Con nước đẹp – Truyện ngắn của Thu Thảo

557

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Nước về trắng đồng tự hồi nào mà hổng hay”. Bà Năm mân mê ống trầu, cảm nhận một màn sương đục len vào đáy mắt. Dòng nước cuồn cuộn chảy qua kí ức, mang theo niềm trăn trở của bà. “Nước năm nay về trễ mà có đẹp hông bây?”. Khóe mắt bà long lanh, miệng vẫn móm mém nhai trầu.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

“Nước đã lắm ngoại ơi”. Hai vừa dứt lời thì đã nghe tiếng “tùm” rồi tiếng í ới: “Ngoại ơi, chị Hai nhấn nước con kìa”.“Út bơi giỏi như cá, ai mà nhấn nước được hả”. “Hổng biết, hổng biết, Hai nhấn nước người ta”.

Tiếng xuồng cập bến nhà. Hùng quăng cái dầm tre xuống sạp xuồng, đạp mạnh lên đám lưới cá rồi nhảy ùm xuống nước. “Ai cho bây xuống đây tắm hả?”. Đánh bốp vào mặt con Hai. Hai tay Hùng xốc hai đứa, lôi xộc chúng lên bờ. Chiều xuống nhanh. Trời không buồn cho chút cầu vồng sau mưa.

“Tui đã nói với má nhiều lần rồi, má ở nhà hổng có cho hai đứa nó tắm dưới bến. Sao má hông la hai đứa nó chớ?” Hùng gỡ con cá kết còn sót lại trong lưới, cố dằn giọng để không phát ra âm thanh chát chúa nhất với má vợ của anh đang mò mẫm xức dầu cho hai đứa cháu.

“Má lớn tuổi rồi, còn hai đứa nhỏ nó quậy cỡ nào, anh hổng biết sao mà còn trách”. Thắm ém đầy chén cơm, hướng mắt về chồng như nhắc dừng tay làm.

Hùng liếc mắt lăm lăm nhìn vợ. Thắm hiểu ý chồng. Quay mặt qua chỗ khác, giữ giọng bình thản. “Nước năm nay cá nhỏ quá má há”. Nghe câu này Hùng quăng đống lưới sang bên: “Cô im đi”. Nói rồi anh bỏ ra sau nhà. Tiếng nước xối ào, như muốn tạt vào lòng Thắm bao gáo nước lạnh.

“Thắm à. Hay… tuần sau, bây đưa sắp nhỏ về nhà nội ở đi. Để tụi nhỏ đi học cho gần nghen con”. Bà Năm đỡ út Hiền ngồi dậy, qua sang Thắm thỏ thẻ.

“Má nói gì vậy? Hổng phải là con đã nói, con ở đây với má, tụi nhỏ cũng đi học chứ có nghỉ đâu. Nay má đuổi con nữa sao?” Thắm quay lưng nhìn ra khoảng nước rộng mênh mông trước nhà, thút thít.

“Tao đuổi bây hồi nào. Hổng lẽ, bây bắt tụi nhỏ ở với ngoại trong này, đi lại vất vả, còn nguy hiểm nữa. Hổng lẽ, bây muốn tụi nó giống như thằng….”

“Má!”. Tiếng Thắm khô khan cắt ngang lời bà Năm. Chị đẩy mâm cơm sang một bên, chạy thẳng ra con đường đan nối ra lộ lớn, mất hút.

*

Năm nào cũng vậy, khi lũ về vùng thượng nguồn này thì vợ chồng Hùng lại mang hai con ra ở cùng má vợ. Bởi bà Năm không muốn xa mái nhà nhiều năm vợ chồng gắn bó, dù ba của Thắm cũng đã mất hơn 20 năm. Mất từ trận lũ lớn, trên cánh đồng câu lưới mùa bão giông. Tại bến nước trước nhà, năm đó bà Năm đứng đợi chồng về. Dù đã thắp liền mấy nén nhang cho Cửu quyền nhưng tin ông Năm cứ vắng bặt. Cho tới hừng sáng hôm sau, bà nghe tiếng xuồng lập cập va vào chân sàn nhà, tiếng ông Tám, bạn câu lưới chung với chồng bà, kêu lớn: “Chị Năm ơi, chị đâu rồi? Ra mà nhìn anh Năm. Ảnh… ảnh đi rồi chị ơi”.

Bà không kịp khoác cái áo bà ba dài tay để tránh bớt cái lạnh giữa đồng không, mà hớt hải chạy ra, nhìn ông Năm nằm trên chiếc xuồng, chân tay co cứng. “Ảnh trúng gió giữa đồng chị ơi”. Tiếng ông Tám im bặt rồi mà nó cứ văng vẳng loang trên mặt nước những ngày đỉnh lũ. Khi ấy, chưa có con đường đan nối ra lộ. Căn nhà của bà Năm càng cô quạnh hơn giữa đồng không.

Thấm thoát, đứa con gái duy nhất của ông bà Năm lớn lên. Bà gả chồng về thị xã, chỉ mong con xa cái vùng nước nổi bớt cảnh vất vả lệ thuộc vào thiên nhiên như bà. Nhưng cảnh mẹ già cứ nấn níu kỉ niệm năm này qua tháng khác đến hao gầy, nhất là mỗi mùa nước về, làm Thắm không sao rời đi. Sau năm lần, bảy lượt nằn nỉ chồng, anh Hùng mới chịu về cất mái nhà nhỏ trên tuyến lộ, cách nhà má vợ độ năm phút đi bộ. Rồi dần dà, thấy vợ cứ tới lui, có lần ngủ hẳn với mẹ trong đó cả tháng, anh hiểu sự hiếu thảo của vợ nên cũng đem con cái vào ở chung. Cả nhà năm người, tuy chật hẹp, còn thiếu thốn nhưng rộn tiếng cười.

Cho đến một ngày trời nổi mưa giông, nước lũ đầu nguồn đổ về nhanh và trắng đồng. Bến nước trước nhà không còn thấy đâu là bờ là bến. Thằng Hậu, đứa con thứ ba mà cũng là thằng con trai duy nhất của vợ chồng Hùng có số phận giống ông ngoại nó. Nước cướp nó khỏi bà Năm khi tiếng gọi “Ngoại ơi, cứu… cứu con!” thất thanh mà bà không thể làm gì trước đôi tay quờ quạng, mắt kèm nhem, sức già yếu ớt mò mẫm ra đến nơi thì người ta đã vớt nó lên, quặt quà quặt quại nằm trong vòng tay bà.

Hùng muốn đốt phăng căn nhà của má vợ, như muốn đốt cái xui rủi đeo đuổi gia đình, dòng họ. Thắm khô cằn, hốc hác, không một giọt nước mắt mang di ảnh con về nhà nội. Khi ấy, con Hai và út Hiền biết rằng, từ nay chị em nó sẽ mất một người thân. Trong tâm trí non nớt của hai đứa nhỏ chúng chỉ hiểu là mình sẽ mất đi một người từng quấn quýt, yêu thương, chứ không nghĩ ngợi gì cái chuyện lời nguyền của dòng họ ngoại như cha chúng.

Kể từ đó, nhà ngoại vào mùa nước lũ là nơi hai đứa trẻ không được về. Và cứ mỗi dịp đám giỗ cha vợ thì Hùng lại tần ngần nhìn bến nước trước nhà.

Một năm sau ngày mất của thằng Hậu, Thắm lại nén nỗi đau mỗi khi nhìn bến nước trước nhà bà Năm. Thương bà sống một mình nên Thắm tìm về xuống nước năn nỉ, khi thì nức nở khóc than, có lần Thắm tự ý gom hết quần áo của bà Năm mang ra xe, quyết tâm chở bà về nhà mình trên thị xã. Nhưng bà Năm cứ ngồi lặng lẽ ở góc nhà, nhìn con nước đang thong thả mang phù sa, cá mắm về cho bà con xóm nghèo, có lẽ bà thương con nước mỗi năm mang về con cá con tôm cho bà con nghèo vùng lũ mà không nỡ rời đi. Điên điển mặc cho gió mái thế nào vẫn cứ trổ bông, trổ quằn sai khi nước ngập đồng lênh láng. Biết là không thể thay đổi được long bà, Thắm lại xin chồng cho ở lại với má.

*

Đợi con gái cắm nén nhang trên bàn thờ Cửu huyền, bà Năm bước lại gần, đặt lên dĩa cá linh chiên tươi. “Món này là ba thích nhứt hả má?”. “Năm nào giỗ mà hổng có món này, là y như rằng, đêm nào ba bây cũng về trách má”. “Ba mất lâu rồi. Chắc cũng về với ông bà, sao mà trách má được. Chỉ tại má còn nhớ ba nên mơ vậy”. “Về với ông bà thì về, chứ ngày giỗ quẫy, ba bây cũng về thăm cháu con chứ. Thôi, bây vô kêu chồng bây với hai đứa nhỏ ra ăn cơm luôn”. “Để tụi nhỏ nó tắm xong đã. Còn chồng con, ảnh…”. Thắm ngập ngừng khi nghe Hùng cắt ngang lời cô. “Đợi cúng ba một chút đi má”. Hùng rót ly rượu đế đặt trên bàn thờ, rồi xá xá mấy cái. “Má ra ngồi đây, con bàn với má cái này được hông?”.

Thấy nét mặt chồng có vẻ nghiêm trọng nên Thắm hỏi gằng lại: “Anh định bàn gì?”. Thắm đỡ bà Năm ngồi trên chõng tre. Lâu ngày lỏng đinh nó trở mình kêu kẽo kẹt. Gió lùa cái lạnh ngoài đồng nước vào làm bay thốc mái tóc mây của Thắm.

“Anh định bàn với má, sửa lại cái nhà. Nhà sàn, cột cây như vầy, anh hông an tâm”. Hùng rót đầy ly rượu, nhìn lên bàn thờ cha vợ, nốc ực rồi nhìn bà Năm. Ánh đèn dầu hiu hắt trên bàn thờ soi rõ nữa khuôn mặt bà Năm đang dõi nhìn xa xăm. “Con định đưa má về thị xã ở với vợ chồng con. Con biết, má thương ba, thương đất đầu nguồn này. Nhưng má thấy đó, lũ năm nào về cũng có người chết đuối”. Hùng ngập ngừng, rót thêm rượu vào ly, dứt khoát. “Nói chung là để má ở đây, con hổng an tâm. Tụi nhỏ mến ngoại cũng đòi ở lại. Má nghe con lần này được hông má?”

“Thôi! Hùng à! Ngày mai bây đưa vợ con về thị xã đi. Má già rồi, được mấy năm nữa đâu mà bây lo chuyện nhà cửa. Sống chết có số, sao trách do nước lũ được con”. “Má lại nữa rồi”. Hùng dằn ly rượu cái cộp xuống mặt sàn. “Lúc nào má cũng nói là do số. Vậy chớ má hổng thấy cái số của dòng họ nhà này, từ ba rồi đến thằng Hậu. Bộ má muốn tiệt tử tiệt tôn hay sao chứ?”. Bà Năm nhướn mắt lên một cái, không nói tiếng nào mà nước mắt trào ra, rớt qua khe ván sàn nhà, nhỏ xuống dòng nước đục ngầu đang xoáy những vòng tròn đồng tâm sâu hoắm. Tiếng sấm vang gầm, mưa đổ ào, át đi tiếng ông Tám giăng câu kêu lớn: “Hùng. Thằng Hùng, bây đâu. Trời ơi con út Hiền…”

Tiếng nhảy “ùm” của Hùng xuống sông khi ném lại sau lưng một câu như quát. “Má thấy chưa?”. Bà Năm cuống cuồng khi thấy Thắm ngã lăn ra sàn nhà. “Thắm ơi… Trời ơi, tôi giết cháu tôi rồi”. Con đê cao làm đường trước nhà nơi con Hai đang đứng khóc nấc lên nước cứ oàn oạp vỗ, bong tróc những mảng đất yếu ớt.

*

Con Hai tốt nghiệp ra trường, về công tác bên trung tâm dự báo khí tượng thủy văn được mấy tháng thì đến ngày giỗ đầu của ngoại. Thắm bưng tô canh chua bông điên điển đặt lên bàn. Bên ngoài, trời mưa dầm cả ngày, vẫn chưa có dấu hiệu gì ngơi bớt. “Hai à! Con ra thắp nhang cho ngoại nè”. Hai đem theo chén nước mắm đặt cạnh bên tô canh. “Nước mắm cá linh nhen má. Ngoại con thích món này nhứt”. “Ừ, thắp nhang đi con”.

Mẹ con Thắm cùng bái lạy. Căn nhà tường kiên cố, vừa được mở rộng mái che để ai đó qua đường có thể đục mưa. Đó cũng là ý nguyện của bà Năm lúc bà quyết định về ở với hai vợ chồng Thắm.

“Út Hiền sao giờ này chưa về”. Thắm bới lại mái tóc muối tiêu, đưa mắt nhìn về phía con đường cái. “Chắc nó còn bận bịu cái gì nên chưa về kịp. Con nghe đâu, trường nó bữa nay mở lớp dạy kỹ năng phòng đuối nước cho học trò. Mà mưa suốt, chắc vì vậy mà nó về trễ đó má”. “Còn ba bây nữa. Cũng đi đâu mất biệt từ sáng hà”.

“Bà cằn nhằn gì tui nữa hả”. Hùng thắng xe, chưa đá cái chống đã nghe tiếng Thắm trong nhà vọng ra. Anh cởi áo mưa, cẩn thận chuyền tay đưa cho Hai tép hồ sơ. Thân hình vạm vỡ, rắn chắc của anh nông dân không khác gì mấy sau hơn 10 năm về ở hẳn trong thị xã. Chỉ có điều tóc đã bạc nhiều, có thịt có da hơn so với cái thời kéo lưới. “Hổng cằn nhằn ông thì giờ ông được như vầy à? Ông đi đâu từ sáng sớm hả?”. “Tui đi lo ba cái giấy tờ cho con của vợ chồng thằng Nhân. Tội nghiệp, con nhỏ đẻ ra lâu vầy mà chưa khai sanh khai xiết gì hết. Vợ chồng cái thằng cũng tệ, biểu lên bờ sống cho an cư lạc nghiệp mà hông chịu. Cứ chèo kéo dưới ghe. Nay trôi chỗ này, mai dạt chỗ kia, nước lớn thì nổi cao, nước ròng thì đáy ghe không nhút nhít đi đâu được. Nói hoài mà hổng nghe. Thiệt tình…”. “Thôi, ông bớt dài dòng, bớt lo chuyện người ta đi. Ông với con út Hiền y chang. Đã về ở hẳn trong thị xã này rồi mà tối ngày cứ tới lui chốn nước nổi”. “Bà nói bậy. Cái gì là chuyện người ta, hổng nhờ ngày trước ông Tám vớt con mình đuối nước khi không ai thấy, ai kêu thì bây giờ nó cũng ngồi trên bàn thờ rồi. Hổng nhờ ngày trước, mấy anh em chòm xóm “lo – chuyện – người – ta” thì ai tiếp tui với bà dọn nhà, chuyển đồ, đưa má về đây, rồi ổn định tới giờ hả. Người đi sau tiếp bước người đi trước thôi bà ơi… Cằn nhằn cái gì chứ. Để coi xong chuyện này, tui đi lên xã hỏi thăm có cách nào hỗ trợ để nó mần ăn hông nữa nè. Chứ lo bám vô con nước lên xuống vầy, biết bao giờ khá hơn. Tui làm đây hổng phải vì nhiều chuyện mà vì nghĩ cái trách nhiệm với xã hội”.

Thắm chưa kịp cằn nhằn thêm câu nào thì nghe tiếng Hiền ngoài cửa. “Sao hổng đợi con cúng ngoại hả má?”. Út Hiền tay ôm chồng áo phao, che tới cả mũi, khệ nệ đi vào. “Mèn ơi! Áo phao ở đâu mà nhiều vậy con?” Thắm dang tay đỡ tiếp. “Dạ, con nhận của một mạnh thường quân, để chút ăn cơm xong, con đem ra cho mấy chú chở phà ngoài đó. Trang bị thêm để tụi nhỏ đi học, qua sông an toàn hơn đó má. Chị Hai, một chút chị tiếp với út nhen”.

Út Hiền cởi cái áo khoác, tóc ướt còn bệch trên mặt. Lau khô tay rồi với lấy nén nhang, út Hiền khấn vái: “Ngoại ơi! Hương hồn ngoại linh thiêng về phù hộ ba má và chị Hai được mạnh khỏe, phù hộ xóm làng mình bình an. Phù hộ con tiếp tục giúp được nhiều trẻ con vượt lũ đến trường nghen ngoại”. Hùng cũng khấn: Má! Giờ con tin là hổng có lời nguyền nào hết. Mà nói cho má mừng, mùa nước năm nay về muộn nhưng mà đẹp lắm má ơi!

Gió ngoài sông đưa giọng hò của ai đó vang lên bay qua song cửa sổ. “Ơ qua…. Ngó lên trời thì trời trong mây trắng, dòm xuống nước nước trắng lại trong, Nhỏ nhỏ như ai… chứ nhỏ nhỏ như em đây mà chắc dạ ơ à bền long… ớ… qua… như con nước đẹp giữa dòng quê hương…”.

T.T