Đào An Duyên – Nước mắt chảy xuôi

1852

05.10.2017-18:30

Nhà văn trẻ Đào An Duyên

 

Nước mắt chảy xuôi

 

ĐÀO AN DUYÊN

 

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con…”

                                (Chế Lan Viên)

 

NVTPHCM- Cuộc đời có những lẽ tự nhiên trở thành quy luật, thậm chí trở thành triết lý sống, trong đó có lẽ đời “nước  mắt chảy xuôi”.

 

Con là đứa con đầu lòng của mẹ, đứa cháu đầu tiên của một chi họ. Vậy nên thông thường, tất cả mọi người sẽ chờ đón một đứa “đích tôn”, nhưng mẹ bảo mẹ vẫn mong đứa con đầu lòng của mẹ là con gái, để sau này “mẹ con chấy rận có nhau”. Con là đứa trẻ khó nuôi, ngay từ khi trong bụng đã làm khổ mẹ. Mẹ sinh con trong một ngày đầu đông hiu hiu gió bấc, mình mẹ vật vã với cơn đau. Vậy mà khi bà đỡ bảo “Con gái, dài rộng, xinh lắm em ạ!” mẹ quên hết đớn đau, hân hoan hạnh phúc. Con sài đẹn, dặt dẹo như củ khoai dãi, cũng mình mẹ lặn lội hang cùng ngõ hẻm, vái tứ phương, ai bày gì làm nấy để níu con lại.

 

Ngày ấy cái ăn không đủ, mẹ kể về ngày mẹ ở cữ, bà ngoại lúc ấy đã rất già, lưng còng, chống gậy lặn lội trong mưa phùn mùa đông bưng cho mẹ một bát cháo nấu với miếng móng lợn bà xin được từ một đám hội hè nào đó, bà ngoại bảo mẹ ăn đi để lấy sữa cho con bú. Đó là bữa ăn ngon nhất, thịnh soạn nhất của mẹ trong suốt thời gian nuôi con thơ… Ông ngoại con mất từ khi mẹ còn nhỏ, đến năm con lên hai thì bà ngoại cũng theo ông, chỗ dựa tinh thần cuối cùng của mẹ mất nốt, khi ấy mẹ cũng chỉ ngoài hai mươi tuổi… Con tự hỏi mình, con sẽ ra sao nếu ở trong cảnh ấy…

 

Vậy mà mẹ vẫn một mình xoay sở, con ba tuổi thì có thêm em. Mẹ bảo ngay từ nhỏ con đã rất thương mẹ, biết trông em, biết giúp mẹ việc nhà…Tuổi thơ của chúng con như bao đứa trẻ nhà quê khác, lớn lên trong nắng mưa lam lũ vất vả, nhưng nhờ mẹ mà chúng con chưa một ngày thiếu thốn. Mẹ không chỉ nuôi nấng chúng con, mà điều quan trọng là mẹ còn dạy chúng con biết tự lo cho bản thân mình…

 

Chị em con trưởng thành, có gia đình riêng, lần lượt sinh con đẻ cái. Mỗi đứa cháu ra đời, mẹ gác việc nhà nông, quáng quàng chạy đến, lo việc này, việc nọ, rồi lại vội vã đi, cũng nhanh như lúc đến. Thỉnh thoảng về thăm mẹ, mẹ lại tất bật nấu món này, dọn món kia, thương “chúng nó cái gì cũng phải mua ở chợ, không ngon như đồ mẹ tự làm”. Khi nào về, mẹ cũng nấu nồi nước lá thật to để con cháu tắm gội cho thơm mát. Những đêm được ngủ trong ngan ngát hương lá vườn, đầu óc con nhẹ nhõm biết bao nhiêu…

 

Thỉnh thoảng, chúng con lại nhận được quà của mẹ. Mẹ tự trồng trọt, chăn nuôi, mẹ chắt chiu từng quả trứng, rồi gói từng nắm đỗ, xay từng bao lúa, làm thịt gà, cá mắm… gói gói túm túm, lặn lội cả đi cả về một chặng xe bus hơn 50 cây số mang ra bến xe liên tỉnh, gửi một chặng xe đò nữa mới đến tay con. Thương chúng con đi làm vất vả, con cái còn nhỏ không có thời gian, mẹ sơ chế thức ăn, để “chúng nó chỉ việc nấu lên ăn thôi”…Nhìn chỗ quà mẹ gửi, lòng con se thắt.

 

Ngày nhỏ mẹ dắt con ra chợ, các bà các cô bảo: “Mẹ đẹp mà sao đẻ con xấu thế!”. Con cười toe nhe răng sún, còn mẹ đáp lại: “Con gái tớ xinh nhất”. Ngày con thành thiếu  nữ, cùng mẹ ra chợ, các bà các cô bảo: “Mẹ đẹp đẻ con xinh”, con cười, mẹ cũng cười đáp lại: “Con gái tớ xinh nhất”. Giờ con cùng mẹ ra chợ, các bà các cô bảo: “Mẹ xấu mà đẻ được cô con gái xinh thế”. Mẹ vẫn cười thật tươi đáp lại: “Con gái tớ xinh nhất”. Còn con giấu nụ cười xót xa trong chiều mưa rất muộn, vì hiểu rằng sau tất cả những gì đã trải qua của cuộc đời một con người, thời gian đã lấy đi tất cả. Và con, đang chạy đua cùng thời gian, để níu lại những gì thuộc về thời gian…

 

Ngày xưa bà ngoại đã yêu thương mẹ, rồi mẹ yêu thương chúng con, rồi chúng con lại yêu thương các cháu của mẹ. Đó là món nợ đồng lần mà những thân phận đàn bà chúng ta nợ lẫn nhau trong suốt kiếp con người. Đó cũng là lẽ đời “Nước mắt chảy xuôi”.

 

Ơn mẹ đã sinh ra con da trắng tóc dài. Ơn mẹ đã sinh ra con biết dịu dàng an phận. Nhưng trên hết cả, ơn mẹ đã yêu thương con, để giờ đây, con biết yêu thương con cái của mình…

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…