‘Con xì bích sơn đỏ’ – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

614

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nàng trạc chừng trên dưới băm ba băm tư, cơ thể đầy đặn sung mãn. Bí quyết nào của người đàn bà nàng vẫn giữ được các đường nét trên cơ thể hết sức chuẩn. Theo tôi, nói theo kiểu văn chương, đó là những đường nét hết sức “cổ điển” của phụ nữ.

Nàng vẫn sống tự do, tâm hồn chưa thành thuộc địa của ai… thật là vô lý. Tại sao nàng không phải là người mẫu nhỉ. Nhưng ai nào mặc kệ, ra quán lai rai là tôi lấy ngay nàng làm mẫu. Từ nhỏ tôi có tài vẽ thủ công. Dưới đôi mắt rối bời của cơn say tôi vẽ nàng dưới nhiều góc độ khác nhau, lúc chào khách, lúc lom khom qua cửa, khi đong đưa nụ cười …

Cơn say làm cái nhìn nào của tôi cũng lệch pha với nàng. Tấm hình thứ bao nhiêu rồi cũng méo mó dị dạng. Suốt mấy năm tá túc cư xá chẳng thèm tán tỉnh yêu đương ai, chiều thứ bảy nào tôi cũng mang tâm trạng bước vào cuộc chiến nghệ thuật. Nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Nhiều đứa bạn đã đến lúc cười chế nhạo vào mấy ngón hoa tay của tôi.

– Thây chúng! Người ta những nói nhân tài nở muộn là gì.

Sổ vẽ của tôi được viết to câu ấy ở trang đầu.

Một hôm cô bạn gái khá xinh trong lớp ngọn nguồn nào xem được cuốn sổ vẽ quý hóa của tôi, dành cho tác giả của nó một câu cũng đâu đến nỗi nào. Tôi lẳng lặng đêm về ghi vào nhật ký.

– Anh vẽ siêu thực thật.

Tôi nghĩ, lỡ mai thành danh người ta đưa vào giai thoại cũng nên. Nhưng siêu thực là cái quái gì? Tôi cũng mập mờ lắm. Lại bổng nhớ năm lên mười, ông ngoại có dẫn tôi đi xem bói bài, quẻ nào cũng đen, đến lần rút cuối… lên con xì bích, con thứ 52 của bộ bài bị mất phải làm thế miếng bìa kẻ tay, sơn đỏ cho khỏi lộn. Ông thầy bói mới phán một câu rất kêu.

– Phận thời chót đỉnh kiêu sa.

Chà chà, cũng khá truân chuyên, nhưng ông hỏi lo cho nó, nó mà không này thì cũng nọ đấy.

Tôi bụt miệng, biết đâu, có khi mình chưa thấy hết tài năng của mình. Phải kiên nhẫn – Tôi tự nhủ như thế. Nhưng một hôm say mê của tôi cũng đi vào trăn trở.

– Anh nhìn lại tôi xem, có giống trên giấy anh vẽ không?

Tôi quyết định phải nói một câu gì đấy kiểu vĩ nhân gần lộ diện.

– Siêu thực đấy. Nàng mỉm cười

– À ra thế. Nghệ thuật của anh giống con người anh đấy.

Bại mãi rồi cũng đâm chán, nhiều đêm tôi không khỏi suy nghĩ có thể nàng mẫu quá, cổ điển quá, đúng đắn quá, ta vẽ lệch một tí là sai mà sai là hỏng bét.

Một ý nghĩ vụt đến, mẫu lý tưởng phải là cái chưa thật mẫu, chưa thật chuẩn. Khi nào ta vẽ là rơi ngay vào mẫu (ai vẽ mà chẳng có sai sót).

Thế là hỏng. Bốn năm ra trường, tôi chẳng cầm được tấm bằng đại học, còn cái hoa vẽ siêu thực cũng phải dừng cánh giữa đường. Ông ngoại qua đời, tôi bơ vơ không nơi nương tựa, chẳng biết về đâu. Nhưng tôi chưa tuyệt vọng, tôi vẫn tin một ngày nào đó con xì bích sơn đỏ lại đến.

Để lãng quên ngày tháng, tôi ngốn ngấu các loại sách cổ kim, phúc âm, kinh thánh đến sách kiếm hiệp, ái tình tìm hiểu sự thành danh, vào đời của các nhân vật trong đó.

Lúc nương nhờ cửa Phật, khi lang thang Giáo đường, tôi nhớ câu nói của chúa Giê su dạy trong Thánh Mác: “Nếu tay các người làm cho các người phạm tôi, hãy chặt bỏ nó đi, thà cụt một tay mà được sống vĩnh cửu hơn là đầy đủ hai tay mà bị ném vào lửa địa ngục”. “Nếu chân các người làm cho các người phạm tôi thì hãy chặt bỏ nó đi. Thà cụt một chân mà được sống vĩnh cửu, còn hơn đầy đủ hai chân mà đi vào địa ngục”. “Nếu mắt các người làm cho các người phạm tôi thì hãy móc bỏ nó đi, thà chột mắt mà được vào nước trời…” Nhưng tay chân mắt tôi đã làm gì nên tội.

Thỉnh thoảng tôi có vào quán nàng, khi năm, khi ba, khi túi rỗng…

Nàng rót cho tôi ly rượu, cái chép miệng thương hại, nụ cười cảm thông thằng đàn ông lở vận.

Tôi trông nàng đẹp ra, xinh xắn hơn, trẻ trung hơn…

Lòng tôi xôn xao rung động. Phải chi tôi thành danh – Có lẽ tôi ngõ lời yêu với nàng. Chắc lẽ nàng cũng chấp nhận thôi vì ngoài tôi, thằng đàn ông nàng có cảm tình hơn cả (tôi nghĩ thế)

Trong thời gian lang thang cơ nhỡ, tôi gặp một họa sỹ có tài, sau khi nghe tôi tâm sự đã tận tình truyền lại kinh nghiệm nghề nghiệp, môt năm sau tôi thành họa sỹ nổi tiếng trong vùng.

Tôi quyết định tìm đến quán rượu năm xưa của nàng. Lạ thay nàng vẫn chưa có chồng. Nhìn những đường nét trên cơ thể nàng thôi chẳng cần phải nói thêm điều gì nữa.

Tôi chắc mẩm đây là con bài cuối cùng của số phận. Bổng nhiên tôi rùng mình khi thấy nàng xanh xám, khuôn mặt chữ điền phúc hậu bạch ra những góc cạnh như những đít chai vỡ. Đôi mắt đen sáng long lanh thẳm sâu của ngày trước giờ long xệch như muốn phá vỡ bố cục khuôn mặt. Với cái nhìn nảy lửa, nàng thốt ra những lời khiến tôi phải kinh ngạc

– Anh muốn vẽ tôi ư?

– Anh muốn cưới tôi ư?

– Anh muốn có cuộc sống giàu sang hạnh phúc ư?

– Anh tầm thường lắm – Thế mà từ lâu tôi vẫn nghĩ anh là con người khác kia chứ.

– Anh không nghe chúa Giê su đã dạy: Kẻ giàu không thể vào được nước trời, còn khó hơn Lạc Đà chui qua lỗ kim đó sao.

– Rồi đây anh sẽ phải ân hận.

– Bất chợt không biết từ những câu đối đáp lại thoát ra từ chính miệng mình

“Rồi đây nàng cũng sẽ phải ân hận. Nàng sẽ không vào được nước trời hay thiêng đường được, nếu từ nay về sau nàng không cầu nguyện cho tội lỗi sắt đá của tâm hồn mình”.

Giật mình choàng dậy, hóa ra mình đang mơ, trên tay con xì bích sơn đỏ đã nát vụn.

V.V.T