Đắng lòng những bông hoa rừng nở vội

829

11.4.2018-17:00

 Nhà thơ, nhà giáo Sơn Ca – Nguyễn Thị Cúc với thiếu nữ vùng cao Quan Hoá, Thanh Hoá

 

>> Sơn Ca làm tung cả gió đông

>> Phận đàn bà trăm nỗi sợ cô đơn

>> Sơn Ca thương hát khúc thu sang

 

Đắng lòng những bông hoa rừng nở vội

 

SƠN CA

 

NVTPHCM- Tôi là một cô giáo có 17 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng cao biên giới huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá nhưng đã có gần 30 năm sống cùng mảnh đất này. Quê hương đất nước đổi mới, đời sống của bà con vùng cao cũng đỡ khó khăn hơn. Nhưng có một câu chuyện tôi đã chứng kiến từ hàng chục năm trước, đến nay vẫn chưa chấm dứt triệt để: đó là tình trạng các bạn học sinh bỏ học giữa chừng về lấy vợ, lấy chồng. Mỗi lần thấy các học trò mình còn ngây thơ như măng như mụt, như những đóa hoa rừng, sau kỳ nghỉ hè bỗng trở thành những ông bố, bà mẹ trẻ con, lòng tôi đầy nhức nhối.

 

Khi còn rất bé, tôi đã theo gia đình lên Quan Hóa sinh sống và học tập. Hồi học lớp 7, lớp 8, tôi rất ngạc nhiên khi thấy các bạn trong lớp lũ lượt bỏ học về lấy vợ lấy chồng. Nhưng cũng chỉ biết vậy thôi, chứ lúc ấy đầu óc non nớt, hiểu biết xã hội chưa nhiều, nên tôi chỉ thương các bạn của mình sớm già, con cái nheo nhóc, không được bay nhảy đây đó như mình, nhất là các bạn nữ.

               

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, tôi lại tiếp tục lên Quan Hóa dạy học. Trường tôi là trường THCS Hiền Kiệt, thuộc xã biên giới nằm ở vị trí cuối cùng của huyện Quan Hóa, dưới dốc Cổng Trời, vượt qua Cổng Trời là huyện Mường Lát. Mỗi tuần một lần, tôi vượt 200 km bằng xe ca hoặc xe máy lên trường dạy dỗ các học trò vùng cao; hết tuần, lại quãng đường ấy, phương tiện ấy, về xuôi để chăm lo cho gia đình, con nhỏ ở nhà. Còn học sinh của tôi, hầu hết các em đều đi bộ đến trường, bản xa nhất cách trường tới 10 km, các em phải trèo đèo lội suối, những đợt mưa lũ thì thậm chí không còn đường để đi.

               

Nhiều năm trước, mỗi năm học qua đi, sau kì nghỉ hè là một lần chúng tôi chứng kiến cảnh học sinh của mình ở các lớp, sỹ số cứ rơi rụng dần. Nguyên nhân là bởi các em có hoàn cảnh khó khăn nên bỏ học đi rẫy phụ gia đình, một số em ở nhà lấy vợ lấy chồng. Sau ba tháng hè, về trường, các thầy cô giáo lại hớt hải đi “tìm” những học sinh bỏ học, động viên các trở lại lớp. Vất vả khổ cực trèo đèo lội suối, đến từng bản, từng nhà, những mong đưa các em trở lại lớp học khi còn chưa kịp kết hôn, chưa kịp làm bố mẹ khi còn đang tuổi trẻ nít. Tình trạng tảo hôn như thế này đến nay đã giảm rất nhiều, nhưng không năm nào không có. Những năm trước mỗi năm cả trường có hàng chục em đồng loạt bỏ học, nhưng nay chỉ còn khoảng 4-5 em. Đáng chú ý là vẫn còn những em nữ bỏ học lấy chồng sớm.

               

Tôi đã từng nhiều lần vượt qua các quả đồi cao, những con dốc lớn để đến tận nhà các em, những mong thuyết phục gia đình, đón các em quay lại với trường lớp, với bạn bè thầy cô. Nhưng có những khi niềm hi vọng của chúng tôi tan biến, khi nhìn thấy những cô bé da xanh lướt, người gầy khô với cái bụng bầu leo cheo bởi trót dại “ăn cơm trước kẻng”. Chúng tôi vừa giận vừa thương mà chẳng thể làm gì để thay đổi được mọi chuyện, và cũng giận mình vì đã đến chậm một bước! Mới hôm qua, những mái đầu non tơ còn chăm chú trên trang sách, những ánh nhìn ngây thơ còn ngơ ngác sau cánh cửa lớp, vậy mà chỉ một chớp mắt, những đứa trẻ hồn nhiên ấy đã trở thành các cô vợ nhí! Những cơ thể nhỏ bé chưa kịp hoàn thiện chức năng sinh lý, đã phải mang trên mình một gánh nặng bổn phận quá lớn khi chưa đủ tuổi: Làm mẹ. Lặn lội cả buổi, tìm được đến nhà đã khó, chúng tôi còn phải chầu chực hàng giờ, chờ bằng được phụ huynh đi rẫy về; nhưng cuối cùng chỉ nhận được câu nói buông xuôi hờ hững: “Cô giáo ơi, nó thích lấy cái chồng vào người rồi. Không cấm được nữa đâu.” Nghe mà đắng lòng xót dạ quá!

               

Có lần ngồi trước cửa phòng của khu nhà nội trú giáo viên ngắm nhìn con suối Khiết hiền hòa uốn quanh chân đồi, tôi thấy có một người phụ nữ dáng người nhỏ thó, khắc khổ, đen đúa bê chậu măng đi qua, cất tiếng chào mời: “Cô giáo ơi có mua măng không ạ?” Nhìn thấy thương thương nên muốn mua giúp cho chị vài bó, tôi bảo: “Chị bán cho em mấy bó nào”. Chị bán măng lại gần, bẽn lẽn nói: “Em chào cô giáo,cô không nhận ra em sao.” Tôi giật mình ngạc nhiên, cố lục tìm trong trí nhớ xem đây là em nào, tên gì, ở đâu? “Em là Lộc Thị H… ở bản Ho đây cô”. Nhìn thật kĩ tôi mới nhận ra em. Cô học trò trắng trẻo, xinh như bông hoa  rừng ngày nào đây ư? Đứng trước mặt tôi là cô gái chưa tròn hai mươi tuổi, mà già cỗi như phụ nữ ngoài bốn mươi vậy! Khi hỏi chuyện, tôi nhạc nhiên hơn nữa khi biết Lộc Thị H. đã có hai con. Gia đình em, từ bà đến mẹ đều lấy chồng từ thủa 13, và em cũng không ngoại lệ. Lấy chồng, sinh con quá sớm nên tuổi xuân qua rất mau. Ở cái tuổi đôi mươi tươi đẹp nhất đời người, mà nhìn em héo hon, tàn tạ, thiếu sức sống, như bông hoa đến lúc úa tàn.

               

Nhìn bóng em xa dần mà lòng tôi không khỏi chua xót. Đến bao giờ mới chấm dứt được nạn tảo hôn này? Đến bao giờ các em mới ý thức được việc lấy vợ lấy chồng sớm là vi phạm luật hôn nhân gia đình? Và bao giờ các em mới xác định được chỉ có con đường học vấn mới giúp mình thoát khỏi đói nghèo, tăm tối? Trong những giờ lên lớp, ngoài truyền thụ kiến thức trong sách giáo khoa, chúng tôi cũng cố gắng lồng ghép giảng dạy cho các em kiến thức xã hội, để góp phần thay đổi nhận thức cho các em. Nhưng các em đang sống trong cả một cộng đồng có tập quán tảo hôn thâm căn cố đế, ngay từ trong gia đình đã không được chú tâm giáo dục để có nhận thức tốt về vấn đề này, nên sự cố gắng của những người giáo viên như chúng tôi gặp rất nhiều lực cản.

                 

Cứ mỗi đầu năm học, sau khi nắm lại tình hình và sỹ số học sinh, nếu phát hiện trường hợp nào bỏ học, nhà trường lại báo cáo chính quyền địa phương, đề nghị có biện pháp phối hợp động viên các em đến lớp, đặc biệt là ngăn chặn việc cưới xin bất hợp pháp của lứa tuổi học sinh. Nhưng lãnh đạo xã và thôn bản có lúc phải bó tay, vì chuyện cưới xin của những cặp “vợ chồng nhí” như thế không bao giờ được báo cáo; hơn nữa khi các em nữ đã có bầu thì coi như “chuyện đã rồi”, không còn cách nào khác. Cho đến khi biết, chính quyền xã cũng chỉ có thể phạt hành chính mà thôi.

               

Tại trường THCS Hiền Kiệt, những năm gần đây nạn tảo hôn ở lứa tuổi lớp 7, lớp 8 đã giảm trông thấy; mỗi năm chỉ còn vài ba trường hợp các em nữ bỏ học lấy chồng. Tuy nhiên, có tới gần 50% học sinh, sau khi tốt nghiệp lớp 9 là bỏ học ở nhà; và hầu như những em này sẽ kết hôn sớm khi chưa đủ 18 tuổi. Mặc dù các em không còn thuộc diện quản lý của nhà trường, nhưng các thầy cô giáo chúng tôi vẫn cảm thấy rất xót xa và bất lực khi không thể giúp gì thêm cho các em.

               

Việc cưới và sinh con không đúng độ tuổi, không chỉ khiến các em sớm mất đi tuổi thanh xuân tươi đẹp, mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy khác, thiệt thòi cho bản thân và thế hệ sau. Theo quy định của pháp luật, trẻ vị thành niên không được đăng kí kết hôn, nên những đứa trẻ sinh ra bởi tảo hôn không được hưởng chế độ gì, chẳng may ốm đau đi viện sẽ không được Bảo hiểm y tế chi trả như những đứa trẻ bình thường khác. Trong khi bố mẹ chúng đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa đủ sức lực, trí tuệ để lo toan, mà phải gánh vác cả một gia đình với bầy con nheo nhóc, thì đã nghèo túng lại càng thêm đói khổ.

               

Xót xa lắm, thương lắm những bông hoa rừng chưa nở đã tàn phai! Các em vẫn đang sống trong một môi trường bị bao bọc, ảnh hưởng bởi cả một hệ tư tưởng, một tập quán lạc hậu từ bao đời nay tồn tại, trì níu nhận thức, mà những quy định pháp luật chưa đủ mạnh để tạo sự thay đổi.

 

Vì vậy, khi các em đang còn trong vòng tay chúng tôi, mỗi thầy cô chúng tôi luôn tranh thủ bằng mọi cách khuyên bảo, động viên các em cố gắng học lên cao thay vì bỏ học ở nhà lập gia đình; nếu không học lên THPT cũng nên tìm học lấy một nghề phù hợp, có công ăn việc làm ổn định rồi mới kết hôn. Có như thế thì hạnh phúc gia đình mới bền vững và con cái mới có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy đầy đủ. Nhiều em đã nhận thức được điều đó, theo học hết THPT rồi học nghề, có em học đến cao đẳng, đại học, ra trường có ngành nghề, cuộc sống đã hoàn toàn khác trước.

 

Nhưng rõ ràng trên thực tế tình trạng tảo hôn trong cộng đồng người dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa vẫn còn nhiều. Mong rằng mọi lời khuyên dạy của chúng tôi  dành cho học sinh hàng ngày sẽ đủ thấm nhuần tư tưởng các em, chứ không như muối bỏ bể chỉ vì những lực cản nhận thức khác trì níu. Chúng tôi rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa của các cấp chính quyền và ngành chức năng, để chung tay góp sức chống nạn tảo hôn trong lứa tuổi học sinh. Nếu bỏ học kết hôn khi chưa đủ tuổi thành niên, sinh con đẻ cái quá sớm, phải lo gánh nặng mưu sinh khó nhọc, trong khi chỉ biết bám vào nương rẫy, thì cuộc sống mãi đói nghèo mòn mỏi. Giải quyết dứt điểm được nạn tảo hôn, giúp các em chuyên tâm học lên các bậc cao hơn, sau này có cơ hội tìm kiếm được những ngành nghề mới, bước ra xã hội để phát triển, hoặc có kiến thức để về đổi mới cuộc sống ngay tại quê hương.

 

Mong rằng những năm học sau, tôi không còn thấy em nào đó, trong số học trò của tôi, như bông hoa rừng “sớm nở, vội tàn” trong sương gió vùng cao.

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…