Danh nhân – Ông tổ nghề Thêu Lê Công Hành, thân thế, cuộc đời và sự nghiệp

72

Phùng Văn Khai

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vừa qua, ngày 10 – 3 -2024, trong không khí trang nghiêm tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín, trước anh linh, công trạng của các bậc danh thần, danh nhân, trong đó có danh nhân Lê Công Hành, người có công lao trong lĩnh vực ngoại giao khi đi sứ phương Bắc, đồng thời được nhân dân suy tôn là ông Tổ nghề thêu được các triều đại vua đời sau sắc phong công trạng, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ hương khói quanh năm, Huyện ủy – Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thường Tín phối hợp với Viện Nhân học Văn hóa và Liên hiệp Hợp tác xã Liên minh Quốc gia trang trọng tổ chức Hội thảo Khoa học Danh nhân – ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp. Cuộc Hội thảo đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, được báo chí truyền thông và nhân dân hết sức quan tâm.

Quang cảnh buổi hội thảo

Danh nhân – ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành (còn có các tên gọi khác như Trần Quốc Khái, Bùi Quốc Khái) là một danh nhân tiêu biểu của huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, người có nhiều đóng góp lớn cho đất nước mà tiêu biểu là cuộc đi sứ phương Bắc và dùng trí tuệ, tai hoa của mình trong việc gây dựng, phát triển nghề thêu dưới triều Lê, được nhân dân suy tôn là ông tổ nghề thêu của đất nước.

Ông sinh năm 1606, là người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Lê Công Hành đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông (năm 1637), được triều đình bổ dụng. Lê Công Hành được triều đình cử đi sứ nhà Minh, làm Chánh sứ năm 1646 đã để lại nhiều giai thoại vẻ vang cho nước. Do lập được nhiều công trạng, ông được triều đình ban tước Kim tử Vinh Lộc Đại phu, Thượng thư Bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính họ Lê.

Theo các nguồn sử liệu đáng tin cậy và sự phát triển của nghề thêu cổ truyền tại các làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín, cụ Lê Công Hành đã được nhân dân suy tôn là ông Tổ nghề thêu. Hiện tại, với tấm lòng tri ân biết ơn Tổ nghề, nhân dân các làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín đã lập đền thờ Ngũ Xã thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành. Đình làng Quất Động – nơi phối thờ ngài còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong của các triều vua cho ông Tổ nghề thêu. Khu Lăng mộ Lê Công Hành trên đất Quất Động vẫn được con cháu và nhân dân chăm sóc hương khói. Đối với các dòng họ và nhân dân trên địa bàn, ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành là một nhân vật lịch sử có thật, với nhiều công lao, nhất là công lao gây dựng và phát triển nghề thêu rất cần được làm sâu sắc thêm về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp để từ đó tôn vinh đúng mức đối với đức ngài.

Thường Tín với điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi đã tích cực phát huy và phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh. Trên địa bàn huyện có hệ thống các quần thể di tích văn hóa đồ sộ với trên 400 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 123 di tích đã được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 62 di tích cấp thành phố), nhiều di tích văn hóa – lịch sử nổi tiếng như: Chùa Đậu; Đền, bến Chương Dương; Đền thờ Nguyễn Trãi… là những di chỉ văn hóa không chỉ ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân mà đang góp phần tích cực trong phát triển du lịch ở địa phương. Việc nghiên cứu và tổ chức các Hội thảo khoa học vinh danh người có công với nước trong đó có danh nhân Lê Công Hành – ông Tổ nghề thêu trên địa bàn huyện Thường Tín là hết sức cần thiết.

Đoàn Chủ tịch

Thời gian qua, với sự đồng hành khẩn trương, nghiêm túc, chân thành, có trách nhiệm cao của các nhà nghiên cứu khoa học thuộc Viện Nhân học Văn hóa và sự vào cuộc của các doanh nhân là người con quê hương Thường Tín, đặc biệt là doanh nhân Lưu Viết Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Liên minh Quốc gia, thông qua các cuộc đi điền dã, nghiên cứu các khu vực tài liệu, văn bia, sắc phong, bi ký, truyền thuyết dân gian, thành tựu các làng nghề… đã hình thành khá toàn diện thể hiện trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân – ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp. Đây chính là sự cố gắng rất đáng ghi nhận cảu các nhà khoa học của Viện Nhân học Văn hóa và các doanh nhân có tấm lòng đặc biệt với tiền nhân.

Huyện Thường Tín luôn xác định, truyền thống văn hóa – lịch sử chính là nền tảng hết sức quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội toàn diện, bền vững, lâu dài, là hướng đi tất yếu theo đúng sự lãnh đạo của Đảng, nhất là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II ngày 24 tháng 11 năm 2021 mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm Đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình, các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển…” Từ nhấn mạnh của đồng chí Tổng Bí thư, đã cho thấy việc phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống là hết sức cần thiết.

Đối với ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành – người con ưu tú của vùng đất danh hương Thường Tín, đã đến lúc, chúng ta cần phải dành thời gian và trí tuệ, mời các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân làng nghề trong và ngoài địa bàn huyện Thường Tín tham gia nghiên cứu, đánh giá đầy đủ thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Đây là việc làm cần thiết và có ý nghĩa trong phát huy và phát triển các giá trị văn hóa – lịch sử truyền thống, góp phần tạo thương hiệu để phát triển các sản phẩm du lịch nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Lãnh đạo huyện Thường Tín tặng sách các Nhà khoa học

Với đội ngũ các nhà khoa học, trong đó nhiều người là những trí thức tên tuổi chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn như Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quang Long, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, Giáo sư Ngụy Hữu Tâm, Tiến sĩ Phùng Quang Phát, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn, nhà nghiên cứu Tạ Đức, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục, nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ma Lôi… đã dày công dành thời gian và tâm huyết tiến hành đi điền dã và viết các tham luận khoa học đã tạo thành chất lượng của Kỷ yếu để chúng ta tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học Danh nhân – ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hôm nay.

Trên tinh thần khoa học lịch sử, trên tinh thần trân trọng và tôn vinh những đóng góp, công trạng của các danh nhân, danh thần trên địa bàn huyện Thường Tín – thành phố Hà Nội, chắc chắn, Hội thảo khoa học Danh nhân – ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp sẽ là một điểm nhấn quan trọng, một sinh hoạt văn hóa lớn, bổ ích với đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Từ Hội thảo khoa học Danh nhân – ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp sẽ mở ra nhiều hoạt động hữu ích khác, tạo các dấu ấn về văn hóa – lịch sử theo đúng đường lối của Đảng và mong muốn của nhân dân huyện Thường Tín trong tiến trình xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – giàu đẹp.

P.V.K