Đà Lạt kia rồi trong mù sương… Bút ký của Châu La Việt

728

Châu La Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nửa thế kỷ được quân đội đào luyện từ một người lính yêu văn học trở thành một nhà văn viết về người lính, nửa thế kỷ dù cuộc sống thế nào, văn chương đàn hát với tôi bao giờ cũng là thiên đường. Thật sự tôi đã chẳng thiết gì khác ngoài nó. Kể cả khi khổ đau cùng cực hay ăn đói mặc rách vì nó cũng chẳng sá gì. Và 50 năm ấy, tôi đã trưởng thành, đã có những tác phẩm… 

Các nhà văn tại Trại sáng tác Đà Lạt

 

Năm 1971, mặt trận Lào đang chiến dịch “cù kiệt” (trả hận), bom đạn tóa lửa trên trời dưới đất, bỗng một sáng anh Trung Nhân đi giao ban cơ quan Chính trị về, bảo rằng: “Hoài ơi, em chuẩn bị ra Hà Nội tham gia trại viết của Tổng cục nhé”… Thế là chiều tối ấy, khoác ba lô chào anh em ra barie đón xe từ Phunokcok về Đèo Đất, bom đạn vẫn cứ ầm ầm xung quanh, rồi đêm sau đón xe từ Đèo Đất về Mường Xén, vẫn cứ máy bay bay theo xả hàng loạt đạn bom… Cho đến khi về tới Mường Xén thuộc bên này biên giới mới tạm yên ổn, rồi nhảy xe Binh trạm 11 từ Mường Xén về ga Si đón tàu về Hà Nội…

Phải nói từ mặt trận về trại viết khi ấy cứ như từ địa ngục khét lẹt đạn bom về thiên đường. Trại viết ở tại công trường 800 (nay là đường Hoàng Quốc Việt), cùng với đoàn chèo Tổng Cục, những chị Tuất chị Sửu chị Quỳnh Dung em Oanh em Hoàng đẹp mê man, hát múa ngúng nguẩy cứ như tiên nữ hết lượt (trong ánh mắt những thằng lính từ mặt trận mới về). Lại được ăn cơm tiểu táo, ngày ba bữa cứ đánh tì tì, lại chuyên tâm chỉ mỗi việc viết lách, có thầy giỏi là những văn nghệ sỹ nổi tiếng kèm tay, lại thêm có ông thầy Tào Mạt nhiệt tình đến mức nửa đêm còn dựng trò dạy hát chèo cho nghe, miệng hát tay khua cứ như lên đồng… Mới thầm nghĩ thiên đường là đây chứ còn là đâu nữa!

…Quả với tôi, văn chương đàn hát từ ngày ấy thực sự là thiên đường. Tôi chẳng thiết gì khác ngoài nó. Khổ đau cùng cực hay ăn đói mặc rách vì nó cũng chẳng sá gì!…

*

Sau trại viết ấy về, một thời gian sau, binh trạm lại cử tôi ra Hà Nội học một lớp điện ảnh. Ở đây tôi gặp một thằng tân binh người Tày cũng rất thích làm thơ là Hứa Vĩnh Sước. Thế là hai thằng chẳng học điện ảnh mấy (thực chất là chiếu  bóng), suốt ngày chỉ đàm đạo thơ ca, chở nhau đi khắp Hà Nội theo đuổi văn chương… Sau này Hứa vĩnh Sước kể lại: “Dạo ấy đang là mùa hè. Việt nhễ nhại đèo tôi bằng chiếc xe đạp Thống Nhất đi từ Thanh Trì lên nội thành Hà Nội. Việt dẫn tôi đến ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được bước chân vào ngôi nhà Văn nghệ Quân đội. Cảm xúc lâng lâng thật khó tả. Ngạc nhiên có. Sờ sợ có. Choáng ngợp có. Thinh thích có. Và người đầu tiên, Việt giới thiệu với tôi. Đây là nhà thơ Xuân Sách. Còn đây là nhà thơ Văn Thảo Nguyên. Họ là nhà thơ ư? Sao họ cũng ăn ở sạch sẽ, chỉnh chu, bình thường như mọi người. Thậm chí hai nhà thơ này chỉ nhúm cười thân mật. Họ ít nói về mình, càng không nói gì về thơ văn cả. Trời ơi! Tôi đã đọc họ rồi. Thậm chí còn thuộc khá nhiều bài của họ. Nhưng sao nhà thơ… Lẽ ra họ… không biết nói thế nào về những người này. Trong mắt tôi, họ là những người âm u bí hiểm. Đại loại như mấy ông thày mo thày tào trên quê tôi. Đại loại họ bẩn bẩn một chút. Hôi hôi một chút. Tóc dài, râu dài, móng tay quăn tít như hoa móng rồng. Họ nói như ma nói. Âm thanh giọng người phát ra như chuông rè, đầy màu sắc mộng mị…

Kỉ niệm ấy không bao giờ quên. Nó nhắc đi nhắc lại trong tôi. Nhà thơ là thế đó. Bình thường như mọi người. Dễ mắc sai lầm hơn mọi người. Ảo tưởng mơ mộng thì nhiều hơn mọi người. Khóc vì nỗi đau nhân thế nhiều hơn mọi người. Buồn vì tay mình luôn ngắn hơn ống tay áo. Làm thơ có gì sướng, thi nhau lăn lưng vào là sao nhỉ?…

Châu La Việt là người đưa tôi đến ngôi nhà văn chương một cách ngẫu nhiên thôi. Việt bảo tao đưa mày đi chơi cho biết Hà Nội. Dạo ấy tôi đâu đã thiết tha với cái nghiệp thi ca văn chương, chỉ muốn đi cho biết Hà Nội nó to như thế nào. Lúc đầu chỉ là thỏa mãn trí tò mò. Tò mò mãi đâm ra thành quen. Ngày đầu mới chỉ làm quen văn chương thôi. Sau này và kể cả bây giờ, tôi “chết” như rệp. “Chết” là bởi cái đẹp của sự sáng tạo nghệ thuật ngôn từ…”

*

Năm 2017, tôi lại về Nha Trang dự một trại viết về người lính, cũng của NXB Quân đội tổ chức. Trước khi tham gia trại, tôi có hai tập sách là tiểu thuyết “Triền dâu xanh ngát” và tập truyện ngắn ”Binh trạm phía tây” in ở NXB, có lẽ bởi thấy tôi tâm huyết với đề tài người lính nên anh em đã mời tôi tham gia trại (cùng các nhà văn, nhà thơ Mai Nam Thắng, Chi Phan, Trầm Hương, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Minh Ngọc, Lê Huy Quang, Trần Bích Nga, Nguyễn xuân Hùng, Đỗ Ngọc Yên…). Chính ở Nha trang, tôi vô cùng xúc động gặp lại dấu chân người sư đoàn trưởng đầu tiên của tôi: Thiếu tướng Hà Vi Tùng, sư trưởng sư đoàn 320 b. Thế là lẳng lặng thuê một chiếc taxi, rồi xe ôm, đường loằng ngoằng lắm, tìm đến nhà lưu niệm của thủ trưởng ở xã Vĩnh Phương để dâng hương lên thủ trưởng. Tôi nhớ lúc thắp hương xong, tôi cứ đứng lẩm nhẩm vừa như báo cáo, lại vừa như tâm sự với Sư đoàn trưởng, lại cả đọc thơ cho sư trưởng nghe nữa…

Và ngay đêm ấy, trong một niềm xúc động dâng trào, tôi đã viết ký sự: ”Sư đoàn trưởng của tôi”, bổ sung ngay để hoàn chỉnh cho tập sách “Một người lính Nam tiến” về Tướng Hà Vi Tùng. Và một tiểu thuyết cũng được hoàn thành trong trại viết, được NXB giao cho một nữ biên tập xinh lắm là Nguyễn Minh Thủy biên tập, và hai tháng sau, cả hai tập sách này đều ra mắt bạn đọc.

Và đến Trại viết về người lính 2019 ở Vũng Tàu…

Tôi ngồi lặng lẽ trong một căn phòng của Trại viết, nhìn ra biển rộng. Văng vẳng bên tai tôi, hòa trong tiếng sóng biển, luôn là  lời Nhà văn Đỗ Chu yêu thương dặn riêng cho nghiệp cầm bút của tôi: ”Việt ơi, hãy viết như mẹ em từng đã hát. Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm. Say mê tột cùng và thương nhớ cũng tột cùng…”.

Và rồi trong sóng biển Vũng Tàu, tôi đã viết trường ca “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ”. Viết theo thể thơ 7 chữ cổ kính, đúng như thể thơ nhà thơ Tố Hữu đã viết trường ca “Theo chân Bác”.

Tôi thầm nghĩ một điều: Phía trước là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tố Hữu – Một nhà thơ lớn, người đã có những vần thơ tuyệt vời về Đất nước, Nhân dân, về những người chiến sỹ, và đặc biệt là về Bác Hồ. Có lẽ nào không có những vần thơ, những trường ca hay đẹp viết về ông? Có lẽ nào tôi không có một bông hồng vàng để kính dâng ông, một nhà thơ lớn, một nhà thơ đã ru hồn thế hệ chúng tôi từ tuổi ấu thơ, đã sát cánh chúng tôi trên con đường ra trận mà thơ ông như tiếng kèn thôi thúc…

…Sóng Vũng tàu cứ mải mê vỗ suốt đêm, và từng vần thơ của tôi cũng vang lên trong tiếng sóng biển ấy. Tôi khao khát có một bông hồng vàng kính dâng ông – Nhà thơ Tố Hữu…

Trường ca Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ của Châu La Việt

Và giờ đây, Đà Lạt đã kia rồi, trong mù sương và trong tiếng hát: ”Có những chiều thành phố mưa bay/ Công viên buồn tượng đá cũng buồn”. Một trại viết của những người lính và về đề tài người lính cũng sẽ mở ở đây, và người cựu chiến binh là tôi lại ba lô lên đường, cùng những cựu chiến binh là những nhà văn tên tuổi của TPHCM: Hà Đình Cẩn, Nguyễn Ngọc Mộc (Các anh Trần Văn Tuấn, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trường… bận chuẩn bị cho đại hội hội nhà văn TP HCM và TW nên không tham gia trại).

Nhớ buổi khai mạc trại viết, có nhiều tướng lĩnh và những nhà văn trẻ già đam mê viết về người lính và chiến tranh, dù người được đại diện các nhà văn trại viên phát biểu ý kiến là anh Hà Đình Cẩn, nhưng tôi đã xin phép tiếp lời anh, tâm sự đôi điều. Tôi nhắc lại kỷ niệm lần đầu tiên từ một người pháo thủ vô danh chiến đấu ở Cánh Đồng Chum được gọi về một trại viết cũng của NXB Quân đội và Tổng cục hậu cần tổ chức tại Hà Nội năm 1970. Nghĩa là đến trại viết này là tròn 50 năm, nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ được quân đội đào luyện từ một người lính yêu văn học trở thành một nhà văn viết về người lính, nửa thế kỷ dù cuộc sống thế nào, văn chương đàn hát với tôi bao giờ cũng là thiên đường. Thật sự tôi đã chẳng thiết gì khác ngoài nó. Kể cả khi khổ đau cùng cực hay ăn đói mặc rách vì nó cũng chẳng sá gì. Và 50 năm ấy tôi đã trưởng thành, đã có những tác phẩm. Xin cảm ơn văn chương người lính, xin cảm ơn NXB quân đội, 50 năm qua  từ trong khói lửa đã đào luyện những người lính chúng tôi trở thành những nhà văn cao quý, và nay vẫn tiếp tục hỗ trợ chúng tôi có những tác phẩm tâm huyết và mơ ước của mình…

Có hai tập sách sẽ cùng đến Đà Lạt với tôi, là trường ca ”Dòng sông thơm hương cỏ xương Bồ” NXB Quân đội mới in xong còn thơm mùi mực mới và đã trân trọng dâng lên nhà thơ lớn Tố Hữu. Và tập ký sự nghệ thuật: “Tạm biệt chim én xưa” NXB Phụ Nữ đang in viết về những năm tháng chiến tranh và những người lính trẻ. Vậy thì còn gì để viết ở trại viết này nhỉ? Thật lòng tôi muốn viết về mẹ tôi, một nghệ sỹ – chiến sỹ đã đi qua hai cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, và vĩ đại hơn là trái tim người mẹ  trong trái tim nghệ sỹ của bà…

Nơi Đà Lạt mù sương, tôi sẽ bắt đầu tiểu thuyết mới này, dày dặn, thiêng liêng, cung kính. Đối với tôi, hạnh phúc nhất bao giờ cũng là được viết về Mẹ, về Tổ  quốc, về những người lính và những người nghệ sỹ.

C.L.V