Chiều ngày 20/2, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức họp báo thông tin về Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22. Năm nay, sự kiện Ngày Thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lần đầu được đưa vào Chương trình Lễ hội của Thành phố và sẽ được diễn ra trong 2 ngày 23-24/2/204 (tức 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại khuôn viên Tòa nhà Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3.
Với chủ đề Thành phố này tôi đến tôi yêu, Ngày Thơ Nguyên Tiêu 2024 lần đầu tiên dành không gian riêng cho thơ thiếu nhi với tọa đàm Thơ với tuổi thơ (diễn ra vào lúc 14g, ngày 23/2).
Sân thơ trẻ tiếp tục được đầu tư và hứa hẹn là nơi thu hút nhiều cây bút trẻ và khách tham quan khi có sự tham gia của cả các tác giả trẻ chưa phải là hội viên.
Khối các câu lạc bộ luôn là lực lượng không thể thiếu, góp phần làm nên sắc màu cho các ngày thơ, nhưng để nâng cao chất lượng, năm nay Hội Nhà văn TPHCM chủ trương chỉ chọn 12 câu lạc bộ thơ nhạc tham gia sự kiện này. 12 CLB ngoài việc tổ chức sinh hoạt, giao lưu giới thiệu tác phẩm với bạn yêu thơ, sẽ có hẳn một buổi tối 14 tháng Giêng để trình diễn thơ nhạc với những tiết mục được được đầu tư và dàn dựng công phu. Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM sẽ dự và phát biểu khai mạc đêm diễn này.
Sáng ngày 15 tháng Giêng sẽ chính thức khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chương trình thơ nhạc Thành phố này tôi đến tôi yêu. Chương trình nghệ thuật này được thực hiện với sự phối hợp của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Tại đây khán giả sẽ được nghe những bài hát nổi tiếng từ ca từ của những bài thơ hay, được nghe đọc thơ và trình diễn thơ… Và đặc biệt, được giao lưu với lão nhà thơ Hoài Vũ, người có nhiều bài thơ hay được phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng.
Ở phần cuối chương trình, Hội Nhà văn TPHCM sẽ làm lễ Phát động cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2”. Đây là cuộc thi thơ lần thứ 2 trong vòng 3 năm hoạt động của Hội và hoàn toàn bằng phương thức xã hội hóa. Các tác phẩm qua vòng sơ khảo sẽ được chọn đăng một cách sớm nhất trên trên website của Hội – Văn chương Thành phố Hổ Chí Minh tại chuyên mục “Cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam lần thứ hai” (bạn đọc có thể truy cập bằng cách click vào logo cuộc thi được gắn ở trang chủ).
Các hoạt động chính tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22:
– 8g30 ngày 23/2: Hội thảo Thơ – nhạc: Tương sinh hay tương khắc?
– 14g: Tọa đàm Thơ với tuổi thơ
– 18:30 g-21g30: Chương trình thơ nhạc của các câu lạc bộ.
– 8g30 ngày 24/2: Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, với chương trình thơ nhạc Thành phố này tôi đến tôi yêu.
TRÍCH TỪ THỂ LỆ CUỘC THI “NHÂN NGHĨA ĐẤT PHƯƠNG NAM LẦN 2”
* Phương thức tổ chức:
Các tác phẩm qua vòng sơ khảo sẽ được chọn đăng trên trên website của Hội Nhà văn TPHCM. Những tác phẩm vào vòng chung khảo sẽ được xét trao giải và in thành tập.
* Thành phần Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo:
Ban Tổ chức: Gồm các nhà văn nhà thơ trong Ban Thường vụ và Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM.
Hội đồng Sơ khảo:
1.Nhà thơ Bùi Phan Thảo: Chủ tịch
2. Nhà thơ Nguyên Hùng: Phó Chủ tịch
3. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Thành viên
4. Nhà thơ Huệ Triệu: Thành viên
5. Nhà thơ Phùng Hiệu: Thành viên
Hội đồng chung khảo:
1. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Chủ tịch
2. Nhà thơ Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TPHCM: Thành viên
3. Nhà thơ Trương Nam Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TPHCM: Thành viên
4. Nhà thơ Bùi Phan Thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM: Thành viên
5. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội nhà văn Việt Nam: Thành viên
* Thời gian tổ chức:
– Ngày 24-2: Phát động cuộc thi thơ tại Ngày Thơ Việt Nam do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức và thông báo trên website của Hội Nhà văn TPHCM.
– Từ ngày công bố đến 24-11-2024: Nhận bài dự thi, đăng tải tác phẩm đạt chất lượng yêu cầu lên website của Hội Nhà văn TPHCM.
– Từ ngày 24-11-2024 đến 1-1-2025: Ban Sơ khảo và Ban Chung khảo chấm giải.
– Công bố, phát giải tại Ngày Thơ Việt Nam năm 2025.
Trong thời gian này sẽ tổ chức biên tập, in tác phẩm, giới thiệu, quảng bá tác phẩm.
* Đối tượng tham gia:
Trừ các thành viên trong Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo, còn lại mọi công dân Việt Nam và người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, đều có thể dự thi.
* Yêu cầu bài dự thi:
– Trân trọng phong cách truyền thống đồng thời khuyến khích những tìm tòi, cách tân nghệ thuật, tuy nhiên phải phù hợp thẩm mỹ dân tộc. Cuộc thi không nhận thể loại trường ca, thơ trào phúng, thơ dịch, thơ phóng tác.
– Mỗi bài thơ dài không quá 40 câu.
– Tác phẩm dự thi phải chưa công bố ở bất kỳ một cơ quan báo chí nào, kể cả trung ương và địa phương dưới mọi hình thức (kể cả trên mạng xã hội); chưa được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi cuộc thi kết thúc.
– Tác phẩm dự thi phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại.
– Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất chỉ dùng một họ tên hoặc bút danh.
Nếu các tác phẩm được trao giải vi phạm về bản quyền hoặc có tranh chấp thì Ban tổ chức sẽ xem xét thu hồi giải thưởng và thông báo rộng rãi trên website của Hội Nhà văn TPHCM và các phương tiện truyền thông.
Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu người dự thi cung cấp sai thông tin cá nhân, dẫn đến việc không liên lạc được.
Ban tổ chức chỉ giải quyết mọi trường hợp khiếu nại về kết quả cuộc thi trong vòng 7 ngày từ ngày công bố kết quả.
Những tác phẩm đạt chất lượng được giới thiệu trên website của Hội Nhà văn TPHCM.
Tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền trước Ban tổ chức và trước pháp luật.
Trong thời gian diễn ra cuộc thi, tác giả không được công bố tác phẩm dự thi trên bất cứ phương tiện nào khác.
Tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ email: nhannghiaphuongnam2@gmail.com.
Cơ cấu giải thưởng:
1 giải Nhất: Trị giá 20 triệu đồng
2 giải Nhì: Trị giá 15 triệu đồng/giải
3 giải Ba: Trị giá 10 triệu đồng/giải
5 giải Tư: Trị giá 5 triệu đồng/giải.
Tin & ảnh: Nguyên Hùng
Theo vanchuongthanhphohochiminh