Công dân @ đam mê thiên văn và yêu ‘Truyện Kiều’

724

Trong 5 cái tên được trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần 1 năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam vào ngày 9/1/2022, Nguyễn Bình, thuộc thế hệ GenZ, là một dịch giả “lạ” trong làng văn và gây chú ý đặc biệt, bởi đã dịch tác phẩm kinh điển “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du ra tiếng Anh.


Truyện Kiều-Song ngữ Việt Anh.

Dịch giả Nguyễn Bình sinh năm 2001, thuộc thế hệ GenZ, hiện là du học sinh năm thứ 3 ngành Thiên văn học tại Đại học Arizona, Mỹ. 10 năm trước, năm 2011, Nguyễn Bình, học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở Hà Nội, đã làm xôn xao giới văn chương “người lớn” ở Việt Nam khi xuất bản tập đầu tiên bộ tiểu thuyết tám tập Cuộc chiến với hành tinh Fantom theo thể loại giả tưởng về vũ trụ qua cuộc chiến tranh giữa các vì sao.

Công dân @ và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Công dân @ hay “Công dân toàn cầu” là cái nick tôi đặt cho Nguyễn Bình 10 năm trước, khi phỏng vấn độc quyền lúc Bình ra mắt sách. Lúc đó, tuy còn rất “nhí” nhưng Nguyễn Bình đã tỏ ý quan tâm tới những nền văn hóa, văn minh cổ xưa và hiện đại, kiến thức thiên văn và động thực vật toàn cầu, thích xem phim, nhất là phim hoạt hình với cốt truyện giả tưởng, phim phiêu lưu hoặc đi tìm kho báu… Và 10 năm sau, Nguyễn Bình lại tạo nên một bất ngờ trong làng văn Việt, khi chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du (bản tiếng Việt của học giả Bùi Kỷ) để chuyển ngữ sang tiếng Anh The Tale of Kieu – Song ngữ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2021, một điều có thể nói là “độc” – “lạ” – cực kỳ thú vị đối với thế hệ GenZ ở Việt Nam.

“Cái ý định dịch ‘Truyện Kiều’ có từ năm 2019. Và nghĩ là thực hiện. Đến tháng 4/2020 thì dịch xong. Trong lúc dịch cũng có tham khảo ý kiến của GS văn chương người Mỹ Bruce Weigl và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều…”.

Để Truyện Kiều có thể hấp dẫn và thuyết phục được độc giả phương Tây đọc, tiếp nhận tinh thần của tác phẩm, Nguyễn Bình đã chọn thể loại thơ anh hùng song cú (heroic couplet) để chuyển thơ lục bát Việt Nam; Chọn một số từ điển khác nhau của Anh để tham khảo ngôn ngữ khi dịch; Tìm hiểu tiếng Anh tương đương thời Truyện Kiều ra đời, tìm hiểu một số tác giả nổi tiếng ở phương Tây đã dịch sử thi Hy Lạp ra sao… Bình tạo một hệ thống gồm 290 ghi chú chi tiết với 51 trang để bản dịch thật tỉ mỉ có thể chuyển tải các khía cạnh ý nghĩa phức tạp của Kiều đến người đọc châu Âu-Mỹ từng câu từng chữ, tạo hứng thú hơn với Truyện Kiều của Việt Nam. Khi tiếp cận bản dịch, GS, TS, nhà thơ Bruce Weigl đã nhận xét: Đây là bản dịch mang tính học thuật quan trọng nhất của tác phẩm này cho đến nay, xứng đáng trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu Truyện Kiều.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Bản dịch này sẽ được gửi tới một số nhà xuất bản và các tổ chức văn chương quan trọng trên thế giới để họ có thể tiếp cận thi phẩm ‘Truyện Kiều’, bởi Hội Nhà văn Việt Nam xác định việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới là chiến lược vô cùng quan trọng. Đây là quan điểm tôi đã trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua”.

Đam mê thiên văn bởi đó là nguồn cảm hứng nghệ thuật văn chương

10 năm trước, sau khi xuất bản Cuộc chiến với hành tinh Fantom, với câu hỏi nhuận bút để làm gì, Bình đã trả lời: “Em muốn mua kính thiên văn để nghiên cứu vũ trụ”. Bình có một đam mê, phải nói là say mê ngay từ rất bé khi ngắm nhìn trời sao, nhìn sự di chuyển của các chòm sao trong bầu trời đêm qua những tháng, mùa trong năm, cũng như ngay từ bé, đã thử lý giải xem vì sao từ thời xa xưa người ta lại đặt tên cho các chòm sao những cái tên cực kỳ đẹp, lãng mạn hay dũng mãnh, vì sao người xưa lại gắn những chòm sao đó với bao câu chuyện huyền diệu…”.

Đam mê thiên văn theo suốt đến khi tốt nghiệp phổ thông, lựa chọn đầu tiên của Bình là ngành Thiên văn học để nghiên cứu vũ trụ, một lựa chọn cũng thuộc loại hiếm có với các bạn đồng lứa tuổi. Có thể nói, Nguyễn Bình hiện tại là sinh viên Việt Nam hiếm hoi học về ngành này ở Mỹ. Với Bình, nghiên cứu vũ trụ cũng là một cách tiếp cận văn học cổ xưa, để có thể giải mã vì sao trong các văn bản xưa cả Đông-Tây đều đề cập đến các ngôi sao, những ảnh hưởng của nó đến lịch sử nhân gian và những nhà “chiêm tinh”, “thiên văn” thời xa xưa đã quan sát, tưởng tượng ra những gì, để đặt tên cho những ngôi sao, chòm sao đến tận hôm nay, mọi người vẫn dùng những cái tên đó như mặc định…

Và khi đọc những bài Bình đã đăng trên tạp chí Tia sáng về Thiên văn học, các nghiên cứu của Bình về thiên hà, những ngôi sao, chòm sao, những tinh vân trong bao la vũ trụ như trong bài: Thiên văn học hiện đại biết được gì từ sử liệu phương Đông, Bình bàn về ghi chép thiên văn của các nhà nước phương Đông từ hàng thế kỷ trước trở thành nguồn tư liệu quý giá cho các nhà thiên văn hiện đại, hỗ trợ quá trình khám phá lịch sử hình thành các hệ sao nói riêng và cả vũ trụ nói chung; Bờ vai gã thợ săn lại bàn về một trong bốn ngôi sao bao quanh sao Cày theo dân gian Việt Nam, trong thiên văn học hiện đại là sao Betelgeuse, đánh dấu bờ vai của chòm sao mang hình ảnh gã thợ săn Orion từ thần thoại Hy Lạp; Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, Chiếc áo mơ phai nói về các ngôi sao khối lượng lớn như Betelgeuse chết trong một vụ nổ sáng chói. Rồi nữa là các bài Gắn nhãn hóa học – Một phương pháp truy tìm anh chị em của Mặt trời, Hướng tới một định nghĩa Thiên hà mới… Điều thú vị là Nguyễn Bình luôn có sự liên tưởng gắn với một ý văn học trong các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam cho các “tít” bài hay “tít” nhỏ, tạo một sự lý thú, dẫn dắt người đọc cùng tưởng tượng về những tuyệt mỹ kỳ diệu của vũ trụ.

Phải chăng đó cũng là lý giải vì sao Nguyễn Bình, một nhà thiên văn học tương lai đam mê nghiên cứu vũ trụ và các vì sao lại yêu văn học, yêu Truyện Kiều, muốn lan tỏa toàn cầu vẻ đẹp bất tử của áng thơ Việt Nam trác tuyệt này, cũng như ước muốn và dự định của Nguyễn Bình sẽ dịch sang tiếng Anh các tác phẩm thuộc thể ngâm khúc như Chinh phụ ngâm khúc (dịch lại bản Bình đã dịch nhưng chưa thấy ưng ý), Cung oán ngâm khúc, Ai tư vãn…

Theo Hoài Hương/Thời nay