy. Tính bây giờ đã có vợ con đề huề, công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Bạn bè cũ bây giờ ly tán hết, chỉ còn Tính và Ái. Là “cố nhân” của nhau nhưng mức độ thân tình ngày nào không còn vì Ái đã một lần nữa có chồng

Hai mươi năm sau, khoảng thời gian đủ để người đời quên đi chuyện ngày xưa của Ái. Bản thân cô cũng thế, cô cũng quên đi tất cả. Duy chỉ có điều, đứa con vô thừa nhận ngày nào giờ đã trở thành một giai nhân. Hình ảnh của Ái ngày xưa như sống dậy. Thế là cô tiếp tục “nhìn lên” và đặt kỳ vọng vào nhan sắc trời cho của cô con gái. Nếu bảo rằng cuộc sống của vợ chồng Ái hiện giờ là sự chắp vá giữa “trai tứ chiếng gái giang hồ” thì hơi quá đáng nhưng nếu để ý thì ai cũng thấy trong đó có một sự tạm bợ quá rõ ràng: mạnh ai người ấy sống. Hà, đứa con riêng của Ái giống mẹ đến lạ lùng khiến đôi lúc nhìn vào khuôn mặt ấy Tính cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Vì thế Tính cố tình lảng tránh. Hơn nữa, Hà bây giờ đã là “ngôi sao” của những quán bia ôm. Cô trở thành nổi tiếng một vùng thị trấn. Tính không dám thân thiện vì sợ mang tai tiếng. Vợ là một bác sĩ, con cái học hành rất giỏi, công việc làm ăn suôn sẻ. Bấy nhiêu đó đủ để Tính cho dĩ vãng nằm yên trong quá khứ.

Mọi việc tưởng chừng như êm đềm trôi theo dòng định sẵn của nó nếu như không có chuyện của thói đời. Một trong những khách gọi là thân chủ của Hà là tay Việt kiều ăn chơi. Khỏi phải nói thì mọi người cũng biết, chính nhan sắc chứ không phải “tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”. Hà lọt vào tầm ngắm của anh ta và đương nhiên hầu bao của anh cũng bị cô ấy lấn chiếm dần. Sau khoảng thời gian ngắn thường xuyên đi về tử Mỹ, họ đã cưới nhau.

– Em không thể theo anh về Mỹ được, mẹ chỉ có mình em. Vả lại, từ Mỹ về đây có xa xôi gì?, anh cứ đi đi về về như trước đây.

Không hiểu vì lý do gì, “được lời như cởi tấm lòng” anh ta vui ra mặt và đồng ý tức thì. Có người cho rằng anh đã có vợ con rồi bên Mỹ.

Ngôi biệt thự nổi lên giữa làng quê như là sự nhạo báng, thách thức những căn nhà nhỏ bé xung quanh. Hà là bà chủ. Một sự đổi đời quá đột ngột không chỉ cho Hà mà còn cho bà Ái nữa. Bà là mẹ của cô chủ nhỏ.  Lúc cuộc đời mẹ con bà Ái lên hương thì tai ương giáng họa xuống cho Tính. Đang là ông chủ nhà máy xay xát với hàng chục chiếc xe tải lớn thì một chiếc cán chết người, chiếc khác thì lật nhào làm chết đi tài xế. Kinh tế gia đình Tính tan nhanh như ly đá uống bia của Hà mà chế nước sôi vào. Đường cùng, ông Tính đành nhờ bà Ái làm mối để thế chấp ngôi nhà hai tầng và nhà máy xay lúa cho Hà để lấy tiền trang trải mọi việc.

Còn hơn tháng nữa là gia sản nhà ông Tính sẽ thuộc về Hà nếu ông không kiếm đủ tiền chuộc lại. Ông hoang mang cực độ vì không biết xoay sở thế nào. Trong cơn suy sụp đến bấn loạn thì Hà xuất hiện để “thăm cậu Tính” trong một chốc rồi về. Cô không quên chào ông Tính bằng những lời nhắc nhở trước khi ra khỏi cửa:

– Nghe mẹ tôi nói ông là người tốt, rất biết điều. Thế thì ráng lo tiền chuộc lại tài sản. Đừng quên lúc nầy ông không phải là bạn của mẹ Ái mà là người cầm cố tài sản cho tôi đấy nhé!

Càng gần đến ngày hẹn thì những chuyến viếng thăm nhà ông Tính của Hà càng thường xuyên hơn và lời “nhắc nhở” cũng gay gắt hơn. Bốn ngày nữa hết hạn trong giao kèo cầm cố thì người nhà phát hiện ông Tính gục chết bên chai rượu đang uống dở. Ông tự vẫn.

Nếu có dịp đi ngang vùng này, nhìn thấy ngôi nhà hai tầng cửa đóng im ỉm và bên ngoài dây leo hoang dại bò lên cánh cửa, bạn sẽ không ngạc nhiên nữa khi được nghe lời giải thích: Đây là ngôi nhà cô Hà mua cho bà Ái nhưng bà không dám ở vì bà nói là trong đó có ma.

C.V