Dặn con vào đại học – Nỗi lo canh cánh của người cha

1737
Lê Xuân

Dặn con vào đại học

Nguyễn Văn Chương

(Bắc Ninh)

Cha thì không còn khỏe nữa
Con ngoan đời sẽ dạy khôn
Gánh nặng đường dài sắp sửa
Chả ai gánh được thay con.

Vẫn biết bây giờ khác trước
Nào ăn, nào mặc nào xe
Tiền thuê nhà, tiền điện nước
Sách mà mua chịu ai nghe.

Cha chạy đồng tiền bát gạo
Con đừng chạy điểm, chạy bằng
Ba nước cờ phải xuất tướng
Bảo cha thanh thản được chăng?

Cả nước trăm trường đại học
Người vào mỗi năm bao ngàn
Con ơi, đừng quên cái gốc
Đua đòi con lính tính quan.

Hỏng việc đã đành là sửa
Hỏng người dễ chữa được đâu
Nhà mình người ít của kiệm
Lòng cha canh cánh lo âu.

Lời bình của Lê Xuân

Nỗi lo canh cánh của người cha

Người ta thường nói công cha nghĩa mẹ sinh thành như trời như biển. Thơ về tình mẫu tử thì nhiều còn những vần thơ viết về người cha thì có thể đếm trên đầu ngón tay. Nghe con đỗ đại học lẽ ra cha phải ăn mừng “đại đăng khoa” chứ, thế mà Nguyễn Văn Chương lại “phập phồng lá gan” lo âu khi con vào đại học. Niềm vui đó lớn lắm, và ngay sau đó nỗi lo liền ập đến. Anh đã nói hộ niềm trăn trở, lo lắng của biết bao người cha, người mẹ còn nghèo khó khi con đỗ đại học, lên thành phố trước biết bao sự cám dỗ. Tôi nể phục anh, với đồng lương của nhà giáo còm cõi khi đã về hưu, cộng với sự vén khéo của người vợ mà vẫn “nuôi đủ năm con” ăn học thành đạt. Và anh vẫn cần mẫn gieo thơ trên “cánh đồng lặng im” hơn bốn chục năm nay.

Dặn con vào đại học với năm khổ tròn trịa, tứ không mới nhưng bố cục khúc chiết, khổ này gọi khổ kia với năm nỗi lo dồn nén, làm người đọc cùng sẻ chia niềm day dứt với anh. Khổ một là nỗi lo cha yếu con dại: Cha thì không còn khỏe nữa. Con ngoan đời sẽ dạy khôn… Khổ hai là nỗi lo chuyện cơm áo thường nhật, nào ăn nào mặc nào xe. Tiền thuê nhà tiền điện nước… Khổ ba là nỗi lo chuyện học hành, thi cử: Con đừng chạy điểm, chạy bằng. Khổ bốn là lo sự “mất gốc”: Đua đòi con lính tính quan. Và khổ năm là nỗi lo: hỏng việc, hỏng người.

Cả bài thơ 120 chữ mà chỉ có một chữ “lo” ở câu kết nhưng người đọc vẫn thấy nỗi lo tràn ngập, chồng chất, tầng tầng lớp lớp trong lòng người cha. Nhà thơ đã khéo dùng các từ “gánh, “chạy”, “xuất tướng”… ở các câu trên để thay cho từ “lo”. Cái tôi trữ tình ẩn sau những lời tự sự về chuyện đồng tiền, bát gạo, chuyện nhà, chuyện điện, nước, sách vở…

Bài thơ không một từ hoa mỹ, màu sắc, không có sự đánh bóng câu chữ mà nét nhạc buồn trầm vẫn xoáy vào lòng người cha, làm ta xót xa trước những nghịch cảnh của cuộc đời đang phơi bày nhãn tiền: chuyện chạy bằng, chạy điểm, chuyện “con lính tính quan”. Ở xã hội ta hiện nay không chỉ “nhà giàu cũng khóc” vì những cậu ấm cô chiêu hư đốn, mà một số nhà nghèo, cha mẹ cũng tràn nước mắt vì những đứa con đua đòi, quên đi hương đồng gió nội, sa vào những cạm bẫy cám dỗ của cờ bạc, rượu chè, ma túy, cá độ. Phải là một người từng trải lắm và ngộ ra từ thực tế cuộc đời, anh mới viết được những câu thơ gan ruột như vậy.

Thiếu một chút tài năng làm chủ cảm xúc, bài thơ sẽ rơi vào thể về tự sự khô khan, rơi vào vực thẳm của sự lãng quên. Anh đã vượt qua được ranh giới đó để bài thơ tình dài mà ý sâu, đưa ta đi hết nước cờ này đến nước cờ khác của cái sự lo toan khi con vào đại học. Bài thơ là một lời khuyên, lời cảnh báo đối với thế hệ trẻ và với các bậc cha mẹ. Từ đó toát ra tình phụ tử sâu nặng, đậm tính nhân văn. Quả là chuyện đời và chuyện thơ là một.

L.X