Dù đã gần 60 năm kể từ ngày được phát hiện nhưng nhiều hoạt động trong sinh hoạt của bộ tộc người Chứt, đặc biệt là nhánh người Rục tại Quảng Bình vẫn còn là bí ẩn với các nhà khoa học.
Thuật “thổi tắt”, “thổi mở”
Từ thành phố Đồng Hới, vượt hơn 130km đường rừng núi, chúng tôi đã đến được nơi ở của người Chứt, tìm gặp được những thế hệ người Chứt cuối cùng được di dời từ hang đá xuống bản sống tập trung.
Thời tiết Quảng Bình, Hà Tĩnh lạnh, buốt thấu tim thế mà người Chứt ở bản Ón vẫn mặc quần đùi, áo cộc. Trong nhiều nếp nhà, những người có tuổi đang ngồi sưởi ấm bên bếp lửa. Họ vẫn duy trì thói quen ngồi xổm, ngủ ngồi, chống hai chân như thời sống trong hang đá.
Ông Cao Ống và vợ là hai trong những người Chứt cuối cùng thời kỳ sống trong hang đá.
Nếu ở miền xuôi, chúng tôi phải mỏi mắt để đi tìm một dị nhân thì ở đây bất kể người Chứt nào đã từng sống trong hang đá đều là dị nhân. Cộng đồng người Chứt và đặc biệt là người Rục tại đây vẫn mang trong mình nhiều nét kỳ bí mà đáng sợ hơn cả là thuật “thổi tắt”, “thổi mở”.
Chúng tôi tìm gặp ông Cao Ống, thầy mo nổi tiếng của cả xứ người Rục tại đây. Người thầy mo gầy gò, lưng còng hẳn xuống không nhớ tuổi và được gọi là Cao Ống bởi nó gắn liền với “y thuật” của người Rục.
Để thực hiện các “thuật chú” này, thầy mo cần chuẩn bị hai ống tre, một ống dài 1m, một ống dài nửa mét, hai đầu ống gắn với hai đoạn kim loại nhọn như mũi khoan. Thuật “thổi tắt” và “thổi mở” được người Rục dùng để tác động vào khả năng sinh nở. Người Rục quan niệm, khi “thổi tắt” người phụ nữ dù quan hệ tình dục cũng không mang thai còn “thổi mở” thì ngược lại.
Thuật “thổi tắt”, “thổi mở” đều có chung một cách thực hiện. Thầy mo sẽ dùng hai ống tre, một phiến đá, một bát đựng nước, một bát đựng hoa, sáp ong làm nến, hương hoặc trầm cùng sợi tóc.
Thầy mo sẽ ngồi xổm, hai tay cầm hai ống nứa kỳ vào phiến đá để tạo ra âm thanh. Khi các dụng cụ phát ra âm thanh, thầy mo sẽ bắt đầu “đọc thần chú” theo các âm thanh này. Các câu chú lúc trầm, lúc bổng và bằng âm ngữ riêng của người Rục. Tùy theo mục đích, “thổi tắt”, “thổi mở” sẽ có các bài chú khác nhau.
Chúng tôi bày tỏ mong muốn được hiểu nghĩa của những câu chú này, nhưng ông Cao Ống dứt khoát không chia sẻ. Qua sự phiên dịch của dân bản, chúng tôi hiểu được lý do. Ông Cao Ống nói đoạn tiếng Kinh đoạn pha tiếng Rục: “Hồi trước, chúng tôi được ông bà truyền lại cho. Đây là điều thiêng liêng không thể nói ra bên ngoài bộ tộc. Nếu nói chúng tôi sẽ bị Dàng (là tên gọi chung cho các thế lực chung như ma núi, ma rừng, ma nhà) trách tội”.
Thuật “hấp hơi” và “thổi chữa bệnh”
Cuộc sống của người Chứt trước đây vốn dĩ gắn với núi rừng Trường Sơn và đời sống săn bắt, hái lượm nên kẻ thù đáng sợ nhất với người Chứt vẫn là thú dữ. Người Chứt ở Quảng Bình bao đời nay vẫn truyền tụng nhau về một thú bùa chú mà khi thực hiện thì ma quỷ lẫn thú dữ cũng không thể đến gần.
Thuyết phục mãi, ông Cao Ống mới đồng ý tái hiện cho chúng tôi xem kèm yêu cầu không được quay chụp lại. Với người đi rừng một mình, họ chỉ cần đọc thuộc một câu chú.
Ông Cao Ống kể và tái hiện lại thuật “thổi tắt”, “thổi mở” và thuật “hấp hơi”.
Còn với những người đi theo nhóm, sẽ phải đến nhà thầy mo để vẽ vòng trấn yểm. Khi thực hiện xong thuật hấp hơi thì trong phạm vi 5m phía trước mặt người được hấp hơi, thú dữ sẽ không thể tấn công (?). Tuy chưa một nhà khoa học nào có thể giải thích nhưng trong quãng thời gian sống của mình, chưa có một người Rục nào bị ghi nhận thú dữ tấn công dù cuộc sống trong rừng sâu, núi thẳm.
Không chỉ vậy, ông Cao Ống còn cho rằng mình có thể “thổi chữa bệnh”. Những bệnh như đứt tay, rắn độc cắn, đau bụng ông đều có thể “thổi”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi có bệnh gì không chữa được, ông Cao Ống hồn nhiên: “Bị sốt liên tục hoặc cái bụng mà phình lên là mình chịu đó. Cái đó phải lên trạm y tế để chữa”. Thì ra cũng có nhiều bệnh ông Cao Ống bó tay. Nhờ sự tuyên truyền của cán bộ địa phương, người dân trong bản cũng đã chủ động đến trạm y tế hơn.
Khoa học chưa thể giải thích
Từ lúc được phát hiện, đã có nhiều nhà khoa học tìm đến nghiên cứu bằng nhiều phương pháp khác nhau về những thuật chú của người Chứt nhưng mặc nhiên không thể lý giải.
Kỳ công nhất phải kể đến chuyên gia Đinh Thanh Dự. Gần cả đời người gắn bó với những dân tộc thiểu số ở Quảng Bình, đến nay ông vẫn chưa có lời lý giải cho thuật chú này. Cùng với nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang, các chuyên gia đã có nhiều chuyến điền dã, tìm hiểu kỳ công.
Nhà nghiên cứu Đinh Thanh Dự đã từng được chứng thực hiệu nghiệm về thuật “hấp hơi” và tục “thổi” của người Rục nhưng để lý giải thì còn rất nhiều những vướng mắc. Điều khó khăn nhất chính là người Rục coi những thuật chú của mình là “báu vật” và tuyệt nhiên không chia sẻ. Các nhà khoa học hiểu “vùng cấm” đó và tôn trọng tối đa “chủ quyền văn hóa” của họ.
Nhà nghiên cứu Đinh Thanh Dự.
“Chúng ta, những con người hiện đại thì cho rằng đó là sự “huyễn hoặc” nhưng tất cả những gì khoa học chưa có kết luận chính xác thì đó cũng chỉ là cảm nhận chủ quan. Biết đâu đấy lại là một nét văn hóa rất đẹp của họ thì sao”, Thiếu tá Phan Văn Hậu, cán bộ dưới xuôi lên cắm bản tâm tình với chúng tôi.
Ngoài những thuật bùa chú, người Chứt cũng có quan niệm về thế giới tâm linh. Họ quan niệm người chết đều làm ma. Người chết thì thành ma và được làm lễ. Người Rục thì cúng 3 đêm và 8 đêm. Người Sách thì để tang 1 năm. Nhưng cứ mỗi dịp có thịt đều để dành một phần cúng “ma nhà” là những người thân đã khuất.
Mới 4h chiều, ông Cao Ống đã ăn xong bữa tối, mọi sinh hoạt đều kết thúc trước khi trời tắt nắng. Bữa tối của thầy Mo được tin tưởng nhất xứ cũng chỉ vỏn vẹn có cơm trắng và một nồi canh rau. Ông Cao Ống dù không nhớ tuổi nhưng vẫn nhớ lắm cảnh sống ở hang xưa. Ông và vợ của mình vẫn duy trì thói quen ăn xổm, ngủ ngồi. Trên chiếc giường tuềnh toàng, các vật dụng, những chiếc chăn từ thiện vẫn mới nguyên, bóng đèn điện không bật vì đã có lửa sưởi ấm và thắp sáng.
Quẩn quanh với thuốc lá, rượu đoác và thịt chuột
Được Nhà nước đặc biệt quan tâm, người Chứt đã thoát khỏi nạn diệt vong, cuộc sống có nhiều thay đổi. Tuy vậy, nhiều sinh hoạt trong đời sống của người Chứt vẫn vẹn nguyên như người nguyên thủy.
Để thay đổi những thói quen cố hữu của bộ tộc này thì khó vô cùng. Họ vẫn giữ thói quen trồng thuốc lá trước khi trồng ngô, chăm lúa. Ở Mò O ố ồ, từ đàn ông đến phụ nữ, trẻ em, ai cũng biết hút thuốc.
Cánh rừng đoác ngàn đời gắn bó với cuộc sống của người Chứt Quảng Bình
Rượu cây đoác được coi là sữa rừng với người Chứt. Còn người miền xuôi vẫn biết đến cây đoác trong chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” với loại cây “tự biết nấu rượu” đình đám một thời.
Người Chứt ở Quảng Bình tập mãi vẫn không sao rải phân được đúng hướng gió nhưng khi nhắc đến rượu Đoác họ thuần thục hơn bao giờ hết. Anh Trần Xuân Vinh (một người Sách, 38 tuổi) kể với chúng tôi về quy trình làm ra rượu Đoác: “Đàn ông trong bản sẽ lên rừng Trường Sơn tìm những cây đoác đã có quả, cây càng già, rượu càng ngon. Họ đốn gục cây đoác sao cho gốc cây vẫn còn dính đất. Nhựa cây cứ thế chảy ra, họ sẽ dùng vỏ cây chuồn nướng để làm chất lên men. Chỉ cần vài ngày là có rượu uống”.
Không chỉ đàn ông mà phụ nữ Chứt cũng mê thuốc lá và săn rượu đoác (Ảnh: Ngô Thanh Long).
Đàn ông người Chứt mỗi bận đi rừng về chẳng màng ngô gạo còn bao nhiêu mà phải lục ống tre còn rượu đoác không. Thứ rượu rừng từ cây đoác thơm ngọt, dịu hơn rượu gạo ở xuôi, khi say lại không đau đầu, nhiều người xuôi khi lên bản đã chết “mê” nên lâu lâu lại mang gạo thịt lên đổi. Rượu Đoác xưa nhiều, cứ lên rừng một ngày có khi xách về cả can 25 lít giờ thì hiếm hơn, những cây đoác chưa kịp có quả cũng đã được làm rượu.
Đặc sản Trường Sơn mà người Chứt nào ở xứ này cũng biết là chuột rừng. Ngon hơn cả là chuột đá. Loại chuột này rất hiếm, thi thoảng mới bẫy được. Khác với chuột bình thường, chuột đá thân to hơn, đuôi dài, tay chân giống khỉ. Họ gọi chuột rừng là Kả-nệ-khủng.
Nhắc đến những người săn chuột, làm bẫy chuột siêu giỏi ở xứ này thì phải kể đến anh Cao Xuân Chuyên, dị nhân cụt chân bắt chuột từng “nổi đính nổi đám” trên mạng xã hội. Anh Chuyên bị tai nạn cụt một chân nhưng tài bẫy thú rừng thì không ai bằng. Chúng tôi nhờ dân bản dẫn đến gặp anh Chuyên thì không khỏi xót xa khi anh đã qua đời cách đây không lâu vì bệnh tật.
Hình ảnh con chuột đá đã tuyệt chủng cách đây 11.000.000 năm được người Chứt phát hiện
Bỏ nhà gạch kiên cố, tìm lên hang đá sống
Dù đã được phát hiện gần 60 năm nhưng người Chứt vẫn còn bỡ ngỡ lắm với cuộc sống mới. Dự án 134 của Chính phủ đã làm thay đổi bộ mặt của bản làng người Chứt. Mỗi gia đình người Chứt đều được tặng một căn nhà gạch, lợp ngói.
Nhưng do đã quá quen với cuộc sống hoang dã trong các hang động nằm sâu trong đỉnh Trường Sơn họ vẫn rời nhà vào hang đá để săn, bắn, hái, lượm. Nguồn thức ăn chủ yếu là thịt thú rừng và các lương thực tự nhiên như cây đoác, củ mài, ngô rừng, sắn rừng. Vì vốn sống tách biệt nên những ngày gặp bộ đội đầu tiên những người được phát hiện còn hoảng hốt trèo cây, leo vách đá chạy trốn.
Nhiều căn nhà của Nhà nước xây bị bỏ hoang vì người Chứt thích sống ở hang đá hơn.
Đến với bản làng người Chứt những ngày này, chúng tôi thấy nhiều căn nhà bị bỏ không, cỏ dại mọc um tùm. Hỏi ra mới biết, vì nhớ rừng, nhiều người Chứt đã bỏ bản lên hang, có đợt đi lâu vài ba tháng bộ đội phải lên tìm mới chịu về.
Người Chứt vốn quen với cuộc sống trong hang đá nên mọi sinh hoạt đều theo ánh sáng tự nhiên. Mọi sinh hoạt của người Chứt đều kết thúc khi trời hết nắng. Chuyện cười ra nước mắt ở bản Ón là điện về cũng chẳng thèm kéo. Đường điện đã được kéo về bản gần chục năm, hộ nghèo còn được dùng điện miễn phí thế nhưng nhiều người Chứt chẳng mấy quan tâm. Với họ, có điện hay không chẳng mấy quan trọng vì “có điện thì cũng chỉ có cái bóng đèn mà bóng cháy rồi”.
Trong số những người Chứt ở Quảng Bình thì người Sách và người A Rem là có trình độ cao nhất. Số người Chứt biết chữ và nói được tiếng Kinh hiện nay cũng chỉ khoảng 20%. Dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà khang trang và hiện đại hầu hết là nhà của người Sách.
Trong một nếp nhà khang trang và nhiều thiết bị điện nhất bản, anh Trần Xuân Vinh (người Sách, học đến lớp 7, công an viên bản Ón) bộc bạch: “Người trong bản không giao thương với bên ngoài, không có trình độ học vấn đó là khó khăn lớn nhất nên khó hòa nhập. Ở bản cũng có mấy người đi xuống tỉnh rồi xuất khẩu lao động nhưng rồi về lại cũng chẳng có gì. Khá nhất là hai chị em nhà chị Quyên, đi xuất khẩu 2 năm về được cái xe máy Dream”.
Anh Trần Xuân Vinh, người đàn ông trong căn nhà khá giả nhất bản Ón.
Lần theo con đường bê tông sạch thoáng, trong một nếp nhà khác được bao bọc xung quanh bởi vải bạt. Dưới chái bếp lợp dở, có 4 người đàn ông đang nhậu. Anh Đinh Văn Bắc (sinh năm 1988) được nghỉ phép về quê. Anh là một trong số rất ít những người Chứt dám vượt núi để xuống xuôi đi làm. Anh cũng được coi là người có thu nhập cao nhất ở bản. Anh làm công nhân bảo trì đường tàu ở Đồng Hới. Trừ tiền ăn nghỉ, anh còn dư khoảng 3 triệu/tháng. Số đó được chia đều cho phần sinh hoạt của gần 10 thành viên trong gia đình. Cơm gạo thì đã có Nhà nước lo, cuộc sống thế cũng coi là khấm khá trong bản.
Anh Đinh Văn Bắc trong những chuyến nghỉ phép về quê.
Dù đã nửa thập kỷ trôi qua, người Chứt vẫn chỉ có thể lên rừng để mưu sinh. Trong niêu cơm xó bếp của người Chứt phần đông vẫn chưa có thịt. Trẻ con đồng bào vẫn ham đi rừng hơn đi học. Cuộc sống của họ vẫn quẩn quanh trong xó nhà. Đường điện đã về, con chữ cũng đã đến bản nhưng ranh giới để người Chứt có thể hòa mình vào cuộc sống văn minh ngoài kia hẳn còn nhiều lắm những gian nan.
Năm 1959, các chiến sĩ bộ đội thuộc Đồn biên phòng Cà Xèng, Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình đã phát hiện một bộ tộc lạ sinh sống như thú rừng tại vùng đồi núi giáp biên giới Việt – Lào đoạn qua Quảng Bình – Hà Tĩnh. Cộng đồng người Chứt gồm hơn 6.000 người chia làm 5 nhánh gồm người A-Rem, người Rục, người Sách, người Mày, người Mã Liềng. Người Chứt được phát hiện sinh sống tại 23 tỉnh thành ở Việt Nam nhưng nhiều nhất vẫn là Quảng Bình (chiếm 60%) và Hà Tĩnh (chiếm 10%). Hiện nay, người Chứt đang sống tập trung tại 3 bản thuộc Quảng Bình và bản Rào Tre thuộc Hà Tĩnh. Trong 5 nhánh của người Chứt, người Rục là đông hơn cả. Năm 2013, người Rục tại Quảng Bình được xếp vào nhóm 10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới.
Trong cuốn “Người Rục ở Việt Nam”, nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang đã viết lại cảm xúc của công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) khi lần đầu nhìn thấy tộc người này: “Chứng kiến đồng bào lẩn khuất giữa các hang động, bìa rừng, các chiến sĩ đồn biên phòng Thượng Hóa không khỏi bất ngờ khi thấy nhiều người có khả năng leo trèo như vượn, họ đu mình trên cây và ở trần”.
Theo Gia đình và Xã hội