Đặng Huy Giang & Vài nét về thơ Việt hôm nay

744

16.3.2018-08:30

 Nhà thơ Đặng Huy Giang

 

Vài nét về thơ Việt hôm nay

 

ĐẶNG HUY GIANG

 

NVTPHCM- Có lẽ ít có giai đoạn nào, thơ Việt lại nẩy nở, sinh sôi và lây lan nhiều như hiện nay. Thống kê sơ bộ, số người làm thơ hàng có thể lên đến hàng vạn người ở cả nghìn câu lạc bộ lớn, nhỏ. Trên cái nền này, hàng năm, cũng có đến cả nghìn tập thơ ra đời.

      

Cả nghìn tập thơ này ra đời, chủ yếu để thỏa mãn “cơn khát văn chương” tức thì, hầu hết để biếu, để tặng. Cảm giác thơ in nhiều nhưng ít người đọc, số người làm thơ đông hơn số người đọc thơ, là rất rõ.

    

Điều này cũng không có gì lạ, vì ngay cả những nhà thơ lừng danh trên thế giới như Szymborska, Bonnefoy, Lubomirski… khi chuyển ngữ từ tiếng Ba Lan, tiếng Pháp, tiếng Đức sang tiếng Việt, được xuất bản ở Việt Nam, cũng chỉ được in với số lượng khiêm tốn và tiêu thụ hết sức khó khăn.

    

Thơ Việt có vẻ đang rất rộng về “diện” nhưng lại rất thấp về “đỉnh”. Chưa thấy hiện tượng “lượng” biến thành “chất” xuất hiện. Và cũng lâu thật là lâu rồi, khó tìm thấy một nhà thơ xuất hiện như một hiện tượng trong làng thơ như một vài thập kỷ trước.

    

Trong một khoảng thời gian dài, đặc biệt là trong 10 năm, 20 năm trở lại đây, tôi nhận thấy thơ Việt có mấy xu hướng dưới đây:

    

Thứ nhất, thơ ngày một già đi, cũ đi, ít độ trương nở hoặc cố tình “ăn” vào những cái đã có nhưng ngày một bị pha loãng và bất cập.

    

Thứ hai, thái quá về mặt hình thức, quay lại với hình thức cũ (tân hình thức, hậu hiện đại) mà cứ nghĩ là tân kỳ, hiện đại hoặc làm trò vè với câu chữ, khiến những bài thơ chỉ còn rặt những xác chữ.

    

Thứ ba, thái quá về mặt thái độ, cảm xúc, tạo ra sự giả tạo và đương nhiên là thiếu chân thành, tôn trọng sự thật. Ở một chừng mực đáng kể, những người làm thơ này đã làm phiền người đọc và làm phiền chính mình.

    

Thứ tư, tối giản câu chữ trên cơ sở tìm ra được một tứ thơ vững vàng làm “chất trụ”. Sự tối giản này giống như sự tối giản phân số trong toán học, tử số và mẫu số nhỏ nhất, giá trị không thay đổi.

    

Bên cạnh đó, có một xu hướng nữa mà những người yêu thơ luôn hướng tới. Đó là mê mải vần hóa văn xuôi, tạo ra những sản phẩm na ná thơ hoặc cận thơ.

    

Về xu hướng tối giản trong thơ, có thể lấy trường hợp Thanh Quế trong “Một gạch và chuyển động” và trường hợp Mai Quỳnh Nam trong nhiều tập thơ đã xuất bản, làm ví dụ. Trong khi thơ Thanh Quế thiên về thực chứng thì thơ Mai Quỳnh Nam lại thiên về định đề.

    

Riêng về thơ định đề, Lubomirski rất thành công trong “Ánh sáng và tro tàn”.

    

Trong “Ánh sáng và tro tàn”, những bài thơ của Karl Lubomirski cực ngắn. Bài dài nhất chỉ 14 – 16 câu. Bài ngắn nhất chỉ có một câu. Còn phổ biến là những bài 2 – 3 hoặc 5 – 6 câu.   

    

Thơ này là thứ thơ kiệm lời đến nỗi không thể kiệm lời hơn được nữa. Nó là thứ thơ nén chữ và cô ý được đặt trên nền tảng bất di bất dịch là tứ. Dường như không có tứ, ông không có thơ và làm thơ. Nói như Viên Mai (đời Thanh, Trung Quốc):  Ý tứ trong thơ Karl Lubomirski là “ông chủ”, còn câu chữ chỉ như “đầy tớ” mà thôi. Nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của ông giống như châm ngôn, danh ngôn vậy.  Nếu diễn đạt theo cách khác thì thơ của ông giống như một người ít nói hoặc nói ít, nhưng đã không nói thì thôi, còn đã nói thì nói câu nào “chết người” câu ấy. Nhưng thơ của Kail Lubomirski kiệm lời mà không khô khan, nén chữ và cô ý là để bùng nổ và lan truyền.     

    

“Trường” đề tài trong “Ánh sáng và tro tàn” rất rộng và đôi khi, cũng có thể chỉ là cái cớ. Cụ thể cũng có. Trừu tượng cũng có. Đó là các bài thơ, các nhà thơ và những gì liên quan đến các bài thơ, các nhà thơ; quốc gia, con người ở quốc gia đó và những gì liên quan đến quốc gia và con người ở quốc gia đó; môi trường nói chung, hoa nói riêng và những gì liên quan đến môi trường và hoa; mẹ và tình yêu cùng những gì liên quan đến mẹ và tình yêu; chiến tranh và những gì liên quan đến chiến tranh; sự nổi dậy; bóng tối và những gì liên quan đến bóng tối…    

     

Ông coi nhà thơ là Con chim bay/ Trên rừng cháy, là Những viên gạch/ xây tường/ cho một vương quốc lạ và coi các bài thơ là Chìa khóa vào nhà ngục đời tôi. Ông coi Ba Lan là nơi/ người ta chôn cất các nhà thơ/ Bên cạnh các ông vua và nhận thấy: Những người Trung Hoa thường Mỉm cười sống cái khổ của mình/ Mỉm cười/ Cho đến khi chiều tắt. Ông luôn luôn muốn gìn giữ, nâng niu, sống hòa hợp với thiên nhiên đến nỗi mà trong “Ngày của mẹ” đã thốt ra những lời này: Con đã không ngắt/ Những bông hoa tím ở trong rừng/ Con tặng mẹ/ Sự sống còn của chúng.

    

Về đề tài chiến tranh, trong “Ánh sáng và tàn tro”, ít nhất có hai bài. Bài thứ nhất ở mang nặng chất định đề: Máy tính điện tử tính toán được tất cả/ Ngoại trừ lòng thương người. Bài thứ hai mang một cách nhìn hoàn toàn khác. Nếu Vương Hàn (đời Đường, Trung Quốc) trong “Khúc hát Lương Châu” có câu Xưa nay chinh chiến mấy ai về, thì Karl Lubimirski lại có cách diễn đạt khác, vừa sinh động hơn, vừa thực chứng hơn qua “Chiến tranh”:

 

Chiến tranh có nghĩa

Những chiếc ví của người lính căng phồng

Đầy ảnh và thư

Đôi khi

Các anh hùng ra đi khóa cửa rất cẩn thận

Như thể họ sẽ trở về.  

    

Theo tôi, những bài thơ viết về bóng tối và liên quan đến bóng tối của ông, còn lạ lùng hơn.   

    

Trong “Mỉm cười”, ông đặt ra câu hỏi nằm ở hai câu kết: Cần bao nhiêu bóng tối/ Cho một đêm vô tận? Có thể diễn xuôi và hiểu theo kiểu bề nổi: Một đêm vô tận thì cần bao nhiêu bóng tối là đủ? Trong “Không thể làm ánh sáng”, ông triển khai một tứ thơ như một lời khuyên có giá trị như một bài học đạo đức, cách sống, quan niệm sống: Nếu bạn không thể làm ánh sáng/ Cho một ai/ Cũng đừng làm bóng tối. Đến “Vì sao”, khi đọc xong, tôi có cảm giác gai người:

 

Vì sao

Ánh sáng lại trở thành bóng tối

Khi đi qua chúng ta?  

    

Trong “Những người hành khất”, ông viết:

 

Họ hào hiệp để mất sự yên bình

Mong có được hai xu

Và làm cho chúng ta giống người hơn

Hai xu.    

   

Anh là ai? Thời đại anh sống là thời đại nào? Đó là hai câu hỏi mà người làm thơ phải trả lời được, theo những đòi hỏi khắt khe nhưng linh hoạt và uyển chuyển của thơ.

   

Không những thế, những bài thơ có chất lượng phải có cảm xúc chân thành và mạnh mẽ, là thành quả của sự trải nghiệm và chiêm nghiệm, có tính phát hiện, tính triết lý, tính thẩm mỹ và sự hữu ích cần thiết.

   

Đó là những đòi hỏi lâu dài của thơ nói chung.

   

Thơ đong từng ngao như tát bể

Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời.

    

Sinh thời, nhà thơ lớn Chế Lan Viên từng định nghĩa về thơ bằng thơ như vậy.

    

Theo tinh thần ấy, chúng tôi cũng hy vọng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Đâu giá trị thật và đóng góp thật của thơ Việt hôm nay.

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Tính nhân văn trong phê bình văn học hôm nay – Trần Đình Sử

>> Bùi Giáng – tinh thể thi ca từ Mưa nguồn – Vũ Thị Lan Anh

>> Đến với thơ Nguyễn Thúy Quỳnh – Nguyễn Xuân Dương

>> Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thuý – Trung Trung Đỉnh

>> Cuộc thi văn chương đầu tiên ở Việt Nam – Lê Minh Quốc

>> Tiếng nói tâm linh trong thơ thế hệ Đổi mới – Phạm Thị Trịnh

>> Dòng chảy Tự do giữa hai bờ lựa chọn – Trần Việt Hà

>> Sự cần thiết của hồi ký – Trần Hữu Dũng

>> Đôi dòng về sáng tạo thơ – Mai Văn Phấn

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…