Cuốn nhật ký viết chung – Truyện ngắn của Việt Thắng

1079

Việt Thắng

 (Vanchuongphuongnam.vn) – Hình như người lính nào cũng có tật thích ghi nhật ký. Mơ hồ hy vọng biết đâu mai này còn sống đem ra đọc lại nhớ về thời gian khổ chết chóc. Rủi hy sinh may mắn có đồng đội nào giữ lại cho cuốn nhật ký, họ đem về cho thân nhân thì thật là một di vật vô giá.

 

Nhà văn Việt Thắng

Tuy nhỏ người có lẽ do cơ thể có sức đề kháng mạnh nên sáu tháng trời vượt Trường Sơn, gần tới điểm tập kết tôi mới bị những bầy ký sinh trùng sốt rét quật ngã. Đêm. Đơn vị dừng chân tại trạm giao liên bên kia biên giới Cam Pu Chia, giáp ranh với tỉnh Tây Ninh của Việt Nam. Những cơn sốt rét cứ hành hạ, hết rét lại nóng hừng hực. Mưa rừng rơi rả rích cả đêm mà cổ họng cháy khô vì khát nước. Nhiều khi chợt tỉnh giấc trong cơn sốt mê man, tôi cố lấy bát sắt hứng từng giọt nước mưa từ tấm tăng nhỏ xuống. Hứng được bao nhiêu là ngửa cổ uống ừng ực cũng không hết khát. Sáng ra nghe tiếng còi cùng những tiếng phụ nữ, họ tới từng võng nhắc nhở mọi người cố gắng ra tập họp để họ dẫn vào bệnh viện điều trị. Chống khẩu AK làm gậy lê từng bước ra chỗ tập trung, mạnh ai nấy đứng ngồi nghiêng ngả chẳng có hàng lối nào cả. Sau khi nghe các y tá thông báo, ai không đi nổi mới được cáng vào bệnh viện, ai còn khả năng đi được cố gắng đi vào trong đoàn thu dung điều trị vì bệnh viện đã quá tải.

Sau hai ba ngày được tiêm những mũi thuốc ký ninh vàng khè cùng uống thuốc, bệnh sốt rét của tôi đã giảm. Nơi đây tất cả các bệnh binh, đều giăng võng thành từng hàng ở trong lán lợp bằng lá cọ. Nằm bên cạnh tôi là một anh lính còn trẻ măng như tôi tên Thà. Hỏi thăm ra mới hay anh thuộc đoàn bên tỉnh Hà Giang, tôi bên đoàn tỉnh Hưng Yên. Đang trai trẻ sức đề kháng mạnh, đâu hơn tuần là chúng tôi đã dứt hẳn nghững cơn sốt rét. Chuyện gia đình hai đứa cứ tỉ tê kể hết cho nhau nghe. Trước khi đi Bê được về phép bảy ngày, Thà đã tranh thủ cưới cô bạn học cùng xóm. Vì gia đình có mình Thà là con trai mấy chị đã có chồng, nên bố mẹ hối thúc cưới vợ để có người đỡ đần công việc sớm hôm. Tôi cũng cưới vợ gấp nhờ người giới thiệu với cô bạn xóm bên nhưng nhà tôi lại đông anh em trai hơn.

Cứ vài ba ngày lại có người ở các đơn vị tới nhận quân. Họ lấy tinh thần xung phong của các bệnh binh là chính. Buổi sáng mọi người vừa cơm nước xong, đã thấy mấy anh ở đơn vị nghe nói thuộc một sư đoàn của miền Đông Nam Bộ. Tới từng lán vận động và ghi tên những người tình nguyện xuống chiến trường. Thà nắm tay tôi đề nghị:

– Hà ơi, chúng mình đã hết sốt cũng hơi khỏe rồi, hay là mình tình nguyện vào đơn vị này?

Tôi chẳng cần suy nghĩ gật đầu đồng ý, nhưng bảo Thà ra hỏi anh cán bộ xem có cho hai đứa cùng tiểu đội không. Cười vui vẻ anh ta trả lời:

– Nói thật hai đồng chí nhé, ở chiến trường đơn vị nào cũng thiếu quân cả. Chúng tôi sẽ sắp xếp cho hai đồng chí ở cùng tiểu đội theo ý nguyện.

Mấy tháng hành quân vượt Trường Sơn mưa gió. Thà đã bị ướt và rách nát hết cả mấy cuốn sổ đem theo. Hình như người lính nào cũng có tật thích ghi nhật ký. Mơ hồ hy vọng biết đâu mai này còn sống đem ra đọc lại nhớ về thời gian khổ chết chóc. Rủi hy sinh may mắn có đồng đội nào giữ lại cho cuốn nhật ký, họ đem về cho thân nhân thì thật là một di vật vô giá.

Để tránh bom pháo Mỹ bắn bất tử vào ban đêm, thường lính ta phải giăng võng ngủ dưới căn hầm chữ A. Hầm nào cũng tự chế ra cây đèn dầu đốt cho đỡ tăm tối khi màn đêm buông xuống. Nhiều lần tôi ngồi dưới ánh đèn dầu ghi nhật ký. Thà ngồi bên buồn xo, lâu lâu lại nhìn trộm xem tôi viết gì. Tôi cũng chả giấu giếm làm chi, mỗi lần viết xong tôi lại đưa cuốn sổ cho Thà. Đọc xong Thà đều tấm tắc khen tôi viết hay, nhất là những dòng tâm sự viết về nỗi nhớ vợ nơi rừng rú bom đạn này. Thấu hiểu được nỗi thèm khát viết nhật ký của Thà. Tôi vỗ vai Thà:

– Ở chiến trường đồng đội vào sinh ra tử có nhau, còn quý hơn cả anh em ruột ấy chứ. Thôi thế này Thà ạ, mình với cậu chung nhau viết nhật ký trong cuốn sổ này. Để khỏi lẫn lộn vào nhau, cậu lật ngược cuốn sổ lại viết đàng sau cuốn nhật ký; vì phía đàng trước mình đã viết nhiều rồi. Cuốn sổ này có cả trăm tờ, mình liệu dè sẻn mà viết, hồng phúc ông bà để lại sau này chúng mình còn sống cả sẽ tách cuốn sổ ra làm hai, phần của ai thì người đó lấy. Cậu thấy đề nghị của mình được không ?

Thà ôm lấy tôi; kê môi hôn lên má tôi chùn chụt:

– Cám ơn, cậu hiểu mình còn hơn cô vợ mình ở quê nữa.

Tôi không khỏi phì cười vì câu nói thật thà của Thà. Vợ đứa nào cũng tranh thủ cưới mấy ngày về phép. Có ăn nằm với nhau giỏi lắm được dăm ba đêm, làm sao hiểu tính tình nhau như hai đứa đã từng sống chết, nằm sát nhau từng đêm dưới hầm chữ A bao nhiêu ngày tháng.

Cứ khi màn đêm buông xuống, không họp hành hay đi công tác. Tiếng í ơi gọi nhau đánh tú lơ khơ quệt nhọ nồi vào mặt vang lên. Sau mỗi bàn anh nào tới sau cùng là bị quệt một vạch đen thui lên khuôn mặt. Rốt cuộc cũng chả anh nào mà không bị quệt, anh đánh hay thì bị quệt ít, anh đánh dở thì cả cái mặt đen thui. Tan cuộc mọi người đều vui vẻ ai về hầm nấy.

Đang mơ mơ ngủ, bỗng nghe tiếng ì ì tiếp theo là hàng loạt những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Ai nấy nhảy khỏi võng ngồi dựa vào thành hầm, hai tay bịt chặt hai lỗ tai, mồm há ra để tránh sức ép từ những quả bom nổ gần khỏi bị chảy máu tai, thậm chí còn bị thủng cả màng nhĩ. Thà ngồi sát bên tôi, mỗi đợt bom nổ há mồm ra mà vẫn lẩm bẩm gọi tên vợ: “Lan ơi, Lan ơi!…” chả là cô vợ Thà tên Lan mà. Khi đợt bom thứ ba vừa dứt, chúng tôi biết B52 của Mỹ mỗi lần đi ba chiếc, sau ba đợt bom không hề hấn chi kể như còn sống. Trong mùi khói bom còn khét lẹt, tôi vỗ vai Thà cười cười hỏi:

– Mắc chứng gì mỗi đợt bom nổ là cậu lại gọi tên vợ?

Thà nghiêng đầu vào vai tôi thì thầm:

-Nói thật với cậu, mình sợ chết lắm. Nếu mình chết sẽ chẳng có ai chăm sóc cho bố mẹ khi tuổi già sức yếu; với lại làm sao có được thằng con trai để nối dõi tông đường.

Tôi vỗ vỗ vai Thà an ủi:

– Yên tâm đi! Nhờ Trời Phật che chở, chắc chắn chúng mình sẽ sống tới ngày hòa bình mà.

Mùa khô lại tới, chắc chắn bên ta hoặc địch sẽ mở chiến dịch tấn công nhau. Dạo này đêm đến là những chiếc phản lực bay ngang chớp đèn sáng lóe, có lẽ chúng chụp không ảnh. Kiểu này thế nào chúng cũng sẽ mở trận càn lớn đánh vào căn cứ của đơn vị đây. Lệnh trên xuống củng cố công sự và chiến hào. Quả nhiên chưa được mươi ngày, sáng mặt trời vừa lên khỏi rặng núi phía trước. Từ xa từng đoàn máy bay phản lực gầm rú bay tới và hàng loạt bom trút xuống địa hình đơn vị đóng quân. Mấy đợt bom vừa dứt, từng chập pháo bầy từ 105 đến 155 ly bắn cấp tập. Cành cây gãy ngổn ngang, đất đá bị đào xới tung lên, khu rừng bị cày nát lỗ chỗ những hố bom pháo. Ngồi dưới hầm chữ A mà tựa như bị đưa võng, người lắc lư bật lên, hạ xuống; các cây chống nóc hầm cứ kêu lên răng rắc tưởng sập đến nơi rồi. Thà cứ ôm chặt lấy tôi chẳng nói được một lời.

Tiếng pháo ngưng chưa được vài phút, nghe từ xa tiếng phành phạch của bầy trực thăng. Lệnh trên xuống: “Tất cả triển khai ra chiến hào đánh địch”. Chúng tôi lom khom chạy ra vị trí ngoài chiến hào. Phía quả đồi trống bên kia, từng chiếc trực thăng chở quân xà xuống. Từ trong bụng trực thăng những thân hình cao to, đầu đội mũ sắt thi nhau nhảy ra. Trên đầu chúng tôi là mấy chiếc trực thăng vũ trang, bay vòng vòng yểm trợ. Nghi ngờ chỗ nào là nó phóng hỏa tiển: Cảo đùng, cảo đùng… kèm theo hàng tràng đạn đại liên sáu nòng bắn xối xả; nghe: ò, ò ò…như tiếng bò bị chọc tiết.

Từ quả đồi trống bên kia, những cái mũ sắt nhấp nhô, dàn hàng ngang tiến về phía chúng tôi. Thà nằm cạnh tôi, súng ai cũng đã lên nòng mở khóa an toàn. Chờ chúng tới gần có pháo hiệu mới được bắn để tạo bất ngờ. Khi những cái mũ sắt lô nhô cách chỗ chúng tôi năm, sáu chục mét. Tôi đã ngắm sẵn vào những cái thân hình cao to cứ mỗi lúc hiện rõ hơn. Vỗ vào vai Thà tôi nhắc nhỡ:

– Ăn thua loạt đạn đầu bất ngờ, ngắm cho kỹ vào nghe Thà!

Thà chỉ gật gật đầu, nháy mắt sang tôi, ý như muốn bảo tớ sẽ hạ được vài thằng chứ chả chơi đâu.

Pháo hiệu từ phía chỉ huy đại đội vút lên trời đỏ lừ. Tôi xiết cò hết cả băng đạn AK, tiếng súng của Thà và đơn vị đồng loạt vang lên. Những cái bóng cao to đổ rạp xuống mặt đất. Hàng loạt đạn tiểu liên cực nhanh AR15 và đại liên M60 bắn xối xả về phía chúng tôi. Đạn bay nghe chiu chíu, chiu chíu… cắm vào thành công sự chỉ nghe: bịch, bịch… đạn xé toạc những thân cây ở trước mặt và sau lưng. Đồng hành với những loạt đạn bắn thẳng là tiếng nổ của những quả M79, và cối 60 nổ trước mặt và sau lưng chúng tôi. Chỉ nghe tiếng: oành đùng, oành đùng… đất đá văng lên rơi xuống phủ lên đầy quần áo. Đang lắp thêm băng đạn thứ ba, bỗng tôi nghe tiếng Thà kêu lên:

– Hà ơi! Mình… bị rồi.

Tôi bò lại chỗ Thà, thấy tay cậu ta cứ ôm lấy ngực bên trái. Vội kéo áo Thà lên tôi thấy một lỗ to trước ngực máu đang chảy ra xối xả. Mở vội băng cá nhân, xé một đoạn vo viên nhét vào vết thương đang phun máu, lấy băng cá nhân của Thà băng lại. Tôi hô to báo cáo trung đội trưởng xin cõng Thà về tuyến sau.

Cõng Thà hết đoạn chiến hào, vào tới khu rừng còn cây cối chưa bị bom pháo tàn phá. Có lẽ đi cũng hơi xa mặt trận chỉ còn nghe tiếng pháo, súng dội ại ầm ì. Thấy đầu của thà cứ nghoẹo qua một bên, tôi đặt Thà dựa vào gốc cây lớn, hơi thở của Thà đã yếu hẳn, gọi mãi cậu ta mới mở mắt, giọng thều thào:

– Nhật ký… nhật ký.

Chả hiểu Thà nói gì, tôi cứ gật đầu lia lịa. Nghỉ chốc lát tôi xốc Thà lên vai đi như chạy, vì tôi nghĩ thời gian lúc này là quý giá với Thà. Gần cả tiếng đồng hồ tôi cũng cõng Thà tới được trạm phẩu thuật của trung đoàn. Sau khi bàn giao người cho trạm phẫu thuật, trước khi trở về đơn vị tôi lay gọi Thà dăm ba lần Thà mới mở mắt vẫn giọng thều thào:

– Nhật ký… nhật ký.

Tôi chỉ gật đầu, trong khi hai hàng nước mắt cứ trào ra. Nghĩ dại không biết Thà có qua được khi vết thương nặng như thế, phần mất máu nhiều vì đoạn đường từ mặt trận về tới trạm phẫu thuật mất cả tiếng đồng hồ.

Trên đường trở về đơn vị, tôi mới hay vì bảo toàn lực lượng đơn vị phải rút lui. Hai ngày sau nghe tin Thà đã mất tại trạm phẫu thuật vì mảnh cối găm sâu, cộng với phần mất máu quá nhiều. Tôi cứ thẩn thờ như người mất hồn mấy ngày liền. Sực nhớ lời cuối cùng của Thà chỉ nhắc về cuốn nhật ký. Tôi lôi cuốn nhật ký ra, lật phần bên của Thà, đến trang cuối cùng ghi trước khi trận đánh xảy ra đúng một ngày. Tôi đọc trong nước mắt những dòng chữ cứ nhòe nhoẹt trước mặt: “Lan ơi! Nếu sau này hòa bình, người cầm cuốn nhật ký này về cho em là hồn anh đã nhập vào xác của anh ấy. Em hãy đối xử tử tế như đối với chồng em. Anh có tội lớn với bố mẹ và có lỗi với em là chưa cho em một đứa con trai để ông bà vui lòng và cũng là người nối dõi tông đường sau này. Nếu còn yêu thương anh và hết lòng vì nhà chồng em hãy cùng… với người cầm cuốn nhật ký này để có được đứa con. Dù ở nơi suối vàng anh xin cảm ơn em đã làm cho anh toại nguyện thỏa lòng mát dạ…”. Đọc tới đọc lui tôi mới tin đó là những dòng chữ thật sự đang hiển hiện trước mặt, chứ không phải trong cơn mơ ngủ. Có thể nào con người ta có giác quan thứ sáu thật ư? Linh tính báo trước nên Thà mới viết những dòng chữ này trước khi hy sinh.

Sau hòa bình cả tháng trời tôi mới được về thăm gia đình. Về quê được dăm ngày, tranh thủ thăm họ hàng sau bảy tám năm biệt vô âm tín. Đêm, tôi giở cuốn nhật ký ra đọc lại, tách phần của Thà đã ghi trong cuốn sổ. Tìm miếng bìa cứng tôi cắt xén dán lại cẩn thận cho ra dáng một cuốn nhật ký. Mới mờ sáng tôi đã bảo đứa em lấy xe đạp chở ra bến xe huyện. Xe đò chạy tới trưa mới tới cái xã ghi trong địa chỉ. Lội bộ gần cả chục cây, người mệt lử cũng tới được ngôi nhà của cha mẹ Thà. Ra đón tôi vào nhà là Lan vợ Thà. Nhìn Lan tôi không thể hình dung ra với người trong ảnh cách đây gần chục năm. Đâu còn khuôn mặt trắng trẻo vô tư nhoẻn miệng cười. Khuôn mặt Lan bây giờ đen nhẻm, lấm chấm những nốt đen của sự thoái hóa da. Hỏi ra mới biết do suốt ngày nắng cũng như mưa, cứ quần quật ngoài ruộng rẫy, có ngày nào được ngơi tay đâu. Cha mẹ chồng mới hơn sáu mươi tuổi, ai cũng lắm bệnh mãn tính. Cha chồng trước kia là chiến sĩ đánh Điện Biên Phủ, trong mình còn vài mảnh đạn cứ trở trời là lại đau nhức. Mẹ chồng bị thấp khớp mãn tính cùng đau dạ dày hai căn bệnh hành hạ quanh năm, có làm được việc nặng nhọc nữa đâu; thành thử trăm sự chỉ có mình Lan lo. Biết tôi cùng đơn vị với Thà tới thăm và đưa những kỷ vật của Thà cho gia đình. Ông bà cứ ôm lấy tôi mà khóc; khi nghe tôi kể về trận đánh mà Thà đã hy sinh. Tôi cũng rơm rớm nước mắt nhìn ông bà hom hem vì bệnh tật và nỗi đau mất đứa con trai duy nhất. Trong khi chưa có đứa cháu nội nào để hủ hỉ nối dõi tông đường.

Ăn bữa cơm trưa cùng gia đình, tôi từ biệt để lên thị xã chiều nay thăm gia đình mấy người bạn cùng đơn vị. Lan lấy xe đạp chở tôi ra quốc lộ đón xe. Lúc chia tay tôi nắm chặt tay, nhìn thẳng vào mắt Lan nghẹn ngào:

– Người chết thì đã chết rồi, hãy nghĩ về tương lai cho gia đình chồng. Lan về đọc kỹ trang cuối cùng của cuốn nhật ký, nếu còn thương chồng và cha mẹ chồng, chiều tối nay em hãy lên địa chỉ… anh đợi em ở đó.

Nghe tôi nói Lan rơm rớm nước mắt, quay nhanh xe đạp trở về nhà.

Sau chiến tranh đất nước nào cũng gặp khó khăn về kinh tế. Điều đầu tiên nhà nước phải giảm quân số trong quân đội, để bớt gánh nặng cho đất nước. Tôi cũng ra khỏi quân ngũ, may mắn nhờ có mấy người bạn quen làm ở cơ quan từ ngoài Bắc chuyển vào. Cái căn bản là tránh trở về nông thôn vác cái cày, làm quần quật tháng ngày, vẫn cứ phải ăn độn khoai, sắn… Cái ưu điểm của anh làm việc cho nhà nước, chắc chắn mỗi tháng có được mười mấy cân gạo theo tiêu chuẩn, khỏi lo bữa đói bữa no.

Cuốn hút vào công việc và cuộc sống bẵng đi gần hai năm trời; tôi nhận được lá thư của Lan. Đọc tới đọc lui tôi gần như thuộc lòng đoạn cuối lá thư: “Anh ạ, từ cái đêm gặp anh trên thị xã, về nhà cả tháng em thấy người khang khác, nửa mừng nửa lo. Em đã đọc những dòng nhật ký cuối cùng và ước nguyện của chồng em, cho bố mẹ chồng nghe. Đồng thời em cũng kể rõ chuyện em đã lên thi xã gặp anh. Khi em báo tin đã có thai, ông bà cứ ôm em mà khóc, mà gọi tên anh Thà. Từ dạo đó ông bà luôn nhắc nhở em phải cẩn thận tránh làm việc nặng để mà dưỡng cái thai trong bụng. Trời Phật phù hộ độ trì em lại sinh được thằng con trai anh ạ, mà kỳ lạ nó càng lớn trông càng giống anh Thà. Ông bà cưng chiều cháu nội lắm cứ suốt ngày bế ẵm. Có điều hơi buồn, là xã không công nhận nó là con của liệt sĩ, vì giấy báo tử đã báo về từ mấy năm trước rồi. Nhưng rất vui là ông bà an ủi em: “Con liệt sĩ hay không cũng chẳng thành vấn đề, người chết thì cũng đã chết rồi; miễn sao có đứa cháu hủ hỉ cho vui tuổi già. Một điều chắc chắn sau này còn có thằng cháu nội hương khói khi ông bà khuất núi, là quý lắm rồi con ạ!”

V.T