Cổng vàng của thi ca

608

Vũ Tuấn Hoàng thực hiện

(Phỏng vấn nhà thơ, nhà văn Ukraine Sergay Zhadan)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đầu tiên, khi chọn ông trong tuyển tập dịch các nhà văn Ukraine “Cây Vĩ Cầm Nhiệt Đới”, có lẽ tôi hơi thiên vị “tính chất đồng hương vùng miền”: Hai chúng tôi cùng từ Lugansk lên thành phố Kharkov lập nghiệp. Nhưng rồi, hoạt động văn chương của ông đã khuếch đảo văn đàn Ukraine trong suốt một thập kỉ vừa qua khiến ông được báo giới bình chọn là cây bút số một của Ukraine. Không phải vô cớ mà giới phê bình đặt cho ông biệt danh “Mozart của các mối quan hệ cộng đồng”. Sự thành công của ông có lẽ nằm ở khả năng luôn cởi mở lòng mình. Ông quen biết với rất nhiều các bạn văn chương, các nhạc sĩ, đạo diễn, họa sĩ… nhờ đó, kết nối và tham gia vô số các dự án văn hóa, đại nhạc hội, festival trong và ngoài nước.

Nhà văn, nhà thơ Sergay Zhadan

Một nhà văn được sủng ái nhất trong giới truyền thông Ukraine hiện đại.

Ông không hề “cành cao” khi được mời phỏng vấn. Nhưng ông sẽ “đóng tất cả các cúc áo lại” (theo cách nói hình tượng của người Ukarine) khi có ai đó hỏi về chuyện gia đình, con cái. Nhưng lại hồ hởi chia sẻ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, thậm chí cho xem cả sổ tay những bài thơ đang viết dở dang. Để nhận biết rõ con người ông, chỉ có cách duy nhất là chứng kiến tận mắt các gian phòng chật ních người đến nghe thơ ông hay những bài hát của nhóm nhạc “Những con chó trong vũ trụ” mà ông là thủ lĩnh tinh thần.

Nhà hàng “ngoằn ngoèo” nằm ngay cạnh bến tàu điện ngầm Kiev mang cái tên rất trọc phú “Cổng Vàng” là nơi diễn ra cuộc phỏng vấn của chúng tôi. 

Thơ ca là công việc chính của ông hay ngoài sáng tác ra, còn có công việc gì khác nữa, thưa nhà thơ?

Không chỉ thơ ca mà văn chương nói chung. Tôi vừa làm thơ vừa viết văn xuôi, cộng tác với nhiều nhà xuất bản, tạp chí, nhà hát. Tôi có hai dự án lớn về âm nhạc. Đó là tất cả những gì được gọi là nghề nghiệp của tôi. Tôi không chính thức làm việc ở cơ quan nào cả. Tôi không thích cuộc đời công chức làm công ăn lương. Tôi muốn tất cả thời gian là của tôi, muốn sắp xếp nó theo ý tôi muốn. Đối với tôi, cuộc đời là một cự ly chạy ngắn. Tôi nhớ rất rõ điểm xuất phát và cũng tương đối mường tượng được cái đích phải đến. Thực sự, cuộc đời quá ngắn ngủi. Thời gian thật đậm đặc như có thể sờ nắm được. Tôi cảm thấy nó trôi vuột đi qua kẽ tay của mình. Tôi luôn luôn cảm nhận được thời gian một cách khách quan.

Bài thơ đầu tiên ông viết vào lúc nào? Ông viết bằng tiếng Ukraine hay tiếng Nga?

Năm học lớp ba. Từ bé tôi đã yêu văn học, đọc nhiều. Cô ruột tôi là nhà thơ, dịch giả văn học, bởi vậy văn chương với tôi là một cái gì đó rất tự nhiên. Từ nhỏ, xung quanh tôi mọi người nói bằng một ngôn ngữ pha tạp. Cơ bản là tiếng Ukraine nhưng vẫn pha trộn thêm rất nhiều từ tiếng Nga. Nếu bạn chuyển sang nói một thứ tiếng Ukraine thuần khiết, mọi người xung quanh sẽ cảm thấy “lo lắng”, còn ai đó nói tiếng Nga “sịn” thì không khỏi gây nên những tiếng cười. Thực sự, tôi rất bực với tình trạng pha tạp ngôn ngữ này. Theo tôi, điều đó chứng tỏ sự bất ổn về ngôn ngữ, sự mất tự tin của người sử dụng. Sự không chắc chắn về ngôn ngữ là một dấu hiệu ngoại lai nhất định, không chỉ về mặt địa lý hay chính trị mà còn cả về cảm xúc và tâm lý. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tôi lên Kharkov học chỉ nói và viết bằng tiếng Nga, bây giờ lại toàn tiếng Ukraine.

Một bài thơ được chào đời như thế nào? Nó lọt lòng với đầy đủ “đầu mình và tứ chi” hay phải gia công từng dòng trong một thời gian dài?

Tôi cảm thấy, không có một thuật toán duy nhất nào cả. Đôi khi, chúng được viết ra một cách hết sức tự nhiên, nhưng cũng nhiều lúc phải “nuôi trồng” trong một thời gian rất dài có khi đến vài năm. Sáng tác văn chương là một công việc mang tính chủ quan và cá nhân, chính vì lẽ đó mà chúng ta yêu quí nó.

Theo ông, quá trình trưởng thành trong thơ ca như thế nào? Ai là nhà thơ thần tượng của ông?

Không ngừng học và học ở mọi người. Đối với nhà văn, tối thiểu cũng phải đọc nhiều, không chỉ đọc các nhà văn cổ điển. Đây là cách duy trì một thân thể luôn cường tráng cho một vận động viên chuyên nghiệp. Tôi rất khó nêu ra đây những cái tên cụ thể, nhưng đó là cả nên thi ca Ba Lan, Đức, Mỹ và Nga.

Ông có trải qua những giai đoạn khủng hoảng trong sáng tác không? Nếu như không bí mật, làm cách nào vượt qua “sự đỏng đảnh” của Nàng Thơ?

Vâng, tất nhiên là có. Đôi khi không viết nổi một dòng. Trong những thời điểm đó, như tôi vẫn làm, tốt nhất là im lặng, đừng cố “rặn” ra mà làm gì. Mọi cái đều sẽ qua đi. Còn một cách nữa là: Lên đường! Du lịch cho phép tôi thay đổi tất cả – từ tâm trạng, nhịp điệu, thời gian biểu và công việc. Ngồi lên tàu hỏa hay bước chân vào sân bay, bạn biết rằng ngay bây giờ mọi cái sẽ thay đổi. Mỗi chuyến đi bao giờ cũng chứa đựng những điều mạo hiểm nhất định mà bạn không thể đoán trước được.

Nhà văn, nhà thơ Sergay Zhadan cũng tác giả bài viết

Ông có làm thơ hay viết văn theo đơn đặt hàng không? Và những người gần gũi xung quanh có ảnh hưởng thế nào đến sáng tác của ông?

Không. Thực ra thì cũng đôi lần viết gì đó cho bạn bè nhưng không thể gọi là thơ được. Còn những người ruột thịt, họ hàng, bạn bè là động lực chính của việc sáng tác. Tôi chỉ có hứng thú viết về những cái mà tôi hiểu rõ, tôi thấy hay, khi mà các nhân vật trong sách của tôi là những con người cụ thể, sống động. Tôi quen làm việc theo cách như vậy.

Nữ thi sĩ Nga Anna Akhmatova ví cảm hứng như là một vị khách “với cây sáo trong tay” khiến cho cả thế giới đứng trước nó như không hề tồn tại. Theo ý ông, hình tượng nào có thể so sánh với vị thần Cảm Hứng?

Cột anten có khả năng thu phát những dao động nhỏ nhất, tinh tế nhất của thế giới tâm hồn con người.

Ông muốn đạt tới điều gì trong sáng tác của mình?

Tôi cũng không biết. Hình như, chính quá trình sáng tạo quan trọng hơn cả, bất kể kết quả ra sao. Đối với tôi, được hoạt động văn học đã là một hạnh phúc cực kỳ to lớn, thậm chí ngay cả khi không có ai thích những gì tôi viết ra. Cũng cần phải nói thêm rằng viết hai trăm trang trên máy tính cũng nặng nhọc như đứng làm việc ở công xưởng vậy. Một mặt, bạn muốn quá trình sáng tác không đơn điệu nhàm chán, phải đem lại niềm vui sướng hạnh phúc, mặt khác – đôi khi cũng phải tự buộc bản thân: không, không thể bỏ phí một ngày trôi qua vô ích, hãy ngồi vào bàn và viết! Thật khó có gì so sánh được với khoái cảm khi bạn viết xong một cuốn sách mà mình vừa ý.

Những nhân tố chủ quan và khách quan nào để có thể viết nên được một kiệt tác?

Điều quan trọng đầu tiên là nhà văn không được nghĩ rằng mình đang sáng tạo “kiệt tác”. Mà chính khái niệm kiệt tác cũng mang tính rất chủ quan.

Cái gì là cơ sở cho các truyện ngắn của ông? Kinh nghiệm cá nhân hay các chuyện kể của bạn bè người thân?

Các câu chuyện kể của bạn bè đấy là kinh nghiệm bản thân. Cả cuộc đời mà chúng ta đang sống – cũng là kinh nghiệm của bản thân. Thực tế, tôi cảm thấy hứng thú hơn khi tạo dựng lại cuộc sống chứ không phải “bịa” ra cuộc sống.

Với tư cách là một sinh viên đang theo học chuyên ngành ngôn ngữ và văn học Việt Nam, một đại điện của thế hệ mới, tôi thực lòng nói rằng không thích đọc về chiến tranh. Tôi thích truyện trinh thám, tình sử và tình cảm xã hội hơn. Nhưng tất nhiên có những tác phẩm về chiến tranh được độc giả vồ vập, như cuốn “Trường nội trú” mới xuất bản của ông. Tôi không có cảm giác dễ chịu khi đọc nó, nhưng cách viết cũng rất lôi cuốn. Ông làm cách nào đạt được sự thỏa hiệp này – chân thực, không chủ quan và lại gây được thích thú cho độc giả?

Tôi chỉ đơn giản luôn nghĩ về những người mà tôi viết. Trách nhiệm trước nhân vật đôi khi tạo nên kỷ luật và thúc đẩy hành động trong tiểu thuyết. Tôi cũng không thích đọc lắm về chiến tranh. Nhưng về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine này thì cần phải viết. Để không có gì bị lãng quên, để không có khoảng trống trong lịch sử.

Đối tượng bạn đọc của ông là ai? Thanh niên, thế hệ già hơn hay phụ thuộc vào từng tác phẩm?

Bạn đọc của tôi rất đa dạng. Để có được một bức tranh tổng thể về độc giả quả thật là khó. Như tôi được biết, bạn đọc của tôi là những người tâm tình cởi mở và chân thành.

Chủ đề nào là trung tâm trong sáng tác của ông? Tại sao ông lại chú trọng vào đó?

Chủ đề về thời cuộc. Chủ đề về ký ức. Đó là những vấn đề đang và sẽ lay động được tâm trí mọi người.

Ai trong số các nhà văn hiện đại của Ukraine ông đánh giá cao nhất cả về nhân cách lẫn tài năng?

Tôi cho rằng, văn học Ukraine 40-50 năm trở lại đây là một hiện tượng thú vị và độc đáo. Thật khó đưa ra phán xét chỉ bằng vài dòng phỏng vấn. Thế nhưng, nếu bạn bắt tay vào đọc và nghiên cứu, nó sẽ cuốn hút bạn và mê hoặc bạn ngay. Như sắc đẹp của phụ nữ Ukraine vậy.

Ông có thể tự nói vài điều về gia đình được không?

Tôi rất yêu cha mẹ mình nhưng hoàn toàn không biết và không thích kể về họ. Nói chung, tôi không muốn đưa ra công chúng gia đình và con cái mình. Tôi nghĩ, cha mẹ tôi cũng muốn làm sao để tôi gắn bó với họ nhiều hơn, nhưng trên thực tế, tôi có vẻ hơi xa cách với nhân quần, thậm chí với người thân. Bởi vậy, cha mẹ tôi cũng hay phàn nàn về tôi lắm. Cha mẹ tôi chưa bao giờ dự buổi ca nhạc nào hay lễ ra mắt sách, đọc thơ nào của tôi cả. Nghe có vẻ lạ, nhưng sự thật là như vậy.

Trong quá trình giáo dục con cái của mình, tôi không hề cầu cứu tới các phương pháp sư phạm nào cả, cho dù tôi học trong trường sư phạm ra. Tôi không hề có suy nghĩ: cần phải áp dụng cái này, cần phải loại bỏ điều kia, hoặc ngăn cấm cái gì đó. Cái quan trọng nhất là để đứa trẻ lớn lên một cách thân thiện, hướng tới việc khám phá thế giới. Để làm sao nó có thể yêu thích được càng nhiều càng tốt những sự vật trong cõi đời này, yêu cuộc sống.

Dân số Việt Nam gần 100 triệu. Ông có mong muốn sách của mình được xuất bản tại đó không? Cảm tưởng gì khi ba truyện ngắn của mình được dịch ra tiếng Việt?

Tất nhiên là muốn rồi. Bất cứ nhà văn nào cũng muốn thấy đứa con tinh thần của mình nói nhiều ngôn ngữ khác nhau của thế giới. Con số 100 triệu quả ấn tượng – cả một vũ trụ rồi còn gì! Đáng tiếc là ở Ukraine, thông tin về Việt Nam rất hạn chế. Thú thật, đây là lần đầu tiên trong đời tôi cầm một cuốn sách tiếng Việt trong tay. Những suy nghĩ của tôi đã nói bằng một thứ tiếng phương đông bí ẩn. Bây giờ tôi mới biết, tiếng Việt không phải là chữ tượng hình như tôi vẫn tưởng. Tôi thực sự muốn được đặt chân tới vùng đất nhiệt đới xa xôi đó.  

Ông có ý kiến gì về khả năng hàn gắn và cải thiện mối quan hệ giữa Nga và Ukraine?

Tất nhiên, việc đầu tiên là Nga phải trả lại những lãnh thổ chiếm đóng cho Ukraine rồi sau đó mới nói đến chuyện cải thiện quan hệ.

Xin cảm ơn!

V.H.T