Cụ thể hóa và trừu tượng hóa trong thơ

1503

Nguyễn Vũ Tiềm – (Trích: “ĐI TÌM MẬT MÃ THƠ” NXB Hội Nhà Văn tái bản 2015)

Tập tiểu luận Đi tìm mật mã thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Thế giới muôn loài chi phối bởi âm dương. Đất trời có nóng có lạnh, cuộc đời có thật có giả… Có phải vì thế không, mà trong thơ, ta luôn gặp hiện tượng này, ấy là nhà thơ khi thì cụ thể hóa cái trừu tượng lúc lại trừu tượng hóa cải cụ thể. Có cần thiết phải vòng vo phiền phức đến như thế không? Thử xem một Số trường hợp.
Nguyễn Du tả Thúy Kiều đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay
(Truyện Kiều)
Tiếng đàn vô hình đã được hiển hiện lên rất rõ như có thể chạm vào được, cầm nắm được, tâm tư vốn ẩn giấu, trừu tượng, nhưng ở câu thơ này, nó đã được tượng hình lên bằng năm đầu ngón tay nhỏ máu trên sợi dây đàn, khiến ta có cảm giác như chính ngón tay ta đang buốt nhói.
Hàn Mặc Tử tả người tình ở tuổi trăng tròn:
Mới lớn lên, trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
(Huyền ảo)
Cô gái này biết thẹn thò hơi sớm, tức là tâm hồn rất tinh tế, nhạy cảm, đã biết điểm tô sắc đẹp của mình bằng hương thơm. Đôi điều chấm phá ấy đã nói lên khá cụ thể về một cô gái đẹp, vậy mà nhà thơ lại đem so sánh với cái điều mơ hồ trừu tượng: “như tình ái của ni cô”. Đố ai biết “tình ái của ni cô” hình thù màu sắc, hương vị nó ra làm sao! Chịu! Đang ở điểm rõ, nhà thơ lại đưa ta vào điểm mờ. Nhưng lạ thật, chính ở cái điểm mờ này, ta lại hình dung ra dung nhan dáng dấp tâm hồn em gái ấy rõ hơn, trong trắng và đáng yêu hơn.
Ở thí dụ trên, Nguyễn Du cụ thể hóa cái trừu tượng; thì dụ dưới, Hàn Mặc Tử trừu tượng hóa cái cụ thể. Hai tài năng lớn với hai phương pháp nghệ thuật ngược chiều nhau đều cùng mang lại hiệu quả nghệ thuật đỉnh cao cho đến nay chưa có ai với tới được.
Nói vậy có chủ quan võ đoán chăng?
Tất nhiên lúc nào cũng có các thi tài thầm lặng kiễng chân… Tuy khoảng cách xa hay gần nhưng có được cơ hội ướm thử vào hai ngọn tháp nguy nga tráng lệ ây cũng đã là hạnh phúc lớn.
*
Trong bài “Vội vàng” Xuân Diệu có câu thơ rất tài hoa:
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
Với nhiều người, tháng Giêng là tháng đẹp nhất trong năm, nhưng nó thuộc về sự tuần hoàn của quỹ đạo trời đất, nó rộng và chung quá, do vậy nó trừu tượng. Nhà thơ ví “ngon như một cặp môi gần”, ta cảm thấy như đang sắp được chạm đến, mới thế thôi mà đã ngây ngất đắm say.
Trong bài “Đọc Kiều”, Chế Lan Viên có câu thơ lạ:
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên
Cành xuân phải trao tay khi nước mất
Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên
Cỏ thì vốn đã quá quen thuộc, nó rõ ràng cụ thể từ dáng lá, sắc màu vậy mà nhà thơ còn đem ví nó với một ảo ảnh bóng ma: “sắc Đạm Tiên”. Có lẽ đến cụ Nguyễn Du viết nên Truyện Kiều cũng chả hình dung ra “sắc Đạm Tiên” màu sắc ra làm sao. Nhưng chính cái mơ hồ ảo ảnh này lại tô điểm cho bài thơ một thoáng sắc màu cổ điển sự hoài niệm mênh mang và nhờ đó, bài thờ có hồn, có chiều sâu quá khứ, rung động lòng người…
*
Phần tiếp theo, tôi xin phép được chép ra một cách tình cờ một số câu thơ hay về phương pháp nghệ thuật này.
Cụ thể hóa cái trừu tượng
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra
(Hớt tóc – Phan Khôi)
Chim mang tiếng hót ra hong nắng
Tơ nhện vương sương trắng cỏ bờ
(Sang xuân – Hoàng Tố Nguyên)
Chiếc điều như chiếc cốc rơi
Nhặt vun sẽ đứt tay người nhặt vun
(Vũ Duy Thông)
Đêm rón rén gỡ vầng trăng rất khẽ
Đựng cả mùa thu vào gió mây
(Khát khao – Bùi Tuyết Mai)
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy
(Phùng Quán)
Tôi che mưa hắt cho em đó
Kẻo ướt tâm tư một tiếng hò
(Đêm sống Hương – Vân Long)
Em rõ ràng không có ở đây
Ai đó giống, mà không thể giống
Nhưng tôi vẫn muốn được giật mình xúc động
Được thấy em nhiều ở chốn không em
(Những cái giật mình – Phạm Đình Ân)
Đêm dài như xác pháo
Xé tan tuổi đôi mươi
Chưa tiêu gì ra món
Đã hết veo cuộc đời
(Đêm trắng – Đoàn Thị Lam Luyến)
Những thân ngô vừa cắt
Còn tươi mùi đất sống
Em bó chiều thành gió
Tất bật gánh qua đồng
(Làng bên kia Trung Hà – Nguyễn Việt Chiến)
Và trừu tượng hóa cái cụ thể:
Quả sấu non
Những nốt nhạc trên cao còn ướt mực
(Đường Hà Nội – Đào Cảng)
Những chiếc lá vàng như phận mỏng
Nuối về sắc biếc thuở trên cây
(Nhà bạn cuối đường – Chử Văn Long)
Rồi mưa, tôi được trú nhờ
Trú vào câu chuyện ngày xưa ấy mà
(Vũ Xuân Hương)
Nối ngày sau với ngày xưa
Biết rồi lại nối với chưa biết gì
(Nhịp cầu trẻ con – Đỗ Huy Trí)
Tất cả vai em thôi
Gánh thăng bằng ngày tháng
(Hoàng Việt Hằng)
Nếu kỷ niệm có thể bán đi
Chưa biết chừng tôi sẽ thành giàu có
Đầy ắp trong tôi buồn vui trăn trở
Suốt cuộc đời đi tìm cái khôngđâu
(Kỷ niệm – Phạm Ngà)
Dòng sông vịn lấy đôi bờ
Riêng em vịn lấy hững hờ đời anh
(Nguyễn Thị Kim Thu)
Lỡ vin vào bóng mây qua
Lỡ nghe đắm đuối tiếng ma gọi đò
Đầu kia tựa có ai chờ
Khâu ta vào với ỡm ờ xửa xưa
(Gom nhặt cuối mùa – Mai Văn Phấn)

Cuộc sống chả bao giờ đơn giản, đường đời không khi nào phẳng phiu. Nhà thơ phải có những thấu kính đặc biệt: Khi ảo hóa, khi thực hóa; lúc cụ thể hóa, lúc trừu tượng hóa. Với thấu kính đa năng ấy, soi vào hiện thực sẽ thấy được nhiều góc khuất, nhiều linh ảnh cùng những vô hạn huyền vi khác của Tạo Hóa. Và rồi hiện thực được tái hiện lên trong tác phẩm không những có hình mà còn có hồn. Mà thường thì phần hồn mới là điều chính yếu. Vì vậy hiện thực trong tác phẩm nhiều khi thật hơn sự thật nó vốn có.
Phương pháp biến hóa trên đây làm cho thơ lung linh biến ảo đa chiều. Đọc thơ nhiều khi tìm hình hóa ra bắt bóng, soi bóng lại gặp hình, tạo nên cuộc đuổi bắt chính mình trong cuộc kiếm tìm vô tận: từ cuộc đời vào tác phẩm, từ tác phẩm ra cuộc đời.

NVT