Cùng em đi lễ chùa này… – Tản văn của Võ Anh Cương

480

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tết đến, sau những ngày dọn dẹp nhà cửa đón chào năm mới, trong những ngày từ mùng một đến mùng ba, người Đà Lạt đi lễ chùa và viếng mộ đầu năm. Viếng mộ của người thân nằm sâu trong ba tấc đất đã trở thành một nét đẹp trong phong cách sống của người Đà Lạt. Tôi không biết những nơi khác người ta có đi viếng mộ vào ba ngày Tết không, chứ cái tập quán ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người Đà Lạt từ lâu, có lẽ dễ đã trăm năm.

Tác giả Võ Anh Cương 

Biết bao người đã rời quê vào Đà Lạt làm ăn sinh sống, sinh con đẻ cái và nằm lại vùng đất một thời được xưng tụng là tiểu Paris, là xứ sương mù, là thành phố hoa, là thành phố tình yêu… tại nghĩa trang nằm cạnh thị xã thuở ấy. Bây giờ khu đồi nghĩa địa “cây số 4” đã được bốc đi dành chỗ cho một dự án văn hóa, thể thao, du lịch nghe đâu có số vốn nghìn tỷ đồng. “Mả thánh” như cách gọi trước đây của người Đà Lạt đã không còn nữa, nhưng những năm trước năm 2005, mỗi tháng chạp tôi đều đi dẫy mả bên ngoại và bên nội ở nghĩa địa này, tôi đã từng thấy những tấm mộ bia được “lập thạch” vào đầu thế kỷ 20, một ngôi mộ tôi đã từng thấy ghi trên bia mộ năm mất là năm 1906! Những ngôi mộ ấy đa số đều được chôn ở dưới chân đồi, sau bao năm tháng phôi pha, có ngôi còn có người thân chăm sóc hàng năm, có ngôi đã trở thành “mộ hoang” không ai hương khói, cái vẻ tiêu điều dường như vương vãi trong từng cọng cỏ! Với một nắm nhang, sau khi cắm vào mộ người thân của mình, ai cũng dành một ít cho những ngôi mộ chung quanh, nhất là những ngôi mộ hoang không người chăm sóc. Vậy đấy, người Đà Lạt thường chạnh lòng với những số phận hẩm hiu, những “cu li” chết xa xứ, không người thân, không một nén nhang trong tiết trời se lạnh, dường như mùa đông không vội ra đi cho dù tháng giêng đã thập thò ngoài khung cửa!

Đó là chuyện của những ngày trong tháng chạp, còn những ngày đầu năm người ta đi viếng mộ để tưởng nhớ công lao của những người nằm xuống. Trong tâm thức, tôi nghĩ ban đầu người ta viếng mộ đầu năm là do thương người chết xa quê, bởi đâu có ai là quê Đà Lạt? Vậy, ngày đầu năm viếng mộ như là một hành vi an ủi vong linh người quá cố một mình nằm lại chốn đất khách quê người. Sau đó thành thói quen được truyền từ đời nay sang đời khác, nhà nào cũng thăm mộ người thân trong mấy ngày xuân, nếu không thăm được sẽ cảm thấy mình chưa tròn lễ số với người đã khuất. Bây giờ nhiều người đã có Đà Lạt là quê hương, bởi họ có cha mẹ sinh ra ở Đà Lạt, họ lấy vợ lấy chồng người Đà Lạt, dù sinh sống ở Đà Lạt hay đi đến nơi đâu làm ăn trong thời kinh tế thị truờng đều đã có quê hương Đà Lạt. Đà Lạt đã trở thành quê hương của nhiều người, việc trở về thăm quê, được đi viếng mộ đầu năm có lẽ là niềm khắc khoải của nhiều người con Đà Lạt đang sống tại nhiều tỉnh thành trong cả nước hay tại các châu lục xa xôi cách quê nhà nhiều giờ bay. Tôi nhớ ngày trước, mới bảy tám giờ sáng ngày mùng một tôi đã thấy nhiều người tản ra khắp các mồ con mả lớn ở mả thánh cây số 4. Những tà áo dài màu hay áo dài hoa trong nắng xuân phất phới cứ y như những bàn tay dịu dàng vẫy gọi khiến cho quả tim gã trai trẻ là tôi cứ đập rộn ràng. Tôi cũng đi viếng mộ, mộ ba tôi, mộ anh tôi và cả mộ của ông bà hàng xóm nhà tôi mà tôi chưa từng biết mặt, chỉ biết rằng trong các câu chuyện kể má tôi hay nhắc về ông bà Ba Quảng sống ở ấp Cao Bá Quát cạnh nhà tôi với một tình cảm rất là sâu lắng. Vậy thì một nén nhang cho ông bà Ba Quảng, cũng là hàng xóm của ba má tôi là việc phải làm, là việc “nhơn nghĩa” ở đời như má tôi từng dạy. Vả chăng, mộ ông bà có thành cao bao bọc che chở cái thứ gió xuân cứ chực đổi chiều, tôi đốt nén nhang nhờ ở đó thì can cớ gì mà không cắm cho ông bà một nén nhang thơm? Bây giờ mộ ba tôi và anh tôi đã được nhà tôi quy tập về nghĩa trang Thánh Mẫu, nhường chỗ cho dự án Trung tâm văn hóa thể thao mới được triển khai, không biết mộ ông bà Ba Quảng có được con cháu hay đã trở thành một con số trong hàng ngàn ngôi mộ không có người thân được công ty dịch vụ đô thị  di dời?

Tiếng chuông chùa đầu năm mới dường như khác hẳn tiếng chuông ngày thường. Thì cũng chuông ấy, cũng người đánh chuông ấy, nhưng trong không gian trầm lắng của những ngày đầu năm mới, tiếng chuông nghe cứ ngân nga tận trong hồn. Đầu năm dường như xe cộ bớt ồn hơn, người ta cũng ra đường trễ hơn để tiếng chim trên đồi thông trở nên thánh thót trong không gian trầm lắng? Ra vậy, mùa xuân không chỉ dành riêng cho con người, cỏ cây, chim chóc cũng yêu thương nhau, cũng thì thầm với nhau những lời tình tự! Vậy thì, tôi, một chàng trai trẻ ngày ấy sao lại để trễ tràng cho một cuộc yêu đương? Tôi nghe tiếng thúc giục từ bên trong bảo tôi như vậy. Tám giờ sáng ngày mùng một, tôi đã náo nức đi viếng mộ đầu năm, tôi đi một vòng các ngôi mộ người thân và cố tình trùng trình ở ngôi mộ anh Hai để cố chờ một tà áo dài phất phới trong gió xuân! Gió xuân đưa những cô gái đương xuân tới cho tôi và bao chàng trai khác để có những chuyện tình thêm vào tình sử của một thành phố tình yêu!

Rời nghĩa trang, tôi theo một chiếc áo dài hoa đi chùa đầu năm. Chỉ là chạy theo thôi, làm như vô tình cùng nhau chen vai thích cánh trong chính điện để nghe tiếng tụng miệm mơ hồ và cầu quốc thái dân an, cầu duyên cầu phúc, cầu lộc cầu tài… còn mũi nghe hương trầm thơm thoang thoảng. Ấy vậy mà hương mùa xuân thấm vào người hồi nào không rõ, tôi nghe trong tâm hồn mình dâng lên một niềm tôn kính và ghi nhớ công lao các bậc tiền hiền khi cắm nén nhang vào nơi thờ Cửu huyền thất tổ! Vườn chùa nơi có những chú bướm trắng bướm vàng đang bay qua bay lại giữa những đóa hoa xuân gợi nhớ đến một điệu luân vũ giữa hai người yêu nhau trong tiếng nhạc lả lơi. Vườn chùa còn có những chiếc áo dài hoa của các cô thiếu nữ đang tô điểm cho một không gian xuân của đất trời và xuân của hồn người, những chiếc áo dài ấy khiến ta liên tưởng đến những đôi cánh mỏng tang của những cô tiên trên thượng giới! Những chiếc áo dài phất phới trong gió xuân ru tình gần lại với nhau.

Năm nay mùa xuân đến với con người vào cuối tháng 2 dương lịch nhưng bất kể thời gian sớm hay muộn cái thứ gió xuân và gái đương xuân muôn đời vẫn thế, gió xuân vẫn mang hương thơm gái xuân đến những gã trẻ trai để làm nên phép màu của tình yêu.

Với tôi, chiếc áo dài hoa của các cô gái đương xuân trong gió xuân không chỉ là hoài niệm mà còn đi theo tôi dài theo năm tháng, mùa xuân cùng em đi lễ chùa này…

V.A.C