Cuộc gọi nửa đêm – Truyện ngắn của Hồ Xuân Đà

628

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời Sài Gòn đã bắt đầu vào mùa mưa. Những cơn mưa như cố tình thả trôi bao u uất của những ngày nắng gắt. Đất phương Nam đặc trưng hai mùa mưa nắng, mưa ngập hết các lối đi, mưa làm ngập các con đường. Những cơn giông, sấm chớp làm người phụ nữ như chị phải bịt tai, he hé đôi mắt lại, bởi chị sợ sự hung dữ của nó. Những cơn mưa làm dịu mát tiết trời sắp bước vào hạ, người người vui mừng, như được giải nhiệt, vậy mà trên đường đi chị bắt gặp quá nhiều nét mặt cau có, nổi đóa khi nước tràn ngập các ngõ ngách. Ông trời có nhiều quyền năng, nhưng cũng khó làm hài lòng tính nết con người.

Chiều nay, chị không tăng ca, hàng không cần gấp nên quản đốc cho cả tổ may của chị về sớm. Những tháng mưa thường là vậy, hàng hóa tiêu thụ chậm, đơn hàng xuất ra của công ty chị luôn ít ỏi, và khi đó Ban Giám Đốc xứ Đài không có kết toán cuối tháng được lợi nhuận nhiều. Sự cau có bực bội dồn hết lên gương mặt của họ, dùng để giao tiếp với tất cả những người trong công ty. Tiêu biểu là những tháng cuối năm, hàng may mặc, giày da hoạt động tốt trong thị trường, tăng ca liên tục, đồng nghĩa với thu nhập được nâng lên, thì bọn công nhân như chị mới cảm thấy đời công nhân cũng có cái nhàn hạ, vô tư, không âu lo, không động não nhiều. Hàng ngày, thực thi việc chuyên cần ngày giờ công, làm cho thật nhiều sản phẩm thì lương sẽ vào thẻ. Chẳng phải suy nghĩ chuyện thế sự, chuyện đổi mới sáng tạo, cứ mệt nhọc rập khuôn như một cái máy, cứ ngồi say sưa hoàn thành càng nhiều sản phẩm chất lượng là an tâm. Hầu như, cả tổ của chị là dân miền ngoài vào Nam lập nghiệp, có người vào cả gia đình, và có những nam thanh nữ tú rời bỏ miền quê nghèo, xa xứ, mong có nguồn thu nhập ổn định.

Chị cũng vậy, chia tay với quê nhà biển mặn, xa giọng nói trọ trẹ, xa xóm chài hàng tháng không thể ra khơi, vì biển không thể khai thác được nữa, do những cơn bão cứ thi nhau kéo về làm ưu sầu miền quê vốn ưa sự yên ả. Chị vào Nam một mình, hai đứa con nhỏ gửi lại cho chồng, tha phương cầu thực, hàng tháng tích góp từng đồng chuyển về cho chồng nuôi hai đứa con đi học. Ngày đi, hai vợ chồng thức suốt cả đêm qua, anh không thể rời xa chị, chị chẳng nỡ lòng buông bàn tay anh ra. Đêm đó, chị và anh như cái đêm đầu tiên họ trở thành chồng vợ, anh cứ ôm lấy chị từ phía sau, còn chị vùi mặt vào gối mà dòng nước mằn mặn ướt đẫm từng sợi tóc mai dưới vành tai. Chị muốn anh đi cùng chị vào Nam, hai vợ chồng cùng làm công nhân, hoặc có thể anh đi làm hồ cho các công trình xây dựng. Anh đăm chiêu, hít từng làn khói thuốc, uống ly trà đậm vị. Anh nói:

– Mình vào trước làm với mấy đứa trong xóm mình đi, tôi ở lại đây, cho bọn trẻ đi học, vào Sài Gòn tụi nó đi học khó khăn, mình không thể nào lo chu toàn cho con được. Khi nào công việc của mình ổn định, ở đây biển đuổi, thì tôi sẽ vào với mình.

– Tại sao mình lúc nào cũng sợ khó khăn, tôi chỉ muốn vợ chồng cùng bên nhau. Tôi vào đó một mình buồn lắm, không biết có trụ nổi không?

Nước mắt chị như muốn òa vỡ ra, khi nghĩ đến cảnh phải xa hai đứa nhỏ, xa làng chài, nơi chị sinh ra, lớn lên. Nhưng nếu chị không đi, thì tiền đâu mà sinh hoạt, cuộc sống gia đình sẽ ra sao. Chị vừa được giới thiệu việc làm, nghe nói công nhân may mặc được tăng ca liên tục, có tháng lên tới gần chục triệu, số tiền quá lớn đối với miền quê nghèo của chị. Cả anh và chị đi biển hàng ngày, mệt nhọc, lam lũ bao vây, nhưng vẫn chỉ thu nhập từng đó. Suy đi định lại thì phương án chị vào Nam làm công nhân vẫn là cách tốt nhất, khả quan hơn là mãi bám trụ ở biển. Làm việc ở đâu cũng phải làm, chỉ khác nhau ở cách làm, chị muốn sức lực mình bỏ ra có kết quả hơn.

Ngày mai, chị sẽ lên xe khách vào Nam, chị quay ngược lại, rúc mái tóc dài vốn rất thơm mùi mằn mặn, rin rít của đàn bà miền biển, vào lồng ngực ấm áp của anh. Cái bản ngã tình yêu thương, nghĩa vợ chồng cho chị và anh một đêm nồng của vị ái ân, một thứ hạnh phúc rất cần có của con người. Chị và anh, cả hai hình như đang rất mơ, rất hy vọng về ngày mai tươi sáng.

Đã ba năm rồi, từ ngày chị bắt đầu đời sống của một người công nhân, chị đã rất quen với không khí nhộn nhịp sau mỗi giờ tan ca nơi ngoại thành của thành phố hoa lệ này. Mỗi dịp tết hiếm hoi về thăm quê, bà con chòm xóm gặp chị ngoài đầu làng đều hỏi về Sài Gòn, mà chị có biết gì nhiều về nơi đất lành chim đậu mình đang trú ngụ đâu. Ngày làm việc 12 tiếng là bình thường, tăng ca thêm vài tiếng là niềm vui sẽ có thêm tiền. Mỗi ngày chị bước về căn nhà trọ ọp ẹp trũng thấp là cả khu phố đã im lặng đi ngủ. Có khi chị muốn ngủ ngay tức thì, vừa liệng cái túi xách rẻ tiền xuống chiếc chiếu cũ mèm, nằm dài, gát tay lên trán, định bụng sẽ gọi cho anh, cho các con, nhưng lại nhớ ra cả tuần nay chị chưa nạp thẻ cho cái cùi bắp của mình.

Cô bé ở cùng phòng với chị, giờ này chắc đi ăn đêm với người yêu chưa về. Chị thấy đói, chắc phải ăn gì đó, mới có thể yên dạ dày mà đi ngủ, chị thấy ghét cái dạ dày luôn trở chứng của mình. Trên bếp, một vài gói mì, nửa cái bắp cải, và ít rau hơi teo héo, vài quả cà chua, những thực phẩm dự trữ giản đơn của những người công nhân ở trọ. Bắt ấm nước cắm điện vào để chuẩn bị chế mì, khóe mắt chị cay cay khi chờ nước, cầm sẵn đôi đũa trên tay, chị nhớ anh, đôi đũa còn có đôi, sao vợ chồng chị lại phải lẻ bạn. Ghìm lại cảm xúc vốn được cho là yếu đuối của mình, chị nhủ, tất cả chỉ vì ngày mai. Mỗi tháng, chị vẫn tiết kiệm đều đặn gửi về cho anh, chị bảo anh, lo cho các con, phần còn lại thì tính cách làm ăn, chị vẫn tin anh một mực, anh vẫn không thể tin ai ngoài tin vào người vợ của mình. Anh không thể nào bỏ làng vào Nam lập nghiệp cùng chị được, ba mẹ của hai bên, lụm khụm, già yếu đi nhiều.  có lần, chị nói với anh:

– Mình ở quê mà chăm sóc các con, còn em sẽ đi làm vài năm tiết kiệm ít tiền rồi chắc phải về quê mà mở cửa hàng nho nhỏ sinh sống. Chứ cả hai đều bám biển thì e không ổn. Mà anh ở nhà đừng có bỏ bê con cái, la cà quán xá. Chịu khó kìm nén mình nghe anh! -Giọng chị nói có chút hờn tủi như muốn truyền tâm ý gì đó cho anh, có chút gì đó rất chia sẻ cùng anh, anh nhìn chị nghiêm mặt:

– Mình này, lại không tin chồng của mình rồi!…

Những ngày tết, vợ chồng gần gũi như cố bù cho những ngày xa cách, thấy càng thêm gắn bó mặn nồng. Rồi chị đi lại chuẩn bị vào Nam, tựa vào những cảm xúc ấm ấm đó mà hăng say lao động. Tình yêu, trách nhiệm, niềm tin khiến người ta lao động không biết mệt mỏi, khiến người ta nỗ lực mà không hề than van. Chị vẫn tin mình đang hạnh phúc. Mỗi tháng nhận lương chị quên hết tất cả những ưu tư. Đồng lương ky cóp, giọt mồ hôi lăn trên trán trong những ngày hè, những ngày lội nước qua hàng chợ tạm bên đường để mặc cả cho vài món ăn, so đo khu nhà trọ nào có giá thuê rẻ hơn, cái quần, chiếc áo nào đang hời giá luôn là màu sắc của đời chị. Chị chẳng thiết tha gì với thông tin mạng xã hội, vài cuộc tham gia biểu tình đình công thỉnh thoảng rủ rê, nhưng chị không tham gia, chị thấy mình đang an yên, mặc kệ ngoài kia người ta đang cho rằng đời đang giông bão. Chị cứ tích góp từng cái gì mình nhặt nhạnh được. Chị không ý kiến gì mỗi khi người ta họp gì đó gọi là công đoàn. Chị vô tư như được ban phát đặc ân. Chị có cái thẻ bảo hiểm y tế trong tay, được tham gia bảo hiểm xã hội, là đã giá trị hơn rất nhiều người buôn gánh bán bưng. Chị có khi thầm nghĩ, giá trị của một con người, phải chăng chỉ đơn giản là công việc người ta đang làm. Một công nhân may mặc, thì làm gì có quyền đòi hỏi, yêu sách gì đối với xã hội. Nhiều chuyện quá có khi người ta cho mất việc. Chị nghĩ vậy, nên mặc nhiên vui vẻ chấp nhận với hạnh phúc làm công ăn lương của mình, chẳng có cuộc họp nào người ta nghe thấy tiếng của chị ý kiến.

Sáng hôm nay, trời đã bắt đầu nắng từ lúc sớm hơn mọi ngày, đường đi đã khô ráo, chị đến xưởng trong phong thái là một người chăm chỉ, mong trong ngày chị sẽ được nhận lương, mới tự tin gọi về cho chồng con. Chị nghe rất nhiều thông tin ở quê, nào là chồng chị đang cặp với ai đó, rằng chị đang rất nghi ngờ, dạo này chồng chị liên tục hỏi tiền để làm gì đó mà chị nghe rất mơ hồ qua những cuộc gọi được tính bằng tiền. Lúc tin tưởng anh tuyệt đối, lúc mơ hồ anh đã đổi thay, vì câu xa mặt cách lòng. Cả tuần nay chị đã đợi lương. Vừa đến nơi, rất đông bạn bè chị đứng trước cổng, và nhiều công nhận của tổ khác. Chị đến bên chị tổ trưởng hỏi:

– Chị ơi, có chuyện gì vậy?

– À, chị cũng mới nghe đâu. Tất cả các Ban Giám Đốc người Đài đều về xứ họ hết rồi. Giờ giám đốc người Việt của mình không thể chi trả lương cho công nhân, và các hợp đồng kinh doanh của các công ty khác.

– Sao vậy chị? Sao họ có thể đi được. Họ còn nợ tiền lương chị em mình mà. Cả ba tháng nay em luôn bị nợ lương. Chỉ được nhận tạm ứng.

 – Chị cũng như em thôi. Chị vừa nghe thông tin giám đốc An, cũng chỉ là người được thuê làm giám đốc, chứ không có quyền hạn tài chính. Giờ giám đốc An cũng đang khốn khổ với các cơ quan pháp luật. Khi các giám đốc xứ Đài cao chạy xa bay, không tin tức.

Chị không nói gì được nữa, chị ngồi im lặng mãi cho tới trời gần đứng bóng, công nhân các tổ lần lượt tản ra về. Chị bước thấp bước cao tiếp tục vào xưởng ngồi vào chiếc bàn máy may mà có thể chỉ vài tiếng nữa thôi nó sẽ được niêm phong. Chị lại nghĩ đến giọng nói đanh chua của bà chủ nhà trọ, bởi sự thông cảm không thể hơn, khi chị đã qua hạn ba tháng. Chị cố giữ bình tĩnh, nhiều người trong công ty hiện cũng đang trong cảnh như chị, họ sẽ đấu tranh, kêu cứu.

Vài hôm sau, khi chị đang ngồi một mình trong phòng trọ thì cuộc gọi đến từ miền biển xa:

– Anh biết tin về công ty em đang làm rồi, em cố gắng ở lại, kiếm công việc khác làm.

– Em về quê với anh nha!

– Đừng em! lúc này không tiện.

– Tại sao? Sao lại không tiện?

– Thời gian em đi vắng, các con không người chăm sóc, nên anh đã…

– Anh đã sao ? anh nói đi!

– Anh đã phụ em rồi! anh đã trót lỡ làm cho cô Ba xóm mình mang bầu rồi, khi cô ấy cứ lui tới nhà mình lo cho cha mẹ, và tụi nhỏ. Đêm đó, nhớ em, nên anh uống say quá! anh xin lỗi em, ngàn lần mong em tha thứ…

Chị mềm nhũn người, thả rơi chiếc điện thoại cùi bắp xuống nền gạch, không buồn khóc thành tiếng, chị ngây người trong màn đêm, căn phòng trọ nóng hầm hập, ồn ào người ra bàn tán hốt hoảng xôn xao, chuyện tiền nong về quê ăn tết.

Đêm ấy, chị không thể nào chợp mắt, bên tai vẫn nghe bản nhạc mưa của đất trời Sài gòn, chị rất thích mùa mưa ở nơi đây, khiến giấc ngủ quá nửa đêm mới tìm đến.

Chị kéo tấm chăn gói cái thân mình cuộn tròn nhựa sống của tuổi thanh xuân của một người đàn bà. Trong giấc mơ, ôm chiếc gối ôm thật chặt vào lòng, nhắm mắt lại chị nghe thấy những âm thanh ngoài khơi xa, tiếng sóng vỗ rì rào, mặt trời thức dậy trên biển xanh, có đôi vợ chồng đang gỡ từng con mồi cắn câu, phân loại thành từng thúng to, rổ nhỏ, bắt đầu phiên chợ sáng.

Chưa kịp mỉm cười, thì những người chung phòng trọ phải giật mình tỉnh giấc vì tiếng la thất thanh của chị: “Trả lại chồng cho tôi, trả tiền lại cho tôi…”. Tiếng la quện cùng tiếng khóc đau đáu xé lòng.

H.X.Đ