‘Cụng ly’ – Một tập thơ nóng bỏng phận người

605

Vũ Tuyết Nhung

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đó là cảm nhận của tôi khi khép lại tập “Cụng ly” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm. Ông là một giáo viên đồng thời cũng là một trong những cây bút lớn của tỉnh Thanh Hoá. Nếu chỉ sơ giao, thì không ai biết danh hiệu “vua giải thưởng” mà bạn bè văn nghệ sỹ tỉnh nhà ưu ái đặt cho ông. Vì ngoài đời, Nguyễn Minh Khiêm rất khiêm cung giản dị, ôn hoà và không thích nói về những thành công của mình.


Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Ông là một hội viên ưu tú của Hội nhà văn Việt Nam với một gia tài văn chương rất đáng nể, từ thơ, truyện ngắn, ký cho đến trường ca. Tính đến khi xuất bản tập thơ “Cụng ly” ông đã giành được hai tám giải thưởng, gồm sáu giải nhất, năm giải tác phẩm xuất sắc nhất và tặng thưởng thơ, mười giải nhì (cả mười giải đều không có giải nhất), sáu giải ba và một giải khuyến khích của các cuộc thi do các hội nhà văn và các tạp chí có uy tín lớn như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, tuần báo Văn nghệ Hồ Chí Minh, Văn nghệ Thái Nguyên… tổ chức. Và “Cụng ly” là tác phẩm đã xuất bản thứ mười lăm của ông tính đến năm 2019.


Bìa tập thơ “Cụng ly” của Nguyễn Minh Khiêm.

Tên tập thơ này được lấy từ tên bài thơ đầu tiên, “Cụng ly” với những câu mở đầu rất ấn tượng:

“Bây giờ ta rót cho nhau
Bao nhiêu khoảng lặng thẳm sâu cuộc đời
Được say những đoạn không lời
Được ngây ngất chỗ không người tụng ca”.

Bốn câu ấy đã khái quát được gần hết nội dung tập thơ, cũng thay lời tâm sự của tác giả gửi đến bạn đọc: chúng ta cùng rót cho nhau những chén đời, chia sẻ cùng nhau những nỗi đau thầm lặng của kiếp người, lấy ”Bao nhiêu mảnh vỡ trong tim/ Rót ra mà cụng cho mềm chồi non”.

Những nỗi đau ấy được Nguyễn Minh Khiêm khéo léo trưng cất, ủ men thành những giọt rượu chữ rất riêng, uống vào cay mà không chán, say mà không xỉn, chỉ đủ ngấm lòng, lay động những nỗi niềm đã giấu vào thời gian. Tuy ông có một cuộc đời nhiều vất vả lo toan, thiếu thốn cả vật chất và tinh thần, đau khổ nhất là gần chục năm nay, người vợ yêu quý của ông sống đời thực vật. Tất cả việc nhà, việc xã hội đều một mình ông gánh vác, lo toan. Mười năm chăm vợ từ việc ăn ngủ cho đến vệ sinh cá nhân, không phải người đàn ông nào cũng đủ sức chịu đựng, đủ tình yêu để thuỷ chung son sắt như ông. Nhưng chưa ai nghe ông than vãn, kêu ca, phàn nàn hay nhíu mày khi hỏi về gia cảnh cả.

Ông xem đó là việc bình thường, là nghĩa vụ của người chồng khi không may vợ lâm bệnh hiểm. Ông giấu nỗi đau của mình vào đêm, để ngày mở lòng chia sẻ gánh gồng tâm sự không vui của bạn hữu. Quên nỗi đau của bản thân mà nhận ra nỗi khổ của mọi người và những cảnh đời mà ông gặp, rồi rót tâm sự vào thơ. Thơ ông làm không phải để than thở cho kiếp nạn của mình, cũng không phải để nuối tiếc cho những cuộc tình dang dở, càng không phải để ca ngợi thiên nhiên và người đàn bà đẹp. Mà thơ ông là tấm lòng đồng cảm với nhân gian, là ánh sáng rọi soi những góc khuất bể người, là con dao gọt lớp mặt nạ bản năng phần con với đầy đủ sân si thành từng mảnh vỏ, phơi ra ánh sáng, đưa con người trở về với bản thể tốt đẹp ban đầu. Lấy yêu thương bao dung vị tha nhân hậu làm nền tảng, thừa nhận nỗi đau như một một phần tất yếu của hạnh phúc. Hiểu về nó để đi qua nó. Đó chính là tư tưởng rất thơ, rất nhân văn của “Cụng ly”. Chính vì vậy, người đọc thường thấy được chính mình qua những câu lục bát mềm mượt êm dịu nhưng rất sâu sắc, đẹp và lạ của nhà thơ. Từ những sự việc nhỏ như “Sợi tóc đổi màu”:

“ … Tưởng chỉ là cái đánh rơi tuổi mình
Ai hay vật thác, lộn ghềnh
Khi hồn thần thánh, khi thành quỷ ma
Bước qua địa võng thiên la
Hang hùm nọc rắn mãng xà hồ tinh”.

Qua đôi mắt nhìn thấu nhân gian của nhà thơ cũng đặt ra bao nhiêu câu hỏi cho mình và cho người. Không phải tự nhiên mà sợi tóc đổi màu. Đó là hành trình dài nguy hiểm và đau đớn, giằng xé của con người trong cuộc mưu sinh, bấp bênh chênh vênh giữa bản năng và trí tuệ, giữa hèn nhát và dũng cảm. Bao nhiêu mồ hôi thì bấy nhiêu nước mắt, bao nhiêu cạm bẫy thì bấy nhiêu đêm trắng, qua rất nhiều những tháng năm như vậy thì sợi tóc mới đổi màu. Màu của sự chuyển giao thời gian và cảm xúc. Thơ lục bát của Nguyễn Minh Khiêm không phải là thứ thơ đọc cho vui, đọc để giải trí hay đọc để giết thời gian. Mỗi bài thơ cứ như một bông hoa cúc đại đoá, nhiều tầng nhiều lớp. Phải nhìn lâu, tìm kỹ ta mới có thể thấy nhuỵ hoa, mật hoa giấu trong đáy. Và phải nhắm mắt lại, từ từ cảm thụ ta mới tận hưởng thấu hiểu hết hương thơm của nó. Những câu thơ tài hoa, đa nghĩa đa tầng làm sao đọc hời hợt có thể hiểu, có thể cảm được? Mặc dù chỉ là những hiện tượng sự vật rất bình thường trong cuộc sống, chúng ta vẫn nhìn thấy, nghe thấy nhưng không để ý, không ghi vào bộ nhớ nữa vì có vẻ nó quá quen thuộc hoặc tầm thường đối với chúng ta. Nhưng với nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm thì khác. Mỗi sự việc, hiện tượng ấy ông đều phát hiện ra một ý nghĩa và biểu tượng riêng. Và ông đưa vào thơ những minh triết của riêng mình. Ví như khi một giọt máu rơi, ông nhìn thấy bản chất mình, phẩm chất mình từ bên trong giọt máu:

“Nhìn mình cứ ngớ mình ra
Máu không còn đỏ như là ngày xưa
Ì uồm tát nước theo mưa
Xoắn môi uốn lưỡi cho vừa mọi khuôn
Chẳng nghe cứ vỗ tay giòn
Khen lông sâu đẹp khen hòn cuội hay
Nhiều khi cười cũng cười chay
Giã lên giã xuống cũng chày cối không”.

Từng câu từng chữ như những mũi kim luồn vào hồn nhân vật “mình”, tìm và xâu những thói xấu, lột bóc những giả tạo ươn hèn vẫn ẩn náu nguỵ tạo trong mỗi con người mà “mình” có. Ai đọc cũng nhận ra điều ấy. Câu thơ ám gợi quá! Những câu thơ ấy nhà thơ rút từ máu tim ra viết. Nhà thơ thức trắng, người đọc im lặng ngẵm về tình người, nhân cách, lẽ sống. Giật mình nhận ra giọt máu ấy cũng có một ít có thể là dĩ vãng, có thể là hiện tại đã ẩn sâu góc khuất tâm hồn của chính ta hoặc của những người ta biết, ta quen. Bên trong sự uyển chuyển, nhuần nhuyễn, ma mỵ của từng câu lục bát “Cụng ly” là ào ạt từng đợt sóng vô hình đang sôi nơi thế giới hữu hình rộng lớn này. Mặc dù nhà thơ đã phơi hết gan ruột :

“Bày ra hết mọi cuộc say
Dệt thêu hết mọi mỏng dày con tim
Lột mình làm lạt trắng đêm
Cắt ra trăm miếng mà têm thành trầu”.
(Bán thơ)

“Chữ mỏng nén xuống chữ dày
Chữ đêm nén với chữ ngày làm men
Nếu được dâng khắp mọi miền
Xin không giữ lại bản quyền trái tim”.
(Rót mình ra say)

Càng đọc càng ngẫm ta càng thấy sự tận cùng dâng hiến, tận cùng cô đơn, tận cùng nhiệt huyết, tận cùng đớn đau của kiếp tằm nhả chữ dệt thơ, cũng là tận cùng khát khao giao cảm với đời. Chỉ mong nhận được ở cõi tạm này một tấm chân tình, một vòng ôm chia sẻ, tri âm. Vậy mà:

“Thở dài buông khẽ phía sau
Tim như vạn cả lưỡi câu móc vào
Ai mua nào! Ai mua nào!
Nghìn mũi kim buốt… tiếng rao bán mình”.
(Bán thơ)

“Còn bao nhiêu cái lao đao
Đem về mở tiệc đãi khao bạn bè
Đốt mình cầm lửa sang hè
Chắt tia nắng muộn bỗng nghe sấm rền”.
(Chắt nắng)

Bao nhiêu núi cao, bao nhiêu vực thẳm, bao nhiêu chớp giật sóng lừng ông nén vào câu chữ. Người đi không ngoảnh, người về không nhìn, người bên cạnh vờ như không biết, không nghe, không thấy, tri âm mãi ở trong mơ không chịu ra ngoài. Còn gì đau đớn hơn, cô đơn hơn, tuyệt vọng hơn nữa đối với người thơ đây?

Từ nỗi đau hiện tại của mình, nhà thơ ngộ ra sự tang thương của tiền nhân cõng chữ:

“Biển đau vật vã bao cơn
Xác trăng ướp chữ nặng hơn xác người
Chắc Hàn không biết ly rơi
Găm trong con sóng rạch lời biển đau”.
(Hàn đánh rơi ly)

Rồi ngậm ngùi chiêm cảm: phải chăng đó là thiên kiếp của những đệ tử nàng thơ, từ cổ chí kim? Là nỗi đau định mệnh mà tạo hoá áp đặt cho những kiếp tằm nhả chữ:

“Vớt lên con sóng tàng hình
Rỗng không mà cứ mừng mình trĩu tay
Mặt người chằng chịt những dây
Rũ thơ gỡ nắng mới hay mình nhầm”.
(Rũ thơ)

“Đón cơn gió lạc cuối mùa
Đón một con sóng sang đò đánh rơi
Dọc ngang chăng khắp bầu trời
Cái loài thi sỹ cả đời chăng tơ”.
(Tơ)

Con mắt bi thương nhìn từ thơ ra đời. Dưới ánh nhìn tinh tường ấy, bao nhiêu mặt trái của xã hội hiện lên một bức tranh thảm đạm muôn hình vạn vẻ, rối tinh như mớ bòng bong:

“Cánh đồng nửa đắm nửa trôi
Lời ru vãi xuống vành nôi gió lùa
Máu xương thật cứ như đùa
Đem vãi xuống chỗ bốn mùa rong rêu

Miếng ăn vãi cái trăm nghề
Nhấc lên mẻ vó bốn bề bòng bong”.
(Bòng bong)

Không những thấu hiểu và day dứt với những nỗi đau nhân tình thế thái mà ông còn đồng cảm và sẻ chia với những kiếp người bị chiến tranh tàn phá. Và những người lính thời kỳ hậu chiến bị ám ảnh quá khứ mà dẫn đến bi kịch hiện tại. Bởi vì ông cũng từng là một người lính trong Đội Thanh niên Tình nguyện Xung kích bốn năm mở đường biên giới Việt – Lào nên đã nằm gai nếm mật, chứng kiến bao cảnh bom rơi đạn lạc, phận người như lá, cuộc đời tựa sương, hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh nên những con chữ như sóng xô, như mắt bão từ đáy thời gian đáy ký ức nảy mầm lên:

“Chữ thì bom dựng thành sông
Chữ thì lửa đỏ vặn cong thành cầu
Chữ thì máu đẫm chiến hào
Chữ thì thương tật qua bao tháng ngày

Ai thành quả, ai thành hoa
Ai thành cát sỏi trải ra lót đường”.
(Xin về nhận lại)

“Mình anh thành một binh đoàn
Lặng im tháo gỡ trăm ngàn nỗi đau
Cái thì chìm dưới thẳm sâu
Cái thì thả nổi trong câu bông đùa

Con thì chất độc da cam
Vợ thì quần quật cả năm không cười
Mong được hàng xóm đến chơi
Lại sợ than lửa trong lời bùng lên
Gói quà cũng sợ sấm rền
Bên giường mà giống ở bên chiến hào
Khẽ nghe ú ớ lao vào
Khẽ nghe đập chiếu là bao vấn đề”.
(Người lính)

Có thể nói hiện diện qua tất cả những trang thơ trong “Cụng ly” là những bức phác hoạ tinh hoa, tinh tế, tinh luyện, vi diệu những góc cạnh nhói buốt, đa chiều, đa cạnh, đã thanh, đa tầng, đa sắc của thế giới nội tâm ngổn ngang minh triết của nhà thơ. Nhưng không vì thế mà gây tâm lý thê lương thảm xiết cho người đọc. Bởi nhà thơ như một hoạ sỹ cao tay đã điểm xuyết một vài bông hoa đỏ lá xanh trên phông nền đen xám của bức tranh đêm. Đi cùng những thi từ buốt xót ấy là những câu thơ lạc quan, căng tràn nhựa sống:

“Đời như tàu vượt nỗi buồn
Tan ra lại đóng, cạn nguồn lại khơi

Thế rồi cơn khát giao thừa
Khát nắng hạnh phúc, khát mưa nhân tình
Đúc chuông thỉnh cõi an lành
Thỉnh hồn sa mạc xanh thành cỏ cây”.
(Sợi tóc đổi màu)

“Đi qua kế dọc mưu ngang
Vẫn êm núi thẳm vẫn bằng vực sâu
Từ trong rả rích mưa ngâu
Thấy vành vạnh sáng một bầu trời xanh”.
(Làm tổ)

“Lộn nhào sấp ngửa bàn tay
Cũng là cách thấm đời này trắng đen
Nổi chìm quăng quật đảo điên
Để thanh thản sống bình yên đời thường”.
(Học sống bình yên)

Với những thi ảnh đẹp – độc – lạ lớp lang đan xen trong từng câu thơ tài hoa dẫn dắt người đọc đi từ đầu trang đến cuối tập không vấp váp, không nhàm chán, không mệt mỏi. Mỗi bài một khoảng trời tâm hồn, một khoảng ký ức, một nỗi niềm; mỗi câu thơ là một phát hiện mới, lạ, bất ngờ, biến hóa. Càng đọc càng thấm. Càng đọc càng say. Nó giống như nhấm chút rượu thuốc ủ lâu năm, lâng lâng khoái cảm hình ảnh, ý từ không đè bóng lên nhau, không giẫm đạp lên nhau. Đây là cái tài của Nguyễn Minh Khiêm. Ông viết về đau thương nhưng không tuyệt vọng, cuồng điên, lấy những câu chuyện câu chuyện tưởng như tầm thường, đời thường, bình thường (như sợi tóc đổi màu, ngắm giọt máu mình, quả rơi, giọt mưa…) để diễn giải cái không bình thường, cái bất thường. Thông qua đó diễn ngôn, triết luận về kiếp người.

Mặt khác, xuất hiện cùng những bài thơ thê thiết sự đời ấy, là những mạch nguồn ân nghĩa rất cảm động khi ông viết về người mẹ. Đi cùng người mẹ là những rưng rưng buốt nhói chỉ có người làm mẹ mới biết và người làm con mới hiểu được:

“Mẹ tôi bong bóng xuống đồng
Vinh hoa thì mất bão giông thì còn
Thành trì của cả nước non
Đời liêu xiêu vịn bồ hòn bước đi
Máu xương dâng chẳng tiếc gì”.
(Bong bóng xuống đồng)

“…Cái thời chưa biết mình già
Tít mù việc nước việc nhà trần lưng
Mắt thì nửa chợp trên rừng
Nửa thì dưới bể nửa lưng chừng trời
Nón mê quên tuổi mình rơi”.
(Móng chân của Mẹ)

Từ sự tri ân thương nhớ cảm động dành cho mẹ, tâm thức nhà thơ mở rộng hơn, thấu nhập nỗi đau của kiếp đàn bà:

“Cầm câu lục bát dầm mưa
Nỗi niềm ướt tự ngày xưa ướt về
Bà ta ướt cái nón mê
Mẹ ta ướt cái rổ sề hái rau
Chị ta ướt chiếc quai thao
Em ta ướt áo qua cầu gió bay
Câu mời ướt là trầu cay
Trúc xinh ướt chỗ lông mày lá răm”.
(Lục bát dầm mưa)

Mà đàn bà chính là người giữ linh hồn của quê. Cuộc đời người đàn bà chính là hiện hữu của hình thái quê. Quê giàu sang nghèo khổ… ra sao đều tạc trong cuộc sống của người đàn bà. Chỉ một vài nét phác hoạ những sinh hoạt của họ thôi,chúng ta cũng đã có thể biết gần như trọn vẹn cảnh sắc và sự thăng trầm của làng ra sao rồi:

“Mấy hàng cá, mấy hàng cua
Cũng chèo kéo khách, cũng chua chát lời

Bán mua chi cũng sồn sồn
Rạ rơm vương tự đầu thôn vương vào
Chỉ nhìn con cá lá rau
Mà tường tận hết giàu nghèo xóm quê”.
(Chợ ngã tư làng)

Đưa vào những chi tiết nhỏ để hiển hiện những vấn đề lớn, từ cáí cụ thể, cái riêng biệt ông khái quát thành cái văn hóa làng, cái phong tục tập quán làng, cái nét đẹp truyền thống của làng. Viết về cái có để tả cái không, từ cái vô hình lại hiển hiện cái hữu hình, từ những giọt nước mắt chắt ra tê tái cuồng dại, để rồi cô đọng lại, chưng cất lên thành những giọt rượu cay, càng uống càng tỉnh. Càng tỉnh càng hiểu ra cái gốc của sân si ngạo nghễ. Hiểu để làm gì? Hiểu để chế ngự nó, tránh xa nó, không loại bỏ được nó thì cũng lên án nó cho người khác biết mà cùng nhau tránh xa nó ra. Nói cách khác, viết về nỗi đau để đồng cảm và cứu rỗi kiếp người. Đó chính là cái tài, cái tâm của Nguyễn Minh Khiêm.

Thi ảnh trong thơ ông ngồn ngộn tượng hình, lớp lang tầng nghĩa, dẫn dụ, khơi gợi người đọc sự tò mò, muốn khám phá những điều mới lạ đang chờ nơi êm ru ngân nga của những bài lục bát tiếp theo. Và càng đi càng thú vị, càng hài lòng với những câu thơ tài hoa, mượt mà giản dị, nhưng sâu sắc vô cùng:

“Máu đầy răng rứa mô tê
Ca dao tục ngữ không chê tiếng làng
Dây thừng buộc dọc chằng ngang
Bỏ ra là cả ngai vàng lung lay”.
(Hồn quê)

“Cứ cầm bong bóng mà đi
Bỏ ra biết vịn vào gì để sang
Kiếp người gộc gạc một gang
Mấy lần trắng tóc thăng bằng trên dây”.
(Cứ cầm bong bóng mà đi)

“Mấy tầng thấp mấy tầng cao
Ngắn, dài, tròn, méo… thế nào ai hay
Kiếp người ở chỗ vân tay
Hay là ở chỗ hương bay chùa chiền”.
(Kiếp người)

Thú thật lúc đầu chưa đọc, nhìn tập thơ lục bát với 155 bài này tôi cũng rất ngại. Sợ mình sẽ không đủ kiên nhẫn để đọc hết vì nhịp vần lục bát sáu vần với tám, trước sau như một rất dễ sinh cảm giác nhàm chán, buồn ngủ. Nhưng không đọc thì có lỗi với người viết, có lỗi với lòng mình. Thế là tôi mở bài đầu tiên, hững hờ đọc thử. Và tôi đã giật mình bởi lục bát của Nguyễn Minh Khiêm rất say, rất riêng, rất ấn tượng và thú vị, cho tôi những cung bậc cảm xúc thăng trầm đan xen khó diễn giải nên lời. Chỉ những ai đọc rồi mới cảm nhận hết được những điều ấy. “Cụng ly” khiến tôi nghĩ về một bức tranh nhan đề là an nhiên. Trong tranh vẽ một tổ chim trên cành cây vắt ngang miệng vực thẳm. Xung quanh mưa bão quần đảo nhưng chim mẹ vẫn bình thản ấp trứng như không có chuyện gì xảy ra. Chưa đọc hết thì chỉ nghĩ “Cụng ly” là chỉ toàn giọt rượu đắng. Khi đọc xong rồi mới hiểu thông điệp rất nhân văn của nhà thơ. Đó là hạnh phúc được sinh ra từ nỗi đau. Phải dũng cảm nhận ra, thấu hiểu và vượt qua, đánh bại nó thì mới có an vui được. Đó là một thông điệp rất nhân văn của một người viết có tâm và có tầm gửi đến người đọc. Chính vì vậy mà sau hơn 1000 cuốn đã xuất bản trước đó được bạn đọc yêu quý đón nhận, đặt mua, “Cụng ly” đã được công ty Đất Việt đề nghị tác giả cho phép tái bản lại. Đó là niềm vinh dự tự hào lớn của một nhà thơ mà không phải ai cũng có được. Tôi xin chung vui và chúc mừng ông!

Thế giới chữ của “Cụng ly” rất rộng, bài viết nhỏ của tôi không thể diễn tả hết được cái đa sắc của tập thơ nên xin nhường lời cho người đọc. Tôi xin trích dẫn thêm những câu thơ bản thân thích nhất để kết lại bài viết này:

“Còn bao nhiêu ngọn sóng xô
Lại gieo vào cõi nam mô luân hồi
Tan biến hết để đâm chồi
Kiếp thi sỹ mượn miệng người tái sinh”.
(Tái sinh)

V.T.N