“Đá Ông Chồng, Bà Chồng” – Một biểu tượng phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương

2852

Mai Ngọc Phát

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hình ảnh chủ đạo trong bài thơ “Đá Ông Chồng, Bà Chồng” giàu liên tưởng và gợi mở, khiêu khích và cuốn hút tựa như xem một bức tranh 3D, gây ảo giác và đánh lạc hướng thị giác bằng các đường nét và hình khối chuyển động.

“Âm – dương” của Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn

Tính dục vốn có nội hàm rộng, phản ánh quan hệ tính giao, góp phần quan trọng tạo nên những yếu tố hữu hình và mật mã của mỗi cá nhân. Tính dục chính là năng lực giới tính, tâm lý, thể chất và sinh dục của con người.

Trong văn học trung đại nước ta, hầu như rất ít tác phẩm viết về tính dục có dấu ấn sâu đậm. Trong tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du có duy nhất câu thơ tụng ca thân thể người đẹp đang tắm:

“Rõ màu trong ngọc trắng ngà
Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên”

Hay trong “Cung oán ngâm khúc”, một tác phẩm kiệt xuất của nhà thơ Nguyễn Gia Thiều cũng có câu thơ hàm chứa tính dục, nhưng ẩn dụ xa xôi:

“Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng”

Nói chung, tính dục trong các tác phẩm văn học trung đại còn mờ nhạt, thường bị đánh đồng với khái niệm “dâm và tục”, sự cấm kỵ. Nhà thơ Hồ Xuân Hương, gương mặt tiêu biểu của văn học trung đại đã vượt qua ranh giới này. Bà đã đưa tính dục vào trong các bài thơ chữ Nôm, tạo sự đa nghĩa, táo bạo, có sức lôi cuốn lạ kỳ.

Thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương có đa dạng phương thức biểu đạt. Một số bài mang ý thức phản kháng trực diện, đấu tranh cho sự bình quyền của phụ nữ, đồng thời thể hiện mãnh liệt khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tự do. Bên cạnh đó, bà cũng có những bài thơ khắc họa trực tiếp hoặc mang tính ẩn dụ vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên nhằm tôn vinh tình yêu và cả dục vọng thân xác. Bà thường sử dụng thủ pháp phúng dụ rất tài tình, ví các bộ phận tính dục nữ với cảnh vật thiên nhiên, “gò Bồng Đảo”, “lạch Đào Nguyên (Vịnh nằm ngủ); “Của em bưng bít vẫn bùi ngùi” (Trống thủng); “Triền đá cỏ leo sờ rậm rạp/ Lạch khe nước rỉ mó lam nham” (Chùa Sài Sơn). Hoặc bà ví mình như “quả mít trên cây” (Quả mít), tựa cái quạt “Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” (Cái quạt)…

Trong số những bài mang ẩn dụ tính dục của Hồ Xuân Hương, theo tôi bài thơ “Đá Ông Chồng, Bà Chồng” mang lại ấn tượng thanh cao, hấp dẫn hơn cả. Nó tạo được vẻ đẹp hoàn mỹ trong ngôn ngữ biểu đạt, đem đến cho bạn đọc một biểu tượng ái tình lớn nhất trong số những bài thơ chữ Nôm của bà. Hình ảnh chủ đạo trong bài thơ này giàu liên tưởng và gợi mở, khiêu khích và cuốn hút tựa như xem một bức tranh 3D, gây ảo giác và đánh lạc hướng thị giác bằng các đường nét và hình khối chuyển động. Nguyên văn bài thơ như sau:

Đá Ông Chồng, Bà Chồng

Khéo khéo bày trò tạo hóa công,

Ông Chồng đã vậy lại Bà Chồng.

Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc,

Thớt dưới sương pha đượm má hồng.

Gan nghĩa dãi ra cùng chị Nguyệt,

Khối tình cọ mãi với non sông.

Đá kia còn biết xuân già giặn,

Chả trách người ta lúc trẻ trung.

(Theo bản khắc 1922)

Theo tác giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến[1] trong “Giai nhân di mặc – Sự tích và thơ từ Xuân Hương[2]”, thì Hồ Xuân Hương đã viết bài thơ này trên đường đi Tuyên Quang.

Ngược về nguồn văn hóa dân tộc cho thấy, Hồ Xuân Hương ảnh hưởng sâu đậm tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hóa của người Việt cổ, nhất là văn hóa Nõ Nường. “Nõ” là biểu tượng sinh thực khí nam; và “Nường” là biểu tượng sinh thực khí nữ. Ở trung du Bắc bộ từ xa xưa đã có lễ hội Nõ Nường, được tổ chức tại xóm Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Lễ hội này còn được gọi Trò Trám vì diễn ra tại xóm Trám, có một số tên gọi khác như Lễ hội Vòng đời, Lễ mật tắt đèn, Lễ cầu “đinh” (cầu con trai), Lễ hội Linh tinh tình phộc… Tâm điểm của Lễ hội Trò Trám diễn ra đúng 0 giờ, gọi là phút “thiêng” đêm 11 rạng ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Sau khi bậc cao niên làm lễ tế thần, đèn nến trong và ngoài miếu được tắt, cụ chủ tế hô “Linh tinh tình phộc”, hai nhân vật chính xuất hiện. Nam cởi trần, đóng khố cầm Nõ, nữ mặc váy, đeo yếm đào cầm Nường. Nếu Nõ đâm trúng Nường ba lần được cho là tín hiệu trong năm ấy mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần là được mùa; một lần là thất bát… Sáng ngày 12 là Lễ Rước lúa thần cầu cho thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Một số nơi có những câu hát trong đám rước rất vui và thú vị. Khi thanh nam hát: “Cái nạo thế sừ, là cái sự thế nào?”, thì thanh nữ đối lại: “Cái nạy thế sừ, là cái sự thế này”. Có nơi lễ hội Nõ Nường còn gọi là lễ Đụ Đị. “Đụ” vừa có nghĩa hành động, vừa là hình cái Nõ, còn “Đị” là hình ba góc biểu tượng cho Nường. Đây là dòng lễ hội “hèm tục”, những nghi lễ diễn ra trong đó đều được coi là cái “thiêng” và phải nhìn nó qua lăng kính tâm linh. Qua tìm hiểu văn hóa Nõ Nường, tôi tâm đắc với nhận định của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, thơ Hồ Xuân Hương là sự “hoài niệm phồn thực”[3].

Nhiều bài thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương thể hiện sâu đậm văn hóa phồn thực. Những cặp phạm trù Nõ Nường, biểu tượng của âm – dương, đực – cái, trai – gái… thể hiện rõ nét trong thơ bà:

“Cửa son tía ngắt lơ thơ móc
Đường đá xanh rì lún phún rêu”
(Đèo Ba Dội)

“Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lách giữa dòng”
(Giếng nước)

Trong bài thơ “Đá Ông Chồng, Bà Chồng”, các cặp phạm trù âm – dương được Hồ Xuân Hương đặt bày mang tính thống nhất và khác biệt, đối lập và tương đồng, tạo nên một khoảng không vũ trụ hài hòa, biến ảo: Ông Chồng – Bà Chồng, tầng trên – thớt dưới, chị Nguyệt – non sông, đá kia – người ta lúc trẻ. Những cặp phạm trù này chủ yếu đặc tả hoạt động giao hoan của trai gái, lúc gần, lúc xa, trực tiếp rồi gián tiếp.

Bài thơ tuy không dài, chỉ 8 câu thơ (thất ngôn bát cú), nhưng Hồ Xuân Hương đã diễn tả đầy đủ và sống động “trò chơi của tạo hóa” trong một không gian ước định, nơi có hai phiến đá chồng lên nhau. Bài thơ cho bạn đọc cảm nhận có hai tầng không gian và thời gian trong đó. Nhân vật “Ông Chồng” xếp trên “Bà Chồng” được đặt vào lớp không gian và thời gian bên trong, gọi là cõi tạm. Còn lớp thời gian bên ngoài là của vũ trụ vĩnh cửu, không gian vô tận:

“Đá kia còn biết xuân già giặn
Chả trách người ta lúc trẻ trung”

Câu chuyện hai hòn đá xếp lên nhau, có lẽ ai cũng biết nó luôn trong tư thế bất động, “trơ như đá, vững như đồng” (Nguyễn Du). Ấy vậy mà trong bài thơ này, Hồ Xuân Hương đã cho hai phiến đá không ngừng chuyển động, sinh sôi theo các chu kỳ. “Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc”. Thật kỳ lạ, câu chuyện đang kể về núi đá, nhưng phiến đặt trên bỗng chốc hóa thân thành con người, mang bóng dáng một hiền nhân quân tử. Ở đây có cụm từ “phơ đầu bạc”, nhưng người viết bài này không cảm nhận thấy dấu vết thời gian trên thân thể “nam nhân”, có lẽ bởi hình ảnh “tuyết điểm” đã nằm ngay trước đó. Hình ảnh “phơ đầu bạc” còn cho ta cảm nhận phía trên Ông Chồng đang có gió thổi, mây bay vần vũ. Vậy “thớt dưới” nằm trùng khít, liền kề tầng trên” chuyển động thế nào? Hình ảnh “đượm má hồng” ở đây cho thấy như “Bà Chồng” đang rạng rỡ tựa một lò than cháy rực. Chữ “sương pha” gợi lên hình ảnh những giọt mồ hôi lấm tấm trên thân thể Bà Chồng. Cả cụm từ “sương pha đượm má hồng” diễn tả trạng thái tột đỉnh hạnh phúc, mặn nồng và mãn nguyện trong ái ân.

Chuyển động của “tầng trên” cùng “thớt dưới” đã cho Ông Chồng và Bà Chồng càng thêm thăng hoa tỏa sáng.

“Gan nghĩa dãi ra cùng chị Nguyệt
Khối tình cọ mãi với non sông”

Sự thăng hoa tột đỉnh này truyền tới bạn đọc tựa những luồng âm dội, nó cũng cho thấy bút lực sung mãn, cuốn hút và độc đáo của Hồ Xuân Hương. 

“Đá kia còn biết xuân già giặn
Chả trách người ta lúc trẻ trung”

Bài thơ “Đá Ông Chồng, Bà Chồng” chứng tỏ ngoài thành công trong tạo hình, mang lại ấn tượng độc đáo tràn đầy cảm xúc, Hồ Xuân Hương đã thể hiện tài nghệ sử dụng ngôn ngữ dân gian thông tục hàng ngày. Những từ như “đã vậy”, “dãi ra”, “chả trách”, nhất là “cọ mãi” vốn là ngôn ngữ dùng trong giao tiếp, chợ búa, trao đổi… mà ít được sử dụng ở chốn thâm nghiêm, cung đình. Nhưng tác giả đã đặt chúng đúng vị trí cần thiết để Việt hóa triệt để một thể thơ “ngoại nhập”, biến những hình ảnh trong bài thơ thành những biểu tượng cao đẹp và độc đáo với cách diễn đạt gần gũi với ca dao, phương ngữ xứ Bắc.

Ẩn dụ tính dục là một phong cách đặc sắc riêng biệt của Hồ Xuân Hương. Bà đã sử dụng thủ pháp ấy rất tài tình trong nhiều tâm trạng với đa dạng tình huống. Mục đích tối thượng của tác giả trong bài thơ “Đá Ông Chồng, Bà Chồng” là tôn vinh tình yêu, ca ngợi hạnh phúc và tự do của con người thông qua vẻ đẹp vĩnh cửu và vô tận của thiên nhiên, vũ trụ.

 M.N.P

 

[1] Nguyễn Hữu Tiến (1875 – 1941), hiệu Đông Châu, là nhà nghiên cứu văn học, lịch sử, địa lý và văn hóa. Ông quê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội); cộng tác viên thường xuyên của tạp chí Nam Phong

[2] Sách ấn hành tại Hà Nội năm 1916

[3] Hồ Xuân Hương – Hoài niệm phồn thực. Đỗ Lai Thúy. Nxb Văn hóa Thông tin, 1999