(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong tôi, Trương Gia Hòa vẫn luôn tươi trẻ, trẻ như 16 năm trước lúc Hòa làm Biên tập viên nxb Văn nghệ tp.HCM (lúc tôi phụ trách nội dung xuất bản), hạnh phúc còn đong đầy nơi mắt và trong thơ Hòa. Tập thơ đầu tay “Sóng sánh mẹ và anh” in vuông vức, khổ nhỏ, mỏnh mảnh đã cho thấy một giọng thơ riêng và niềm riêng của một người trẻ dè dặt cẩn trọng dò đẫm bước trên con đường chữ nghĩa.
Nhà văn Trương Gia Hòa bên ngôi chùa Bà Thiên Hậu
Với tôi, dù đã trải qua một chặng đường dài và đối mặt “giữa những tường vây” Trương Gia Hòa vẫn khao khát yêu thương. Hòa gắng gỏi vượt qua một chặng đường gian nan, chống chọi căn bệnh nan y, đồng hành với nhiều bất trắc, cố gắng mạnh mẽ, cố gắng từng giây một, cố gắng trong hoàn cảnh mà không ít người có thể đã buông xuôi. Hòa cố gắng bằng nghị lực phi thường của một người mẹ kiên cường, một đứa con hiếu thảo, một người đàn bà có lúc ở giữa làn ranh sinh tử. Hòa tiếp tục tìm kiếm công việc mới phù hợp với điều kiện và sức khỏe của mình sau khi xin nghỉ công việc làm biên tập ở một tờ báo.
Hòa vừa chữa bệnh, vừa viết văn, vừa may ra, may gối, may mền…vừa kiếm tiền nuôi con, vừa tìm thấy một chiếc phao vô hình đã nhấc Hòa lên, đưa Hòa bay lên cao hơn trên hành trình chống lại bệnh tật và cuộc mưu sinh nặng nhọc dễ kéo con người thấp hơn cả mặt đất dưới chân mình.
Và với tôi, vẫn nhớ hoài, khoảnh khắc ôm Hòa thật chặt mà nước mắt cả hai đều rang rụa, bởi ngày hôm sau, một mình Hòa, một mình trong bốn bức tường ngăn cách để uống iod phóng xạ; một mình Hòa chống chọi với nỗi đau không chỉ từ huyết quản và thịt da…
Rồi tôi vui muốn phát khóc khi đọc được tập tản văn “ Đêm nay con có mơ không ?”, tập văn xuôi đầu tay của Hòa.
Câu chữ “ Đêm nay con có mơ không ?” sáng rõ. Văn Hòa khúc chiết. Hòa viết về những cảm xúc của chính mình trong cuộc sống thường ngày, những cảm xúc mà ai cũng có thể có. Nhưng Hòa đã viết những điều nho nhỏ đó bằng một hồn thơ, bằng ngôn từ được chắc lọc từ vốn sống bề bộn và từ tình yêu cùng nỗi đau đã được thăng hoa. Hòa đã biến những điều cảm nhận từ trái tim của riêng mình thành cảm xúc mà người đọc chợt nhận ra đó cũng là cảm xúc, là niềm đau, là hạnh phúc của chính mình. Quyển tản văn“ Đêm nay con có mơ không ?” được người đọc đón nhận và ít tháng sau “ Đêm nay con có mơ không ?” được tái bản. Tác phầm này, sau đó được Tặng thưởng – Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Tp.HCM.
Tập tản văn thứ hai “Sài Gòn thềm xưa nắng rụng”, càng đằm sâu sau bao đớn đau, yêu thương vẫn tràn đầy.
Quyển sách mới Trương Gia Hòa đã mới hơn với giọng văn bớt đi sự dịu dàng, bớt đi sự quanh co che giấu những cảm xúc cứ chực tuông trào. Ở nhiều tản văn, giọng tự trào hài hước của Hòa gây hiệu ứng nơi người đọc. Đọc tản văn “Bạn ung”, tôi thấy nhà văn Trương Gia Hòa lớn hơn và cao hơn nhiều sau một chặng đường gai chông mà Hòa một mình vượt qua và để lại đó bao nhiêu máu và nước mắt. Ở nhiều tản văn khác, như: Giữa những tường vây, Nhường nhịn và rộng chật, Những đám mây trôi về đâu, Chết đi hay chết để…thấy tâm hồn Hòa được cơi nới, tầm nhìn Hòa rộng hơn và cao hơn.
Là bệnh nhân của căn bệnh quái ác, Hòa và những người bạn đang chống chọi với “bạn ung” mà gọi K là “bạn” và viết được bằng giọng văn vừa bỡn cợt, vừa tự trào như vậy không chỉ là nghị lực, là ý chí mà còn hiểu được lẽ đời, thấm được số phận mong manh của phận người, mỗi con người hằn “những vết sẹo vô ưu”.
Tôi có ý định mời nhà văn Trương Gia Hòa tham gia Cuộc thi Bút ký viết về “Quận 5 trong tôi” và Hòa sẽ có mặt trong đoàn Nhà văn trong buổi gặp gỡ tiếp xúc với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Q5. Nhưng rồi tôi sợ Hòa phải đi một chặng đường dài từ nhà đến trụ sở UBND Q5, rồi phải “đi thực tế” mới có thể viết được bài viết về Quận 5; nên tôi ngại cho Hòa. Nhưng rồi trước một ngày mà Q5 tổ chức chuyến đi thực tế, Hòa liên lạc với tôi, nói về những quyển sách mới của tôi. Tôi chợt hỏi “Em có về Quận 5 để tham gia Cuộc thi Bút ký ?”. Hòa hăm hở tham gia và vội vàng đón chuyến xe đi từ Tây Ninh ( nơi Ba mẹ Hòa sinh sống) để về cho kịp tham gia chuyến đi thực tế về Quận 5 cùng với anh chị em viết văn.
Hôm tham quan chùa Bà Thiên Hậu, sau khi lặng lẽ nhìn ngắm từng chi tiết của ngôi chùa, từ kiến trúc, điêu khắc, hội họa đến làm khói cuộn bay từ lư hương… Hòa đến bên tôi, nói: “Quận 5 nhiều cái hay quá mà em chưa viết bút ký lần nào”. Tôi nói: “Tản văn cũng là một dạng của Bút ký, ký bằng cảm xúc của mình…”.
Mà viết tản văn đong đầy cảm xúc, đong đầy yêu thương như Hòa thật hiếm người viết được. Và bỗng dưng tôi lại nhớ hai câu thơ của Trương Gia Hòa trong tập thơ đầu tay của Hòa “Sóng sánh mẹ và anh”xuất bản cách đây đã 14 năm:
Cứ đau đi rồi bầu trời sẽ khác
Trăng bên thềm đâu khóc mãi hoàng hôn.
Bích Ngân