Xuân Trường
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi có duyên được đọc những tập thơ của Đặng Tường Vy. Từ ngày chị còn ở Việt Nam, đã có lần tôi hân hạnh được viết lời bình cho thơ chị. Sinh ra và lớn lên giữa đất Sài Gòn hoa lệ nên chị cũng rất Sài Gòn. Trời ban cho chị nhan sắc lẫn tài năng, nhưng lại lấy đi của chị nhiều thứ may mắn trong cuộc đời. Sóng gió bể dâu dồn dập, tuổi trưởng thành đã làm cho chị giàu trải nghiêm, thêm bản lĩnh vạch chông gai mà đi, để tồn tại với đời. Kiêu sa cùng năm tháng, vượt qua vận hạn, tin tưởng mình đủ vững trải ngẩng cao đầu với nhân gian. Có thể nói chị là người chưa sống lâu nhưng đã sống nhiều. Bao giờ chị cũng giấu được nỗi buồn phía sau nụ cười nhan sắc, hoà mình vào nhịp sống vội vã áo cơm.
Nhà thơ Đặng Tường Vy.
Lang thang trong khoảng trống của đời mình chị đã gặp thơ, yêu thơ, làm thơ, rồi chính thơ đã lấp được một phần nào khoảng trống mênh mông trong tâm hồn. Chị viết nhanh, tỉnh táo, dầy dạn, sâu sắc, chắc lọc nhiều kinh nghiệm sống quý giá. Trong vòng 5 năm, từ 2015 đến 2020 chị đã cho ra đời 7 tập thơ, có năm chị lại xuất bản 2 tập. Một hành trình lao động nghệ thuật như vậy là tín hiệu đáng mừng cho văn chương. Thơ không nuôi cuộc đời, nhưng cuộc đời lại phải nuôi thơ một cách chu đáo, đầy tâm huyết, đấy là cái nghịch lý muôn đời nay. Trên thế giới các nhà thơ đều phải viết báo, làm thêm các nghề khác nuôi sống mình, nuôi sống thơ. Đặng Tường Vy cũng không ngoại lệ.
Trở lại với nỗi buồn của Đặng Tường Vy ta bắt gặp những cặp lục bát nao lòng: Đàn bà xếp chữ nở hoa/ Đàn bà đưa tiễn mùa qua cạn mùa. Nào hay cái phận ly hương/ Xanh rơi lòng phố, vàng ươm tay cầm. Em đi bước lặng bước thầm/ Quê nhà còn một chỗ nằm trống trơn. Về đâu em, giữa gió mưa/ Về chưa, Mẹ hỏi: về chưa, bao lần. Đặng Tường Vy đã giới thiệu mình một cách nhẹ nhàng, hiền hậu, sâu thẳm, nhớ nhà nhớ mẹ già mòn mỏi mong.
Trong góc nhỏ cô đơn Đặng Tường Vy với nỗi buồn đặc quánh, tâm trạng tha hương của người con xa xứ qua những câu lục bát lạ, thoảng nét hiện đại: Nhánh mai non nụ biếng lười/ Không khoe sắc thắm không cười đón xuân. Thèm nồi cơm nguội cá khô/ Nhớ sao là nhớ chiếc ô cội nguồn. Có con sẻ nhỏ lạc đường/ Rét run xứ lạ tiếng thương lạc vần. Sương hờn trước ngõ chơi rong/ Bông hoa tuyết trắng lượn cong nghịch đùa. Xuân về ươm giấc rì xanh/ Sông chiều gom bóng lòng canh cánh chờ. Líu riu chái bếp hương ngô/ Che vàng bóng lúa chắn bờ bãi xa. Mấy mùa lạc nhịp quê hương/ Giăng buồm biển lớn lưới thương khoang đầy. Cảm nhận những câu lục bát rất lạ trong cách dùng từ đầy hình tượng của chị. Tìm cái mới lạ cho thơ cũng là một sáng tạo nghệ thuật, nhưng còn phải chờ thời gian mới hạ trại được trong lòng độc giả.
Cách đảo ngược từ cũ để có một từ mới ví dụ như chị đã đảo ngược xanh rì thành rì xanh cũng là cách chung mà các nhà thơ tìm từ mới hôm nay. Ở bất cứ đâu Đặng Tường Vy cũng rất Việt Nam với những vần lục bát thân thương, nơi lưu giữ tâm hồn dân tộc. Tôi xin cuối đầu trước Đại thi hào Nguyễn Du và trân quý với những vần lục bát của các tài hoa: Nguyễn Bính, Huy Cận, Đồng Đức Bốn, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Duy, Trương Nam Hương, Đoàn Vị Thượng, Nguyễn Thanh Mừng, Nguyễn Trần Khải Duy v.v.v… và rất nhiều cây bút nữa không thể kể hết, họ đã thổi hồn hiện đại vào truyền thống, làm cho lục bát sống mãi với dân tộc. Tôi mong Đặng Tường Vy sẽ thành nhà thơ như thế.
Ở hướng khác nỗi buồn của Đặng Tường Vy đã vượt qua thân phận cá nhân, mang tính thời đại. Nỗi buồn covid 19, nỗi buồn toàn cầu, đẩy nhân loại đứng trước vực thẳm tối tăm: Thế giới không bóng người/ Thế giới không tiếng cười… Lệnh giới nghiêm ban hành/ Cho nhân dân nước Pháp/ Tử sanh treo đầu mành/ Bình an đang vá chắp/ Trí thức rớt bên lề/ Tiền tài rơi ngoài ngõ/ Sinh mệnh vờn ngọn gió/ Đáp án còn ngủ mê… Đại dịch corona đã bất ngờ gây đau thương cho nhân loại, những cái chết đang đầy lên trong trái tim văn chương. Hơn bao giờ hết văn chương phải vào cuộc ghi hình lịch sử.
Thơ Đặng Tường Vy hôm nay rất thân thiện với môi trương sinh thái vấn đề nóng bỏng mà thế giới cũng quan tâm từng giờ, nỗi buồn môi trường đã dồn nén bứt phá tâm tư chị đã thoát ra khỏi vần điệu, tung tẩy trong những câu thơ tự do đầy ấn tượng: Vật dưỡng nhân dung túng cho lạc thú tầm thường/ Từng xi lanh mật gấu, tiếng la kinh hoàng vắt kiệt sự sống…/ Ngày thiên nhiên bị triệt tận, dồn ép, nổi giận…/ Lũ về cuốn đi mọi thứ chỉ còn nỗi đau ở lại… / Khi chiếc nắp không đậy được nỗi buồn/ Nỗi buồn sôi sùng sục nghi ngút khói/ Đi qua màu tang tóc mới thấy được nỗi buồn không nắp đậy/ Nhà trôi, gia sản trôi/ Vợ chồng lạc mất nhau, con thơ đói lạnh. Đi qua những nỗi buồn của Đặng Tường Vy tôi thấy nó trong veo, chị buồn mà không phiền lụy đến ai, buồn để sống cho mình tồn tại vươn lên, buồn để vượt qua bao thăng trầm, đi qua phận số trời ban. Nỗi buồn thơ, nỗi buồn thi sĩ. Nỗi buồn Đặng Tường Vy không bi lụy, chán nản như nỗi buồn tiền chiến, như nỗi buồn đau của Thế Viên, mà nó mang tính thời đại, như nỗi buồn của Lê Thiếu Nhơn trong “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”. Tiếng buồn mà các tác giả trẻ này đã nghe được từ trong cuộc chạy đua danh vọng, từ trong khuynh đảo của đồng tiền, trong giả dối của lòng người v.v.v… Thơ Đặng Tường Vy nhiều thể loại, đa đề tài, đa phong cách, giàu nhạc điệu, càng về khuya chị càng tung tẩy hơn.
Tôi thật bất ngờ khi tình yêu lại đến với chị lần thứ hai nói như nhà thơ Đặng Vương Hưng “Khi em thêm một lần chồng/ Ngập ngừng mây trắng trên đồng lại bay”. Rất nhiều việc phải lo cho gia đình mới, thế mà chị lại xuất bản tiếp 3 tập thơ. Tôi xin tâm đắc với sự đồng hành của người chồng trên con đường sáng tác của chị. Những điều tôi cảm nhận trên đây được rút ra từ tập thơ “Đàn bà xếp chữ” của chị. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị. Xin chúc chị và gia đình an vui.
X.T