Đám tang chim – Tản văn của Thai Sắc

466

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lần trước kể chuyện chó. Nay, kể chuyện chim. Cũng là để cho mau qua những ngày cách ly Covid – 19 đầy ám ảnh. Chuyện như vầy…


Tác giả Thai Sắc

Khoảng dăm bảy năm trước, khi mới về hưu, tôi nảy nòi nuôi chim lồng. Ra tiệm chim cá cảnh, tôi khuân về cỡ mươi lồng chim cu (ở đây là chim cu gáy, cu cườm (cu đất) hay gọi tắt là chim gáy trong số 23 loại chim cu khác nhau) và chào mào, treo đầy hiên nhà. Ngày ngày, tiếng hót của chim chào mào, tiếng gáy của chim cu vang lên, khiến một khoảng không gian vốn yên vắng, buồn trơ bỗng sinh động, tươi vui hẳn lên. Người ta bảo, âm thanh loài chim khiến khí quyển trong lành, thân thiện và bình an hơn. Không biết điều đó đúng cỡ nào, chỉ biết, từ ngày nhà tôi líu lo, khoan nhặt, du dương, trầm lắng… tiếng chim hót và gáy thì dường như sự ấm áp, tin yêu, đoàn tụ… trở nên đậm đà, thường trực, tinh khiết và trẻ trung hơn. Tiếng hót và tiếng gáy của chim, ít nhiều che lấp, lấn át nhiều tạp âm khác của cuộc sống, nhất là tiếng xe cộ ầm ĩ suốt đêm ngày băng qua con đường trước mặt nhà. Người trong nhà cũng có khi bực mình về một điều gì đó (khó ai tránh khỏi), giao tiếp bằng lời to hơn bình thường, bỗng tiếng chim cất lên, thế là đột ngột tắt ngấm giận dỗi, lập tức lặng im, thậm chí nở lại ngay nụ cười hiền hậu…

Kỳ diệu! Chẳng lẽ, chim đang hót, gáy tuyệt hay với những âm thanh siêu phàm của trời đất vậy mà con người lại to tiếng với nhau bằng những lời lẽ đục ngầu, đen ngòm của tham, sân, si nơi cõi trần?

Vả chăng, những nhà nuôi chim lồng, chim cảnh là những nhà thường xích mích bởi những chuyện lặt vặt, vớ vẩn không đâu hay là họ phòng trước những chuyện đó có thể xảy ra và đây là giải pháp tối ưu? Thực hư như thế nào chưa biết, chỉ biết một điều do tôi tự chiêm nghiệm, tự đốn ngộ là, tiếng chim hót, gáy là vô cùng thánh thiện và ma mị. Âm thanh thuộc về bầu trời hay thuộc về cõi huyền vi ấy, có mãnh lực thanh lọc, giải vây những ý nghĩ đen, xám trong con người, khiến họ nhìn thấy gì, nghe thấy gì cũng trở nên sáng sủa, thân thiện hơn. Đúng thế đấy!

Quả thật, khoảng ngày tháng ngắn ngủi đó, trong nhiều nỗi chờ đợi của kiếp người mà ai cũng có, tôi còn khấp khởi một nỗi đợi chờ nữa, đó là đợi chờ chim hót và gáy mỗi sớm mai hay mỗi hoàng hôn… Rất nhiều khi, tôi ngồi ngây trên chiếc võng, lắng âm thanh loài chim như đang nhập thiền, như bị thôi miên. Tiếng hót và gáy của chim chính là một thế giới âm nhạc siêu phàm. Mà âm nhạc là một phía tinh thần, một góc tâm linh đậm đặc không thể thiếu của đời người, kể từ khi lọt lòng trong tiếng ru, tiếng dỗ dành của mẹ.

Và cũng nhờ nuôi mấy lồng chim mà hàng ngày tôi có chút việc nho nhỏ để làm. Nghĩa là có hoạt động, cử động để cơ thể không bị chai, trơ, không bị lão hóa quá nhanh như một vài người bạn hưu trí khác. Nặng chút thì là thao tác đưa ra, đưa vào, treo lên, hạ xuống mấy lồng chim. Nhẹ hơn là việc cho chim ăn và vệ sinh lồng chim vài ngày một lần. Nói chung, nhờ có việc nuôi chim lồng mà một gã hưu trí (theo chiết tự chữ Hán là một người chỉ biết đứng hoặc ngồi dựa vào cây – 休 – “hưu” gồm: bộ “nhân” bên bộ “mộc”) bỗng trở nên lanh lẹ, hoạt bát hơn. Mấy cái lồng chim đã kéo y thoát khỏi những hàng phím thơ phú nhì nhằng bằng một thời lượng vận động chân tay đáng kể. Nuôi chim, người khỏe ra, thật vậy…

Mà không chỉ có lợi về thể lực. Nhờ nuôi mấy lồng chim, trí óc u tối được mở về một phía tri thức mà từ trước đến giờ, tôi hoàn toàn mù tịt. Đó là, tôi đã biết thế nào là tiếng hót tuyệt thanh của chim chào mào cũng như nhiều kiểu gáy, giọng gáy siêu đẳng của chim cu. Đúng là một thế giới tri thức về âm thanh loài chim: phong phú, ăm ắp, choáng ngợp. Ví như với chim chào mào, ngoài những lúc cất tiếng hót đơn tuyến, đơn độc thì khí quyển ma mị, cao trào bừng lên khi tiếng hót kích mái của con trống hòa điệu với tiếng hót kích trống của con mái. Đây là một không gian và thời gian giao tình, giao hòa, thăng hoa dường như không thể dứt. Nó là ẩn dụ vĩ đại của tình yêu trong vũ trụ thông qua những tiếng hót. Tiếng hót kích nhau giữa các con trống cũng không kém phần kịch tính, cao trào. Người nuôi chim thường tổ chức các cuộc thi chào mào hót là để chọn ra tiếng hót hay, độc đáo của chào mào trống, khi chúng khoe nhau âm thanh trời ban và xác lập vị trí, vị thế. Còn với chim cu và tiếng gáy của nó thì đúng là cả một kho tri thức, kiến thức đồ sộ, người có thâm niên trong nghề nuôi chim, may ra mới có thể nắm bắt. lĩnh hội tương đối đầy đủ.

Chỉ xin nêu các loại tiếng gáy và các chất giọng của chim cu, cũng đã thấy rõ điều này. Có 5 loại tiếng gáy của chim cu: trơn (cúc cù cu); chiếc (cúc cù cu… cu); đôi (cúc cù cu… cu cu); ba (cúc cù cu… cu cu cu); bốn (cúc cù cu… cu cu cu cu). Ngoài giọng gáy bình thường ra, chim cu còn có nhiều cách gáy khác nhau như gáy bo hay còn gọi là gáy gù (gù tiền, gù hậu, phóng, rước…); gáy thúc; gáy kèm (kèm mắt me, kèm đôi, kèm ba); kèm giây (thúc và gù liên tục)…

Chim cu gáy có 4 chất giọng chính và phái sinh nhiều giọng khác: thổ (thổ buồn, thổ rền, thổ sấm, thổ dế, thổ đồng, thổ kim); đồng (đồng rặt, đồng pha thổ, đồng pha kim); kim hay tiều (kim rặt, kim pha thổ, kim pha đồng, kim pha son); son hay chuông (không pha bất kỳ giọng nào)… Thế đấy, chỉ cần đi vào khám phá những điều này, cũng đã thấy cực kỳ thú vị! Âm nhạc từ thiên nhiên, từ vũ trụ huyền diệu chính là nguồn cội, là sự khởi phát của âm nhạc loài người… Không thể khác!

Lại nữa, ngồi ngắm, nghe chim hót và gáy vài lần thì bình thường, có khi còn vô cảm. Nhưng ngày nào cũng nghe, nghe liên tục và nghe nhiều thì lại trở thành một cái thú. Đó là thú vui gì, tôi chưa gọi được thành tên nhưng hoàn toàn có thật. Con người, nhiều khi cũng cần có một cái thú gì đó để thiết tha, lưu luyến và có trách nhiệm với cuộc sống hơn. Từ ngày bỏ thuốc lá và ít uống rượu, đối với tôi, nghe tiếng chim hót, gáy mỗi ngày như đã trở thành một thú vui mới.

Hay, lợi, hấp dẫn, thú vị… như vậy, sao bỗng nhiên tôi bỏ nuôi chim lồng?

Chuyện là thế này…

Lần ấy, tôi về quê ở Quảng Bình thăm Mẹ. Đó là khoảng thời gian Mẹ đã hơn 90 tuổi, yếu nhiều, suốt ngày dường như chỉ ngồi ở góc giường. Một lần, Mẹ nói với tôi, rất vu vơ mà nghe lạnh cả sống lưng: “Mạ chừ như con chim trong lồng con hi…”. Ngay lúc đó, hình ảnh các lồng chim treo ngoài hiên nhà trong Đồng Tháp vụt hiện lên, lung lay, chấp chới. Tôi bỗng nhiên thấy mình có lỗi nặng với Mẹ và… với những con chim. Những ngày ở bên Mẹ, lòng tôi luôn ám ảnh bởi hình ảnh những lồng chim. Tôi đã đi đến một quyết định… Sau khi trở về phương Nam, tôi nói với người nhà là sẽ không nuôi chim lồng nữa. Lần nữa đến ngày 23 tháng Chạp năm ấy, tôi đã sổ lồng phóng sinh, trước chính Ngọ, theo chân Táo quân, cho tất cả những con chim chào mào và chim cu đang nuôi.

Lũ chào mào dường như chỉ chờ có vậy, chúng phóng vút vào bầu trời. Lũ chim cu thì trái lại, chúng không bay đi ngay mà cứ bịn rịn, lưu luyến, rồi từng con một, từng con một vỗ đôi cánh bị cầm tù lâu nay, bay lên đậu trên cành những hàng cây gần nhà như một trạm trung chuyển, sau đó mới bay ra xa, ra xa hơn…

Lòng tôi sắt lại trong một cảm giác tê tái kỳ lạ, vừa như thoát được một gông cùm, vừa nuối tiếc, nhớ thương đến khôn tả.

Vậy rồi đám tang chim ập đến…

Thật kỳ lạ, trong số mấy con chim cu được phóng sinh, có một con quay lại ngay chiều hôm đó.

Tôi đang buồn hiu cúi đầu, đi bộ trên hè phố trước nhà, bỗng nghe trên vai có gì là lạ. Ngoảnh sang thì thấy một con chim cu đậu vào vai. Đó là con chim cu có giọng thổ đồng rất hay. Nó lấy mỏ khều khều vào cổ tôi. Tôi rơm rớm nước mắt. Con chim cứ bám riết. Tôi lấy thức ăn mời nó. Lạ, ăn xong, nó không bay đi mà lượn vào đậu trên nóc tủ ở phòng khách. Rồi đêm về, nó ngủ luôn ở đó. Trong tôi, lóe lên một quyết định: sẽ không nhốt con chim vào lồng mà cứ để nó sống tự do, khi bay về mỗi chiều thì cho nó ăn, đêm cho nó ngủ lại. Đã mấy ngày như thế…

Nhưng rồi chuyện rất buồn đã xảy ra…

Trong một chiều, sau khi được ăn xong, chim cu bay vào nóc tủ để ngủ. Lúc ấy, quạt trần phòng khách đang quay. Tôi nghe tiếng bà xã hét lên, chưa kịp phản ứng gì thì đã thấy bóng con chim cu máu me xé vụt ra đường. Tôi lao theo và bật khóc: Con chim cu bị thương quá nặng và chết. Cả nhà tôi cũng chụm lại, chảy nước mắt. Đêm đó, tôi lấy một chiếc hộp nhỏ làm quan tài cho chim, rồi cùng với ông con rể tìm một khoảng đất trống, người ta chưa dựng nhà và mai táng chim. Vừa đào mồ chôn chim, tôi vừa lầm rầm cầu nguyện. Lòng tôi vô cùng nặng nề, u ám. Tôi thấy mình phạm lỗi nặng trước cái chết của con chim cu. Cái phóng sinh nửa vời của tôi đã giết chết nó. Một tâm trạng sám hối cứ đeo đẳng tôi không dứt… Con gái út của tôi đã thắp nhang vái hương hồn con chim như thể vái cho người.

Sáng hôm sau, tôi kêu thợ điện thay ngay chiếc quạt trần còn mới nhưng dính máu con chim cu như là một động thái hối lỗi thiết thực nhất lúc ấy, cũng là để cất đi, che lại một ám ảnh đau đớn.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn đinh ninh bởi ý nghĩ: mình là một kẻ sát nhân, dù hơn 5 năm đi bộ đội thời chống Mỹ cứu nước, tôi chưa hề nổ súng hạ sát một nhân mạng nào…

T.S