“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”

204

Đặng Bá Tiến

(Nhân đọc “Ru lá vào đêm” của Nguyễn Minh Thuận, NXB Phụ nữ 1.2024)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền – vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).

Nguyễn Minh Thuận

Những bài thơ tức sự, tức cảnh, hay những suy ngẫm về cuộc sống, lẽ đời của anh thường ngắn, nhưng ý tứ sâu xa, thâm trầm, ngôn ngữ, cấu tứ của bài thơ khá chuyên nghiệp khiến người đọc, trong đó có nhiều nhà thơ đã thành danh thích thú, khen ngợi. Khi anh còn làm Giám đốc Sở Tư Pháp, tôi đã khuyên: nên in một tập thơ. Nhưng anh chỉ cười cười, nói rằng: Em làm thơ cho vui thôi, khi nào nghỉ hưu, nếu thuận trời, thuận đất em sẽ in.

    Năm 2022 Nguyễn Minh Thuận nghỉ hưu. Nhưng chưa kịp chọn được thời điểm thuận trời thuận đất để in tập thơ riêng, thì bất ngờ… anh phải rời bỏ thế gian! Cúi đầu, ôm mối đau thương vò xé tâm can, tuôn biết bao nước mắt xót xa, lo tang sự cho chồng xong, ngẩng mặt nhìn lại mình, nhìn lại con, nhìn lại mối tình duyên hơn 22 năm gắn bó keo sơn với Nguyễn Minh Thuận, người vợ hiền, hết mực yêu thương chồng, chợt nhận ra: chồng mình không hề đi xa, anh vẫn còn đây, mãi mãi trong vợ con, trong những bài thơ anh đã viết – những bài thơ ấy vẫn còn trong thế gian này, bởi cái tình thiết tha của anh với cuộc đời và cái tình thương mến của bao người đối với anh. Và thế là cô giáo Hiền tập hợp các bài thơ của chồng (dù chưa đầy đủ), nhờ bạn bè giúp đỡ để cho ra mắt tập thơ “Ru lá vào đêm” mà bây giờ nhiều người đang được nâng niu trên tay. Thay chồng cho ra đời tập thơ này, cô giáo Hiền chỉ có một mong ước: “…các cô chú, anh chị, các bạn đã cùng tôi và gia đình nhớ về anh Thuận khi đọc tập thơ “Ru lá vào đêm”. Tôi không biết thiên đường thực sự có hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng, anh Thuận đang sống trong ký ức của người thân và bạn bè”.

    Tập thơ “Ru lá vào đêm” có 55 bài, hầu hết là những bài thơ ngắn, chỉ 4 đến 8 câu. Mỗi bài là một cảm xúc bất chợt của Nguyễn Minh Thuận khi được hòa mình vào thiên nhiên, được chiêm ngắm vẻ đẹp của đất trời quê hương; là tình yêu với vợ con; những nỗi niềm, những băn khoăn, trăn trở về cuộc sống, nhân tình thế thái mà quá trình sống, trải nghiệm anh bất chợt nhận ra và ghi lại bằng thơ, theo quán tính tâm hồn của một đứa con vùng đất thơ Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh – quê hương của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Không chủ ý làm thơ, nhưng ta thấy trong thơ anh hiện lên tất cả những gì mà con người quan tâm. Chẳng hạn về vấn đề môi trường, sự vô cảm của người đời trước số phận của đồng loại (trang 12), anh viết: “Đất khóc bạc phận đất/ Tuôn sông dài biển khơi/ Núi khóc dựng vách đá/ Mẹ bồng con giữa trời/ Rừng khóc cây nghiêng ngã/ Gió nghẹn lòng thung sâu/ Những trái tim gỗ đá/ Người có còn khóc nhau”. Ca dao đã nói về sen, đã nêu một bài học lớn về nhân cách làm người “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nhưng đứng trước sen, suy ngẫm về sen (trang 16), Nguyễn Minh Thuận có thêm một triết luận cũng thật sâu sắc và nhân văn: “Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ không bùn thì cũng chẳng thành sen đâu”. Quả là ở đời không có “bùn”, không có những người lao động lam lũ, thì làm sao có những kẻ quyền quý, cao sang; không một người chân chính nào trưởng thành mà không phải trải qua những ngày phấn đấu rèn luyện gian khổ… Sống trong cõi nhân gian người ta thường toan tính đủ điều, rồi nhiểu người bất lực, oán hận thốt lên “chẳng hiều đời này ra sao nữa”. Nhưng có một điều người ta ít nghĩ tới, đó là muốn hiểu đời trước tiên cần hiểu mình, có hiểu mình mới có thể đưa ra những quyết định đúng, việc làm đúng để thành công trong cuộc sống. Nguyễn Minh Thuận nói về điều này thật minh triết: “Toan tính, bán mua, mưu cầu danh lợi/ Ta là ai kiếp người cát bụi/ Nổi trôi trong cõi phù sinh?/ Sao hiểu được trần gian khi không hiểu chính mình”. Sống trong cõi nhân gian này, điều quan trọng không phái là chức tước, địa vị, tiền bạc, bẻm mép… mà cái đáng quý hơn là hiểu được, thấm thía và chia sẻ được những nỗi niềm của nhân gian. Đấy cũng là điều anh gửi gắm trong bài thơ Nhân sinh (trang 21): “Hãy cúi xuống mặt đất/ Thấm nỗi đau nhân tình/ Đọc thêm vài trang sách/ Hiểu hơn kiếp nhân sinh/…/ Đừng mải mê danh lợi/ Chức tước chỉ phù vân/ Sống sao đừng để lại/ Vết nhơ trong cõi trần”. Và vì thế Nguyễn Minh Thuận luôn luôn biết soi mình vào thiên nhiên, soi mình vào cuộc đời, truyền thống quê hương để sống và vươn lên. Đấy là lối sống của một người hiểu mình, biết người, biết ta. Phải chăng vì thế mà anh nuôi dưỡng được cho mình một tâm hồn thanh tịnh, nhuần nhị để có thể cùng hòa mình vào thiên nhiên, cùng mê đắm, thổn thức với vạn vật, cây cỏ như trong hai bài thơ Vườn đêm 1, 2 của anh (trang 22, 23): “Vườn lặng im ướt đẫm sương đêm/ chợt bừng dậy hăng nồng mùi đất/ cỏ non xanh trải thảm mượt mềm/ lênh láng vàng tuôn trăng rót mật/ đất trời vào cuộc giao hoan/ gió rít từng cơn chất ngất/ sỏi đá tìm tan vào nhau…”;  “Tiếng tắc kè nhịp đôi khắc khoải/ dế hát điệu gì nghe buồn mê mải/ bìm bịp buông nỗi đau đáu vào sương/ tiếng đất thầm thì/ ru lá rụng vào đêm”.

     Chùm thơ Thuận viết tặng vợ và chùm thơ viết tặng các con cũng là hai chùm thơ gây được xúc động với tôi mỗi lần đọc. Bài thơ Thuận tặng vợ mùa giáng sinh năm 2008 (trang 43) thật chân thành, nồng nàn yêu thương; bởi Thuận nhận ra từ khi có vợ, cuộc đời như chuyển sang trang mới đầy tươi vui, ấm áp, có vợ như là “Chạm vào nốt nhạc trần gian/ Bản tình ca vang ngân/ Mùa đông không còn lạnh nữa/ Em bình dị mà nồng nàn như lửa/ Dịu dàng như một đức tin/ Anh dọn lòng mình thành máng cỏ/ Em đến bên đời anh, Giáng Sinh”. Viết được những câu thơ: “tiếng đất thầm thì/ ru lá rụng vào đêm”, “Anh dọn lòng mình thành máng cỏ/ Em đến bên đời anh, Giáng Sinh”, đủ để khẳng định năng lực cao trong sáng tạo thi ca của Nguyễn Minh Thuận.

     Như hầu hết người đời, yêu thương con là chăm sóc, vỗ về, dạy bảo con yêu quê hương, sống có nghĩa có tình, biết vươn lên khi vấp ngã… nhưng cái khác của Nguyễn Minh Thuận là dạy con bằng những bài thơ thủ thỉ, êm ái, chan chứa tình cảm, dễ dàng thấm vào gan ruột các con như mật ngọt (trang 45): “Con ơi! Nghi Xuân quê ta/ Nơi phần mộ ông bà con ở đó/ Bươn bả mãi vẫn chưa qua nghèo khó/ Phận người lam lũ quanh năm/ Sau này đi đâu con nhớ về thăm/ Ăn củ khoai lang/ Uống bát nước chè xanh đậm tình làng xóm/ Con sẽ hiểu những nhọc nhằn đã nuôi mình khôn lớn/ Sẽ thấy mình vững tâm…

   “Ru lá vào đêm” có nhiều bài hay, câu thơ hay, thể hiện sâu sắc tình cảm của Nguyễn Minh Thuận với cuộc đời, quê hương, vợ con, bạn bè, nhưng trong khuôn khổ của bài báo ngắn này tôi không thể giới thiệu và trích dẫn hết, chỉ xin dừng lại ở bài thơ “Vô ngôn thư” (trang 32) sau đây; bởi theo tôi, bài này thể hiện rõ nhất tấm lòng, tâm hồn và phẩm chất thi ca của Thuận: “Về vườn đọc “vô ngôn thư”/thấy tức tưởi nhú mầm trong đất/ khao khát tự do bật ra từ chồi biếc/ an ủi vỗ về của những nụ và hoa./ Bao mưu toan ủ kín kén hiền hòa/ những hiểm họa dập dìu muôn cánh bướm/ loài cỏ dại âm thầm dàn thế trận/ đất rộng lòng muôn thuở vẫn bao dung./ Cả một vườn chữ nghĩa xô nghiêng/ câu thanh, tục chập chờn hư ảo/ lặng lẽ đọc tiếng côn trung huyên náo/ đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”. Vâng, thực tế cuộc sống sẽ “đánh thức” chúng ta, cho ta nhận thức đầy đủ nhất về mọi điều; cho ta nhận biết rõ ràng nhất về sự đúng sai, về người tốt, kẻ xấu; cho ta tìm ra chân lý hơn cả ngàn trang sách hay lời nói lý thuyết suông!

         Đ.B.T