Chiều ngày 27/6 vừa qua, tại Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm về phim Đại thi hào Nguyễn Du. Chương trình có sự tham gia của đại diện ekip làm phim, đạo diễn Nguyễn Văn Đức, biên kịch Trần Đình Tuấn cùng chuyên gia văn học Trung đại Việt Nam – GS.TS Trần Nho Thìn; giảng viên Trần Hinh – người có nhiều năm nghiên cứu về lí thuyết điện ảnh.
Tiếp cận mới mẻ với phim tài liệu
Bộ phim tài liệu 180 phút gồm 3 phần: “Gia thế và tuổi thơ” tái hiện lại quãng thời gian tuổi thơ của Nguyễn Du ở thành Thăng Long cho tới khi trở về quê cha ở Tiên Điền; “Phong trần và thanh cao” về giai đoạn khi Nguyễn Du đã trưởng thành, ra làm quan, sáng tác; “Nghiệp văn và quan trường” nhấn mạnh giá trị của Truyện Kiều và những di sản Nguyễn Du để lại.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn, người viết kịch bản cho bộ phim là người đặc biệt yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều. Anh đã dành hơn hai mươi nghiên cứu nhiều tài liệu về đại thi hào và kiệt tác thơ ca của dân tộc. Trần Đình Tuấn khẳng định, tất cả các nội dung trong phim đều căn cứ vào các tài liệu xác tín.
GS.TS Trần Nho Thìn – chuyên gia đầu ngành về văn học Việt Nam trung đại, người có nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều cho rằng, bộ phim đã tái hiện lại một cách chân thực và cảm động về cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào, cũng như quá trình sáng tác Truyện Kiều.
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm.
Không giống như các phim tài liệu thông thường, chỉ sử dụng lời bình, phỏng vấn, hình ảnh tư liệu minh họa, nhưng với Đại thi hào Nguyễn Du đạo diễn đã tái dựng lại câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Du bằng thủ pháp điện ảnh với cốt truyện, nhân vật… nhằm tạo hiệu quả thẩm mĩ, sự hấp dẫn, khơi gợi cảm xúc của độc giả.
Theo chuyên gia Trần Hinh, có thể định danh Đại thi hào Nguyễn Du là “phim tài liệu dàn dựng”. Đây là cách làm rất thông minh của ekip làm phim trong bối cảnh tư liệu hình ảnh hạn chế, cùng với quãng thời gian cách nay hơn hai thế kỉ, “cảnh cũ người xưa” cũng không còn mấy dấu tích.
Cách làm “phim tài liệu truyện” (cách gọi của đạo diễn) này đã từng được thể hiện trong nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng trên thế giới, đạo diễn Nguyễn Văn Đức cũng đã trải nghiệm hình thức này từ khi học ở Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Nga, tuy nhiên, ở Việt Nam hình thức này còn khá mới mẻ.
Đạo diễn Nguyễn Văn Đức đã thể hiện tài năng của mình khi lồng ghép kể hai tuyến truyện song song: câu chuyện về cuộc đời đầy biến động của Nguyễn Du và cuộc đời dâu bể của nàng Kiều. Màn đối thoại giữa Hoạn Thư và Nguyễn Du, Thúy Kiều với Nguyễn Du cũng để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả bởi nhân vật không chỉ thể hiện qua lời kể của Nguyễn Du mà còn đối chất với người sáng tạo ra mình, để tự nói lên nỗi lòng mình.
Ngôn ngữ trong phim cũng được đầu tư chỉn chu, từ lời bình, lời dẫn, lời thoại của nhân vật hay những câu thơ, đồng dao, câu hát quan họ, chèo, ví dặm… có ảnh hưởng tới ngôn ngữ thơ ca của Nguyễn Du từ thuở ấu thơ, thời trai trẻ hay khi ở ẩn ở quê vợ Thái Bình. Có những đối thoại giữa nhân vật góp phần giúp độc giả hiểu thêm về ngôn ngữ Truyện Kiều. Chẳng hạn đoạn đối đáp giữa Nguyễn Du và mẹ về con ngài khi chín nhả tơ đã gây ấn tượng mạnh với Nguyễn Du về vẻ đẹp của người phụ nữ ra sao, để sau đó ông đã miêu tả về vẻ đẹp tròn đầy của Thúy Vân trong câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”.
Mua vui cũng được một vài trống canh…
Đại thi hào Nguyễn Du đã bám sát cứ liệu lịch sử qua tư liệu gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền, niên biểu cuộc đời Nguyễn Du, những người có quan hệ trực tiếp với Nguyễn Du như ông nội Nguyễn Quỳnh; cha Nguyễn Nghiễm, mẹ Trần Thị Tần, anh trai Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ; vợ Đoàn Thị Tộ, anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn… thể hiện những tác động của bối cảnh lịch sử tới cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du.
GS.TS Trần Nho Thìn chia sẻ, bộ phim rất thành công khi khắc họa hình tượng một Nguyễn Du “người cùng thì thơ hay”. Cuộc đời Nguyễn Du trải qua bao thăng trầm trong những biến thiên của lịch sử, trải qua những thay đổi về triều đại, từ vua Lê chúa Trịnh đến thời Tây Sơn và đầu nhà Nguyễn, và tâm sự của kẻ sĩ bất phùng thời trong cảnh loạn li, ba chìm bảy nổi đã được Nguyễn Du gửi gắm trong câu chuyện về cuộc đời nàng Kiều. Truyện Kiều thể hiện nhiều triết lí nhân sinh, sự cảm thông với những thân phận chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, đặc biệt là người phụ nữ… cũng bởi Nguyễn Du đã trải qua một cuộc đời nhiều dâu bể.
Không thể phủ nhận được nỗ lực của ekip làm phim khi quy tụ được dàn diễn viên đông đảo, hơn 50 diễn viên chính và hàng ngàn diễn viên quần chúng tham gia bộ phim. Các nhân vật chính đều có ngoại hình phù hợp với tính cách, diễn xuất tốt. Đạo diễn Nguyễn Văn Đức chia sẻ, ngoài ngoại hình sáng láng, các nhân vật đóng Nguyễn Du qua các giai đoạn khác nhau, từ nhỏ, thiếu niên tới giai đoạn trưởng thành cũng cần có nét ngoại hình tương đối giống nhau.
Một cảnh trong phim tài liệu lịch sử Đại thi hào Nguyễn Du.
Tuy nhiên, bộ phim cũng còn những hạn chế nhất định.
Là người xem bộ phim đến lần thứ 3, giảng viên Trần Hinh cũng không muốn chấp nhận mối tình Nguyễn Du – Hồ Xuân Hương mà bộ phim khắc họa, bởi theo ông, nó khá lạc lõng với tính cách của Nguyễn Du. GS.TS Trần Nho Thìn cũng khẳng định, hiện chưa có cứ liệu đáng tin cậy về việc này, nên ekip cũng cần cân nhắc khi đưa vào phim những tình tiết gây tranh cãi. Bộ phim có một số cảnh lấy nước mắt của độc giả, nhưng nhìn chung 180 phút “mono tone” cảnh buồn thương, khiến cho Đại thi hào Nguyễn Du khá nặng nề, đơn điệu. Về các nhân vật trong phim, nhân vật Từ Hải lại chưa thật đạt với hình dung về nhân vật của đa số khán giả về một trang anh hùng hảo hán “Râu hùm hàm én mày ngài/Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”. Đoạn kết, sau bao dâu bể, Kiều gặp lại gia đình, thì Vương Ông thốt lên: “Về lấy chồng đi con” khiến khán giả cười ồ, bởi câu thoại ấy lúc này trở nên lạc điệu. Có lẽ một phần vì thế mà tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII diễn ra tại Huế cuối năm 2021, Đại thi hào Nguyễn Du dù tham dự với nhiều kì vọng nhưng đã không được xướng tên trong các hạng mục giải thưởng.
Dù còn một số chi tiết khiến cho bộ phim chưa thực sự hoàn hảo, nhưng Đại thi hào Nguyễn Du vẫn là một thành công đáng ghi nhận của những người làm phim. Lời mở của đạo diễn Nguyễn Văn Đức trong buổi giao lưu, dẫn theo câu cuối trong Truyện Kiều “Mua vui cũng được một vài trống canh”, nhưng chắc hẳn giống như Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều, không chỉ để mua vui. Ít nhất Đại thi hào Nguyễn Du đã mở ra hướng đi mới trong cách làm phim tài liệu về những văn nhân thời trung đại có ảnh hưởng trong lịch sử dân tộc.
Ekip làm phim cũng kì vọng bộ phim sẽ được chiếu trong hệ thống trường học, giúp học sinh có thêm cảm hứng tìm hiểu về một danh nhân văn hóa, về kiệt tác văn chương của dân tộc. Chắc chắn, so với việc đọc những nguồn tư liệu đồ sộ rời rạc, thì việc xem một bộ phim như vậy, hẳn sẽ tiết kiệm được thời gian, và tạo nhiều hứng thú.
Xem Đại thi hào Nguyễn Du xong tôi chợt nghĩ, so với những tác phẩm điện ảnh đầy cuốn hút hiện nay, thì nếu trong một dự án phim khác, câu chuyện về Nguyễn Du được kể tinh hơn, chắt lọc hơn, trong thời gian tiêu chuẩn của một bộ phim điện ảnh (90 phút đến 120 phút), và thêm những tình tiết li kì, có tình tiết hài hước, thì hẳn bộ phim sẽ thực sự khiến độc giả muốn đón xem hơn so với một bộ phim tài liệu.
Theo Hà Anh/VNQĐ