Con mắt dân gian

1211

Nguyễn Chiến

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ ca dân gian rèn giũa cách nhìn đời, nhìn người, nhìn sự vật hiện tượng toàn diện biện chứng, tránh lối nhận xét đánh giá một chiều phiến diện thiếu cơ sở khoa học.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Không có một nếp nghĩ thực sự Việt Nam mà không tìm thấy ở văn học dân gian. Nó (văn học dân gian) bền bĩ, rèn giũa nếp tư duy cho người ta, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cần thiết, cần cho con người, cần để làm người*

Một trong những nếp nghĩ, nếp tư duy hết sức quan trọng và thật sự Việt Nam là nếp nghĩ, nếp tư duy biện chứng, toàn diện.

Dân gian không bao giờ nhìn nhận sự vật, hiện tượng bằng cái nhìn một chiều phiến diện. Họ quan niệm dòng đời trôi chảy, chuyển dịch không ngừng, mọi vật tồn tại dưới dạng mâu thuẫn đối lập: có tốt có xấu, có ngày có đêm, có âm có dương… Dân gian rất coi trọng phương pháp tư duy; xem sự chín chắn sắc sảo trong tư duy, xem sự thấu thị bản chất sự vật, hiện tượng là thước đo giá trị con người:

Làm người suy chín xét xa.
Cho tường gốc ngọn cho ra vắn dài

Không có tư duy độc lập sẽ dấn đến thất bại (Đẽo cây giữa đường) thậm chí cái chết (Làm theo vợ dặn).

Làm người thì phải như vậy, còn không thì coi như tự đánh mất danh hiệu con người của mình. Con người phải có trí tuệ, phải tự mình tư duy để nhận thức khám phá, cũng để khẳng định, chứng minh sự hiện hữu của chính mình như cách nói của các triết gia Phương Tây: Tôi tư duy là tôi tồn tại. Con người là cây sậy biết suy nghĩ. Từ tư duy có phương pháp có bài bản như đã nói trên, người bình dân nhận ra lẽ vơi – đầy, đục – trong, tròn – khuyết của vũ trụ:

Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết
Nước dưới sông có tiết đục tiết trong

Họ nhận quy luật hằng diễn của xã hội:

Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa

Hay:

Chiếu manh theo phận chiếu manh
Chiếu manh đâu dám tương tranh giường lèo.

Nhưng khi can qua nổi lên thì con vua thất thế phải ra quét chùa. Phận chiếu manh lắm khi đã tương tranh để khẳng định, để thay đổi làm cho quyền quý, lá ngọc cành vàng phải nếm trải cay đắng đời thường:

Con vua lấy thằng bán than
Nó đưa lên ngàn cũng phải đi theo

Dân gian hiểu rất rõ chuyện vật đổi sao dời, không có gì bất biến dưới thời gian, cái gì cũng có thể xảy ra, ai học được chữ ngờ, nhất là trong chuyện tình cảm. Yêu nồng say là vậy, keo sơn là vậy mà vẫn cứ trục trặc, vẫn cứ tan vỡ đến khó tin như chuyện cúc vàng mà lại nở ra cúc tím:

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em lấy chồng rồi trả yếm lại anh

Cho nên con người bình dân muốn rõ ràng minh bạch ngay cả chuyện rất khó rành mạch, dứt khoát:

Có thương thì thương cho chắc
Bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn

Ca ngợi tình thủy chung không tiếc lời qua bao bài ca dao có khả năng cư trú vĩnh viễn trong lòng người:

– Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
– Chồng em áo rách em thương
Chồng gười áo gấm xông hương mặc người

Nhưng trong hoàn cảnh sinh hoạt, diễn xướng nào đó, người bình dân lại hát rằng:

Biết đâu mà đợi mà chờ
Ngày xuân nước chảy hững hờ qua sông

Có khi họ lại ngang ngạnh, hờn dỗi:

Trăm năm trăm tuổi trăm chồng
Ai mà có của em bồng trên tay

Rất thực, rất đời. Bởi không phải khi nào cũng phải khăng khăng chung thủy cho tàn héo, lỡ làng, đau khổ hết cả một đời con người!

Cái nhìn biện chứng ấy giúp người bình dân quan niệm cái đẹp đa thanh, phức điệu nhiều vẻ nhiều chiều chẳng hề đơn điệu. Như thế này lại đẹp:

Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

Đó là cái đẹp rực rỡ, tươi thắm, sắc sảo đến khôn lường. Cũng con mắt ấy có khi lại nhìn rất “thực tế”:

Trắng như bông lòng anh không chuộng
Đen như cục than hầm làm ruộng khá thương

Hay:

Đen em đen mặn đen mà
Trắng ai trắng bủng sán chòi ruột ra.

Rõ ràng người bình dân có thái độ thiên ái đối với cái đẹp có sự hài hòa với cái thật và cái tốt, đối với cái đẹp đồng thời cái tốt, cái ích dụng (**). Họ nghĩ rằng: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Cái nết đánh chết cái đẹp. Và cũng ý thức rõ “tác động trở lại của hình thức đối với nội dung”: Người đẹp vì lụa

Họ đi tìm một thứ hạnh phúc cho riêng mình tùy theo điều kiện có thể. Dù sao sống trong màn nhung trường huệ, lầu son gác tía một ngày còn hơn chìm nổi mãi trong cảnh khổ nhọc:

Một ngày dựa mạn thuyền rồng
Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài

Mến cảnh có vợ có chồng bên thửa ruộng, con trâu:

Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Và nhiều lúc mơ tưởng một kiểu gia đình hạnh phúc “sạch sẽ” hơn “sang” hơn:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ

Giàu – nghèo, sang – hèn cũng có một ý nghĩa tương đối:

Ăn mày là ai
Ăn mày là ta
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày

Ta hiểu người bình dân, khi họ ca rằng:

Giàu từ trong trứng giàu ra
Khó từ ngã bảy ngã ba khó về

Nhưng lại tin tưởng vào lẽ biến suy hưng thịnh: Ai giàu ba họ ai khó ba đời.

Giàu hay nghèo là do bàn tay, sức lực con người:

Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ đem phần đến cho

Đó là một nhẽ! Còn một nhẽ khác:

Số giàu đem đến dửng dưng
Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu

Lẽ thường: Có bột mới gột nên hồ. Nhưng “nẻo đời muôn vạn lối”, khi biến khi thường cho nên phải hiểu thấu cái nghịch lý: tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan. Nếu không có con mắt “huệ” thì làm sao chấp nhận nổi cái khiêm tốn đến yếu hèn, lòng hiếu hòa đến khiếp nhược:

Ai nhất thì tôi thứ nhì
Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba

Nhiều lúc trong một hoàn cảnh nào đó tránh voi chẳng hổ mặt nào để hạn chế những mất mát không cần thiết. Khí khái ngang tàn đến thích:

Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan

Vậy mà có khi mềm yếu đến thê thảm, khi bị đẩy ra chiến trường, hiến thân cho những tham vọng phi nghĩa:

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa

Đành rằng: Người ta là hoa là đất, đành rằng: Một mặt người hơn mười mặt của, nhưng “một người đâu phải nhân gian” (Tố Hữu), cần thiết phải để cái cá nhân tan hòa vào cộng đồng, tập thể:

Có mợ thì chợ cũng đông
Mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui

Không nên bao giờ cũng vỗ ngực khẳng định:

Đấy vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý đây sen nhị hồ

Từ việc học tập cho đến việc lấy vợ lấy chồng, người bình dân chẳng đơn sơ trong cách nhìn nhận, quan niệm, bảo ban. Họ vừa khẳng định vai trò không thể thay thế của người thầy vừa thấy sự lợi hại của việc học ở bạn bè:

– Không thầy đố mày làm nên
– Học thầy không tày học bạn

Là việc hệ trọng cả đời người, cho nên trước khi tính cuộc vuông tròn thì phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông. Nhưng rồi do hoàn cảnh, do số phận phải chấp nhận rủi may:

Trăm năm trăm tuổi
May rủi một chồng
Dẫu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai

Lắm lúc duyên phận cay đắng quá, bẽ bàng quá cũng hờn dỗi bỗ bã như bất cần:

Trăm năm trăm tuổi trăm chồng
Ai mà có của em bồng trên tay.

Lấy chồng già có khi là “có duyên”:

Có duyên lấy được chồng già
Ăn xôi bỏ cháy ăn gà bỏ xương

Có khi là vô duyên vô phúc:

Vô duyên vô phúc mắc phải ông chồng già
Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng

Có chồng như gông đeo cổ mà không chồng thì biết nương tựa vào đâu cho yên ổn:

Chòng chành như nón không quai
Như thuyền không lái như ai không chồng

Quý trọng tình anh em. Đó là đạo lý: Anh em như thể tay chân. Bởi: Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Và coi trọng tình làng nghĩa xóm. Đó cũng là đạo lý: Bán anh em xa mua láng giềng gần.

Không phải người bình dân thiếu nhất quán mà đó là sự hiểu đời. Thơ ca dân gian không chỉ là thế giới tinh thần tình cảm mà còn là sự thể hiện một trí tuệ tuyệt vời của người bình dân. Văn học dân gian là kinh nghiệm sống ngàn năm của dân tộc, là tri thức dân gian, trí khôn dân gian (Folklore). Nó là kết quả của sự sáng tạo cộng đồng, của một người với nhiều người trong một khoảng thời gian nào đó. Trong sự sáng tạo  cộng đồng ấy, dấu ấn cá nhân bị tan hòa. Không thể có sự “thuỷ chung” trong nội dung ý tưởng. Vả lại, văn học dân gian nói chung, thơ ca dân gian nói riêng gắn liền với sinh hoạt của nhân dân, nó có khả năng biến đổi trong diễn xướng cho hợp tình hợp cảnh và biến đổi trong suốt quá trình lưu truyền, qua các địa phương, các dân tộc.

Hiểu ra: Gần mực thì đen thôi chưa đủ, phải còn thấu cái lẽ: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn nữa. Nếu không sẽ lạc vào vương quốc của những điều phiến diện, dẫn đến sự tiếp thụ lệch lạc di sản tinh thần quý báu của dân gian. Thơ ca dân gian rèn giũa cách nhìn đời, nhìn người, nhìn sự vật hiện tượng toàn diện biện chứng, tránh lối nhận xét đánh giá một chiều phiến diện thiếu cơ sở khoa học.

N.C

*, ** Tài liệu giáo khoa thực nghiệm lớp 10, tập 1.