Cuộc phiêu lưu của Jean-Paul Sartre

859

Đặng Ngọc Hùng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đó là cuộc chơi bất tận “trên cánh khói” của nhà văn, triết gia nổi tiếng người Pháp trong mê cung của chất kích thích, một phát hiện đầy đủ nhất về khía cạnh này ở Sartre của tác giả Sam Kelly trong cuốn sách có nhan đề Đây là lịch sử về ma túy của loài người” (This is Human History on Drugs) sắp được xuất bản.

Bài viết này là một phần của cuốn sách nói trên được đăng trên tờ tạp chí Philosophynow.

Cỗ máy sản xuất ý tưởng


Nhà văn, nhà triết học Jean-Paul Sartre.

Jean-Paul Sartre (1905-1980) có lẽ là nhà dẫn giải nổi tiếng nhất của chủ nghĩa hiện sinh. Triết học của ông khẳng định rằng con người bị nguyền rủa với gánh nặng bất khả (đòi hỏi) sự quyết định mà không có sự biện hộ nào cao hơn. Không có Thượng đế hay lực lượng siêu việt nào bắt họ phải làm gì cho cuộc đời của họ. Con người cô đơn, và, sinh thành mà không có bản chất, buộc phải xác định bản thân thông qua hành động của chính mình. Vì chúng ta có quyền duy nhất xác định hành động của mình, chúng ta có thể (và nên) bị đánh giá về những gì chúng ta chọn lựa để làm với tự do của mình. Đây là một sức nặng nghiền nát. Chúng ta sống trong đau khổ và tuyệt vọng bởi vì mọi thành công và mọi thất bại đều đè nặng lên vai chúng ta. Cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh của Sartre là con người bị “kết án để được tự do”.

Sartre giải thích thêm rằng con người nói dối chính mình, (với) hy vọng thoát khỏi lời nguyền của sự lựa chọn tự do. Họ vờ rằng sự lựa chọn của họ được tiến hành cho họ và do đó nằm ngoài sự kiểm soát của họ: “Tôi không thể làm những gì mà tôi đã chọn bởi vì tôi có gia đình, tôi có công việc, tôi có trách nhiệm, tôi phải kiếm tiền…”. Sartre đề xuất kiểu thái độ “sống trong sự cam kết dở tệ” này.

Ông cũng tin rằng một con người “không là cái gì cả ngoài toàn bộ những hành động của anh ta”. Vậy toàn bộ những hành động của Sartre là gì? Ông đã chọn cách xác định sự tồn tại (hiện hữu) của mình như thế nào?

Trước hết, ông là một nhà văn. Ông viết rất nhiều sách: chuyên luận triết học, tiểu thuyết, kịch, kịch bản phim, báo, phê bình nghệ thuật, nghiên cứu tâm lý và tiểu sử. Ông (viết) rất khỏe, một cỗ máy làm sách không thể ngăn cản, người luôn tìm cách chia sẻ ý tưởng của mình với thế giới bằng mọi cách thức có thể hình dung được. Ngay cả khi sức khỏe giảm sút vào những năm 1970 và gần như bị mù hoàn toàn, ông vẫn tiếp tục tạo ra trước tác mới với sự trợ giúp của một cái máy ghi âm.

Năm 1964, ông được trao giải Nobel văn chương. Đó là một niềm vinh dự đem lại uy tín không có gì phải nghi ngờ; nhưng ông đã từ chối nó. Mặc dù dành toàn bộ sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà trước tác, ông đã quyết định từ bỏ văn chương vì (đối với ông) chỉ viết thôi là không đủ. Ông không thể cho phép lời nói thay thế cho cam kết tích cực trong thế giới này. Là một nhà hiện sinh, ông tin rằng sự lựa chọn tự do bao hàm trách nhiệm phải hành động. Và ông là một nhà hoạt động xã hội, người ủng hộ cánh tả. Ông đóng một vai trò nổi bật trong cuộc chiến chống thực dân Pháp ở Algeria, tố cáo chính phủ Pháp sử dụng các trại giam  và tra tấn. Ông trở nên nổi tiếng đến mức một tổ chức bán quân sự đã đưa ông vào “ống ngắm” để hành quyết. Hơn một lần, tổ chức này đã đánh bom ông ở lối vào căn hộ của ông.

Ông cũng là một người nhiệt liệt ủng hộ các lý tưởng của chủ nghĩa Marx. Ông cho rằng chủ nghĩa tư bản là một cái bẫy, một cỗ máy được tạo ra để hút mọi người vào và thuyết phục họ mua hàng hóa thương mại, nhưng trên thực tế, việc tích lũy của cải là không cần thiết. Chúng là một rào cản, một lý do để (người ta) không có được một cuộc sống đích thực. Sartre chấp nhận chủ nghĩa Marx vì ông cho rằng nó cho phép người ta thôi tập trung vào tiền bạc và tăng cường quyền tự do để xem xét các khả năng khác. Ông thậm chí đã gặp các biểu tượng của chủ nghĩa Marx là Fidel Castro và Che Guevara. Mặc dù không thể hoàn toàn ủng hộ Castro vì chính phủ Cuba đàn áp những người đồng tính, nhưng ông vô cùng ấn tượng về Che Guevara, người mà ông ca ngợi “không chỉ là một trí thức” mà còn là “người đàn ông hoàn hảo nhất của thời đại”.

Sartra của phiêu phưởng để khai phóng

Và tiếp theo là câu chuyện về các loại chất kích thích. Sartre tin rằng một người được định nghĩa bởi hành động của anh ta; tuy nhiên, hành động của anh ta (cũng) còn nhận sự đánh giá từ rất nhiều người khác ở các tầng lớp và mọi thứ trong đó. Cuốn tiểu sử Sarte: Một cuộc đời (Sartre: A Life) của Annie Cohen-Solal xuất bản năm 1987 mô tả rằng trong một ngày bình thường, nhà triết học của chúng ta hút hai bao thuốc lá và vài điếu thuốc quấn, uống hơn một lít rượu (vang, bia, vodka, whisky…), nuốt hai trăm miligam amphetamine, vài gam barbiturat, mười lăm gam aspirin, cộng với cà phê, trà, và ai mà biết được thứ gì khác nữa. Ông bùng nổ với những ý tưởng mà ông muốn chia sẻ với thế giới, vì vậy ông đã uống thuốc và uống cà phê để tăng sự tập trung và giúp ông tiếp tục viết với tốc độ “tiềm ẩn tai nạn” mà không cần nghỉ ngơi. Mỗi khi viết xong, ông loay hoay với giấc ngủ, vì vậy ông nuốt barbiturate để hạ gục chính mình. Rốt cuộc, khi thức dậy vào ngày hôm sau, ông bồi thêm amphetamine để cắt bầu sương mù của giấc ngủ, để ông lại có thể viết một cách ám ảnh cả ngày lẫn đêm. Nhưng năng suất không phải là lý do duy nhất khiến ông dùng ma túy. Anh chủ định tìm cách phá gông xiềng của lối suy nghĩ thông thường và mở mang đầu óc. Anh muốn nắm lấy quyền tự do vô hạn của bản thể, trải nghiệm cuộc sống theo một cách hoàn toàn khác. Đó là lý do ông tiêm mescaline, mong muốn được trải qua một cuộc phiêu lưu mới mà cuộc sống bình thường không thể cung cấp. Tin tốt là ông đã thành công. Tin xấu là ông có nhiều hơn những thứ mà ông trả giá.

Mescaline là một trong những chất gây ảo giác mạnh nhất từng được tìm thấy trong tự nhiên. Nó là chất được xem là hợp pháp hồi bấy giờ và được coi là con đường đi vào thế giới ảo giác. Người ta dùng nó bằng đường uống, ở dạng bột hoặc viên nang gel, và tác dụng sẽ kéo dài trung bình từ mười đến mười hai giờ. Nhưng Sartre chế giễu cái suy nghĩ bắt đầu (dùng) nó với một liều lượng nhỏ như một thử nghiệm sơ bộ. Ông “quất” một lượng lớn mescaline ở dạng lỏng và tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Ông “đẩy” một liều rất lớn một trong những chất gây ảo giác mạnh nhất, rồi chờ xem điều gì sẽ xảy ra.

Thử nghiệm táo bạo của ông nhanh chóng biến thành một cơn ác mộng. Các loại chất gây ra ở ông sự sợ hãi đối với các sinh vật biển – cua, tôm hùm và bạch tuộc. Ông bắt đầu cảm nhận có những con cua móng vuốt sắc nhọn xung quanh mình, bò qua người ông; không chỉ trong vài giờ, và không chỉ trong vài ngày. Ông tiêm mescaline nhiều đến nỗi tác dụng của nó tồn tại trong một thời gian dài không thể tin được. Và rất lâu sau khi thuốc hết tác dụng, những con cua vẫn còn. Chúng đi theo ông ở khắp mọi nơi mà ông đến, bò qua các đồ vật, bò lên ông. Ông hiểu chúng là những hình ảnh trong trí tưởng tượng của mình, nhưng mỗi buổi mai thức dậy, ảo giác của loài giáp xác (vẫn) đang chờ đợi ông. Dần dần, ông quen với sự hiện diện của chúng. Ông thậm chí coi chúng như bạn bè, và ông nói chuyện với chúng bất cứ khi nào ông ở một mình. Như ông nói trong một lần trả lời phỏng vấn hồi năm 1971: “Sau khi dùng mescaline, tôi bắt đầu nhìn thấy lúc nào cũng có cua xung quanh mình. Chúng đi theo tôi trên đường phố, vào lớp học. Tôi đã quen với chúng. Tôi sẽ thức dậy vào buổi sáng và nói, ‘Chào những anh bạn nhỏ, các bạn ngủ thế nào?’, tôi luôn nói chuyện với chúng. Tôi sẽ nói, ‘OK, các bạn, chúng ta vào lớp đây, vì vậy chúng ta phải giữ im lặng và im lặng’ và chúng sẽ ở đó, xung quanh bàn của tôi, hoàn toàn yên lặng, cho đến khi chuông reo”. Cuối cùng, sau một năm sống chung với cua, ông sợ mình bị suy nhược thần kinh, và quyết định đến gặp bác sĩ tâm lý… Người ta kết luận rằng “nỗi sợ cô đơn, sợ mất tình bạn thân thiết trong nhóm” khiến ông nhìn thấy những con cua. Sau khi bác sĩ đưa ra lý do về sự hiện diện của lũ cua, chúng đột nhiên biến mất ngay lập tức. Chúng đã ở bên ông lâu đến nỗi ông thực sự cảm thấy mất mát khi chúng biến mất.

Rốt cuộc, Jean-Paul Sartre có thành công trong việc xác định bản thân thông qua những cuốn sách, hoạt động xã hội và sử dụng ma túy không? Vâng, ông là một cái tên nổi tiếng ở Pháp khi ông qua đời, trở thành nhà triết học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, và tại đám tang của ông, 50.000 người đã đi theo lĩnh cữu của ông qua các đường phố ở Paris. Vì vậy, có vẻ như câu trả lời là có.

Đ.N.H