Dành cho sự vuốt ve – Thơ Leo Butnaru

538

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Ru-ma-ni – Leo Butnaru – đồng thời là nhà văn, nhà tiểu luận, dịch giả. Ông sinh năm 1949 tại làng Negureni, Cộng hòa Môn-đô-va. Thơ ông ra mắt lần đầu tiên vào năm 1967 trên tờ báo Tinerimea Moldovei (Tuổi trẻ của Môn-đô-va). Năm 1972, ông tốt nghiệp Đại học Ki-si-nhốp với bằng chuyên ngành Triết học và Báo chí, làm Biên tập viên tại Tinerimea Moldovei, sau đó phụ trách tuần san Literatura și arta; là biên tập viên chính của tạp chí Môn-đô-va.

Năm 1976, Butnaru xuất bản tập thơ đầu tiên “Cánh trên thế giới” (tiếng Ru-ma-ni: Aripă în lumină). Tháng 1 năm 1977, ông trở thành thành viên của Hội Nhà văn Liên Xô. Cũng trong năm đó, ông thôi việc biên tập tờ báo Tinerimea Moldovei để làm tiểu luận về tác gia kinh điển của văn học Ru-ma-ni, Mikhail Kogelnichyan, người đã đi ngược với chính sách của Nhà nước. Năm 1990 – 1993 ông từng là phó chủ tịch của Hội Nhà văn Môn-đô-va. Từ năm 1993, là thành viên của Hội Nhà văn Ru-ma-ni. Ông được trao một số giải thưởng của tổ chức này. Chủ tịch phân nhánh Ki-si-nhốp của Hội Nhà văn Ru-ma-ni, thành viên Hội đồng Liên hiệp Nhà văn Ru-ma-ni. Theo Kirill Kovaldi, người đã dịch thơ Butnaru sang tiếng Nga (trong lời tựa của cuốn sách “Cát – viên ngọc – sa mạc”) đã viết:

Leo Butnar được trang bị đầy đủ kiến thức về văn học, bước vào thế kỷ mới và dự định tự tin lan tỏa. Tên ông xứng đáng được ngân vang trong ba thủ đô: Ki-si-nhốp, Bucharest, Mát-xcơ-va. Thơ Leo Butnar hiện đại, tất cả đều ở quy cách hiện tại, giống với việc tìm kiếm đồng nghiệp và sự chia sẻ. Leo Butnaru là một nhà thơ thông tuệ. Những bài thơ của ông tự nhiên và hào hứng kết hợp những phẩm chất dường như không liên quan – suy nghĩ ẩn dụ, nhận thức hình thành cảm xúc về thế giới với sự mỉa mai, đôi khi thậm chí châm biếm. Đó là sự trỗi dậy của cảm hứng, sau đó là sự dí dỏm. Leo Butnaru là tác gia cổ điển và tiên phong, có thể nói, ông là người toàn năng.

Ông đã xuất bản khoảng tám mươi cuốn sách, bao gồm ở Bucharest, Madrid, Mát-xcơ-va, Paris, Rousse (Bulgaria), Kazan (Tatarstan), Nis (Serbia), Kiev, và Baku. Ngoài các tác phẩm của riêng mình, Leo Butnaru đã xuất bản nhiều tác phẩm dịch. Ông đã biên soạn và dịch các tuyển tập “Nga tiên phong” (gồm 2 tập), “Nga tiên phong. Kịch nghệ”, “Tuyên cáo Nga tiên phong”, “Panorama poeziei avangardei ruse” (Toàn cảnh thơ ca của Nga tiên phong), cũng như “Người tiên phong Ukraine”. Các bản dịch của Butnaru bao gồm các tác phẩm của Ivan Bunin, Ivan Turgenev, Velimir Khlebnikov, Vladimir Mayakovsky, Alexei Krucheny, Marina Tsvetaeva, Leonid Dobychin, Osip Mandelstam, Nina Habias, Jan Satunovsky, Gennady Aigi Evgeny Stepanova, Vera Pavlova, Alexander Veprev và nhiều tác giả người Nga khác, cũng như Rene Ball, Leon Briedis.

Các tác phẩm của ông đã được dịch ra gần ba mươi ngôn ngữ quốc tế.

Một số cuốn sách của ông đã được xuất bản ở Nga (bằng tiếng Nga và tiếng Tác-ta), Pháp, Đức, Bulgaria, Serbia, Ukraine và Azerbaijan.

Năm 2019, một số phương tiện truyền thông đưa tin Leo Butnaru đã được đề cử giải thưởng Nobel Văn học.

Giải thưởng:

1998 – Giải thưởng của Liên minh các nhà văn Ru-ma-ni (Thơ) cho cuốn sách “Vận mệnh đấu sĩ”

2002 – Giải thưởng nhà nước của Cộng hòa Môn-đô-va cho cuốn sách “Khiếu nại của Babylon”

2008 – Giải thưởng của Hội đồng Giám đốc và Ban Giám đốc Liên hiệp Nhà văn Ru-ma-ni “Opera Omnia”;

2013 – Giải thưởng “Constantine Stere” của Bộ Văn hóa Cộng hòa Môn-đô-va;

2015 – Giải thưởng Liên minh Nhà văn Ru-ma-ni (Bản dịch) cho “Panorama poeziei avangardei ruse”

2016 – Giải thưởng chính và Vòng nguyệt quế tại Giải đấu của các nhà thơ Ru-ma-ni ở Tomis (Neptun – Mangalia)

2013; 2018 – Giải thưởng của tạp chí Children Ra (Mát-xcơ-va);

Ông đã được trao các huân chương của Môn-đô-va và Ru-ma-ni.

Văn Chương Phương Nam hân hạnh giới thiệu đến quý độc giả chùm thơ của Leo Butnaru.

Nhà thơ Leo Butnaru 

 

Chiếc túi

Tôi nhớ ai đó viết

thơ ca tựa cú nhảy của con chuột túi

và tôi tựa một tín đồ Thánh Tô-ma

hay đúng hơn

tự nhủ rằng bản trường ca

có thể là loài thú có túi

mang ẩn dụ

đàn con – những đứa trẻ này

giống như thơ Terza Rima*

sau đó tôi ước đoán những gì

về bản trường ca và đàn con từ chiếc túi

tôi đã viết bài thơ haiku:

Chuột túi mệt mỏi

Ngủ không chân sau. Trong chiếc túi

con châu chấu đang hát.

* Terza Rima là thể thơ xuất hiện đầu tiên trong Thần khúc Dan-tê, năm 1320. Thể thơ gồm ba dòng, được kết nối bởi những vần điệu kết thúc có hình mẫu aba, bcb, cdc, ded, efe… Không có số lượng ký tự nào được xác định trong dạng, nhưng những bài thơ viết bằng Terza Rima thường kết thúc bằng một dòng đơn hoặc một cặp vần. (ND)

 

Cốt lõi

Đã bao lần tôi cố gắng bắt đầu bài thơ

từ nơi nào đó từ đầu

luôn luôn, vô tình, tôi bắt đầu

từ khoảng giữa của vô tận, từ đó người ta cho rằng

ở đâu cũng trung tâm, không nơi nào là rìa vực.

Tôi cố gắng thay đổi triết lý lý thuyết hoặc trữ tình

về lý thuyết thực tế, thay thế

những gì tôi nên biết bằng những gì tôi nên làm,

nhưng đều có chung kết quả: mọi thứ và mọi nơi

Không có giới hạn. Không tồn tại

ngay cả bên rìa sa mạc

nơi bão cát đặt bồ công anh

trước điểm xử bắn. Vì vậy

dựa trên luật bất thành văn rằng

bài thơ luôn bắt đầu từ khoảng giữa của vô tận

(hoặc trung tâm… phần rìa và đôi khi thậm chí giới hạn)

tác giả sẽ không đặt chữ ký của mình

không phải đầu cũng như cuối bài thơ,

mà ký ngay tại đây giữa những lời thơ

– leo butnaru –

để tiếp tục hiểu chính xác ý thơ

hầm mộ cao quý của người còn sống

được lát bởi lời lẽ, một người chui trong cái kén của họ

hoàn toàn không chắc chắn khi nào

ngôn từ bảo vệ họ khỏi nguy hiểm

và nói chung là bất lực như chính bài thơ, trong đó

tất cả cố gắng để che giấu thế giới bằng nỗi sợ hãi.

 

Dành cho sự vuốt ve

Nói thế nào

để hiểu rõ hơn

điều gì với năm mươi bàn tay của Đức Phật?

 

Ví dụ

giữa hai mươi lăm bàn tay bên phải

(giữa mười hai trên

mười hai dưới)

đang vuốt ve hổ

và mèo.

 

Và với bốn mươi chín bàn tay còn lại làm gì? –

họ hỏi.

Ôi thật giản đơn! – những bàn tay khác,

để ve vuốt người yêu!

 

Cuốn sách và mặt thứ IV của bìa

Từ những cuốn sách của tôi

Có bài thơ đề cập thế giới:

“Ở đây tôi ở cùng

con chuột thí nghiệm của mình”, đang nói,

một ngón tay thò ra từ những trang sách

và chỉ vào tấm hình của tôi

ở mặt thứ IV của bìa.

 

Niềm an ủi

Vào những ngày đường cùng khi

tôi chỉ là một phần trăm của bản thân

khi tất cả các chủ đề xung quanh tôi

dường như tuyệt nhiên chẳng được bay bổng

vào những ngày đường cùng khi

tôi chỉ là một phần trăm của bản thân, tráng lệ

vào một trong những ngày này

không uống lấy ngụm rượu hoặc một giọt thuốc mê

và không yêu lần nữa

tôi thấy không chỉ một thế giới mà hai (thực tế

là ba – tính cả vệt sáng đó)

trong những ngày đường cùng

tương tự

tôi chỉ là một phần trăm của bản thân, tôi nói

tốt thôi, không có gì xảy ra với mình

nhưng thật tuyệt vời – nói cách khác

tôi sẽ thoát ra khỏi làn da của mình, từ chính tâm hồn tôi

từ mọi thứ được viết

bởi vì chỉ trong ngày sáng tác

vào thời gian của thơ ca

thay vì một thế giới tôi thấy hai (thực tế

là ba – tính cả vệt sáng đó) và tôi tự nhủ

vào một ngày như vậy

tôi có nên thay đổi lối sống của tôi

và nếu nó thành công – thậm chí

là cái chết vì

Chúa đã ban cho tôi, Chúa ơi, bằng thứ gì đó

trong khả năng tôi.

 

Khi phần nào bị đánh bại…

Khi còn trẻ, có một thứ gì đó từ sự băn khoăn ngoan cường của ông trời

đến năm ba mươi khi sự ảm đạm phần nào bị đánh bại

Tôi đoạn tuyệt quá khứ

để không rơi vào tình trạng chán ngắt

tôi tự nhủ:

“Nếu thực tế quá mơ hồ.

thì nên nói gì về giấc mơ của bạn

nếu cuộc sống thật mơ hồ

bạn có thể thêm điều gì khác về sự tự vẫn?…

Rất nhiều kẻ ngốc

trong triết lý chung phần nào bị đánh bại …”

Tôi đã nói với bản thân mình như vậy

rằng môn đệ của giận hờn chẳng bao giờ được hoan nghênh

và tông đồ của mỹ học luôn xuất hiện như

sự ngạc nhiên. Lương của bạn bao nhiêu? Họ tra hỏi.

“Có chuyện gì với bạn vậy?” tôi đáp lời

vì bí mật tiếp tục một số bài thơ

về nhận thức của tuổi trẻ của sự sống và cái chết

vượt quá những khái niệm và lời nói vô biên

vượt quá thơ ca…

               Và đã

Tôi đã nói với bạn

đến năm ba mươi năm phần nào

bị đánh bại

thuyết phục

nhưng tất cả

với niềm tin

vào bản mệnh rạo rực của mình

của sự lo lắng cao độ.

 

Lễ nghi với một dịch giả

Giống như trong cuộc họp của hai chính khách –

với đội vệ binh danh dự

với các cuộc đàm phán sơ bộ,

với những giải thích thêm

với việc giương cờ, – 

khi vị dịch giả vĩ đại bắt đầu

biến hóa với thơ ca của dân tộc khác,

cần trình diễn quốc ca cả hai quốc gia.

 

Ký ức, tuyết

Công viên thủ đô. Những con đường rợp bóng cây

Bị lấn chiếm bởi những tượng đài –

những nhân vật vĩ đại đang

vĩnh hằng trong giấc ngủ.

 

Sau cơn mưa tuyết nhẹ trước xuân

tất cả các bức tượng toàn thân, bán thân –

trong băng trắng – dường như

giống ký ức

của dân tộc bị băng bó…

 

(Có lẽ,

Ký ức luôn đớn đau…)

 

Giữa hai chiếc mặt nạ

Thơ ca không cho phép tôi thấy trước tương lai.

Để làm gì – thơ ca nói – người khác thấy bạn dần biến mất

hoặc Chúa cứu thế! Có lẽ,

thậm chí thấy mình chết hoàn toàn?

Niềm vui nào khi nhìn vào khuôn mặt truy tặng của bạn?

 

… Sáng nay,

trước gương,

Tôi thấy mình cạo râu nhẵn nhụi.

như thể sợ bằng cách nào

cạo vào mặt và thơ ca –

chiếc mặt nạ trong suốt của cuộc sống…

 

Với bản ngã trên những chiếc máy bay khác nhau

Chúng ta đi du lịch trên những chiếc xe khác nhau,

lấy vé cho các chuyến tàu khác nhau,

cái mà có cùng đích đến

nhưng đến vội vàng vào những thời điểm.

Tôi

bản ngã của tôi

bay trên máy bay với sự khác biệt về thời gian cất cánh,

hạ cánh

bay đến cùng một nơi

nơi hai chúng tôi sau đó đoàn tụ.

 

Tất nhiên,

chúng tôi rất cẩn thận làm việc này:

nếu một trong hai sẽ chết

thì ít nhất người còn lại sẽ vẫn được sống.

 

Đinh Thị Ngọc Hiếu dịch từ tiếng Nga