Phạm Thông
(Vanchuongphuongnam.vn) – Đá hát trùng khơi là tiêu đề của cuộc triển lãm đá cảnh nghệ thuật, đá phong thuỷ, trầm hương và gỗ lũa tại Ngày hội văn hoá – thể thao của thành phố Tam Kỳ năm 2022 tại Quảng trường biển Tam Thanh. Tiêu đề ấy nói lên đá từ suối, từ sông trên nguồn, trên núi non Trường Sơn được các nghệ nhân cố công tìm kiếm trong mấy chục năm trời, nay đem về biển triển lãm để nhân dân thưởng lãm.
Thầy Thích Nhuận Tâm – người đề xướng và tham gia thực hiện cuộc triển lãm Đá hát trùng khơi
Đây là một cuộc chơi nghệ thuật do thiên nhiên ban tặng vô cùng công phu. Cuộc triển lãm đã được thai nghén từ rất lâu, do thầy Thích Nhuận Tâm – Trụ trì Chùa Lá Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh đề xướng, phối hợp với Uỷ ban Nhân dân thành phố Tam Kỳ thực hiện.
Cuộc triển lãm đá quy tụ các hội, các nghệ nhân đá cảnh, đá phong thuỷ, trầm hương, gổ lũa của các đơn vị, các nghệ nhân ở các tỉnh, các huyện thuộc khu vực miền Trung như: Lâm Đồng, Dak lak, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Phước Sơn, Nam Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Phú Ninh. Tất cả là 20 gian hàng nằm trải đều cân đối trên khuôn viên của một phần Quảng trường biển Tam Thanh rộng trên 5 ngàn mét vuông. Theo các nghệ nhân sưu tầm, chơi đá lâu năm như Trần Thịnh, Bùi Toàn… Duy Xuyên; Đá Phát… Lâm Đồng thì đây là cuộc triển lãm đá cảnh, đá phong thuỷ có quy mô lớn nhất miền Trung, thậm chí là cả nước từ trước tới nay.
Như trên đã nói, đây là một cuộc chơi nghệ thuật thiên nhiên vô cùng công phu và nhiệt huyết của người tổ chức và các nghệ nhân tham gia. Thầy Thích Nhuận Tâm từ TPHCM đã cất công ra Tam Kỳ 3 lần để làm việc với Uỷ ban, Phòng Văn hoá, Trung Tâm Văn hoá – Thể thao – Truyền thông thành phố Tam Kỳ; thầy liên hệ với các nghệ nhân trong cả miền Trung và Tây Nguyên, kêu gọi với tinh thần tự nguyện, tự túc để đưa các tác phẩm nghệ thuật đến Quảng trường biển Tam Thanh tham gia trưng bày. Công tác chuẩn bị của thầy đã diễn ra trong mấy tháng trời. Sau khi biết được số lượng đơn vị tham gia, thầy lên Tây Nguyên mua từng miếng gổ lũa chở về Chùa Lá rồi chở ra Tam Kỳ để làm bảng hiệu cho từng gian hàng phù hợp với quang cảnh triển lãm đá.
Từ sáng ngày 17 táng 7 đến 19 tháng 7 năm 2022, các nghệ nhân tập trung đá cảnh và các tác phẩm khác, trong số đó có những tác phẩm đá có giá trị cả trăm triệu đồng về tại Quảng trường biển Tam Thanh để trưng bày trong các gian hàng do Trung tâm Văn hoá – Thể Thao – Truyền thông Tam Kỳ dàn dựng.
Là người trong Ban tổ chức, tôi rất cảm động khi gặp các nghệ nhân Đá Phát ở Lâm Đồng, hai chị em ruột ở Đak Lak, hai em ở Khánh Hoà là nghệ nhân đá phong thuỷ với các xe nặng tác phẩm từ rất xa đến Tam Kỳ tham gia triển lãm; rất cảm động khi cả hội đá cánh nghệ thuật, đá phong thuỷ Quảng Ngãi do anh Phan Bá Trình dẫn đầu đến tham dự; huyện Duy Xuyên có 9 gian hàng chiếm tỷ lệ đông nhất trong cuộc triển lãm; Và tôi rất cảm tình với em Công Lý ở Phước Chánh – Phước Sơn, đến tham dự với cả tấn đá cảnh, khi đến nơi em thấy cuộc triển lãm quá hoành tráng liền trở về cẩu hai tảng đá vân mây Phước Chánh, mỗi viên nặng 1,5 tấn đến, như vậy tổng trọng lượng tác phẩm của riêng em đã nặng trên 3 tấn.
Hai em gái ở Đak Lat đã có chồng con nhưng cùng với các tác phẩm đá phong thuỷ vượt 600 cây số đến đây ở lại 5 ngày. Tôi hỏi thì biết hai chị em nối nghiệp mẹ, giữ nghiệp tài hoa của mẹ, tiếp tục duy trì hồn của đá trong gia đình mình. Thú thực đến giờ tôi không nhớ tên thậm chí không biết tên, nhưng ấn tượng để lại trong tôi rất sâu sắc vì tinh thần nghệ thuật của hai em.
Hai em trai nghệ nhân đá phong thuỷ của Khánh Hoà đã đưa tới những tác phẩm ốc hoá thạch hàng nghìn năm. Theo các em đây là tồn tích của thiên nhiên, chúng chỉ có ở bờ biển Khánh Hoà. Bởi đây là những tồn tích trong lòng biển Thái Bình Dương được sóng to gió lớn đánh dạt vào khu vực biển Khánh Hoà. Các em còn cho biết những tác phẩm thiên nhiên tuyệt vời này chỉ có ở các nước như Úc, Philippin, Nhật và các quần đảo của Mỹ trên Thái Bình Dương… Và theo các em, đây là sản phẩm được đặc biệt tìm kiếm của các người giàu chơi đá phong thuỷ ở Tây Âu, Trung Quốc và người Việt. Đã lớn tuổi nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy và chiêm nghiệm loại ốc hoá đá nghìn năm này. Chúng hoá đá nhưng giữ gần như nguyên trạng hình hài của con ốc dài độ hai ba tấc tây, màu trắng như ngọc, có thể gọi là ngọc hoá thân từ các con ốc.
Tiếp đến là trầm hương đến từ Trung Phước, Nông Sơn, Quảng Nam. Đây là gian trầm hương 100% từ gốc tự nhiên qua bàn tay nghệ nhân tạo hình tại Trung Phước. Theo hai em thì những sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên từ cây dó này là mặt hàng rất được ưa chuộng của thị trường Trung Quốc, nhiều người đã làm giàu lên từ những sản phẩm trầm thật này.
Ngoài các gian đá cảnh, đá phong thuỷ, trầm hương còn có gian hàng gỗ lũa mỹ thuật của em Bùi Thu, Tam An, Phú Ninh. Em là người chơi gỗ lũa mỹ thuật chung thuỷ và đạo đức, được nghệ nhân già của làng mộc Vân Hà, Tam Thành truyền nối bí quyết để đóng bàn gỗ tự xoay nổi tiếng. Ông già đã qua đời, cho tới nay có lẽ em là người duy nhất có được bí quyết do nghệ nhân không cùng huyết thống được truyền nối lại. Bàn tự quay là loại bàn tròn, khi vài ba người đặt bàn tay trên mặt bàn truyền năng lượng sinh học vào bàn, bàn sẽ tự xoay, nhiều người thì bàn quay nhanh hơn, mạnh hơn. Bàn tay và con mắt nghệ thuật của Bùi Thu thật tinh tế, em đã truyền cảm hứng của mình vào những gốc cây gỗ lũa bằng những hình ảnh về đức Phật, về những câu chuyện dân gian, về những ý niệm thiêng liêng của con người qua các tác phẩm gỗ lũa chạm khắc.
Bây giờ xin điểm lại những gian đá cảnh từ bốn phương tụ hội về Quảng trường biển Tam Thanh. Cuộc trưng bày gồm có 15 gian đá cảnh nghệ thuật. Đây là đá tự nhiên lấy từ núi non sông suối, chúng hoàn toàn tự nhiên do thiên nhiên ban tặng. Theo thầy Tâm tôi biết được đá này phải lấy từ sông suối hay từ trong lòng đất nó mới tồn tại trong đá cân bằng khí thiêng âm dương trời đất, tuyệt đối không chơi đá lộ thiên trên núi khô chứa nhiều ác khí. Theo ý niệm phong thuỷ là như vậy đó.
Đá cảnh được trưng bày tại Ngày hội Văn hoá – Thể thao biển Tam Kỳ thật phong phú, có tới hàng nghìn viên. Đá miền Trung chủ yếu lấy từ sông suối, núi non Trường Sơn. Nhưng đá mỗi nơi có chất lượng, độ tuổi và nét riêng của mình. Đá đã bao nhiêu tuổi? Như tôi không hề biết phương thức khoa học để xác định nhưng cũng có thể võ đoán rằng: “Đá đã có cả triệu năm cùng với sự hình thành của dãy Trường Sơn hùng vĩ kia”.
Đối với tôi thì chỉ có thể nói nhiều về đá của Quảng Nam, Quảng Ngãi, nơi mà tôi khá rành núi non sông suối qua những năm kháng chiến. Đá Quảng Nam, Quảng Ngãi có lẽ phần lớn tương đồng nhau về độ cứng và sắc thái. Bởi chúng được sưu tầm tận ngọn nguồn xuất phát từ Ngọc Linh hoặc từ các dãy núi liên kết với Ngọc Linh.
Đá Quảng Ngãi lấy từ sông: Thò Lò, Sông Re, sông Trà Khúc, sông Trường An – Ba tơ, sông Giang, suối Bùn, nước Riềng, nước Tong, Nước Tang… Các ngọn nguồn ấy chảy trên đất Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng.
Đá Quảng Nam lấy từ sông xuất phát ở các dãy núi phía đông, đông bắc và bắc ngọn Ngọc Linh chảy trong lòng rừng núi Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông – Tây Giang. Đó là các sông: Sông Tranh, nước Là, Nước Xa, nước Vin, nước Oa, sông Trường – Trà My, nước Ta, nước Leng, Xiêm Rang. Ở phía Trung và Bắc rừng núi Quảng Nam, các nghệ nhân lặn lội đến các sông Trường Phước Sơn – Hiệp Đức, Đak Mi, sông Thanh, Đak Re, Đak Rin, A Vương, sông Côn. Một nơi gần nhất vẫn có đá tuyệt đẹp. Đó là đá ở các dòng suối nằm rìa bắc Hòn Tàu. Anh em nghệ nhận Duy Xuyên lấy đá ở đó gọi là đá Duy Trung. Nói chung tất cả các nghệ nhân Quảng Nam sưu tầm đá đều từ các ngọn nguồn đổ vê hệ thống Vu Gia – Thu Bồn, phía Bắc Quảng Nam.
Nghệ nhân tìm được một viên đá hợp ý giữa núi non trùng điệp, tận ngọn nguồn Trường Sơn là một nhân duyên như: “Đá tìm được người, đá tìm được chủ nhân”. Bởi vậy nghệ nhân quan niệm đá giấu trong mình khí thiên, họ không dễ trao đá vào tay người khác một khi không hiểu về người, dẫu người đó trao lại cho họ nhiều tiền.
Tại cuộc triển lãm “Đá hát trùng khơi” có hàng ngàn viên đá với nhiều vân nét, nhiều hình tượng, nhiều màu sắc, nhiều chất đá, mỗi viên như ẩn giấu một thần thái. Và rất khó nhận xét viên đá nào đẹp hơn, quý hơn, thiêng hơn. Nhận ra được cái quý, nét thiêng của từng viên đá cũng là một nhân duyên.
Trong cuộc triển lãm với hàng ngàn viên đá, với con mắt của người không chơi đá như tôi cũng đã cảm nhận, đã thích như: Viên đá của một nghê nhân Duy Xuyên mang tên “Đất nước tôi”, trên mặt đá có vân hình bản đồ Việt Nam; Một viên thuộc gian đá của thầy Nhuận Tâm – Chùa lá Gò Vấp có vân in hình “Cha già dân tộc”; Bốn viên: “ Gương mặt triệu năm”, “Địu con lên nương”, “Tiên ông câu cá”, “Gửi sóng rẻo cao” thuộc về các nghệ nhân Phước Sơn, Nam Giang. Ngoài ra còn biết bao viên đá với những hình thù, vân nét trừu tượng, nhìn lâu, nhìn sâu ta mới cảm nhận được nét đẹp huyền ảo, mông lung của trời đất. Đá cảnh là tác phẩm nghệ thuật độc đáo duy nhất trời ban. Trong cuộc triển lãm đá này, các nghệ nhân miền Trung nói chuyện với nhau tôi nghe được: “Họ biết, họ thuộc tên từng viên đá xuất sắc trong khu vực và cả nước, biết những viên đá đó hiện nay ai là người sở hữu”.
Nghệ nhân chơi đá công phu và tâm đắc như vậy đó. Tôi nghĩ nghệ nhân chơi đá vừa có tâm hồn nghệ sĩ, có sức khoẻ dẻo dai bền bỉ vừa có khí phách yên hùng. Như thế họ mới cô đơn lặn lội đến tận ngọn nguồn, nơi rừng sâu núi thẳm để nhặt từng viên đá hiếm hoi kia. Người chơi đá rất thoáng trong sự chặt chẽ nghệ thuật, trong sự tâm linh với hồn sông dáng núi. Đá cảnh, đá phong thuỷ, trầm hương, gỗ lũa là môn nghệ thuật đặc biệt! Người chơi cũng là những con người đặc biệt.
Qua cuộc triển lãm “ Đá hát trùng khơi” tại bờ biển Tam Thanh, tôi đã cảm nhận nhiều điều mới lạ từ đá, từ con người. Cám ơn đá và những nghệ nhân đã cho tôi cảm hứng trong những câu thơ;
Ngày xưa bên biển Tam Thanh
Con nghe cát nói chân thành mẹ ơi
P.T
Một số hình ảnh trong trong chương trình triển lãm: