Đàm Chu Văn và con đường đổi mới thi ca

1129

Bùi Công Thuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xao Thu là tập thơ thứ 9 của nhà thơ Đàm Chu Văn. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1998), đã đoạt nhiều giải thưởng văn học (1). Đọc Xao Thu, tôi ghi nhận nỗ lực đổi mới thơ ca của anh và những gì anh đạt được là rất đáng tôn trọng. Thơ Đàm Chu Văn đã vượt qua ảnh hưởng trường thơ truyền thống có từ thơ kháng chiến (1945-1975) để bước vào thời hôm nay.

Đề tài truyền thông và tư duy thơ hôm nay 

Tập Xao Thu có nhiều bài nối tiếp những đề tài, những chủ đề quen thuộc của thơ Đàm Chu Văn, đặc biệt là thơ về người lính kháng chiến và người lính Tình nguyện. Những bài thơ này đọng rất sâu những nghĩ suy, những tình cảm đã thành thiêng liêng của dân tộc. Xin đọc: Mùa xuân người đi giữ nước, Những ý nghĩ rời rạc trong ngày 30 tháng Tư, Ánh mắt mẹ ngày tiễn con nhập ngũ, Với người tập bắn trên sân thượng cơ quan, Nói gì với Hải, Những ánh nến ở nghĩa trang liệt sĩ, Lời hẹn áo dài, Thăm lại Điện Biên…

Đàm Chu Văn vẫn khắc họa hình ảnh người lính năm xưa sáng ngời lý tưởng, rực lửa chiến đấu, sâu nặng tình quê, chan chứa nghĩa tình và tấm lòng tri ân ngưỡng mộ của nhà thơ với những người đã hy sinh. Sự chân thành và cái nhìn rất tươi là nét mới của thơ Đàm Chu Văn khi viết về đề tài này. Điều ngạc nhiên là đã sau 40 năm, cảm xúc thơ vẫn vẹn nguyên như ngày ở rừng.

Nụ cười phía bên này, nước mắt phía bên kia, nhưng ai bảo phía thắng trận kia

không chan đầy nước mắt…

Sau hơn 40 năm, rất nhiều sự luận bàn, cả những lý sự mờ nhòa, điêu ngoa,

 tránh chéo…

Chỉ những người lính cũ bạc đầu nhớ thương đồng đội

Mẹ cũng chẳng còn để níu thắp niềm mong manh trông đợi

Mẹ đã về bên anh nơi thăm thẳm không cùng

Mưa lại chan một trận mát lành như chiều ngày năm ấy…”

(Những ý nghĩ rời rạc trong ngày Ba mươi tháng Tư)

“Trận mạc, bão giông mấy chục năm trời

mấy thế hệ nối nhau xung trận

mấy thế hệ vọng phu

mấy thế hệ góa chồng

mấy thế hệ mồ côi

bao lòng mẹ, lòng cha bầm đau quặn thắt

 Tuổi trẻ hôm nay thắp lên ánh sáng mình ngưỡng vọng

vầng sáng giao hòa

tâm hồn những người trẻ tuổi gặp nhau

(Những ánh nến ở nghĩa trang liệt sĩ)

Cả sự thủy chung cũng rất tinh khôi:

Bốn mươi năm em vẫn mang áo dài trắng tìm anh

biết lòng mình còn trong trắng

những người lính Tình nguyện năm xưa theo hương áo tìm về

(Lời hẹn áo dài)

Đây là hình ảnh người lính trẻ hôm nay:

Sớm mùa mưa

Khẩu đội mười hai ly bảy

Tập bắn trên sân thượng cơ quan

 

Lá ngụy trang mươn mướt xanh non

Quệt vào đôi má măng tơ các chàng lính trẻ

lách chách, xập xòa lũ chim sẻ

ngó nghiêng cặp mắt xoe tròn

hương sầu riêng, chôm chôm

quấn quýt đượm vai pháo thủ

những giọt sương ngái ngủ

ngập ngừng long lanh

 

Nòng pháo nghếch trời xanh

những cặp mắt hướng theo hiệu cờ, khẩu lệnh…

 (Với người tập bắn trên sân thượng cơ quan)

Những hình ảnh này khác rất xa người lính trong Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), và gần đây, người lính Trường Sơn của Lê Quang Trang:

“…có tiếng hô: B.52! B.52!

rồi tiếng nổ chồng lên tiếng nổ

đất đá tứ tung, ngổn ngang cây đổ

cả vùng trời mù mịt khói bom

dứt tiếng bom, rũ bụi đứng lên

dồn đội ngũ lại hành quân tiếp

màu máu đỏ loang trên mặt nước

bước chân không dừng lại giữa đường…

… gian khổ tột cùng

mà tràn ngập niềm vui…”

(Lê Quang Trang – Trên con đường ấy, Trường Sơn. 2018)

Truyền thống nhưng mới lạ, độc đáo 

Tập Xao Thu có rất nhiều mới lạ và độc đáo. Xin đọc:

Ngược ru

Ru anh câu chữ gập ghềnh

Sóng xô gộp đá, mưa hành mái tôn

Ruột bầu ép ngọt râu tôm

Mai nam xúi dại, chiều nồm quẩn ngang

Cao niên vực nghé ra ràng

Mạ xuân gieo lộn cấy quàng vào thu

 

Ru anh nửa vội nửa mùng

Biết ai kết chão bện thừng mà vin

Nồng xuân thắp đuốc ruổi tìm

Ngược giêng hai réo cuộn niềm chiếu chăn

 

Cái mới lạ dễ nhận thấy là thơ Đàm Chu Văn đã thoát ra khỏi trường thơ kháng chiến

và “ru ngược” những cảm thức đã quen thuộc về hát ru trong thơ tình (Ngậm ngùi-Huy Cận), trong ca khúc (Tôi ru em ngủ -Trịnh Công Sơn) và trong ca dao.

Hát ru luôn là những lời ngọt ngào, dịu êm và lắng đọng về tình yêu, về những nỗi niềm giấu kín và về những sẻ chia gan ruột. Huy Cận hát ru: “Sợi buồn con nhện giăng mau/ Em ơi! hãy ngủ… anh hầu quạt đây/ Lòng anh mở với quạt này/ Trăm con chim mộng về bay đầu giường…”. Trịnh Công Sơn hát ru: “Tôi ru em ngủ một sớm mùa xuân/ em hôn một nụ hồng/ Hỏi thăm về giọt nắng/ Tôi ru em ngủ/ Hạ cũng vừa sang/ em hôn lên tay mình/ để chua xót tình trần”…

“Ngược ru” là ru ngược lại với cảm thức, thi tứ trong hát ru quen thuộc của người Việt. Thay bằng những lời ngọt ngào dịu êm, Đàm Chu Văn ru bằng Sóng xô gộp đá, mưa hành mái tôn. Ca dao ru bằng hình ảnh mẹ đi cấy, đi bắt con rô con trê về cho em ăn (Cái ngủ mày ngủ cho lâu,/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về./Bắt được mười tám mười chín con trê,/ Cầm cổ lối về cho cái ngủ ăn), Đàm Chu Văn cũng ru bằng hình ảnh cấy cày nhưng là hình ảnh “Cao niên vực nghé ra ràng/ Mạ xuân gieo lộn cấy quàng vào thu”. Cao niên làm sao còn sức mà vực nghé ra ràng (con nghé đã lớn). Thơ tình ru bằng sợi tơ duyên (Cho hay là giống hữu tình/ Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong-Truyện Kiều). Đàm Chu Văn thay tơ duyên bằng “kết chão bện thừng” để cột buộc người tình lại (dây chão, dây thừng là những sợi dây lớn thường dùng để cột thuyền, nào ai lấy thừng, chão để cột tình duyên…). Thấp thoáng trong câu thơ là lối nói cường điệu của ca dao, nói những điều không thể xảy ra. Có cả sự vận dụng ngược ca dao. Ca dao diễn tả hạnh phúc vợ chồng: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầy khen ngon”. Đàm Chu Văn nhận ra sự giả tạo của tình duyên: “Ruột bầu ép ngọt râu tôm”.

Vậy “Ngược ru” là để nói điều gì? Là để chia sẻ những “gập ghềnh”,  những “ép” buộc giả tạo trong tình yêu lứa đôi. Tình yêu ấy như “sóng xô, mưa hành”, như gió “nồm, nam – mai, chiều nồm, xúi quẩn”; không còn biết vin nhờ vào đâu (Biết ai kết chão bện thừng mà vin). Có đốt đuốc đi tìm cũng không thấy đâu là hạnh phúc (Nồng xuân thắp đuốc ruổi tìm/ Ngược giêng hai réo cuộn niềm chiếu chăn). Phải chăng đây là thực trạng của tình yêu lứa đôi hôm nay? Dẫu thế nào, điều đáng chú ý là Đàm Chu Văn đã đem đến cho bạn đọc rất nhiều thú vị trong việc khám phá những tứ thơ tưởng như rất quen nhưng lại rất lạ trong bài thơ này.

Âm bản cũng là một bài thơ mới lạ của Đàm Chu Văn

Thiếu phụ trẻ đứng bên chồng, con – cười rạng rỡ

Sau lưng họ – dòng sông mịn màng mặt lụa

Trước mặt họ – phố thị ồn ào

 

Thao thao gió thổi

tóc nàng bay rười rượi mênh mang

những sợi tóc bay rối vào gương mặt

rối vào ánh nhìn

 

Chìm đáy sông sâu

sóng nổi…

 

Khoảng tối

ở đằng sau bóng nàng…

Gần như nhà thơ chỉ làm mỗi một việc là chụp ảnh một gia đình trẻ hạnh phúc: Người thiếu phụ trên đứng bên chồng, con cười rạng rỡ. Sau lưng họ là dòng sông mịn màng. Không gian thoáng đãng bình yên.

Rồi ống kính soi gần vào “gương mặt” người thiếu phụ trẻ. Cũng chưa thấy gì ngoài những sợi tóc rối bị gió thổi bay rối vào khuôn mặt nàng.

Chú ý gần hơn vào “ánh nhìn” của nàng. Hình ảnh dòng sông vụt lớn lên thành một hình tượng. Lúc đầu, “dòng sông mịn màng như mặt lụa” là bối cảnh cho một bức ảnh. Nhưng bây giờ “ánh nhìn” của nàng “chìm đáy sông sâu, dòng sông ấy đang nổi sóng. Dòng sông trở thành một ẩn dụ. Ca dao có câu: “Dò sông dò biển dễ dò/ Nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Tứ thơ “Chìm đáy sông sâu/ sóng nổi…” đứng tách biệt hẳn ra, chứa đựng một ẩn ý, một thông điệp. Người chồng không thể hiểu những sóng ngầm trong ánh nhìn của người vợ.

Thế có nghĩa là “nụ cười rạng rỡ “ hạnh phúc của nàng (bên chồng, con) chỉ là giả. “Khoảng tối/ ở sau bóng nàng” mới là thật. Nhưng “Khoảng tối/ ở sau bóng nàng” là gì?

Nhìn lại bức tranh, đôi vợ chồng trẻ đứng quay lưng về phía sông “Trước mặt họ – phố thị ồn ào”. Họ từ chối sự êm đềm hạnh phúc của dòng sông mịn màng mặt lụa, dòng sông của những truyền thống Việt mà hướng về đời sống phố thị ồn ào. “Khoảng tối/ ở sau bóng nàng”chính là những gì nàng che giấu do đời sống phố thị gây ra.  Bức ảnh do Đàm Chu Văn chụp được rất sắc nét. Mọi chi tiết phối cảnh, ánh sáng, chuyển động đều tập trung vào nhân vật chính. Ở mọi góc nhìn, bức ảnh đều hàm nghĩa.

Những gì tôi cố gắng giải mã từ bức ảnh chỉ là võ đoán. Dẫu thế nào, tác giả cũng đã nhắc người chồng trẻ một điều gì đó về người vợ đứng bên cạnh. Có lẽ anh ta không phát hiện. Chỉ nhà thơ, với góc máy chính diện mới chụp được ánh mắt nhìn đầy sóng ngầm và phát hiện ra bóng tối đằng sau cái bóng của nàng.

Thật là thú vị khi nhìn bức ảnh tuy rất thực nhưng lại không dễ nắm bắt. Bí mật của thơ hay chính là sự thách đố khả năng của người đọc.

Con đường đổi mới thi ca

Trong Xao Thu, Đàm Chu Văn sử dụng nhiều loại thơ: Lục bát, Tứ tuyệt, thơ 4 chữ, thơ Haiku và thơ tự do. Lác đác có bài thơ 8 chữ kiều thơ Lãng  mạn 1930-1945 (bài Xao Thu). Việc thoát ly hẳn kiểu thơ, 8 chữ của thơ Lãng Mạn (1930-1945), rời khỏi trường thơ kháng chiến chuyển hẳn sang thơ tự do với kiểu cấu tứ như một bức tranh (bài Âm bản) để đi sâu vào nhiều mặt bản chất đời sống hôm nay, từ đó khám phá tư tưởng, tôi nghĩ đó là một nỗ lực đổi mới thơ rất hiệu quả và đáng trân trọng của Đàm Chu Văn. Không khí tụng ca đã vắng bóng nhiều trong tập thơ này. Thay vào đó, mỗi bài thơ là những trăn trở nghĩ suy của nhà thơ về một góc cạnh nào đó của hiện thực. Thơ trữ tình của Đàm Chu Văn chuyển sang kiểu thơ tư tưởng. Không phải là vô tình khi Đàm Chu Văn có bài học thơ Chế Lan Viên.

Thơ hay không cần complet cà vạt

Mỗi câu thơ tự điểm trang mình

(Học nhà thơ lớn Chê Lan Viên, ngẫm về thơ)

Bài thơ nào của Đàm Chu Văn cũng là một dòng chảy của suy tư uyên nguyên. Điều này giúp cho thơ Đàm Chu Văn khác biệt với thơ suy tưởng thời chống Mỹ (thơ Chế Lan Viên). Tôi gọi dòng chảy trong tâm thức là nhà thơ là dòng “suy tư uyên nguyên” vì Đàm Chu Văn không bị chìm trong tư tưởng của các triết gia, hay của tôn giáo; không nặng lòng về kiếp phận hiện sinh, về sống, chết, giải thoát hay cứu độ. “Suy tư uyên nguyên” được chưng cất từ những trải nghiệm của bản thân trong những thăng trầm lớn lao của lịch sử, trong những cơn sóng xô, bão dập chìm nổi muôn trùng của dòng đời. Đàm Chu Văn va đập và ghi nhận hiện thực, nhiều khi tra hỏi, kiếm tìm một ý nghĩa nào đó. “Suy tư uyên nguyên” hiện ra qua hình ảnh và cấu trúc thơ một cách tự nhiên. Những nghĩ suy ấy rất nhẹ nhàng, tinh tế, vừa mang ý nghĩa khái quát vừa có sức lay động sâu xa tâm thức người đọc về lẽ sống thiện. Xin đọc

Đi

Đi suốt một ngày đường, đi suốt nhiều ngày đường không gặp được một người quen

càng đi càng vắng

ai cũng đi nhanh, căm cắm che mưa xiên nắng tạt phía mình

mưa không có mùa

nắng không có hẹn

đường xa ai xẻ cùng ta?

 Vỡ òa

gặp bụi cây mắc cỡ

cây còn biết xấu hổ

mong manh hoa tím thơ ngây

lá còn biết lấy tay che mặt

Mắc cỡ cho ai?

 Lầm lũi đường dài

hành trang mang theo là ánh nhìn của cây xấu hổ.

 Bài thơ là trăn trở nội tâm của nhân vật trữ tình (nhân vật Ta) thông qua sự nhận thức và tra vấn vấn về tha nhân “đường xa ai xẻ cùng ta?”, và mối quan hệ của tha nhân với Ta (“mắc cỡ cho ai?”). Tác giả kể lại câu chuyện trên đường dài của Ta. Ta không gặp ai là người quen, “càng đi càng vắng”. Con người trong xã hội hôm nay cô độc đến thế, vô cảm và vị kỷ đến thế. Ai cũng “che mưa xiên nắng tạt phía mình”. Hình tượng cây xấu hổ được nhân hóa để chuyển tải một thông điệp: sự tự hổ thẹn. Vâng con người hôm nay không còn biết tự hổ thẹn là gì. May mà Ta còn có được sự nhắc nhở của cây mắc cỡ: “Lầm lũi đường dài/ hành trang mang theo là ánh nhìn của cây xấu hổ.

Những bài thơ như bài Em, Đi, Âm bản, Thiếu phụ và những sợi đêm, Tìm nàng Tô Thị… đánh dấu một sự đổi mới rất triệt để của thơ Đàm Chu Văn. Anh không còn viết lọai thơ chỉ chú trọng đến nhạc đến vần, đến trau chuốt lời, đẹp tình, đẹp ý, loại thơ rất cũ và sáo rỗng. Thơ Đàm Chu Văn bây giờ là thơ tự do, kiểu thơ suy tư, khám phá cái “âm bản” của những hiện tượng trước mặt. Đàm Chu Văn soi vào hiện thực, để tìm kiếm một lòng tin. Nhưng tôi thích những tứ thơ độc sáng của anh, nó bộc lộ được cốt cách riêng của một nhà thơ có tâm huyết với đời.

Tô Thị chết rồi

nàng đã trầm mình dưới lòng sông Kỳ Cùng

đã bị bán sang Trung Quốc

nàng đang mở cửa hàng, động lắc

thời nay hóa đá làm chi!?

 Không!

Hình như đấy chỉ là tin thất thiệt

Tô Thị ở nhà, đang quét ngõ, ngóng chờ ta.

(Tìm nàng Tô Thị)

Lên chùa chạm một bầy dê

Thung thăng ngoạm lá bồ đề bứt chơi

 Lên chùa gặp sãi đôi mươi

Gặp sư mười bảy, nụ cười mười ba

 Gió đâu đưa chạnh nỗi buồn

Câu thơ theo ngọn nước nguồn về tươi

(Lên chùa)

Trót đa mang vướng lưới tình

Ta như hổ dữ ngồi rình vết thương

(Hai câu)

Trong nỗ lực đổi mới thơ, Đàm Chu Văn tiếp cận với dòng Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI (2), nhưng anh không hướng ngòi bút của mình theo thi pháp của dòng thơ này (đặc biệt là thi pháp Hậu hiện đại). Đàm Chu Văn chỉ dung nạp cách làm mới ngôn ngữ và tư duy thơ, đó là xu hướng làm mới thơ Việt Hôm nay. Nói “làm mới” là tạo ra một trường thơ với cách tiếp cận, với kiểu thi pháp và tư tưởng thẩm mỹ khác với thơ 1945-1975. Xin đọc:

Hôi hổi căng đầy non nõn

Suối xuân chan chứa ngây tình

Nhát chém bạo tàn đui mù mỹ cảm

Nàng ơi trọng tội ngần bao?

 

Dằng dặc nghìn năm

Sắc ngọt nơi ba ngấn kiêu thon còn vương sát khí

Nhan sắc oán thù chi?

 

cồn phong hoang lạnh

miên man rừng đêm

đom đóm lập lòe lạnh rêu ngai lực

 

ngược miền tà bạo

rỡ hoàn ngọc diện mỹ nhân

(Trước bức tượng mỹ nữ cụt đầu ở một phế tích)

Người đọc nhận ra ngay cách dùng từ của “Thơ trẻ”: “đui mù mỹ cảm, lạnh rêu ngai lực, ba ngấn kiêu thon còn vương sát khí, rỡ hoàn ngọc diện mỹ nhân”. Bài thơ có cách cấu tứ phá vỡ không gian, thời gian và dòng chảy tâm trạng của nhân vật trữ tình trong thơ truyền thống. Vì thế không thể đọc bài thơ này theo cách đọc truyền thống như kiểu đọc “phản ánh hiện thực”, phân tích nhân vật trữ tình

Đàm Chu Văn đã viết bài thơ với cảm thức hoài cổ, ẩn dấu những nghĩ suy về thực tại “đui mù mỹ cảm”. Trong thực tại này, thời của bóng tối hoang lạnh và sự tà bạo lên ngôi, Cái Đẹp, sức sống, xuân thì bị tàn sát bằng những “nhát chém oán thù”. Tâm hồn nhà thơ ngập tràn nỗi tiếc thương, khao khát “rỡ hoàn ngọc diện mỹ nhân” (làm rạng rỡ lại mặt ngọc của mỹ nhân-tức là làm sáng lại Cái Đẹp, mùa xuân, sức sống). Nếu hiểu như thế, bài thơ về bức tượng Mỹ nữ cụt đầu ở một nơi hoang phế của Đàm Chu Văn đã tạo ra trường cảm xúc-tư tưởng rất mới so với thơ của anh trước đây. Đó chính là nỗ lực đổi mới thơ của Đàm Chu Văn. Sự đổi mới này người đọc quen với thơ truyền thống có thể tiếp nhận được (khác với sự đoạn tuyệt truyền thống của “Thơ trẻ” đầu thế kỷ XXI)

Còn nhiều điều để viết về tập thơ này. Tôi xin dành cho bạn đọc yêu mến thơ Đàm Chu Văn. Tôi chia sẻ “ý thức sáng tạo “ này của nhà thơ:

Như người thợ khai quặng, mỗi ngày tiếp tục tiếp cận hơn vào bề sâu của cuộc sống. Mỗi ngày, qua hiểu biết tích tụ, tôi cũng nhìn thấy, hiểu ra nhiều điều hơn sau những lóng lánh, ầm ào. Tuy nhiên, một góc nào đó trong tâm hồn vẫn còn nguyên vẹn độ trong trẻo, tơ non trước thiên nhiên, con trẻ. Không còn sự trong trẻo này thì cũng chẳng còn thơ nữa. Đó là niềm tin trước cái Đẹp.”(3)

Tháng 10/ 2020

 

(1)– Giải Tư Cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 1995-1996

– Giải Ba cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội đề tài Biên phòng, 2003

– Giải C về thơ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí 5 năm (2009- 2014) Bộ Quốc phòng

– Giải Nhì Cuộc thi thơ báo Lao động Xã hội, 2010

– Giải C về thơ Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (đợt 1, năm 2018) của Ban Chỉ đạo Trung ương.

– Giải Ba Cuộc thi truyện ký báo Văn nghệ Đồng Nai, 1982

– Giải Nhì về thơ Cuộc thi văn học nghệ thuật tỉnh Sông Bé 1981-1982

– Giải Nhì (không có giải Nhất) về thơ Cuộc thi văn học nghệ thuật Đồng Nai chào mừng 300 năm Biên Hòa – Đồng Nai

– Giải Nhì (giải cao nhất) về thơ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức đợt 1, đợt 2, đợt 3

(2) Xem thêm: Bùi Công Thuấn-Nhìn lại Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI:

http://trannhuong.top/tin-tuc-54656/nhin-lai-%E2%80%9Ctho-tre%E2%80%9D-dau-the-ky-xxi.vhtm

(3) http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202001/dam-chu-van-voi-xao-thu-day-dan-them-gia-tai-tho-2984201/