Trần Bảo định
”Phải ai giao hợp vợ chồng
Phải ngày con nước khó lòng nuôi con…”
(Ca dao)
1.
Hai Xệ, ngồi chò hỏ canh con nước dưới gốc bằng lăng già mọc ven rạch Bắc Chang.
Rạch Bắc Chang, một con rạch thông nước từ sông Vàm Cỏ Tây chảy qua làng mạc tới ngã tư Bào Môn, tạo và lập cánh đồng phía Tây gò Ông Giáo bạt ngàn ruộng lúa. Lắm người phương xa quá bước, thắc mắc:
”Sao lại phải canh ngày con nước”?
Thôn dân vốn gốc gò Bắc Chiêng thời đàng cựu tới giờ, chỉ cười trừ chớ không giải thích bởi, có giải thích, chắc chi người phương xa sẽ cảm thông và hiểu thấu đáo.
– Xế rồi, mình! Vô nhà ăn cơm cái đã!
Nghe vợ gọi cơm, Hai nói vói theo:
– Thì, mình với sắp nhỏ cứ ăn cơm trước đi!
Ngoài rạch, nắng táp nước dội ngược bóng nắng treo lơ lửng lên từng chòm cây, nách lá!
*
Tía thằng Hai dặn con:
– Mình sống được là nhờ nước và muốn được sống, thì phải biết giữ nước ngọt, rồi nhẫn nhục mà gạn đục khơi trong.
Rồi, đột nhiên tía nói chắc cứng như “ba bó vô một giạ”:
– Nước có con chớ tuyệt nhiên không có thằng, thiên hạ gọi là con nước. Con của tía nhớ lấy nếu, thiệt lòng ham mần ruộng và mong mỏi trở thành thôn dân thứ thiệt!
Hai ngại hỏi vần lân với tía dù những lời tía dặn và khẳng định, nó không rõ thì nói chi đến thông để hiểu.
Một hôm, chú Năm Tâm chèo ghe tam bản từ Mộc Hóa vô gò Năm Chiêm thăm ruộng. Chú cháu gặp nhau ở cống Biện Minh. Rít mấy hơi thuốc rê, khói mù mắt trời chẳng khác gì khói rừng tràm cháy; chú Năm lau mồ hôi ướt mặt, hỏi nó:
– Lóng rài, tía má con khỏe không?
Và, chú chậm rãi hỏi tiếp:
– Tía con, tính đã dễ chưa?
Tháng Chạp, tiết trời trở lạnh trong cái nắng thiếu gắt thừa gay, gây mình mẩy bức rức khó chịu. Nó bập bập điếu thuốc để xua bớt phần bức rức nhưng vì, chưa từng hút thuốc rê kiểu chú Năm hút nên nó chưa quen thuốc quen khói, ho sặc sụa.
– Dạ! Mọi thứ tía con đều dễ, chỉ trừ…
– Chỉ trừ má con, phải hôn?
Chú Năm ngắt ngang lời nó và đế câu kết chắc nụi. Nó ngoẩy người không chịu.
– Tía con khó, rất khó chuyện nước nôi!
Năm Tâm nghe thằng nhỏ nói hơi lạ nếu không muốn nói là, kỳ cục! Thuở đời nay, đất Bắc Chiêng thuộc xứ Đồng Tháp Mười ”nước tới mùa, nước nổi tràn bản họng”. Rồi, bất chợt, ông ngẫm và nghĩ ra cái sự đời ”con nước” ở miền đất ”sáu tháng đi chưn, sáu tháng đi tay”(*).
Dân Bắc Chiêng, hồi nẳm, lúc Thiên hộ Dương khởi cuộc chống Tây, họ bấm lóng tay tính con nước như là, lực tương tác của ba cái mặt: Trăng-Trời-Đất. Và, cũng từ đó, họ tính chuyện may rủi trong cuộc sống thường ngày. Con nước lên tự nó không xấu, nói chi tới hổ thẹn. Điều xấu và hổ thẹn cốt ở ”Ngày con nước lên”.
Ngày con nước lên chính là, hành động của Tạo hóa!
– Chú Năm ơi, chú nghĩ gì mà sắc mặt nghiêm trọng giống ”Bao công xử án Quách Hòe” do gánh hát bội ”Sóng vang” hát, hôm cúng Kỳ Yên ở đình làng, vậy chú!
Thằng Hai, vô tình phá đám làm cụt hứng dòng suy nghĩ của Năm Tâm, đương ngon trớn chảy băng băng về phía trước…
2.
Cột xong dây vàm mũi ghe tam bản vô gốc tràm, Năm Tâm bước qua cầu nước rửa chưn, rồi theo Hai Xệ leo lên cái nhà nửa dính liền trên mặt đất, nửa chồm hổm gie mé rạch.
– Chú Năm mầy, tới chơi!
Chín Cứng, tía thằng Hai, đánh tiếng chào rôm rả.
Gió lùa nắng nhảy xổm vào nhà khua lụp cụp, lạc cạc hệt tiếng nước cơm sôi, tai ai nghe mà cầm đặng lòng không đói bụng.
– Mình ơi! Lo cơm trưa cho chú Năm, nha!
Đoạn ông bước tréo mở cửa hông tủ thờ, lôi hũ rượu ngâm bìm bịp.
– Chú Năm mầy, khởi động đi!
– ‘‘Tiên chủ hậu khách”, chớ anh Chín?
Một người cao niên đương‘‘gần đất xa trời”, một kẻ trung niên đương‘‘lưng chừng trời đất” cùng phá lên cười, tiếng cười dội vách nẹp tre gây thanh âm rộn ràng phải lẽ nghĩa trọng tình thâm.
Thằng Hai lực tráng niên, lui cui lo phụ má dưới bếp.
– Má! Hồi ban sớm, con nghe lén chú Năm nói lầm thầm ba cái mặt: ”Trăng-Trời-Đất”. Vậy, ba cái mặt là mặt sao, má?
Bà Chín cười, nụ cười hiền như cục đất.
Thời gian trôi qua gần bằng thời gian củi thành than và dần tàn lửa, bà chậm rãi nói với con:
– Trời có cái mặt thì, Trăng và Đất tại sao không?
Bà cắt nghĩa lụi từ kinh và nghiệm sống:
– Trời-Trăng-Đất ở thế chưn vạc, kiềng ba chưn. Nếu, là ”Bửu” hẳn là ”Tam Bửu”. Nếu, là”Ngôi” hẳn là ”Ba Ngôi”. Nếu, là ”Nước” hẳn là ”Tam quốc”… thì khi Trời-Trăng kết hợp và nhứt là, lúc Trời chiều lòng Trăng thì, Đất hoàn toàn bị Trăng khống chế bằng lực hút. Nước từ Đất trồi lên…
Cắc cớ, bà hỏi con:
– Những đêm trăng sáng vằng vặc, con có thấy lòng nao nao rạo rực không?
Chẳng đợi thằng con trả lời, bà nói luôn:
– Lòng nao nao rạo rực, vì Nước từ Đất trồi lên do lực hút của Trăng đó, con!
Có tiếng hối thúc dọn cơm của ông Chín, bà ngưng ngang câu chuyện đương nói với thằng con.
*
– Mình sống vùng sông rạch nhờ nước, phải hiểu con nước mới sống được, nha chú Năm!
Rượu vào lời ra, ông nhắc người bạn trung niên của mình. Thằng Hai đứng xớ rớ hóng chuyện và chờ tía sai vặt
– Hồi nãy, má con mầy thì thầm chuyện gì mà xem chiều lý sự và tương đắc?
Ông bỏ bộ xoay qua hỏi thằng Hai. Nó học lại chuyện Trời-Trăng-Đất của má nó nói nhưng, chỉ nói nửa chừng… không phải ”để cho thằng dại nửa mừng nửa lo”, mà chỉ vì tía hối dọn cơm, má cụt lời hứng nói.
Ông cười banh càng tấm lá chằm thảo bạt chống cửa. Và, ông ngộ ra: Má thằng Hai tuy ít chữ nhưng nhiều nghĩa và sáng dạ, những gì ông nói bà nghe lóm và thuộc lòng. Hễ thuộc, là nhuyễn nhừ, chẳng thể nào làm cho nhuyễn nhừ thêm!
– Nước lên từ những ngày Trăng non và Trăng tròn. Nước có lên thì, tất nhiên phải có xuống và nước xuống, thường rơi vào thứ Bảy của tuần Trăng.
Năm Tâm góp chuyện theo kinh và nghiệm nhà nông dõi lần con nước. Ông Chín tiếp lời:
– Đất chẳng hề thụ động chịu trận cho Trăng chủ động hút. Trăng-Đất tương tác cùng hút lẫn nhau và chỉ có vậy, nước mới trào lên… Sống trên mặt Đất, Người tránh sao khỏi tương tác, tránh sao khỏi hệ lụy.
Biện giải, ông chỉ ra: Nước dơ bởi ô nhiễm, Đất mất vì phá rừng phòng hộ… Trăng điêu tàn và Trăng chẳng là Trăng, lúc mặt Trời mù mất đất dơ Nước… Tất tất đều do phần con của người gây ra thảm cảnh và bi kịch: người tự hủy diệt!
Bà Chín réo thằng Hai xuống bếp, giúp một tay bưng thêm thức ăn.
– Mời chị Chín cùng ăn cơm luôn thể!
– Chú ăn cơm với tía thằng Hai. Lát nữa, má con tui ăn sau.
Bà nói lời thiệt tình và nhắc chồng:
”Rót tiếp rượu cho chú Năm, đi ông!”.
Bầu không khí vui và ấm, ngập căn nhà đơn sơ ngó ra cánh đồng tràn nắng. Bà muốn nói với tía thằng Hai và chú Năm, rằng:
”Trăng-Đất càng gần nhau, sức hút càng mãnh liệt. Sức hút càng mãnh liệt thì, với thể trạng con người hầu hết tám mươi phần trăm là nước, tránh sao thoát khỏi sự kích động và chao đảo!”.
Ngồi nép mé bộ ván, bà suy nghĩ mông lung về điều kỳ diệu có khi đưa đến sự mê diệu do Thượng đế tạo ra. Trong lúc đó, trên mâm cơm ông Chín đương cắt nghĩa: Trăng non,Trăng chín,Trăng già hoặc giả Trăng đầu,Trăng Rằm,Trăng cuối. Trăng gần Đất hơn Trời, lợi thế đó khiến Trăng hấp lực Đất kinh động; đồng thời, đè nặng Tâm-Sinh-Lý con người.
Nghe ông nói, bà đỏ mặt thầm. Bởi, những đêm trăng non, trăng tròn lòng bà luôn luôn rạo rực…Tâm tính thay đổi, lời suồng sả, hành vi thiếu kiểm soát; may là tía thằng Hai cũng vậy. Nếu không, qua đêm trăng chắc bà mắc cỡ chết!
Năm Tâm hỏi ông Chin:
– Rõ là, ”Con nước” vốn riêng có của thôn dân xứ mình?
– Phải đó, chú!
Dân gian xứ nước nổi của tụi mình lưu truyền: Ngày con nước lên là ngày cực xấu, mần chi cũng chẳng đặng. Vì vậy, mới có câu:
”Dù ai buôn bán trăm nghề
Phải ngày con nước đi về tay không”
(Ca dao).
Con nước có lúc thịnh lúc suy, lúc lớn lúc ròng, lúc ươn lúc nhửn, lúc giáp lúc chia…Thời Trăng, tùy Đất mà sinh Âm-Dương.
– Trăng xoay con nước, trăng tác động con người. Chẳng ngẫu nhiên mà ông bà mình dặn trong việc sinh con đẻ cái:
”Trai mùng một, gái hôm rằm
Nuôi thì nuôi vậy, nhưng căm dạ nầy”
(Ca dao)
Lý cùng lẽ tận, nước là sự sống nhưng, con nước mới là cách sống trong sự sống. Bà muốn nói điều đó, song sợ e rằng, tía thằng Hai và chú Năm cho bà lên đời dạy đạo, nên thôi!
T.B.Đ
………………………… ……………….
(*) Ý nói ”Sáu tháng đồng khô đi bộ, sáu tháng đồng nổi nước đi xuồng ghe”.