Đánh rơi – Truyện ngắn của Huỳnh Chí Nghĩa

1051

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ở cái xóm nghèo này chưa bao giờ xảy ra chuyện đó, cũng như con sông trước nhà dù nước lũ những năm lụt lớn có thế nào đi chăng nữa thì chuyện đó cũng không xảy ra. Vậy mà cái điều tưởng chừng như không bao giờ có lại gây nên sự xáo trộn cho mọi người, nhất là những người đã đi qua mấy mùa nước lụt. Vợ chồng ông Tư ra vào như mất hồn. Tô canh lạnh ngắt, gió thổi từng chập vào chén cơm gần như rời rạc ra từng hạt mà không sao nuốt nổi.

Ảnh minh họa – Ảnh internet

Túi hồ sơ xin việc được Nhân chuẩn bị sẵn trước hai tháng khi đến dự lễ trao bằng tốt nghiệp đại học. Đó là cả quá trình phấn đấu không ngừng, vì Nhân biết chỉ có học thật tốt mới mong tìm được việc làm sau khi ra trường, còn nếu không thì về làm ruộng với ba. Vậy thôi!

Buổi sáng, những áng mây trắng trôi nhẹ theo làn gió ban sớm. Tiếng chim ríu rít gọi bầy trên những tán cây cao. Bụi hồng đỏ rực bung hết cỡ đang suy tư về cuộc sống ngắn ngủi này. Giọt sương trong vắt đu mình phía chót lá hứng nắng phản chiếu sắc màu lung linh. Nhân thả hồn mình vào sự bình yên của thiên nhiên trong khi đợi máy tính khởi động để đọc báo và tra tin tức. Giữa những tờ báo chính thống thì đầy dẫy các tờ báo không ai kiểm chứng, mặc sức giật tít với đủ thể loại thượng vàng hạ cám, chỉ nhằm tạo hội chứng đám đông. Chúi mặt vào màn hình máy tính đến chảy nước mắt sống, Nhân tắt máy, bước ra hàng ba múc gáo nước rửa mặt trước khi lên võng nằm lắc lư với quyển tiểu thuyết trên tay.

Lập trình không ai mặc định ấy cứ lập đi lập lại hết ngày này qua ngày khác…

Tấm ảnh “Mùa lũ quê tôi” Nhân rất thích được chụp trong lúc theo ba ra đồng cắm câu. Một bụi hoa điên điển vàng tươi đu đưa theo gió. Ánh mặt trời đang rớt dần về phía Tây vẫn cố níu kéo chút màu lửa trước khi nhường chỗ cho bóng tối bao trùm. Bố cục tấm ảnh được chụp bằng máy cơ, ngược sáng, không xuất sắc nhưng gợi lên trong Nhân nhiều kỉ niệm đẹp của tuổi thơ khi cùng ba mẹ lênh đênh mỗi khi lũ về. Facebook cá nhân được khởi động, thông tin tuyển dụng được đăng bởi tài khoản của bạn bè nằm ngay đầu trang. Nhân chưa vội xem vì đang tập trung vào việc đăng tấm ảnh và nghĩ về thời gian đã xa.

Nhân sao chép hết những thông tin tuyển dụng về máy mà không cần kiểm chứng, bởi Nhân hiểu tận cùng của bế tắt là hạnh phúc, và tận cùng của thất vọng lại là niềm hi vọng lớn hơn. Nhân đứng dậy, bước ra mé sông nằm đưa võng, tay gác lên trán suy nghĩ vu vơ. Học văn nên trí tưởng tượng của Nhân phong phú lắm, cảm giác tiêu cực được cậu vẽ lại với những điều tốt đẹp hơn: “Phải chi hôm nay là ngày thứ sáu thì ngay lập tức mình đã dông thẳng đến nơi gửi hồ sơ và sớm được đi làm. Đi làm, sẽ có tiền để mua một cái áo sơ mi trắng cho ba; xấp vải may áo dài cho mẹ; đãi cả nhà một con gà quay mà lâu rồi bữa cơm gia đình chưa có; vài thứ linh tinh khác và một két bia để ăn mừng. Tiền do chính mình làm ra, không phải xòe tay xin từng đồng ba mẹ cắc củm, gói ghém gửi cho lúc còn đi học”. Đôi mắt Nhân rực lên niềm vui và sự lạc quan như chưa từng có bao giờ!

Sáng nay, Nhân dậy sớm, lựa cái áo sơ mi trắng, quần tây, rồi phóng lên chiếc xe đến địa chỉ cơ quan đã ghi chép cẩn thận trên tờ giấy bỏ trong túi áo. Sau mười lăm phút lấy lại tự tin, những kiến thức có trên gu-gồ, trên giảng đường Đại học được Nhân “nhai đi nhai lại” cho thuộc mấy ngày qua. Trống ngực cứ đập thình thịch…

Một phụ nữ xinh đẹp ngồi trong phòng nhân sự, nước da trắng, đôi mắt có vết chân chim, lông mày rậm những nét kẻ đậm đang cặm cụi trước màn hình máy tính. Nhân ước chừng người phụ nữ này khoảng năm mươi tuổi. Một ý nghĩ của thằng con trai đôi mươi hiện lên trong đầu: “Từng tuổi này mà còn đẹp vậy, chắc lúc trẻ cô đẹp mê hồn lắm đây!”. Nhân mỉm cười và mở lời chào, nhưng người phụ nữ khẽ nghiêng đầu sang một chút, không nhìn Nhân.

– Dạ… con… con đến để gửi hồ sơ xin việc ạ!

Nhân cố giữ bình tĩnh, hít một hơi thật sâu, hai tay đưa sấp hồ sơ và đặt nhẹ lên bàn cho người phụ nữ đang ngồi quay lưng lại mình. Chưa kịp xem trong hồ sơ có gì, người phụ nữ hỏi tiếp với giọng trỏng không:

– Sao biết ở đây tuyển?

– Dạ, con tìm trên gu-gồ biết thông tin này.

– Không quen ai ở đây à?… Mà hồ sơ có gì ở trỏng không?

– Dạ, bộ hồ sơ của con có đơn xin việc, lí lịch trích ngang và bảng điểm của cả khóa học.

Nghe xong, người phụ nữ ngẩng đầu lên.

– Sao lại là bảng điểm mà không phải bằng tốt nghiệp?

– Dạ, con mới ra trường, chưa cấp bằng chính, nên chỉ có bảng điểm của cả khóa học. Nếu cô nhận con vô làm, hai tháng sau con sẽ bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định của cơ quan.

– Cầm hồ sơ mà đi về, khi nào có bằng tốt nghiệp tính sau.

Vừa nói xong người phụ nữ rời khỏi ghế, ấn mạnh sấp hồ sơ xin việc vào tay Nhân, đẩy ra cửa, xua xua tay như kiểu thầy pháp bắt ma đang quơ nhang để đuổi tà. Ngoài trời, nắng đã lên cao, Nhân hụt hẫng dắt xe qua cổng mà không ngoái lại nhìn.

Mỗi một hành trình đều bắt đầu bằng một bước chân, bước chân đầu tiên Nhân bước gập ghềnh quá! Nhưng không sao, thất bại là mẹ thành công mà! Nhân tự an ủi mình khi không xin được việc làm. Cậu không muốn về nhà trong lúc này mà rảo xe một vòng thành phố, ghé công viên kiếm băng ghế đá ngồi mà đếm sự hụt hẫng của chính mình mặc cho tiếng chim hót ríu ran trên triền lá. Giờ tan tầm, xe mỗi lúc một đông, Nhân chạy ngược những dòng xe ấy về nhà trong tình trạng đầu óc rỗng tuếch.

Từ lúc bị từ chối hồ sơ xin việc, Nhân thay đổi hẳn, lúc nào mặt cũng buồn so, làm gì cũng lủi thủi một mình và thích ra mé sông ngồi thẫn thờ như người mất hồn. Dòng sông màu đỏ ngầu phù sa như gột rửa bớt những ưu tư của người học mà không có đất để thực hành. Ông bà Tư lo lắng, hỏi han mà Nhân chỉ đáp lại bằng những tiếng thở dài.

*

Hôm nay, bên kia sông đối diện nhà Nhân lại rộn vang tiếng cười khi đón nàng dâu mới dù đám cưới chỉ đơn sơ có bốn bàn khách là bà con lối xóm. Đám cưới của thằng Bùi Văn Nghèo là đề tài nói mãi không hết của bà Tám không chồng bán bún riêu, trà đá và cà phê đầu xóm. Cái thằng mà đến cái tên là biết cả đời nó khốn khó! Không biết sao ba mẹ nó lại đặt cho cái tên Nghèo? Đám cưới mới có hơn tháng mà bụng con vợ nhú lên tròn vo. Bà Tám được việc thao thao cái miệng:

– Cậu không biết sao, hôm bữa đám cưới đãi có bốn bàn hà, chẳng qua là làm cho có lệ chớ vợ của thằng Mãi Nghèo phải đi cửa sau.

Bà Tám nhướng chân mài tỏ vẻ thích thú khi đổi tên Văn Nghèo thành Mãi Nghèo buông lời bằng một giọng mỉa mai:

– Tụi nó đã ăn cơm trước kẻng được hai tháng rồi… Mà cũng đúng thôi, thằng đó nghèo ba đời nên ai dám gả con cho nó. Nhà ai có con gái cũng phải tìm thằng rể giàu có một chút cho đỡ khổ. Còn không giàu thì cũng sang sang cho nó cân xứng để bằng chị bằng em. Ra đường cũng được hãnh diện khi nói về đám cưới của con mình phải hôn mậy? Thời buổi này, ai cũng vậy mà! Đằng này, bông hoa lài cặm đống cứt trâu, con nhỏ đẹp vậy mà trúng phải bùa yêu của thằng đó mới chết chứ. Nghe đâu ba mẹ nó cấm nên hai đứa làm liều dắt díu nhau bỏ nhà đi mấy tháng rồi tới đâu thì tới!

Mặc bà Tám huyên thuyên, Nhân ừ hử cho qua, bởi tâm trí không còn tập trung gì cho những chuyện vớ vẩn này khi biết chắc đã trượt kỳ thi tuyển phóng viên chỉ vì mấy đứa trúng tuyển lanh tay lẹ chân áp dụng triệt để cái câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Hôm đó, Nhân cũng đã gửi được hồ sơ xin việc tại một cơ quan truyền thông khác. Tỉ lệ chọi như thi Đại học khi chỉ lấy bốn người trong số một trăm thí sinh tham gia dự tuyển. Trước lúc vào phòng thi Nhân đã biết kết quả khi nghe hai đứa dự tuyển chung với mình xầm xì trò chuyện khi ngồi cà phê bên kia bàn: “Tao thấy có mấy đứa tội nghiệp quá, chạy mấy trăm cây số để đến đây. Vô phòng, tao chỉ viết họ tên để điểm danh bởi ba tao nói đã chuyển khoản xong rồi, chín chục triệu, khỏi làm bài thi cử gì hết!”

Nhân đứng lên bỏ về, trên chuyến xe buýt sau buổi thi tuyển căng thẳng Nhân thấy mình như bị lạc lõng giữa đám đông. Chiếc xe chòng chành hết quẹo vô rồi lại quẹo ra, ầm ĩ tiếng cười nói của những người xung quanh, mùi khói thuốc lá và tiếng kêu cạp cạp của mấy con vịt đang bị bó chân nằm trong giỏ xách. Bất chợt ông lão ăn xin đang ngồi đếm tiền cuối xe đưa xấp giấy bạc trước mắt nói giọng như hát: “Có tiền mua tiên cùng được, huống gì mấy xị đế chiều nay… từng tứng tưng từng tưng”. Những người trên xe quay lại nhìn và cười ha hả qua câu nói nghe quen của ông lão ăn mày. Nhân ngã đầu tựa vào cửa sổ, chiếc xe buýt lướt nhanh qua những hàng cây bên đường, tiếng gió thổi ù ù bên tai.

*

Mùa lũ lại về, năm nay con nước lên nhanh, hoa màu, cây trái của bà con bị nước ngập thiệt hại nhiều. Đã lâu, người ta quen với lũ nhỏ thậm chí không có lũ nên chẳng ai đề phòng. Giờ nước về nhiều, về nhanh nên trở tay không kịp, mất trắng. Lâu rồi, Nhân mới có dịp ngồi câu cá dưới mé sông trước nhà như để tìm lại kí ức tuổi thơ. Một mớ cá rô, cá lòng tong đủ để nấu nồi kho quẹt ăn với rau đồng luộc.

Ở cái thời mà lí lịch được người ta soi rất kĩ nên ai ai cũng giấu thiệt kĩ. Lòn lách được thì cứ lòn lách rồi thăng chức vèo vèo như không có chuyện gì xảy ra. Rồi tay mặt, tay trái, lôi lôi kéo kéo những người giống mình mà tạo thế tạo lực để khi gặp chuyện không hay cũng có số đông ủng hộ bằng cả hai tay. Ngày phỏng vấn Nhân, người ta lấp lửng những khoảng bỏ trống kiểu như các trò chơi giấu lại số điểm của một vị giám khảo để công bố cuối chương trình vậy. Nhân biết mình không có phong bì, không quen lớn với ai nên đành phải ngậm ngùi về nhà mà trông vườn nhãn thay ba, cái gia tài duy nhất của ông bà Tư để dành cho cậu cưới vợ.

Nhắc đến chuyện cưới vợ Nhân mới giật mình. Hơn ba mươi tuổi đầu mà ông bà Tư chưa được nghe tiếng bi bô của cháu nội trong nhà. Sau lần thất tuyển, Nhân lăn lộn lên thành phố làm đủ việc trái ngành mà vẫn không lo nổi cho bản thân, nói chi tìm được cô nào vừa ý để cưới về lo chuyện cơm nước. Ông bà Tư dọn ra chợ xã để tiện bề mua bán và ở gần nhà chị Hai. Ba mẹ nhắc Nhân sớm kiếm một cô để có người trông coi trước sau cái phủ thờ ông Nội để lại.

Quầy hàng của ông bà Tư mỗi lúc một đông khách. Có bữa, ông bà bận chuyện đi tới chiều mới về nhưng nhiều người vẫn chờ để ghé mua đồ bởi giá cả vừa túi tiền mà hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng. Mấy người bạn của ông bà Tư cũng thi thoảng đến cửa hàng vừa ngồi uống trà, nhâm nhi ly cà phê, vừa đọc báo, trong đó có mấy bài viết của cộng tác viên như Nhân phản ánh những cái không hay trong cuộc sống, từ chuyện thất nghiệp của sinh viên khi ra trường bởi việc đào tạo của các trường Đại học chạy theo số lượng mà không quan tâm đến nhu cầu xã hội, đến những tiêu cực trong việc tuyển chọn nhân sự khi phải lót tay mới có được việc làm, người nông dân trồng hoa màu phun thuốc trừ sâu quá nhiều ngay khi thu hoạch để bán cho thương lái… Đọc những bài viết của con mình viết, ông bà Tư vừa mừng, vừa lo, không khéo sẽ vạ lây cho gia đình thì khổ. Mấy lần ông bà Tư gọi Nhân ra chợ để cấm không viết nữa. Nhân lầm lũi ra về khi ba mẹ cũng không ủng hộ mình lên tiếng trước những bất công.

Căn phòng Nhân ở có một góc nhỏ dừng vách kín để Nhân hát mà không ảnh hưởng đến bên ngoài. Một góc khác đặt ngay cửa sổ, phía ngoài có mấy chậu hoa hồng màu trắng, tạo thêm nhiều cảm hứng mỗi khi sáng tác. Băng ghế đá bên hiên nhà cũng là nơi Duyên về thăm, hay ngồi bên góc nhỏ ngắm nhìn vào như để ôn lại kỉ niệm đẹp lúc hai người gặp nhau trong lần cô đi thực tập tại đây. Lần chạm mặt đầu tiên ấy Nhân đã bị Duyên hút hồn bởi nước da trắng như bông bưởi, sóng mũi cao, thẳng và đôi mắt to long lanh cùng má lúm đồng tiền duyên dáng mỗi khi cười. Những ngày yêu nhau đã nhiều lần Duyên nhắc đến chuyện cưới xin, nhưng Nhân cứ ừ hử cho qua bởi thấy mình chưa có nghề nghiệp, công việc ổn định để xây dựng một gia đình nhỏ.

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”. Mỗi khi xỉn Nhân đều hát bài này của Trịnh Công Sơn. Nghĩ cũng lạ sao cậu không hát bài nào khác của ông mà chỉ duy nhất “Một cõi đi về” như thế. Có lẽ đây là cái việc làm thành công nhất của Nhân khi được sống với điều mình thích, không phải “đúng cũng dạ mà sai cũng dạ”, rồi tung hê lên như kiểu “đời bỗng dưng vui” một cách giả tạo mà nhiều người cứ phải sống như bàn tay lật qua lật lại, nắng bên nào che bên đó. Nhớ những ngày còn là sinh viên, nhờ chất giọng trầm ấm ngọt ngào mà Nhân đạt giải ở các cuộc thi, mỗi đêm cậu cũng kiếm được vài trăm ngàn bên xe kẹo kéo thay vì đứng trên sân khấu ca nhạc để nhận tiền thù lao. Nhân không thể đánh đổi nhân cách của mình, không thể bán thân để bước lên sàn diễn. Khoảng tích góp từ những trang viết cộng tác cho báo chí cũng đủ để Nhân phụ tiếp ba mẹ ở quê mà hoàn thành bốn năm đại học của mình.

Mặt trời buổi sáng lẻn vào phòng, rọi thẳng vào mặt. Nhân với tay đẩy cửa sổ, tâm hồn văn nghệ sĩ của cậu bị mấy bụi hồng bên vách nhà trổ bông cuốn ra ngoài đó. Những cánh hoa đỏ rực, đùa giỡn dưới nắng sớm như gợi nhắc về Duyên. Tối qua, Nhân cũng gặp Duyên trong giấc ngủ. Một đám cưới nhà quê được tổ chức khi đàn trai qua rước dâu bằng xuồng ba lá. Hai bên họ hàng dành lời chúc tốt đẹp cho đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc!

Nhân rời khỏi giường, lâu rồi cậu mới thức sớm như vậy. Nhân bước ra quán uống li cà phê cho tỉnh táo, sẵn tiện nghe bà Tám nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Bà Tám pha cà phê, một màu đen đặc quánh được đổ vào li, thêm chút đường và nước đá. Nhân nghĩ trong đầu: “Bắp hay đậu nành rang khét có pin đây? Thôi kệ, riết rồi cũng quen, không có không chịu được! Có chết thì cũng lâu nữa mới chết chớ ngã ra liền đâu mà sợ!” Bà Tám ngồi gác chân trên cái ghế mủ, buồn xo, nhìn ra hỏi:

– Qua nay mầy đi đâu mất tiêu vậy?

– Con lên Sài Gòn.

– Mần giống gì ở trển?

– Bí mật Tám ơi.

– Nhìn cái mặt hí hửng của mầy chắc là trúng số, đi du lịch chứ gì.

– Hơn vậy luôn.

Bà Tám bước nhanh ra, vỗ vay Nhân.

– Vụ gì kể tao nghe coi.

– Chừng nào tới thì Tám biết.

– Đừng có nói là mầy cưới vợ đó nghen.

– Sao Tám hay vậy?

– Tiền cà phê của tao còn có bữa hông trả, cưới vợ rồi cạp đất ăn hén!?

– Không đâu Tám, con biết làm ăn mà. Ủa, Sao quán hôm nay vắng vậy Tám?

– Sáng nay, mấy ông làm từ thiện hay uống cà phê ở đây đi xin cái hòm để chôn hai cha con thằng Nghèo, nó chết rồi.

Nhân nhỏm đít lên.

– Ủa, sao vậy Tám? Hôm kia con còn thấy vợ nó bồng thằng nhỏ xuống sông tắm mà, bộ té nước chết trôi hả?

– Đâu phải chết đuối, vợ chồng coi thằng con làm sao không biết mà để nó té từ trên giường xuống đất, sưng đầu sốt mấy ngày liền. Tụi nó đi ra nhà thương bác sĩ nói thằng nhỏ phù não, máu bầm ứ nhiều cần phải phẩu thuật.

– Vậy sao vợ chồng nó không đưa thằng nhỏ đi phẩu thuật mà để chết như vậy?

Bà Tám kéo vạt áo lên chùi nước mắt.

– Thằng nhỏ số chết. Hôm bữa thằng Nghèo có qua đây hỏi mượn Tám hai chục triệu để đi nhà thương, mà tao đâu có tiền, nên chỉ nó ra chợ vay. Nghe đâu vay được rồi nhưng trên đường về làm rớt mất, vợ chồng nó cãi vả nhau dữ lắm. Nợ người ta không tiền trả, mà phẩu thuật cho con cũng không kịp luôn. Khi thằng nhỏ chết, hai vợ chồng quẩn trí cũng tự tử theo, hên là con vợ được hàng xóm phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời. Chỉ tội thằng Nghèo uống thuốc quá nhiều, không qua khỏi.

Nói tới đây, bà Tám im bặt, hai hàng nước mắt chảy dài. Nhân cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, lạnh ngắt. Trong đầu Nhân những hình ảnh rối ren đang nhảy nhót, vạch trần: “Cha con thằng Nghèo chết… Bọc tiền đánh rơi trên đường… Chiếc nhẫn hai chỉ vàng mười tám Nhân mua hôm qua đem lên sài Gòn tặng cho Duyên… Lời hẹn tháng sau cưới…  Chiếc giường nệm trắng, tấm drap hồng hai người người nằm bên nhau…  Cha con thằng Nghèo tội gì mà chết?… Không, không phải tại mình… Không phải tại mình…”  Nhân lảo đảo đứng lên, lao nhanh đi mà quên trả cho bà Tám tiền cà phê và thuốc hút.

*

Bạn hàng ngoài chợ truyền tai nhau rủ đi xem khám tử thi. Họ bàn tán xôn xao trước cái chết của nạn nhân khi có nhiều vết xước trên cổ, đồ đạc bằng thủy tinh vỡ nát, vung vãi dưới đất và một hộp thuốc paracetamol mở nắp. Cuốn nhật kí trên bàn còn chưa khép lại.

Chúng tôi yêu nhau gần chục năm rồi, bên nhà em cứ hối phải cưới, nếu không thì… Tôi không biết đến ngày nào thì tôi cưới em? Em gọi điện cho tôi, ba mẹ em sẽ gả em cho người ta… Tối hôm kia, tôi đã nhậu với thịt chó. Lần đầu tiên trong đời tôi ăn thịt chó, cái mùi hăng hắc mà người ta khen ngon… khủng khiếp này… làm tôi đã nôn thốc nôn tháo trên đường đi làm về. Tôi ói ra mật xanh bên lùm cây khi chiếc xe gắn máy của ai đó chạy vụt qua… Rượu bia trong người tôi cũng nhanh chóng tan hết khi tôi thấy trên đường cái bọc ni lon màu đen ấy…”. Cùng trên trang giấy trước đó một tuần chỉ hai dòng ngắn ngủi: “Không ai cho mình cơ hội nào sao? Đến ba mẹ cũng không đồng ý nữa là sao?”. Trang cuối cùng với những dòng chữ được viết vội vàng, lem luốc, có lẽ những giọt nước đã tuông xuống đêm qua. “Mình yêu nhau mấy năm rồi, giữ gìn cho nhau mấy năm rồi, vậy mà đêm qua em đã dâng hết cho anh, anh vui khi tháng sau mình sẽ cưới… Nhưng giờ thì không còn gì nữa, không còn gì nữa… Anh là kẻ giết người… Là kẻ tham lam… Anh không xứng đáng với em… Anh xin lỗi em… xin lỗi em… kiếp sau anh tạ tội này…

Bà Tám đang pha cà phê cũng buộc miệng nói với ra chỗ mấy ông khách đang bàn luận về cái tang chết lặng ở nhà ông Tư.

– Nó chết mà còn thiếu tao tiền li cà phê và hai điếu thuốc hút.

H.C.N