Đặng Tường Vy làm thơ bằng trái tim nhân hậu

716

27.10.2017-18:40

Nhà thơ Đặng Tường Vy – Ảnh: Lê Văn Duy

 

Đặng Tường Vy

Người đàn bà làm thơ bằng trái tim nhân hậu

 

XUÂN TRƯỜNG

 

NVTPHCM- Đặng Tường Vy là bút danh của Đặng Thị Lụa. Người và thơ chị cũng mềm như lụa. Từ Giọt sương khuya, Lá thu phai,  Sóng tình đến Sóng ngầm là những thông điệp bình dị chị gửi đến cho chúng ta những vui buồn, những thăng trầm, những được mất của cuộc sống…

 

Đi trong nắng gió Sài Gòn, hòa mình vào nhịp sống vội vã của thành phố đông dân nhất nước này. Những đa đoan, những toan tính, những hối hả áo cơm thúc giục con người quay như chong chóng đến nỗi không còn nhìn nhận kịp thời những giả tạo, những ngụy trang, giữa cá nhân và tha nhân. Nhất là trong lĩnh vực tình yêu. Cái đề tài muôn thuở của nhân loại. Làm sao ta đếm được có bao nhiêu người phụ nữ đã và đang chia tay với cuộc tình của họ giữa thành phố này. Mặc dù đó là những điều đã xảy ra ngoài ý muốn của họ, vì rằng người đàn bà luôn luôn tha thiết được yêu, họ cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa cái hạnh phúc ban đầu tuyệt vời ấy. Vậy mà phải chia tay, phải xoay vần theo con tạo, thân phận đưa đẩy cuộc đời vào vòng xoáy của tồn tại xã hội.

 

Đặng Tường Vy, người phụ nữ giỏi giang, tài sắc vừa đủ để chị định hướng cho mình một hành trình đi đến tương lai như bao nhiêu người phụ nữ khác. Thế mà gian truân, thế mà hồng nhan, thế mà tài mệnh tương đố. Chị đã không may lạc vào dòng xoáy ấy. Đã biết rằng đời người có những khoảng trống không cần phải lấp đầy, nhưng sự đổ vỡ của một cuộc tình khi đã vẹn câu thề với nhau dẫn đến sự hụt hẫng mênh mông vô cùng biết bao nhiêu lượng thời gian cần thiết để lấp cho đầy. Những mất mát cứ còn mãi trong chị. Chị đang lang thang trong khoảng trống của đời mình thì gặp thơ, chị yêu thơ rồi làm thơ, duyên nợ với thơ. Lại thêm một lần nữa cho phép ta xác quyết rằng khi tột cùng của hạnh phúc hoặc là khổ đau thì con người vẫn đến với thơ và thơ tồn tại như một đấng thiêng liêng cứu rỗi linh hồn.

 

Có lẽ những trải nghiệm đã làm nên một thứ chất liệu cho thơ Đặng Tường Vy nhẹ nhàng mà sâu lắng, âm thầm mà dữ dội, tục lụy mà thanh tao: “Nhẹ nhàng thương nhẹ nhàng đau / Nhẹ nhàng quay gót chào nhau nhẹ nhàng”, hoặc là: “Trăm năm con sóng ru đời bạc / Lành, dữ, đục,trong… cũng rã rời”, và đây nữa: “Hạ về con nắng se lòng nhớ / Hồn ngẩn ngơ hồn lạc cõi riêng” và dữ dội hơn: “Xin anh một chút thật thà / Để cho em được đàn bà với anh”. Đấy là những câu thơ chị đã mở cửa cho ta vào nhìn tận mắt những đợt sóng ngầm trong tâm hồn chị đang vỗ đến vô biên những khát vọng yêu thương, những giùng dằng thân phận, những đa đoan cuộc đời. Những đợt sóng ngầm ấy càng ngày càng mở rộng biên độ dao động căng nức tâm tư, để rồi bật ra những âm thanh bén nhọn đến xé lòng: “Xin đừng nói tiếng chia xa / Trong vàng lá đổ sinh ra xanh mầm / Tận trong sâu thẳm lặng câm / Trăm năm nhịp đập nói thầm yêu anh”, hoặc là: “Tình em nốt nhạc không lời / Nhẹ nhàng len lỏi tình rơi giếng tình / Con tằm khát lá tồn sinh / Riêng em khát tiếng ơi mình mình ơi” (Xin đừng bước vội) và đây nữa: “Gió ghì hôn môi em / Mây chung thủy bốn mùa / Mưa thủ thỉ nhiều đêm / Anh tình còn mặc cả” (Chiều vàng câm nín). Tìm người dưng, được người dưng, mất người dưng, phép toán tình yêu giờ đã thành vô định, một cộng một bằng không , chị đã trở về tìm lại chính mình trong cái mênh mông cô đơn vỗ chiều lên biển vắng mà hát khúc độc hành: “Nghiêng mình hong gió biển / Sóng dỗi hờn xô nhau / Cát nhẫn nhượng im tiếng / Tình biến thể bạc màu / Phố triệu người lại qua / Người quen rồi người lạ / Người đến rồi lại xa / Me nhiều lần thay lá / Ta độc khúc tìm ta” (Ta – tìm ta).

Tập thơ Sóng ngầm của Đặng Tường Vy do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành

 

Không những chị luôn đau đáu với nỗi niềm riêng, để tìm ra những thấu cảm cho thơ, cho đời, mà chị còn nhìn thấy muôn hình vạn trạn cái khổ đau mà trời đất đã không thương đêm đến cho con người: “Lũ giận đời, lũ giân ai / Ùn ùn kéo đến thiên tai cho người / Nhà tan trong ngấn lệ trời / Người như chiếc lá cuốn trôi bềnh bồng”. Nhiều khi con người đã tự gieo rắc khổ đau lên chính mình: “Sừng tê / Cao hổ / Hương chồn / Tiếng la vang vọng xé hồn quê hương / Lũ về gieo rắc tai ương / Kẻ nhà cao rộng đứng giương mắt nhìn”. Ở đây chị lại thấy tâm tư mình cháy bỏng trước sự truy sát của con người làm cho loài thú cũng không còn những bước chân đi hoang trong khu rừng tự do của mình.

 

Trong những tháng ngày trống không, trong lang thang đâu đó chị bỗng giật mình: “Đừng hóa kiếp thiêu thân / Giết mình trong ảo ảnh / Đừng khát đời tình nhân / Đêm chiếu giường hoang lạnh / Em sợ loài cá cảnh / Khóc ngục tù trăm năm / Soi bờ mi ráo hoảnh / Lạc lầm chốn cùng thâm” (Xin đừng làm lữ khách). Có những ràng buộc yêu thương đã từng xác định miền tự do cho nhau của hai người đang yêu. Đó là sự nuôi dưỡng tình yêu, không là nơi cá chậu chim lồng, ngục tù trái tim, làm cho “đời hết vui khi đã vẹn câu thề”. Đây cũng là một triết lý của tình yêu vậy. Nếu chúng ta chủ quan thì sự ràng buộc quá đỗi đôi khi dẫn đến chia tay.

 

Cõi vô thường là cõi chết, nơi có giấc miên trường của nhân loại, thế mà có một loài hoa uống cạn vô thường rồi mới nở phải chăng hoa Tường Vy uống cái chết vào để nở ra sự sống: “Lòng em nung nấu / Bến đậu yêu thương / Nuốt cạn vô thường / Hoa Tường Vy nở” (Điền vào trang vở). Chị đi giữa có, không, sống, chết như vậy làm sao không bé bỏng bồng bềnh và chuyển tải đến chúng ta những cảm xúc lạ của thi ca. Đã có lúc chị vô vi muốn mượn cửa thiền để chôn lấp mạch sầu thương và phôi pha những nỗi niềm tâm tư: “Khánh ngân động trí lay / Chồi giác ngộ bung cánh / Quán trọ thôi nài nỉ / Vai gầy rời quang gánh / Một lần ngộ sắc không / Chén hương đời bọt bóng / Phù sa khuôn sáo rỗng / Gặt hái mùa rêu phong” (Mùa rêu phong). Rồi có lúc chị kiêu bạc muốn làm những việc lớn lao như chẻ đôi ngọn núi, tác cạn sông sâu và biển cả để tìm chân lý yêu thương nhưng rồi cũng không thấy đâu : “Tôi muốn chẻ đôi ngọn núi tìm viên sỏi thật thà/ Không thấy / Tôi tác cạn sông sâu / Tôi băng qua biển rộng / Tôi chới với hụt hẩng và tuyệt vọng… Tôi chợt hiểu ra tất cả / Thôi / Không tìm kiếm nữa” (Bước về phía trước).

 

Ngày xưa Xuân Diệu đã cảm xúc sự gần gũi nam nữ qua những câu thơ như “Hãy trộn nhau hai mái tóc ngắn dài” hoặc “Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng”. Ngày nay đã nhiều lần tôi gặp các nhà thơ trẻ dùng hình tượng cỏ để nói lên cảm xúc ấy mới nghe thì xa, nhưng lại rất gần, rất thanh tao nhưng lại khiến cho ta giật mình: “… Tường rêu trách kẻ đầu môi / Ngày xưa cỏ mặn hứa rồi lại quên / Lạc lòng lạc cánh chim quyên / Về phương trời lạ nhớ quên bãi bồi / Đêm nay gió thổi ngang đồi / Hỏi chăng cỏ rối còn lời trăm năm” (Còn lời trăm năm).

 

Đặng Tường Vy là bút danh của Đặng Thị Lụa. Người và thơ chị cũng mềm như lụa. Từ Giọt sương khuya, Lá thu phai,  Sóng tình đến Sóng ngầm là những thông điệp bình dị chị gửi đến cho chúng ta những vui buồn, những thăng trầm, những được mất của cuộc sống. Buồn mà không giận, không thù hận, thơ dã mở lòng chị ra với tha nhân, với thiên nhiên với đa đề tài, thể loại, nhiều cung bậc cảm xúc. Trong tập Sóng ngầm này chị có một bố cục rất riêng, đọc nhiều nay tôi mới thấy đó là chị dùng một tản văn rất ngắn thay cho lời bạt ở phần cuối tập thơ với tựa đề “Chuyện đêm khuya”. Tôi không thể nói hết những gì phải nói cho thơ Đặng Tường Vy, xin giành lại sự cảm nhận cho quý vị. Tôi tin rằng nếu chịu khó trong lao động bản thảo thì thơ Đặng Tường Vy sẽ khởi sắc hơn nhiều.

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…