Đặc sản Sài Gòn | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

549

15.5.2018-09:45

Thật khó để trả lời cho trọn vẹn nếu có ai đó hỏi về đặc sản ở thành phố này, khi ở đây người ta tìm thấy hương vị ẩm thực cả ba miền đất nước. Bên cạnh đó, còn là sự hội tụ của ẩm thực Âu – Á, những món ăn du nhập từ nước ngoài. Vậy đặc sản của Sài Gòn là gì?

 

1. Bánh mì từ lâu đã rất quen thuộc với mọi người, qua mỗi vùng miền, món ăn này lại được biến tấu khác đi một chút. Hà Nội có bánh mì pate, miền Trung có bánh mì chả bò, Đà Lạt có bánh mì xíu mại nóng hổi… Bánh mì Sài Gòn từ lâu nổi tiếng với hương vị thơm ngon, vỏ ngoài mỏng, giòn thơm bơ, bên trong đặc ruột và ngay cả khi chỉ ăn ổ bánh mì không, người ta cũng cảm nhận được hương vị của ổ bánh mì mới ra lò.

 

Bất cứ buổi nào trong ngày, khi đói bụng người ta đều dễ dàng tìm cho mình một ổ bánh mì để thưởng thức. Xe đẩy bánh mì, tiệm bánh mì, hay những cửa hàng bánh mì… hầu như có mặt khắp nơi trong thành phố. Nhất là những buổi sáng, ổ bánh mì, ly cà phê đá là món lót dạ phổ biến bắt đầu ngày mới. Ổ bánh mì nóng hổi, với đủ hương vị, béo thơm của bơ, pate, thịt nguội, jambon, vài lát dưa leo, đồ chua, mấy cọng hành ngò và chút cay nồng của ớt. Ly cà phê đá hay cà phê sữa đá thơm phức, đủ để đánh thức những ai còn say ngủ bắt đầu công việc một ngày mới.

 

Có những tiệm bánh mì mà khách muốn mua phải xếp hàng khá lâu, cũng có những tiệm mà tuổi đời tính ra còn hơn một đời người. Và không thiếu những tiệm bánh mì từng được các tạp chí nước ngoài vinh danh, như tiệm bánh mì thịt nướng trên đường Nguyễn Trãi là một trong 12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới (theo một tạp chí của Mỹ).

 

Dù là món ăn bình dân, quen thuộc, có mặt khắp nơi trong thành phố, nhưng người bán vẫn không ngừng làm mới nó để hấp dẫn thực khách. Như bánh mì thịt phải có nước sốt, bánh mì bì thì ăn cùng nước mắm, bánh mì thịt nướng với vài cọng rau răm mới đúng điệu. Hương vị lạ mà quen cứ níu chân khách. Tính sáng tạo được sinh ra từ sự cạnh tranh, có lẽ đó là “đặc sản” đặc biệt của thành phố này, nơi mà người ta luôn tìm thấy những nét mới, lạ và đầy hấp dẫn trong những món ăn quen thuộc hàng ngày.

 

Như xe bánh mì trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), cũng là bánh mì thịt gà xé, pate, rau, dưa, hành, ngò… nhưng ổ bánh mì được làm khác đi một chút, tròn mũm mĩm, theo kiểu bánh hamburger nước ngoài. Chính vì thế mà có cái tên bánh mì cóc (tròn như con cóc), thay vì gọi tên bánh mì theo nhân bên trong là bánh mì gà. Xe bánh mì nhỏ bên lề đường không ngớt khách ghé lại vào mỗi buổi sáng, cũng bởi vì mê cái mùi vị pate gia truyền cha truyền con nối. “Bánh mì ngon phải có pate. Pate ở đây là cô Bích tự làm thơm ngon chứ không như pate mua ngoài chợ”, anh Minh Hoàng (ngụ ở Tân Bình) kể chuyện trong lúc chờ mua bánh mì.

 

Mang một chút đặc sản miền Trung là món chả bò cùng bánh mì “cùi chỏ”, ổ bánh mì thon dài và hai đầu nhọn như cùi chỏ tay, đúng kiểu bánh mì miền Trung. Anh Tâm Nhứt, chủ tiệm bánh mì nhỏ trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), cho ra đời món bánh mì kẹp bánh bột lọc, chả bò ăn cùng tương ớt rim ngọt cay, đủ để làm dậy lên mùi thơm của chả bò, bánh mì cùng bột lọc nhân tôm rim.

Ông Bouvery Francois – Trưởng đại diện Suexport, văn phòng Cty cà phê của Pháp tại VN (bìa phải) cùng bạn, một doanh nhân – đến showroom K Coffee thưởng thức cà phê của Công ty Phúc Sinh

 

2. Ngoài bánh mì, xôi là món ăn dường như có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trong thành phố này. Xe đẩy xôi, gánh xôi, hay một tiệm xôi sang trọng… hễ đói, tìm một cái gì ăn cho nhanh, gọn thì người ta lại nghĩ đến xôi… Khách hàng sang trọng hay dân lao động đều có thể thưởng thức món ăn bình dân, dung dị nhưng vẫn đa dạng này. Xôi mặn thì có xôi xá xíu, gà, chả lụa, lạp xưởng; xôi ngọt có xôi gấc, nếp than, đậu phộng hay ca dé, khấu nhục được nấu theo kiểu ẩm thực người Hoa.

 

Vẫn là món xôi quen thuộc, nhưng xe bán xôi trên đường Nguyễn Hồng Đào (quận Tân Bình) giữ chân và thu hút khá đông thực khách ghé lại mỗi ngày bởi món xôi cuốn vừa lạ, vừa quen. Xôi nấu chín được cuộn lại thành những cuộn dài với lớp bánh tráng mỏng bên ngoài như áo khoác. Khách  tới mua thì cuộn xôi dài được cho vào nồi hấp lại một lần nữa cho nóng, cắt thành những khoanh tròn rồi rắc lên bề mặt nào là chả lụa, lạp xưởng, jambon, thịt gà xé… cùng chút tương ớt. Nguyên liệu y hệt như món xôi mặn, nhưng cách làm khác đi một chút đã thu hút không ít thực khách tò mò tìm đến thử, nhất là những “thượng đế” trẻ. Cũng vì số lượng xôi cuốn được tính kỹ lưỡng, đủ bán mỗi ngày, nên nhiều lúc không ít khách ghé lại rồi tiếc hùi hụi vì không kịp bữa xôi cuốn.

 

Rồi ở Phú Nhuận, có tiệm bán đồ ăn sáng là ly sữa đậu nóng hôi hổi với dăm cái bánh sừng trâu, bánh bông lan hay khoai mì, được để sẵn ra đĩa, khách ăn nhiêu thì tính bấy nhiêu. Rồi cháo sườn nữa, món ăn mà không chỉ trẻ nhỏ mà đến dân văn phòng cũng mê tít bởi tiện lợi, tấp vô lề mua hộp cháo sườn, treo tòn ten trên xe là có bữa sáng đủ chất. Nơi nấu từ gạo xay sẵn, nơi nấu đến độ hạt gạo còn hột hột, cho vô miệng là tan biến nhẹ nhàng, lẫn vài miếng sườn non mềm thơm, miếng tiêu nữa là đủ. Mà món cháo sườn đâu có ăn sáng không đâu, đến chiều xế, chiếc xe máy cà tàng ở đường Phạm Văn Hai, với cái nồi đựng cháo sườn bự tổ chảng của cô chủ đon đả, cũng làm mát lòng bao khách gần xa.

 

3. Tìm đặc sản ở thành phố phương Nam này không khó. Thiếu gì những thức ăn, thức uống “lạ mà quen” khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhưng có một thứ mà cái tên là cả thương hiệu, chẳng lẫn vào đâu được – “cà phê Sài Gòn”.

 

Cà phê bệt, một kiểu của cà phê cóc được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Đơn giản chỉ là ngồi bệt dưới đất (trong công viên) uống cà phê. Nhưng khi đến với thành phố này, nhiều người vẫn nhất định phải một lần thử uống cà phê bệt. Khách chỉ việc tìm một chỗ ngồi ưng ý, người bán (ở khu vực quanh đó) mang cà phê đến tận nơi. Nhiều người vẫn hay nói đùa, ở thành phố này đôi khi người ta mang dép lê, mặc quần lửng, ngồi cà phê cóc nhưng bàn chuyện xây cao ốc hay đầu tư tiền tỷ là chuyện bình thường. Bởi mọi đối tượng khách hàng từ bình dân đến sang trọng, dù lao động phổ thông hay trí thức, nếu thích vẫn có thể tìm cho mình một quán cóc bên đường, ngồi lại nhâm nhi ly cà phê, thong thả nhìn phố phường, rôm rả câu chuyện cùng bạn bè hoặc những người xung quanh mà không hề câu nệ người quen hay lạ.

 

Cà phê “Cheo leo” – cái tên quán dễ làm người ta liên tưởng đến một quán cà phê nằm cheo leo, vắt vẻo ở một vùng cao nguyên nào đó, nép mình trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, có tuổi đời hơn 80 năm.

 

80 năm qua, mùi cà phê vẫn ngào ngạt trong góc quán nhỏ này và vẫn giữ nguyên cách pha cà phê bằng vợt và cung cách cầu toàn trong việc pha một ly cà phê từ những ngày xưa cũ. Nước pha cà phê phải được ngâm trong thùng chứa 3 ngày, để bay hết mùi thuốc sát trùng thì mới bắt đầu pha. Lò nung của quán được làm từ cái thùng phuy lớn, có chèn thêm lớp gạch pha với đường cát vàng hạt lớn, giữa lò nung là than lửa làm cho nước sôi, nước sôi già thì đổ vào một cái siêu (loại siêu thường dùng để nấu thuốc Bắc). Trong siêu có sẵn tấm vải lược mà nhiều người vẫn gọi là cái vợt cà phê, cho cà phê bột vào đó và ủ, sau đó rót nước cà phê qua một cái siêu khác đặt bên rìa lò nung để giữ nóng, hoặc cho vào ly nếu đã có khách tới quán. Dân “ghiền” cà phê gọi cà phê pha kiểu này là “cà phê kho” và ngon nhất là mẻ kho đầu tiên đậm hương vị cà phê nhất.

 

Góc quán nhỏ, bàn ghế cũng giản dị, không gian chỉ tươm tất, sạch sẽ, ngoài cái bảng hiệu treo vắt vẻo ngay cửa quán thì bên trong không có bất cứ một hoa văn trang trí nào. Nhưng khách uống cà phê vẫn đông mỗi ngày, người ghé lại vì hương vị “cà phê Sài Gòn” quen thuộc đã mấy mươi năm rồi. Còn những người trẻ, ghé lại vì một chút tò mò, một chút trải nghiệm của một kiểu cà phê Sài Gòn rất xưa.

 

KIM LOAN/SGGP

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…