Covid-19, phép thử không chỉ nền kinh tế – Tùy bút Phùng Văn Khai

188

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nếu tính dấu mốc ngày 28 tháng 4 năm 2020, tại phiên họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam đã cơ bản khống chế, đẩy lùi được đại dịch Covid-19, đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới thì đúng một ngày sau, ngày 29 tháng 4 năm 2020, nhóm biên soạn do nhà báo Ngọc Niên – Giám đốc truyền thông Viện Nghiên cứu Thanh tra và Phòng chống tham nhũng – nguyên Tổng Biên tập báo Nhà báo và công luận chủ trì phối hợp với Nhà xuất bản Lao động xã hội tổ chức họp báo công bố tập sách Việt Nam – Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19 cũng là ấn phẩm đặc biệt chào mừng 45 năm Giải phóng miền Nam. Tập sách tiếp đó được tái bản có bổ sung khá toàn diện để từ đó chúng ta có cái nhìn tổng quan về đại dịch Covid-19 với Việt Nam.

Đến hôm nay, thềm năm mới 2023 với biết bao trí tuệ và nước mắt, cả sự hy sinh mất mát vô bờ bến của toàn dân đã cho chúng ta ý thức sâu sắc hơn về dịch bệnh và cao hơn dịch bệnh chính là phẩm giá của con người đã bị thách thức tới biên độ cuối cùng. Chúng ta từng tự hào về Thủ đô Hà Nội – Thủ đô phẩm giá của con người trong chiến tranh được bè bạn quốc tế ngợi ca thì chúng ta trong đại dịch Covid-19 đến hôm nay đã ở ngưỡng bị thách thức đến tận cùng lương tri, phẩm giá khi chứng kiến hàng loạt cán bộ cấp cao, nhất là ngành y tế, tuyến đầu của tuyến đầu phòng chống đại dịch thoái hóa, biến chất, bị đồng tiền sai khiến đến mức mất hết lương tâm phải bị pháp luật nghiêm trị. Dẫu chưa có án tử hình trực tiếp nào, song trong trái tim của nhân dân cần lao thì những người có chức có quyền trục lợi từ đại dịch Covid-19 đã bị tuyên án tử mãi mãi.


Nhà văn Phùng Văn Khai. 

Từ đại dịch Covid-19, phép thử đâu riêng ngành kinh tế mà chính là phép thử lớn cho thể chế của chúng ta. Trước sinh mạng của hàng chục nghìn người dân, nhất là người dân lao động Thành phố Hồ Chí Minh chết hàng ngày trong nhiều tháng bùng nổ đại dịch, trước hàng triệu người mất công ăn việc làm, sống trong trợ cấp ít ỏi, sống trong nỗi sợ hãi và mệt mỏi vô cùng tận thì sự trục lợi hàng tỷ, chục tỷ, trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ của tham quan nhũng lại, gian thương ma mãnh không chỉ đáng tuyên án mà còn khiến chúng ta phải giật mình nhìn lại cơ chế của mình. Nói như một vị quan cấp nhà nước là chúng ăn không từ một thứ gì, chính là đã ăn cả xương máu của nhân dân.

Nếu thống kê những quan chức, cán bộ, gian thương phải đối diện với pháp luật, án tù, tiền nộp phạt có lẽ ngành thống kê cũng phải mất hàng tháng để làm cái việc không đáng có đau lòng buốt ruột ấy. Tại làm sao gần như tổng thể ngành y tế, các Sở Y tế, các bệnh viện… kẻ trước người sau đều vướng vòng lao lý? Có lẽ nào đồng tiền đã sai khiến được tất cả kể cả việc bóp méo luật pháp, sử dụng các công cụ công quyền để tham ô trục lợi. Hàng trăm chuyến bay giải cứu đã bị bàn tay ma mãnh điều khiển như thế nào? Thế giới sẽ nhìn Việt Nam như thế nào khi tổ chức đưa công dân của mình về nước một cách quá bi ai, tốn kém, tổn thất cán bộ, tổn thất niềm tin đến thế? Đã có rất nhiều công dân khi về nước phải chọn con đường tới Campuchia rồi từ đó trèo non vượt suối về trong cơ cực, nhếch nhác, chui lủi, họ sẽ nghĩ gì về Tổ quốc? Trong khi các quan chức ngành y tế ghép du thuyền trên biển tổ chức yến tiệc linh đình như cung vua phủ chúa mời ca sĩ hạng sang tới hát chơi? Nếu như sự nhũng loạn, trục lợi từ đất đai diễn ra trong một thời gian dài với sự tiếp tay của vô số cán bộ các cấp nhân dân còn chưa giật mình kinh hãi mà chỉ cam tâm nín nhịn bỏ mặc thì việc ngang nhiên trục lợi không ít các quyền lợi chính đáng của người dân trong đại dịch Covid-19 khiến chúng ta căm phẫn. Lũ sâu bọ rắn rết đã và đang được lôi ra ánh sáng để tòa án pháp lý và tòa án lương tâm phán xử nhưng cái mất mát không thể chữa lành ngày một ngày hai chính là niềm tin của nhân dân đã bị giảm sút rất sâu sau đại dịch.

Sức chống chịu của Việt Nam thật vô bờ bến từ cuộc chiến sinh tử chống Covid-19. Đó là mệnh lệnh của Tổ quốc. Cụ thể hơn, đó là kết luận của Bộ Chính trị số 172 ngày 21 tháng 3 năm 2020 về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước đó là công văn của Ban Bí thư số 79 ngày 29 tháng 1 năm 2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra. Đặc biệt, đó là Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 30 tháng 3 năm 2020: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chiến thắng đại dịch Covid-19”. Tiếp đó, Tổng Bí thư nhiều lần lên sóng truyền hình kêu gọi nhân dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong phòng chống đại dịch. Đó là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 170 ngày 30 tháng 1 năm 2020 và vô số Chỉ thị, thông báo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ tới các cấp, các ngành và nhân dân cả nước trong thực hiện công tác phòng chống dịch. Đã có lúc cả nước căng thẳng. Đã có lúc tất thảy mọi người đều thấy ngột ngạt, sợ hãi và lo lắng đến cùng kiệt. Trong đỉnh dịch các tháng 8, 9, 10 năm 2021, ngay như cơ quan tôi, nhà văn Nguyễn Quốc Trung thường trú ở Thành phố Hồ Chí Minh khi bị nhiễm Covid-19 đã chỉ chống trọi được tròn mười ngày. Anh mất trong nỗi đau lớn của chúng tôi. Thi thể anh được đưa vào công ten nơ lạnh trong núi công ten nơ hàng trăm chiếc phải rất lâu sau mới đưa đi hỏa thiêu được. Các lò hỏa thiêu ở Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hết công suất. Những lò hỏa thiêu dã chiến, di động phối hợp ngày đêm trong sự sợ hãi đến kiệt cùng. Tất cả, tất cả khiến chúng ta đứng ngồi không yên trong một khoảng thời gian tưởng chừng dài như vô tận.

Ấy vậy mà, chính nhân dân chứ không phải ai khác đã vùng lên, kiên gan và sáng suốt chống lại đại dịch và chiến thắng nhưng cũng vô cùng đau đớn khi phải vĩnh biệt hàng vạn người thân yêu nhất của mình. Rất nhiều người cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái không được nhìn nhau lần cuối.

Những lúc như thế, ta mới thấy lời của Hồ Chủ tịch như luôn vang lên khắp mọi nơi: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thồng quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Đúng là chỉ có nhân dân mới đủ bản lĩnh và nghị lực để vượt qua đại dịch. Đó cũng là tinh thần kiêu hãnh làm người của mỗi người dân trong thời đại Hồ Chí Minh càng sáng rõ hơn bao giờ hết. Một đất nước lầm than chịu ách nô lệ trăm năm: người chết đói, chết rét, chết vì dốt nát lên tới hàng triệu đã kiêu hãnh làm người đứng lên giành độc lập dân tộc trong Cách mạng tháng Tám (1945) đi vào lịch sử. Và cũng những con người ấy lập tức kiêu hãnh làm người vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm vừa tạo nên những dấu mốc thần kỳ, những chiến thắng chỉ có thể có ở những người kiêu hãnh nhất: Điện Biên Phủ (1954); Điện Biên Phủ trên không (1972); Đại thắng Mùa xuân (1975) khiến bạn bè quốc tế thêm phần kiêu hãnh vì những người Việt Nam bước ra từ bùn và máu. Tiếp đó là những khó khăn chồng chất của thời quan liêu, bao cấp, ấu trĩ, giáo điều đến u mê, nhưng chúng ta đã kịp tỉnh ra để kiêu hãnh làm người. Từ cột mốc Đổi mới 1986, đến nay đã có được tầm vóc mới, vị thế mới, trưởng thành hơn, chững chạc hơn trong xã hội văn minh của loài người. Một đất nước đã như thế tất yếu sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 theo cách của riêng mình. Mà sao từ chiến thắng ấy, những tổn thất không đáng có vẫn khiến trong tim chúng ta buốt nhói.

Trở lại sự tha hóa, biến chất, gây mất niềm tin của nhân dân vào bộ máy lãnh đạo các cấp của đất nước đã khiến không ít lúc lặng đi. Từ những sáng tinh sương lướt web, mạng xã hội đến các bản tin thời sự đã xuất hiện rất nhiều thông tin thi hành kỷ luật, thực thi pháp luật với vô số cán bộ thoái hóa biến chất. Đã có Ủy viên Bộ Chính trị phải vướng vòng lao lý. Nhiều Ủy viên Trung ương đã bị đại dịch Covid-19 quật ngã không phải bằng bệnh tật mà bằng tiền bạc – Than ôi! Những Giáo sư, bác sĩ, Tiến sĩ chỉ mới hôm qua thôi còn là anh hùng, còn là công dân ưu tú của Thủ đô bỗng chốc mặc áo tù vì trục lợi bất chính từ Covid-19. Những con số và những gương mặt vừa khiến chúng ta thương xót vừa khinh bỉ.

Thềm xuân mới 2023, từ những gì thiết cốt căn cơ nhất, từ những tín hiệu kinh tế đáng tự hào nhất trong bối cảnh thế giới vô cùng phức tạp, chúng ta buộc phải nhìn nhận một cách thẳng thắn và sâu sắc về đại dịch Covid-19. Việt Nam – Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19 chính là dấu mốc quan trọng trong sự trưởng thành mới của chúng ta.

P.V.K