Cúi đầu trước một đa đoan

258

Cứ thấy ngồ ngộ mãi khi lần ấy ngồi với nhau, ông Ma Văn Kháng buột miệng hướng về phía Nguyễn Hiếu giọng tưng tửng: “Chú là một lực sĩ văn chương”.

Có cảm giác không bất ngờ! Ấy là nhà văn Ma Văn Kháng không đùa!

Hơi bị hiếm trong mặt bằng viết lách của nước Nam (tôi lẩn thẩn cùng e ngại nghĩ đến chuyện so sánh với cỡ gộc Lê Văn Trương thưở trước) cái duyên với chữ nghĩa bút mực tròm trèm 50 năm của Nguyễn Hiếu đã chưng cất lên gần 30 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, khoảng 80 kịch bản sân khấu, hơn 20 kịch bản điện ảnh, hơn 400 bài thơ đã in và hàng trăm bài báo về các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật…

Một số tiểu thuyết tày tặn (trọng lượng) và bắt mắt phải kể đến các cuốn Bụi đường, Quá cảnh, Người đàn bà quỷ ám, Chân trời vỡ đôi, Tôi bán mình.

Nhà văn Nguyễn Hiếu (1948 – 2023)

Có anh viết cũng tưng tửng như Ma Văn Kháng rằng nếu đem chồng tất tật những sáng tác của nhà văn Nguyễn Hiếu thì độ cao tác phẩm phải nhỉnh hơn chiều cao của Nguyễn Hiếu?

Giải thưởng ư? Thì liên tằng. Từ Ngành từ Bộ từ các báo Văn nghệ đến Liên Hiệp văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn…

Có lẽ phát hiện ra một Nguyễn Hiếu lấp ló tài năng cùng trữ lượng viết là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Hình như thời điểm Nguyễn Hiếu chuyển từ Đài phát thanh Giải phóng sang làm ở Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam rồi Ban Kinh tế của Đài. Từ cái năm nảo năm nao, Nguyễn Hiếu đã thò ra cho tôi cái thư xuộm vàng của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Thư của nhà văn Nguyễn Công Hoa viết cho nhà văn Nguyễn Hiếu đề ngày 12.8.1973 từ 37 năm trước. Thứ mực cụ giáo Hoan dùng là thứ màu xanh lá mạ. Hẵng còn rất nét.

Số là để đáp lại việc Nguyễn Hiếu khi ấy gửi nhà văn Nguyễn Công Hoan ba truyện ngắn hài, nhà văn đã trả lời thế này.

“… Hiện giờ, các báo đương bắt đầu đăng những bài thơ đả kích những thói hư tật xấu nội bộ, làm hại chế độ – Các báo rất mong muốn có những loại bài viết bằng văn xuôi.

Loại truyện anh viết có thể đáp ứng được mong muốn này. Các báo lại đương khuyến khích viết những truyện ngắn, thật ngắn. Vậy việc anh viết những truyện châm biếm ngắn là hợp thời. Nó phục hồi lối châm biếm bằng những truyện ngắn, rất ngắn. Lối viết này sẽ lôi kéo một số người cùng viết. Nhưng trước hết, về anh, là người phục hồi đầu tiên, phải có những truyện mang đề tài có tầm vóc cao lớn hơn, và về hình thức diễn tả, thì cách hành văn phải già dặn hơn”.

Cỡ tiên chỉ làng văn Nguyễn Công Hoan không cụ tỉ về nội dung câu cú của tác phẩm mà khoáng đạt mà ưu ái nâng đỡ một xu hướng một trữ lượng. Cái cách nhận xét ấy khiến dễ ai đó bị ngợp. Nhất là những anh viết non. Kém tài. Chao ôi phụ nữ không có nhan sắc nhà văn không có tài!

Nhưng Nguyễn Hiếu chứng như đã được miễn dịch?

Thực hiện lời chỉ dẫn của nhà văn lớn, năm 1984 Nguyễn Hiếu đã in tập truyện ngắn hài “Chuyện cái vòi nước”. Năm 1990, Nguyễn Hiếu lại ký hợp đồng với nhà XB Thanh niên qua nhà văn Đắc Trung định in một series tập truyện ngắn hài.

Tôi nhấn thêm cái tư cách trách nhiệm tư cách công dân của một người viết Nguyễn Hiếu.

Lần ấy ngồi với Nguyễn Hiếu và mấy ông viết trong một hội thảo. Cái thói văn báo được ngồi với nhau, ngồi gần nhau dự hội thảo thường lươn khươn về những thứ không tiền khoáng hậu. Cái sự mất trật tự bữa ấy tôi xin ghi lại như này.

Một ông hỏi Nguyễn Hiếu.

“Em hỏi khí không phải là năm nay giải tiểu thuyết lắm giả cổ trang thế nhỉ? Trong khi bao nhiêu bề bộn của cuộc đời cần được lên thể loại hạng nặng của văn chương. Hay là các nhà văn ta có chút né tránh chăng?”.

(Câu hỏi cứ như một sự tổng kết? Cứ chiểu theo kết quả vừa được công bố trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam, số lượng tác phẩm được giải ràn rạt như một cuộc diễu hành (chữ của PGS.TS Phạm Ngọc Thạch) biểu dương lực lượng văn chương với 30 cuốn. Ở hai giải cao hạng nhất, nhì có đến 3 cuốn thuộc loại dã sử của Trần Thùy Mai, Trương Thị Thanh Hiền, Võ Khắc Nghiêm đó là chưa kể ở hạng cuối dã sử vẫn thêm đồng cân với cuốn Ngô Vương của Phùng Văn Khai).

Nhà văn Nguyễn Hiếu gật gù.

“Nếu coi tình trạng trên là một hiện tượng thì đây là sự lặp lại của tình trạng ưa dã sử, bỏ qua đời sống hiện đại trong văn nghệ xứ ta.

Rồi lão dẫn thêm một sự kiện văn chương Hà Nội được phô diễn từ 26.9 đến 3.10 vừa qua là Liên hoan sân khấu Hà Nội được tổ chức trọng thể để kỷ niệm 1010 năm Thăng Long và ngày Giải phóng Thủ đô. Trong 11 kịch mục của Liên hoan có đến 80% là kịch dã sử và đều là kịch bản cũ, có kịch bản đã được dùng trong chính Liên hoan sân khấu này từ 10 năm trước và tuyệt nhiên không có một kịch bản nào mang đề tài phản ảnh cuộc sống đương đại.


Học trò Nguyễn Văn Hiếu của một lớp Piano.

Hai ông viết ngồi sau vống lên chỗ Nguyễn Hiếu:

– Bác là dân viết kịch, bác thử cắt nghĩa vì sao kịch cọt gần đây kém hấp dẫn đến độ máu văn nghệ như em cũng phát chán và quay lưng lại? Giá như còn Vũ, có Vũ (ý nhắc đến nhà viết kịch Lưu Quang Vũ?).

– Chú dân Tổng hợp văn đúng không ?

– Em khóa 20 mà bác.

Cựu sinh viên khoa Văn Nguyễn Hiếu huơ tay lên.

– Thế thì các chú nhớ lại giáo trình của thầy Khỏa, Nguyễn Văn Khỏa đi. Thầy Khỏa dạy anh em mình. Sân khấu là nghệ thuật thánh đường. Đã là thánh đường thì nghệ thuật đó phải luôn luôn phản ảnh vấn đề trung tâm của cuộc sống, của xã hội, nói hộ người xem những vấn đề đang được quan tâm. Sân khấu của Vũ hấp dẫn người xem chính vì đáp ứng được điều đó. Lò lửa chống tham nhũng, chống quyền lợi nhóm đang cháy đùng đùng kịch lại đi nói về tình yêu tay ba, về đồng tính, về ông vua, bà chúa từ đời tám hoánh nào thì ai xem.

Nguyễn Hiếu lầm bầm tiếp.

– Nó là thế đấy. Phải chăng các nhà tiểu thuyết bây giờ thích bới bụi thời gian, làm một nhà sưu tầm lịch sử. Không hẳn. Bởi nhà văn đa phần là những phong vũ biểu cực tốt trong sự thay đổi thời tiết xã hội. Họ nắm bắt dư âm cuộc sống nhanh lắm. Như cụ Kim Lân đấy, ba cái chuyện hay nhất của cụ toàn nói chuyện cá nhân, gia đình thế mà đọc vào cứ thấy ngồn ngộn hiện thực đất nước ta từ vụ đói năm 1945 đến chiến dịch Thu Đông 1950. Có điều liệu viết trực diện hiện thực gai góc bây giờ có được in không, cũng như bên sân khấu ấy, người ta sẵn sàng vứt bỏ kịch bản viết về vụ án Vinashin. Sự thao túng của không ít ông thượng thư hiện đại trong cổ phần hóa, chưa hưu đã tính việc sắp đặt ghế cho con để dựng kịch bản nhàn nhạt nhưng an toàn cho nhà hát, đoàn kịch của mình đã.

Giờ giải lao, chất giọng Nguyễn Hiếu tròn vành rõ chữ hơn.

– Đã nói thì nói cho hết. Cái Giải văn chương quốc gia vừa rồi thiếu đứt đi một chữ hài. Nhưng không chỉ nhiệm kỳ vừa qua mà đến hai ba nhiệm kỳ kia, sự thiếu văn chương hài đã phát sinh và dường như những người quản lý văn chương không để ý. Gọi là nền văn chương phải đủ món như người phải đủ chân tay, đầu mình chứ!

Hơn hai chục năm qua việc bỏ tiền túi ra tự in tác phẩm của mình, nhất là thơ, tạo điều kiện cho sự phát triển hùng hậu các nhà thơ nhiều cấp, thì vô tình làm cho nền thơ Việt Nam bị nghiệp dư hóa, còn nền văn chương cũng trở nên thừa thơ và thiếu hài.

Đa đoan là cụm từ khó dùng khó vận. Nhưng “vận” vào Nguyễn Hiếu thấy cũng hơi bị hạp? Là cái sự quần quật tham công tiếc việc. Là cái gồng gắng hết mình. Mà thứ nào cũng tận lực?

Chả đa đoan mà tầm tuổi thất tuần, tất tả với việc viết lách như thế mà Nguyễn Hiếu còn chăm chỉ cắp sách đi học Piano? Và cũng hiếm trong văn đàn nước Việt, chơi chơi mà cứ như thật cái việc lão và Lê Huy Quang chỉ trong một thời gian ngắn đã cùng viết chung và viết xong một cuốn sách?

Chao ôi một quá vãng thương mến. Lẵng nhẵng những chuyến đi khắp mọi vùng miền. Có chuyến sang tận Lào. Trong những nhóm đi ấy chả thể thiếu Nguyễn Hiếu của Đài TNVN, Phạm Mạnh TTX (sau là TBT Báo Bạn Đường)…

Lần ấy tôi chứng kiến trên mặt trắng của một bản báo cáo thành tích ngành nọ, ngồi họp mà Nguyễn Hiếu lia rất thấu ý tưởng của một truyện ngắn đang sắp sửa. Một loáng sau lại một câu tiếng Pháp (Nguyễn Hiếu học và theo tiếng Pháp rất chăm). Cuộc họp vừa kết thúc thì lão rinh cái tráp (thuở ấy máy ghi âm chuyên dụng cho Phóng viên Đài cồng kềnh) moi cái micro thân ái hỏi này nọ rồi dí trước những nhân vật cần hỏi. Thì ra lão đã định đã gẫm một nội dung phát thanh. Thì ra những đối tượng hỏi ấy ai cũng biết người hỏi là phóng viên chuyên trách lừng danh của Đài TNVN! Chỉ chốc nữa qua 58 Quán Sứ lão nhảy xuống kịp cho chương trình Kinh tế hoặc thời sự. Xong xuôi chức phận công chức và phóng viên. Lão ghìm mình lại ngay tại phòng làm việc để thực thi chức phận của người viết tiểu thuyết. Nếu không thì kịch cọt. Thơ thiếc.

Hơn 40 năm tâm trí vẫn hằn một chuyến lên Mặt trận Lào Cai do Tổng Cục địa chất tổ chức thời điểm khi vừa phát lệnh Tổng động viên. Nhóm phóng viên đi mặt trận có Long Sơn – phóng viên ảnh và Đức Đệ – phóng viên tin của TTX Việt Nam. Văn Tuệ Đài Truyền hình TƯ, Phạm Thị Sửu tức Phạm Hồ Thu PV Báo Nhân Dân, Nguyễn Hiếu – phóng viên Đài TNVN và tôi, Báo Tiền Phong. Một đêm ngủ lại chỗ bọn Tàu vừa rút ở Bát Xát chỗ Đoàn địa chất 305 đóng, chúng tôi đã may mắn thoát chết một cách thần kỳ. Nếu không có sự cảnh giác của mấy trinh sát bộ đôi. Đại để phải bí mật lặng lẽ chuyển chỗ ở hai lần. May mắn lúc 2h sáng chỗ ngủ cũ của cả bọn đã bị lũ thám báo Tàu bắn B40 mà ném lựu đạn cấp tập vào.

Duyên số hay may mắn thế nào mà hai ông Phạm Mạnh và Nguyễn Hiếu lại là thông gia của nhau. Những ngày vui cuộc vui thì vô khối.

Nhưng ám mãi một chiều ông thông gia Nguyễn Hiếu cùng đám bạn chúng tôi phải ghìm mình ở nhà ngoài. Căn buồng bên trong là ông thông gia Phạm Mạnh đang trút những hơi thở cuối do bệnh K phổi. Chúng tôi tuân theo Nguyễn Hiếu im lặng không xuất hiện, không đánh tiếng để bạn mình ra đi được thanh thản.

Thương ôi, ông thông gia Phạm Mạnh có lẽ đương phải lắng đương lường đương đếm những sải bước chầm chậm của Thần Chết. Nhưng Phạm Mạnh đâu biết, đúng 16 năm sau, buổi trưa ngày 5/3/2023 Thần Chết đã nhoáng nhoàng cướp đi ông thông gia Nguyễn Hiếu.

Căn bệnh quái ác đã chẳng cho ông thông gia kịp tính đếm hay đa đoạn gì nữa cả.

Mới trước Tết Quý Mão ít ngày trong một cuộc tụ trưa, quen nếp “ua mua” đùa tếu nhau như bao năm tôi đưa mu bàn tay cọ cọ lên khoảng râu cằm vẫn thường lún phún của nhà văn Nguyễn Hiếu. Rồi bật lên câu đùa như mọi bận: “Cái giống râu cằm cứng như này là thọ phải biết nhá!”.

Nguyễn Hiếu rên lên rồi te tái mắng:

“Cái thằng chú này anh mày dạo này hơi bị xuống đấy! Phải vào viện suốt”.

Trưa 5.3, Nguyễn Hiếu lần duy nhất không đùa.

Xin cúi đầu trước Anh!

Xin được chiêm bái sự lam làm và những ham công tiếc việc! Những đa đoan ăm ắp trách nhiệm công dân lẫn người viết.

Tất tật đã bầu nên nhà văn Nguyễn Hiếu.

Không hổ hay đắn đo lẫn ngập ngừng. Mà mỗ (từ quen danh xưng của Nguyễn Hiếu ưa dùng) tôi buông một mạch mấy con chữ thành một hàng dọc.

Thành kính thương tiếc nhà văn Nguyễn Hiếu!

Theo Xuân Ba/Tiền Phong